Bài Mới

1) Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

 

Kinh Sáng Soi: Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

 

2) Lời nguyện của Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta

 

Xin hãy dẫn dắt con
đi từ cõi chết đến sự sống,
từ lầm lạc đến chân lý.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ thất vọng đến hy vọng,
từ sợ hãi đến tín thác.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ ghen ghét đến yêu thương,
từ chiến tranh đến hòa bình.
Xin hãy đổ đầy bình an
trong trái tim chúng con,
trong thế giới chúng con,
trong vũ trụ chúng con. Amen.

 

3) Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

 

Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con”  (Tv 30,6).

 

4) Suy niệm:

 

Quý Ông Bà và Anh Chị Em cùng các Cháu thân mến,

 

Lời Chúa được trích từ Thánh Vịnh số 30 và được đọc trong phần đáp ca trong Thánh Lễ hôm nay.

Người Do-thái trong giờ kinh tối luôn cầu nguyện với Thánh Vịnh 30. Ngoài ra, Thánh Vịnh này được những người gặp thử thách dùng để cầu nguyện với Thiên Chúa. Thánh Vịnh mở đầu với câu: “Con ẩn náu bên Ngài, lạy CHÚA”, diễn tả niềm trông cậy và tin tưởng vào Thiên Chúa của người đang gặp khó khăn thử thách.

Thánh Vịnh 30 này được Giáo Hội hát vào ngày thứ sáu Tuần Thánh, bởi vì Đức Giê-su trên thập giá đã đọc những lời của Thánh Vịnh này trước khi tắt thở: “Lạy Cha, Con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Theo truyền thống, đó cũng là lời cuối cùng trong bảy lời Chúa Giê-su nói trên Thánh Giá. Thánh sử Luca thuật lại như sau: “Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa. Đức Giê-su kêu lớn tiếng: Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở” (Lc 23,44-46).

Sau khi hoàn tất sứ mạng trên dương thế, và trên đường về Nhà Cha trên trời, từ thập giá Chúa Giê-su, Người Con dấu yêu, đã dâng lên Chúa Cha lời nguyện hoàn hảo nhất ”Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha”.

Ngoài ra, lời cầu nguyện với câu thân thưa “lạy Cha”, không có trong Thánh Vịnh, nhưng cũng diễn tả quan hệ của Người Con với Cha, diễn tả sự tin tưởng, phó thác và yêu thương của Đức Giê-su, một người không coi chết là hết mà là hoàn thành và tiến về với Thiên Chúa, là Cha và là nguồn sự sống.

Thật là một điều ngạc nhiên đáng chú ý, khi Chúa Giê-su trong hoàn cảnh phải đối diện với cái chết, Ngài vẫn nói những lời đầy tin tưởng và trìu mến với Cha của Ngài. Đó là người Cha nhân từ giàu lòng thương xót, Người Cha không đóng chặt vòng tay, khi đứa con đi hoang trở về, ngược lại Cha đã đón nhận con và trao ban cho con những hồng ân cao quý, khi anh ta hối hận ăn năn và xin Cha. Trong giây phút hấp hối tương quan giữa Cha với Chúa Giê-su đã được kiện toàn. Giờ đây Chúa Giê-su để mình được rơi vào trong bàn tay tốt lành của Cha, và Cha Ngài sẵn sàng đón nhận Ngài với tình yêu thật dịu dàng.

Thật vậy, tương qua thân mật của Chúa Giê-su với Cha trên trời trải dài trong cuộc đời dương thế của Ngài, và cao điểm của tương quan đó chúng ta có thể nhận ra nơi Thánh Giá, qua lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trong lúc đau khổ: “Lạy Cha, Con xin phó linh hồn Con trong tay Cha”. Đó là một tiếng kêu lớn của lòng tín thác tuyệt đối và hoàn toàn vào Thiên Chúa.

