Bài Mới

1) Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

 

2) Kinh Sáng Soi: Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

 

Thánh thi.

 

Đoàn áo trắng, mau chỉnh tề hàng ngũ,
Đã vượt qua Hồng Hải thật diệu huyền,
Hãy tiến vào dự yến tiệc Con Chiên,
Dâng lên Đức Ki-tô lời ca ngợi !

 

Cùng nếm thử, nào anh em ta hỡi
Thánh Thể Ngài trên thập tự hiến dâng,
Uống cho say ly bửu huyết đỏ hồng
Để ta sống cho Chúa Trời mãi mãi.

 

Ôi phúc cả ! Đêm dài Vượt Qua ấy
Lúc thiên thần chinh phạt khắp dân Ai,
Bỗng vùng lên đoàn dân thánh của Ngài,
Thoát xiềng xích Pha-ra-ô độc dữ.

 

Chiên Vượt Qua là Ki-tô Đức Chúa
Đổ máu đào vô tội cứu sinh linh,
Này bánh không men nuôi dưỡng lòng thành,
Hồn trinh trắng khỏi sa vòng tục luỵ.

 

Ôi Tế Vật từ trời cao giáng thế,
Duy mình Ngài phá vỡ ngục âm ty,
Bao tù nhân, Ngài giải phóng đưa về
Rồi ân thưởng phúc trường sinh bất diệt !

 

Tử thần hỡi, từ đây ngươi đã chết
Lúc Con Người ra khỏi mộ hiên ngang,
Chúa phục sinh khi mở cửa thiên đàng
Đã ra lệnh giam ngươi vào ngục tối !

 

Ôi Giê-su, chúng con hằng mong mỏi
Ngài trở thành niềm hoan lạc Vượt Qua.
Đã tái sinh thì xin lượng hải hà,
Cho gia nhập đoàn hùng binh chiến thắng !

 

Muôn vinh hiển, dâng lên toà cao sáng,
Kính tôn Cha và Thánh Tử phục sinh
Hằng trị vì cùng với Chúa Thánh Linh
Từ muôn thuở đến thiên thu vạn đại.

 

3) Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

 

“Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!” (Ga 20,19).

 

4) Suy niệm:

 

Quý Ông Bà và Anh Chị Em cùng các Cháu thân mến,

 

Lời Chúa hôm nay được trích từ Tin Mừng Phục Sinh của thánh sử Gioan thuật lại. Câu truyện kể về biến cố Chúa hiện ra với các môn đệ, nhưng lần này không có sự hiện diện của Tô-ma. Thời gian của câu truyện được thánh sử Gioan nói rõ là vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nghĩa là vào chiều ngày Chúa Nhật.

 

Yếu tố thời gian này cũng thật hay, vì đến hôm nay các tín hữu luôn chú trọng đến ngày Chúa Nhật là ngày của Chúa cần được nghỉ ngơi, đến nhà thờ để thờ lạy và cảm tạ Chúa trong Thánh Lễ. Đặc biệt ngày Chúa Nhật luôn gắn liền với tinh thần của Chúa Phục Sinh.

 

Tiếp đến câu truyện diễn tả khung cảnh: khi các môn đệ họp lại với nhau, thì “các cửa đều đóng kín”, vì các ông sợ người Do-thái. Như thế, hai yếu tố đi chung với nhau: “sợ hãi và đóng lại”. Đó là điều thuộc về đời người, khi gặp thử thách và khi rơi vào khủng hoảng cũng như khi bị đe doạ. Nhưng ở đây, chúng ta nhớ lại lời của Chúa Giê-su đã nói với các môn đệ trước đó: Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).

 

Trong bối cảnh đó, điều gì diễn ra? Thánh sử của Tin Mừng thứ 4 đã viết rằng: “Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!” Các cửa đều đóng kín, nhưng Chúa Giê-su lại đến được với các môn đệ và đứng giữa các ông. Đó là dấu chỉ Chúa Giê-su Phục Sinh có thể vượt qua và đi xuyên suốt qua những nơi mà bình thường con người không thể làm được, nếu cửa không mở ra.

 

Hình ảnh trên đưa lại cho chúng ta một sứ điệp Phục Sinh quan trọng: không có đe doạ và nguy hiểm gì có thể “cản bước” và “cách ly” Chúa Giê-su Phục Sinh cả. Chúa sẽ đến với chúng ta, dù chúng ta phải sống trong hoàn cảnh bị cô lập, bị cách ly trong hoang mang lo sợ. Chúa có thể xuyên suốt qua “cánh cửa” đã đóng để đến với chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta cần mở “cánh cửa tâm hồn” của mình ra cho Chúa.

 

Đừng bao giờ đóng lòng mình lại trước Chúa!

Vì Chúa luôn muốn đến ở lại với chúng ta!

