Bài Mới

1) Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

 

Kinh Sáng Soi: Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

 

2) Lời nguyện của Mẹ Têrêsa Calcutta.

 

Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.


Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.


Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc
cảm nhận được
Chúa đang hiện diện nơi chúng con.


Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa. Amen

 

 

 

 

3) Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

 

Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện,
biết noi theo luật pháp Chúa Trời”
 (Tv 118,1).

 

4) Suy niệm:

 

Quý Ông Bà và Anh Chị Em cùng các Cháu thân mến,

 

Lời Chúa được trích từ Thánh Vịnh số 118 và được đọc trong phần đáp ca trong Thánh Lễ hôm nay. Người Do-thái cầu nguyện với Thánh Vịnh này để ca tụng lề luật của Thiên Chúa giúp cho con người sống hoàn thiện. Thánh Vịnh 118 này là Thánh Vịnh dài nhất trong 150 Thánh Vịnh.

 

Hôm nay chúng ta chỉ suy niệm một câu của thánh vịnh này.

 

“Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện,
biết noi theo luật pháp Chúa Trời.

Sự hoàn thiện theo tinh thần của Chúa Trời luôn là điều mà muôn người khát khao, nhất là đối với những ai sống thân mật với Thiên Chúa trong tình yêu.

Trong bài giảng trên núi, Chúa Giê-su đã mời gọi mọi người nên hoàn thiện: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện!” (Mt 5,48).

 

Nhưng cụ thể là thế nào của con đường “nên hoàn thiện”? Nhìn Chúa Giê-su, lắng nghe giáo huấn của Ngài, chúng ta nhận ra tinh thần hoàn thiện là sống trọn vẹn tình yêu thương như Thiên Chúa dạy dỗ. Cụ thể là giới luật kép: Yêu Chúa và yêu người thân cận.

Trước hết, chiêm ngắm Chúa Giê-su, chúng ta thấy: Đối với Cha Ngài, Chúa Giêsu không ngừng sống cung cách vâng phục yêu thương được diễn tả trong thánh vịnh này. ‘Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy’ (Ga 14,31). ‘Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời’ (Mt 6,10). ‘Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy’ (Ga 4,34).


Hơn mọi nhà đạo đức trong lịch sử, Đức Giêsu đã nối kết sự ‘vâng phục’ với ‘tình yêu’. ‘Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy’ (Ga 14,15). ‘Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy…Thầy sẽ yêu mến người ấy…(Ga 14,21).


Khi đọc lại thánh vịnh này, đừng quên rằng điều luật duy nhất, ý muốn duy nhất của Thiên Chúa chính là chúng ta yêu mến. ‘Thưa Thầy trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?...Ngươi phải yêu mến Đức Chúa… Ngươi phải yêu mến người thân cận…(Mt 22,36). ‘Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em’ (Ga 13,34).

Như thế, mỗi lần gặp những giới luật hay lề luật trong Thánh Kinh, chúng ta phải hiểu theo tinh thần yêu thương trên.

“Xin dạy con những huấn lệnh của Ngài” có nghĩa là “xin dạy con biết yêu mến thật sự”.

“Xin dạy con biết sống theo lời Ngài” có nghĩa là “xin cho con biết sống bằng cách yêu mến thật sự”.

Khi phải bơi giữa dòng chảy của đại dịch, không chỉ những lo toan hoang mang sợ hãi lôi cuốn lòng người, mà còn có những câu chuyện rất cảm động và cao quý diễn tả tinh thần sống yêu thương, sống lòng thương xót rất cụ thể làm cho lòng người mừng vui và tràn đầy hy vọng. Đó là những câu truyện diễn tả rất cụ thể tinh thần hoàn thiện mà Thiên Chúa mời gọi.

Vâng, trong khi virus đang lây nhiễm từ người này qua người khác, chúng ta cũng bước vào tinh thần sống “lây nhiễm sự thiện hảo, lây nhiễm tình yêu, lây nhiễm lòng thương xót cho nhau”.

Đức Thánh Cha Phanxico mời gọi chúng ta trong Đại Lễ Lòng Chúa Thương Xót: “Lòng thương xót chẳng hề bỏ rơi những ai đang tụt lại phía sau”.

 

Thời gian qua, biết bao nhiêu sáng kiến đã nảy sinh từ lòng thương xót để tương trợ lẫn nhau, đặc biệt tương trợ những người bị tụt lại phía sau trong cơn đại dịch, cụ thể là những đôi tay vươn ra và chung tay giúp người nghèo đói. Ở các nhà thờ tại quê hương, những máy tự động trao ban gạo từ thiện, gạo xót thương, những tổ chức thiện nguyện, nhiều caritas của giáo xứ, biết bao phong trào người trẻ Công Giáo, các dòng tu, mỗi giáo phận đang đồng hành với người nghèo. Tất cả theo tiếng gọi của Chúa Giêsu: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện!” (Mt 5,48) và “phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mt 22,39).

