Bài Mới

02Thiên Chúa là tinh thần thuần túy, điều đó có nghĩa là Ngài không có thể lý. Thiên Chúa không là nam cũng không là nữ, không phải nam tính cũng như nữ tính. Thiên Chúa không có giới tính. Con người và con vật thì có giới tính bởi vì chúng ta không sinh sản một cách vô tính. Người nam và người nữ cần đối tác của mình để sinh sản. Người nam và người nữ bổ túc cho nhau vì không giới nào có được sự đầy đủ của nhân tính. Chúng ta thì bất toàn về chính mình. Chúng ta cần những người khác. Thiên Chúa không cần bất cứ ai khác. Thiên Chúa hoàn hảo và là sự đầy đủ của hiện hữu.

Vậy tại sao chúng ta sử dụng đại từ “Ngài” của nam giới để gọi Thiên Chúa và nói Thiên Chúa là một “nam nhân”? Câu trả lời vượt quá yếu tố văn hóa hay truyền thống phụ hệ. Kitô giáo Công giáo, giống như tất cả các tôn giáo khác của Kitô giáo (Tin Lành hay Chính Thống giáo Đông phương), tin tưởng một cách chắc chắn vào giáo lý Thiên Chúa Ba Ngôi. Mặc khải thần linh của Thiên Chúa đã cho biết có Thiên Chúa, nhưng chỉ có một Thiên Chúa (chủ thuyết độc thần) mà Ngài có Ba Ngôi: ba ngôi vị trong một Thiên Chúa (chủ nghĩa ba ngôi/ trinitarianism). Đó là Thiên Chúa, Đấng mặc khải chính Ngài như là Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thánh Kinh được xem như linh hứng và mặc khải đã viết lời của Thiên Chúa. Thánh Kinh sử dụng đại từ “Người” bởi vì Thiên Chúa cũng mặc khải vai trò làm cha của Ngài trong Tân Ước. Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, mặc khải tư cách làm con của Ngài trong Tân Ước. Chúa Thánh Thần được mô tả như bạn đời của Đức Trinh Nữ Maria qua việc người thụ thai cách nhiệm mầu và sinh ra Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần cũng được nhắc đến với danh xưng “Người” như Đức Maria là “bà.”

Vì Kitô giáo tin tưởng một cách chắc chắn rằng Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, nên việc sử dụng giới tính nam hoặc đại từ thuộc nam giới không bị xem như hình nhân thuyết. Điều này được mặc khải. Nhưng chỉ có Ngôi Hai trong Ba Ngôi (Chúa Giêsu) đảm nhận bản tính nhân loại và Ngài có một thân xác nhân loại (đàn ông) thực sự. Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần không có thể lý. Tuy nhiên, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm ba ngôi phân biệt nhưng không tách biệt. Vì vậy, những gì tác động đến một ngôi vị thị cũng tác động tới cả ba ngôi vị, và ngược lại.

Tuy nhiên, người nam không thể giải thích sai điều này khi cho mình nhiều lợi thế hơn người nữ. Sách Sáng thế ký (cuốn sách thứ nhất trong Thánh Kinh) nói cho chúng ta biết: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27).  Điều này có nghĩa là người nam và người nữ bình đẳng nhau trước mắt Chúa. Mặc dầu có những khác biệt về thể lý và tình cảm giữa hai giới, song về mặt tâm linh, nam giới và nữ giới lại giống nhau. Sử dụng đại từ của giới tính nam “Ông hoặc Ngài” khi nói đến Đấng Toàn Năng thì không gì hơn việc thừa nhận mối tương quan về mặc khải của Thiên Chúa như là Cha, Con và Thánh Thần. Những người cố gắng sửa đổi mang tính chính trị hoặc sử dụng những thuật ngữ mới mẻ như “Thiên Chúa là mẹ chúng ta” hoặc những người nói về Chúa Thánh Thần như là “Bà” thì rơi vào sai lầm của thuyết hình nhân.

Tương quan vợ chồng giữa người chồng và người vợ cũng như mối tương quan giữa người nam và người nữ được thấy trong Thánh Kinh. Thiên Chúa được mô tả như người bạn đời trung tín, và Israel là cô dâu thường bất trung. Bất cứ khi nào người Do Thái sùng bái ngẫu tượng và thờ phượng các thần ngoại, thì bị xem như là phá vỡ giao ước giữa Thiên Chúa và dân được tuyển chọn. Không phải là ngẫu nhiên mà việc kết hôn giữa một người nam và một người nữ, qua đó họ trở thành vợ chồng, cũng được gọi là một giao ước. Thậm chí Thiên Chúa nói với ngôn sứ Hô-sê đi cưới một cô gái điếm, Gomer, tượng trưng cho mối tương quan giữa Thiên Chúa tín trung và dân Israel bất tín. Dù có bao nhiêu lần nàng bất tín, ngôn sứ vấn đưa nàng ấy trở về. Ông không bao giờ ngừng yêu thương và tha thứ cho nàng. Tương tự như vậy, Thiên Chúa tín trung không bao giờ bỏ rơi hoặc từ bỏ người bạn đời bất trung của Ngài, họ là con cái của Abraham. Mối tương quan phu thê của Thiên Chúa như chàng rể và dân được tuyển chọn như nàng dâu đòi hỏi những đại từ như “chàng” và “nàng” chỉ để giữ những điều ấy trở nên hợp lý hơn.

Chính Chúa Giêsu trong Tin Mừng của Tân Ước được mô tả như tân lang và Giáo hội như tân nương của Ngài. Xét về mặt sinh học, Ngài là nam giới; còn trong thiên tính, Chúa Giêsu không có giới tính tự bản chất (bởi vì Ngài là Thiên Chúa thật và Con Người thật). Thế nhưng, đại từ “Ngài” được sử dụng không chỉ bởi vì nhân tính của Ngài mang tính chất đàn ông nhưng còn tâm hồn bởi vì Chúa Giêsu, như thánh Phao-lô nói (Ep 5,25), yêu Giáo hội như chàng rể yêu nàng dâu.