Lúc đêm khuya và bóng tối phủ xuống,

hay khi ánh mặt trời ló rạng chiếu soi ngày sống.

Vâng, cả năm canh sáu khắc của ngày sống, Chúa đều muốn đến

và ở lại với chúng ta.

 

 

Chúa đến và đứng ở giữa các môn đệ. Điều đó cho chúng tay thấy rằng: Chúa chính là trung tâm điểm của cuộc sống. Dù cả nhân loại chúng ta đang bị virus vây bủa. Trên truyền hình và các phương tiện truyền thông, đâu đâu cũng xuất hiện tin tức về Coronavirus, như là con virus vô hình nhỏ bé này đang trở thành “cái rốn” của vũ trụ và bắt tất cả đều phải quan tâm hơn. Vâng, chúng ta vẫn phải cẩn trọng và phòng ngừa, nhưng chúng ta không để con virus nhỏ bé chiếm chỗ trung tâm của Thiên Chúa. Điều nguy hiểm là khi chúng ta vì quá hoảng sợ virus, đến nỗi quên cả Thiên Chúa và không còn để cho Ngài chỗ quan trọng nhất, chỗ trung tâm trong trái tim và cuộc sống của chúng ta, thì nguy cơ sẽ đến với chúng ta. Vì lúc đó, chúng ta đánh mất bình an.

 

Thật vậy, Chúa đến ở giữa và ban bình an cho các môn đệ.

Chúa đến ở giữa, để chúng ta có thể trông cậy vào Chúa,

Khi tâm hồn chúng ta lo lắng xao xuyến tứ bề.

Trong cơn đại dịch này, chúng ta thấy rõ: Virus đến đưa lại biết bao bất an.

Chúa Ki-tô Phục Sinh đến thì đưa lại bình an sâu thẳm cho con người.

 

“Bình an cho anh em!” “Bình an - shalom” là một lời chào bình thường của người Do-thái dành cho nhau trong mỗi lần gặp gỡ. Tuy vậy, lời chào của Chúa Phục Sinh vượt trên cái bình thường kia. Trong lời chào của Chúa chất chứa sự thân thương và sự bình an này cũng là món quà mà Chúa Phục Sinh đưa lại cho các môn đệ. Ngay lúc tâm trạng các ông đang tràn ngập sợ hãi, Chúa đã đến và đem lại bình an cho các ông, bình an của Chúa Phục Sinh.

 

Cyril of Alexandria suy tư như sau: “Khi Chúa Ki-tô chào các tông đồ với lời “bình an cho anh em”, thì sự bình an đó có nghĩa là chính Chúa, vì sự hiện diện của Chúa luôn đem lại sự tĩnh lặng an bình cho tâm hồn. Thánh Phao-lô cũng đã mong muốn cho các tín hữu điều đó, khi viết rằng: “Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 4,7). Sự bình an của Chúa Ki-tô vượt trên mọi sự hiểu biết và trong thực tế sự bình an này chính là Thần Khí của Đức Ki-tô, Đấng ngự xuống tràn đầy trên những ai được Đức Ki-tô chúc lành”.

 

Tiếp với lời chào bình an, Chúa Giê-su đã chỉ cho các môn đệ thấy tay và cạnh sườn của Chúa. Như thế, với thánh sử Gioan, điều quan trọng chúng ta cần xác tín là, Chúa Phục Sinh chính là Đấng chịu đóng đinh, và ngược lại cũng vậy, vì vậy Chúa đã chỉ cho các môn đệ thấy các vết thương nơi tay và cạnh sườn. Các vết thương trở thành dấu hiệu cho căn tính của Chúa. Chúa Ki-tô Phục Sinh và hiển dung không rũ bỏ lịch sử khổ đau trên trần thế của Ngài. Mà qua lịch sử đó, điều quan trọng được xác định rõ rệt, là Đấng Phục Sinh và Đấng chịu đóng đinh không bị “tách rời” khỏi nhau.

 

Niềm tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh không phải là sự nâng cao ảo tưởng khỏi sự đau khổ của thế giới. Niềm tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh gìn giữ niềm hy vọng giải thoát được mọi khổ đau, ngay trong những nỗi đau khổ vô nghĩa và không thể hiểu nổi của thế giới này, nhất là đau khổ do đại dịch gây ra cho cả nhân loại chúng ta. 

 

Lạy Chúa,

Chúng con cảm tạ Chúa luôn đến với chúng con,

Vì Chúa yêu thương chúng con, vì chúng con thật quan trọng đối với Chúa.

Vì thế, dù cho cánh cửa có đóng lại, Chúa vẫn đến.

Nghĩa là không có bất cứ sức mạnh và đe doạ nào có thể “cách ly” Chúa Phục Sinh được.

Chúa đến và ngự giữa chúng con.