 

Phần những người không gần gũi và dấn thân được trong công việc trực tiếp giúp người nghèo đói, thì họ có cử chỉ xót thương một cách rất cụ thể:

 

  • Có các cháu bé đã đập heo và gom góp tất cả những gì các cháu đã tiết kiệm được, để nhờ cha mẹ gởi đến người nghèo. Có cháu bé trong ngày sinh nhật của mình đã gom góp tất cả các quà sinh nhật bằng hiện kim và gởi đến người nghèo.
  • Có các bạn sinh viên giới trẻ, khi thấy các em thiếu nhi quảng đại tốt lành, thì cũng “động lòng” và đóng góp giúp người nghèo trong khả năng của mình.
  • Có các gia đình, cha mẹ con cái đồng lòng quảng đại đóng góp người đói khổ hơn mình.
  • Có các cụ cao niên đã rỉ tai nhau và mời gọi nhau dành dụm chút và đóng góp cho người đang đói khổ hơn mình ở quê hương.
  • Có những anh chị em tân tòng, đóng góp trong âm thầm, không cần câu nệ, không cần giấy chứng nhận khai thuế và cũng chẳng mong thư cám ơn. Một người tân tòng đã viết: “Cử chỉ xót thương là Chúa Ki-tô đã dạy con. Trong Tân Ước Mt 25,35-40 (Tin Mừng Mát-thêu) Chúa đã dạy con như thế. Con thật xấu hổ khi nhận được thư cám ơn. Tạ ơn Chúa vì được là con của Ngài và sống trong Ngài cuộc đời con luôn vui thoả… Người con tân tòng của Chúa”.
  • Rồi còn có cả một vài người bị lây nhiễm virus, đang sống trong cảnh cách ly để điều trị bệnh, đã liên lạc và cũng mở lòng đóng góp, để cùng mọi người gởi đến các anh chị em nghèo một chút gạo của lòng thương xót.

 

Ôi biết bao tâm hồn tốt lành của con cái Thiên Chúa! Những người con đang trên đường sống hoàn thiện theo luật của yêu thương.

 

Nhìn ngắm những tâm hồn tốt lành đang tập sống hoàn thiện, thật tuyệt vời, khi thốt lên lời của thánh vịnh gia:

 

“Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện,
biết noi theo luật pháp Chúa Trời”

Tuy nhiên, con đường nên hoàn thiện còn đòi hỏi chúng ta sống yêu thương cả những người chúng ta không muốn yêu thương. Đó là yêu thương kẻ thù của mình. ““Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,43-44).

 

Con đường yêu thương kẻ thù luôn là con đường chông gai khó đi. Nhưng không phải vì khó mà chúng ta không thể đi được. Chúa Giê-su đã đi con đường này cách hoàn thiện, khi Người nói lên lời tha thứ dành cho những người hãm hại Ngài qua lời cầu nguyện với Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Lời của Chúa Giê-su trên thánh giá là lời sống. Lời sống được nói từ Thánh Giá cho ta thấy một cách thật ngỡ ngàng tình thương của Thiên Chúa còn lớn hơn tội lỗi biết bao nhiêu. Vâng, điều mà Chúa Giê-su đã rao giảng trong Bài Giảng Trên Núi, Ngài đã thực hiện cách trọn vẹn. Chúa không biết ghen ghét là gì. Ngài không bao giờ hận thù cả. Ngài đã cầu nguyện cho kẻ đóng đinh Ngài

 

Theo gương Chúa trên đường hoàn thiện, những người đã sống tâm tình yêu thương kẻ thù để lại cho chúng ta những chứng từ sống động và hùng hồn. Đó là hình ảnh của Tê-pha-nô bị ném đá, với sự hiện diện của Sao-lô, sau này trở lại và trở thành vị Tông Đồ dân ngoại, chúng ta thấy được tâm tình cao quý của Tê-pha-nô: “Họ ném đá ông Tê-pha-nô, đang lúc ông cầu xin rằng: ‘Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con’. Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: ‘Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này’. Nói thế rồi, ông an nghỉ” (Cv 7,59-60).

 

Đó là hình ảnh của thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đã tha thứ cho kẻ ám sát mình. Ngày 13.05.1981, tại quảng trường thánh Phê-rô, Ali Agca – một sát thủ người Thổ Nhĩ Kỳ, đã nhắm vào Đức Thánh Cha và bóp cò. Một tiếng nổ chát chúa đã vang lên, Đức Thánh Cha đã bị trọng thương. Sau khi hồi phục, Đức Gio-an Phao-lô II nói: “Tôi luôn cầu nguyện cho người anh em đã bắn vào tôi”. Vào năm 1983, Đức Gio-an Phao-lô II đã đến tận nhà tù, để thăm viếng và tha thứ cho Ali Agca.