Karl Rahner đã suy niệm như sau: “Chúa trao tất cả vào tay Đấng đã ban cho mình tất cả. Chúa đặt hết vào tay Cha, không đòi bảo chứng, không chút giới hạn. Ôi, nhiều lắm! Và cũng thật nặng nề và cay đắng biết bao. Chúa đã phải một mình mang vác tất cả. Đó là những gánh nặng của cuộc đời Chúa: nhân loại, phận người, sứ mạng, thập giá, thất bại và cái chết. Nhưng bây giờ, mọi sự đã qua đi và Chúa có thể trao lại tất cả, cũng như phó thác chính mình vào trong tay Cha. Tất cả! Như đôi tay người mẹ, thật dịu dàng và thật tốt lành đôi tay này mang vác mọi sự. Đôi tay này bao phủ và chở che linh hồn Chúa, như người ta ấp ủ một cánh chim non trong lòng bàn tay với cả ý tứ mến thương. Bây giờ chẳng còn gì nặng nữa, tất cả đều nhẹ nhàng; tất cả đều là ánh sáng và ân sủng. Tất cả được trú ẩn an toàn dưới bóng trái tim Cha. Nơi đây người ta tỏ bày những gì nặng nề qua những giọt nước mắt, và được Cha lau khô những giọt nước mắt trên đôi má của người con, và Ngài còn tặng ban nụ hôn hiền phụ”.

Chúa Giê-su trong giây phút cùng cực của cái chết đã phó thác hoàn toàn trong tay Thiên Chúa Cha. Qua đó, Ngài nhắc nhớ và dạy bảo chúng ta rằng, cho dù những thử thách của cơn đại dịch đưa lại có cam go, những vấn đề mà hiện nay chúng ta đang đối diện có khó khăn, và đau khổ do cơn đại dịch gây ra có nặng nề thế nào đi nữa, chúng ta sẽ không bao giờ rơi ra ngoài bàn tay của Thiên Chúa, bàn tay đã dựng nên chúng ta, nâng đỡ chúng ta và đồng hành với chúng ta trên đường đời, bởi vì chúng được hướng dẫn bởi một tình yêu vô hạn và trung tín.

Tuy nhiên, là con người chúng ta cũng thành thật rằng, đứng trước cái chết với cõi vô định và tối tăm của nó, con người dễ dàng rơi vào trong sợ hãi, đến nỗi không còn có thể hướng nhìn lên Thiên Chúa.

Karl Rahner đã suy niệm thêm như sau: “Đối với những ai đã yêu thế gian và trở nên một với thế gian này, thì thật là kinh khủng đối với họ, khi họ rơi vào bàn tay của Thiên Chúa. Nhưng Chúa vẫn kêu lên lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nếu có một lời nào đáng để tin, thì chình là lời này. Lời mà Chúa đã thốt lên trong giây phút đạt tới đích điểm. Có một Thiên Chúa là Cha. Trong tay Ngài người ta có thể phó thác tất cả mọi sự. Mọi sự. Thật vậy, mọi sự đều được đón nhận”.

“Trong tay Ngài, Lạy Cha, con xin phó thác hồn con, con xin phó thác đời con!” Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su và của chúng ta, mỗi phận người, vang lên trong lúc con người hãi sợ trong cơn đại dịch, khi phải đối diện với cái chết trước mắt. Lời cầu nguyện này giúp chúng ta ý thức hơn về cái sợ của mình. Cái sợ chết, sợ đánh mất tất cả, sợ rơi vào thế giới tăm tối và vô định sẽ càng lớn hơn, nếu chúng ta không ý thức như Chúa Giê-su, sẵn sàng để mình rơi vào trong vòng tay nhân hiền và giàu lòng thương xót của Cha trên trời.

“Trong tay Ngài, Lạy Cha, con xin phó thác hồn con, con xin phó thác đời con!” Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su còn dạy chúng ta một triết lý sống ở đời này, nhất là khi chúng ta rơi vào bối cảnh sống với Coronavirus.

Trong bối cảnh này, chúng ta thấy mỗi ngày con số người tử vong tăng lên cách rùng rợn. Đến nay đã hơn 200 000 nạn nhân tử vong vì Covid-19 trên thế giới chúng ta. Con số chưa dừng lại! Có những gia đình ở Pháp có 02 người qua đời trong một gia đình và người thứ ba thì đang trong cơn hấp hối, bác sĩ mời người thân nên đến nhìn mặt lần cuối.