Xin cho chúng con luôn ý thức dành chỗ ở giữa, chỗ trung tâm cuộc sống và trái tim của con cho Chúa nhé! Vì nếu Chúa không còn ngự trong trung tâm của cuộc sống, của thế giới chúng con, thì chúng con sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn, như chính chúng con đang trải nghiệm trong cơn đại dịch này.

Chúa đến, ngự ở giữa và ban bình an cho chúng con.

Ôi lạy Chúa, sự bình an của Đấng Phục Sinh chính là điều chúng con cần hơn hết trong lúc này.

Chúa ơi, xin hãy đến, hãy ở lại với chúng con, hãy ở giữa chúng con, hãy ngự trong trái tim mỗi người chúng con.

Vì khi có Chúa hiện diện ở trung tâm cuộc sống, thì bình an ngự trị.

Có Chúa là chúng con có tất cả. Chúa ơi!

 

Giờ đây chúng ta cùng thinh lặng giây lát …

Chúng ta cùng đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng và kinh Sáng Danh.

 

 

5) Lời nguyện trong cơn dịch bệnh (HĐGM VN soạn thảo):

 

Chúng ta cùng đọc lời cầu nguyện trong cơn dịch bệnh:

 

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa toàn năng / chúng con đang họp nhau cầu nguyện, / tha thiết nài xin cho cơn dịch bệnh mau chấm dứt. /

 

Lạy Chúa Cha giàu lòng thương xót / xin nhìn đến nỗi thống khổ / của đoàn con trên khắp thế giới, / đặc biệt tại những nơi dịch bệnh đang hoành hành. / Xin củng cố đức tin của chúng con, / cho chúng con hoàn toàn tín thác / vào tình yêu quan phòng của Cha. /

 

Lạy Chúa Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất, / là vị lương y đầy quyền năng và lòng thương xót, / xin thương cho các bệnh nhân sớm được chữa lành, / và an ủi các gia đình đang gặp khó khăn thử thách. / Xin cho lời chúng con khiêm tốn cầu nguyện, / được chạm tới trái tim nhân lành của Chúa, / xin giảm bớt gánh nặng khổ đau, / và cho chúng con cảm nhận được bàn tay Chúa / đang ân cần nâng đỡ chúng con. /

 

Lạy Chúa Thánh Thần là nguồn sức mạnh tình yêu, / xin soi sáng các vị hữu trách và những người có khả năng, / giúp họ sớm tìm ra phương thuốc chữa trị dịch bệnh, / xin ban cho các bác sĩ và nhân viên y tế / sức mạnh của tình thương và lòng nhiệt thành quảng đại, / luôn tận tâm tận lực phục vụ các bệnh nhân. /

 

Chúng con xin trao vào đôi tay từ mẫu của Mẹ Maria, / những lời khẩn nguyện trong cơn đại nạn, / nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu, / xin Chúa nhận lời chúng con. Amen /

 

6) Ghi nhớ và mang Lời Chúa cùng lời thánh nhân bên mình trong suốt ngày sống.

 

“Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!” (Ga 20,19).

7) Kinh Trông Cậy.

 

Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện, trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

Lạy rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu.
Thương xót chúng con.

Lạy Trái Tim cực Thánh cực tịnh Rất Thánh Đức Bà Maria.
Cầu cho chúng con.

Lạy Ông thánh Giuse là bạn thanh sạch Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh.
Cầu cho chúng con.

Lạy Tổng Lãnh Thiên Thần Micae.

Cầu cho chúng con.

Các Thánh Tử Vì Đạo nước Việt Nam.
Cầu cho chúng con.

Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta.

Cầu cho chúng con.

Thánh Rô-cô.

Cầu cho chúng con.

Nữ Vương ban sự bằng an.
Cầu cho chúng con.

 

8) Phúc lành của Chúa.

 

Xin Thiên Chúa luôn đồng hành và

dẫn bước anh chị em trên hành trình cuộc đời. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi trước anh chị em,

để chính Ngài dọn con đường cho anh chị em

bước đi trong an toàn và bình an. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi sau anh chị em,

Để Ngài sẽ ra tay nâng đỡ và ban thêm sức mạnh cho anh chị em,

khi anh chị em rơi vào khó khăn thử thách. Amen.

 

Xin Thiên Chúa dịu dàng cúi xuống bồng ẵm anh chị em lên đôi tay của Ngài,

Khi anh chị em đau yếu và trở nên tê liệt hoàn toàn. Amen.

 

Xin Thiên Chúa Ba Ngôi quyền năng và giàu lòng thương xót,

là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần

ban tràn đầy phúc lành, luôn chở che anh em trong vòng tay dấu ái của Ngài. Amen.

 

 

9) Thánh Ca:

 

Ở lại với con.

Sáng tác : Lm. Nguyễn Hùng Cường.

Trình bày: chị Xuân (Thuỵ Sĩ).