 

Như lời Chúa Giê-su mời gọi, chúng ta nhận ra rằng:

 

“Phúc thay ai sống yêu thương người thân cận mình,

Phúc thay ai tỏ lòng thương xót người bất hạnh và nghèo đói.

Phúc thay ai tập sống yêu thương cả kẻ thù của mình.

Vì như vậy, người đó đang trên đường trở nên hoàn thiện,

như Cha trên trời là Ðấng hoàn thiện”.

 

 

Giờ đây chúng ta cùng thinh lặng giây lát …

Chúng ta cùng đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng và kinh Sáng Danh.

 

 

5) Lời nguyện trong cơn dịch bệnh (HĐGM VN soạn thảo):

 

Chúng ta cùng đọc lời cầu nguyện trong cơn dịch bệnh:

 

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa toàn năng / chúng con đang họp nhau cầu nguyện, / tha thiết nài xin cho cơn dịch bệnh mau chấm dứt. /

 

Lạy Chúa Cha giàu lòng thương xót / xin nhìn đến nỗi thống khổ / của đoàn con trên khắp thế giới, / đặc biệt tại những nơi dịch bệnh đang hoành hành. / Xin củng cố đức tin của chúng con, / cho chúng con hoàn toàn tín thác / vào tình yêu quan phòng của Cha. /

 

Lạy Chúa Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất, / là vị lương y đầy quyền năng và lòng thương xót, / xin thương cho các bệnh nhân sớm được chữa lành, / và an ủi các gia đình đang gặp khó khăn thử thách. / Xin cho lời chúng con khiêm tốn cầu nguyện, / được chạm tới trái tim nhân lành của Chúa, / xin giảm bớt gánh nặng khổ đau, / và cho chúng con cảm nhận được bàn tay Chúa / đang ân cần nâng đỡ chúng con. /

 

Lạy Chúa Thánh Thần là nguồn sức mạnh tình yêu, / xin soi sáng các vị hữu trách và những người có khả năng, / giúp họ sớm tìm ra phương thuốc chữa trị dịch bệnh, / xin ban cho các bác sĩ và nhân viên y tế / sức mạnh của tình thương và lòng nhiệt thành quảng đại, / luôn tận tâm tận lực phục vụ các bệnh nhân. /

 

Chúng con xin trao vào đôi tay từ mẫu của Mẹ Maria, / những lời khẩn nguyện trong cơn đại nạn, / nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu, / xin Chúa nhận lời chúng con. Amen /

 

6) Ghi nhớ và mang Lời Chúa bên mình trong suốt ngày sống.

 

Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện,
biết noi theo luật pháp Chúa Trời”
 (Tv 118,1).

 

7) Kinh Trông Cậy.

 

Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện, trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

Lạy rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu.
Thương xót chúng con.

Lạy Trái Tim cực Thánh cực tịnh Rất Thánh Đức Bà Maria.
Cầu cho chúng con.

Lạy Ông thánh Giuse là bạn thanh sạch Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh.
Cầu cho chúng con.

Lạy Tổng Lãnh Thiên Thần Micae.

Cầu cho chúng con.

Các Thánh Tử Vì Đạo nước Việt Nam.
Cầu cho chúng con.

Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta.

Cầu cho chúng con.

Thánh Rô-cô.

Cầu cho chúng con.

Nữ Vương ban sự bằng an.
Cầu cho chúng con.

 

8) Phúc lành của Chúa.

 

Xin Thiên Chúa luôn đồng hành và

dẫn bước anh chị em trên hành trình cuộc đời. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi trước anh chị em,

để chính Ngài dọn con đường cho anh chị em

bước đi trong an toàn và bình an. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi sau anh chị em,

Để Ngài sẽ ra tay nâng đỡ và ban thêm sức mạnh cho anh chị em,

khi anh chị em rơi vào khó khăn thử thách. Amen.

 

Xin Thiên Chúa dịu dàng cúi xuống bồng ẵm anh chị em lên đôi tay của Ngài,

Khi anh chị em đau yếu và trở nên tê liệt hoàn toàn. Amen.

 

Xin Thiên Chúa Ba Ngôi quyền năng và giàu lòng thương xót,

là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần

ban tràn đầy phúc lành, luôn chở che anh em trong vòng tay dấu ái của Ngài. Amen.

 

 

9) Thánh Ca:

 

Luật Chúa kiện toàn.

Sáng tác : Huỳnh Minh Kỳ & Đinh Công Huỳnh uyHuy.

Trình bày: Ca đoàn Ngôi Ba (Sydney – Australia).