Một điều quá đỗi nhạc nhiên đối với tất cả nhân loại chúng ta: Bỗng chợt cái chết có mặt khắp nơi trên hành tinh này, và còn đang lởn vởn ở bất cứ góc phố nghèo nàn hay giàu sang nào. Chính vì thế, dù muốn hay không tất cả chúng ta phải chú ý đến “cái chết”. Vâng, đã sinh ra làm người, thì rồi một ngày nào đó cũng sẽ chết đi. Đó là chân lý. Nhưng trước đại dịch, trong cuộc sống bình thường có mấy ai nghĩ đến cái chết của mình, cái chết của tôi. Nếu có nghĩ đến cái chết, thì là cái chết của người khác, của những ai đang đau yếu nặng và của những người già cả. 

Nhưng giờ đây chân lý “đã là người thì phải chết” lộ rõ nguyên hình và bắt tất cả mọi người đều phải chú tâm đến nó, vì cái chết như bóng ma có sức mạnh ghê hồn và có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào và đến với bất cứ thành phần nào. Đương nhiên thành phần được đánh giá là có nguy cơ cao (Risikogruppe)  sẽ phải chú ý hơn hết. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là những người trẻ, các trẻ em và người mạnh khoẻ không cần thiết phải sợ hãi con virus kia. Thật là một ảo tưởng và sai lầm, nếu những ai tự cho mình nằm trong nhóm được đánh gía không có nguy cơ cao, và thầm nhủ rằng: “Cứ ăn chơi thoải mái, cứ sống hưởng thụ như xua, vì con virus vô hình nhỏ xíu này làm sao đưa tôi tới nấm mồ được”. Kìa, trên mảnh đất văn minh Tây Phương với những điều kiện y tế cao, cũng có em bé mới 5 tuổi đã qua đời vì virus. Cũng trên mảnh đất giàu có cũng có những bác sĩ mới vào ngoài 40 cũng phải nằm xuống vì chú virus này.

Vì thế, điều chúng ta cần học để sống trong đại dịch này là “học để chết” “học để chết” hay “sống để chết”.. Đó là triết lý của các triết gia Hy-lạp và Phương Tây. Nhưng điều này có nghĩa lý gì?

Một triết gia người Pháp nói rằng: “Học để chết” nếu hiểu theo nghĩa đen là chuyện phi lý. Học, là mò mẫm, là ôn lui ôn tới, là bắt đầu lại. Học bất cứ gì cũng vậy, dù đó là một nhạc cụ, một môn thể thao, một ngôn ngữ, mọi học hành đều là công việc lặp đi lặp lại. Với cái chết, chỉ một lần, không kinh nghiệm, mọi chương trình học hỏi kiểu này đều vô nghĩa.

Nhưng triết lý “học để chết” hay “sống để chết” phải chăng chỉ được gói gọn trong nghĩa đen của từ ngữ?

Đã nói là triết lý thì không thể chỉ nằm yên cứng ngắc trong “từ ngữ” của nó. Thật vậy, “học để chết” hay “sống để chết” là một lời mời gọi nhắc nhớ nhân loại chúng ta cần phải học để “làm chết đi” những gì là tiêu cực, những gì làm cho cuộc sống trở nên lụn bại. Cũng thế, giữa lòng cơn đại dịch chúng ta được mời gọi ý thức “sống để chết” đi những gì đẩy con người vào trong vũng lầy của tội lỗi, vào trong vương quốc của sự dữ với kết cục đau thương là tiêu vong trong đớn đau. Thật vậy, chúng ta được mời gọi “học để chết” và “sống để chết” đi tội lỗi của mình, chết đi ảo tưởng kiêu hãnh và đầy quyền năng của mình, chết đi trái tim cứng lòng không tin vào Thiên Chúa, chết đi tâm hồn vô cảm ích kỷ với đồng loại, chết đi tất cả những gì đẩy con người đi xa khỏi Thiên Chúa.

Đại dịch phiên bản Covid-19 năm 2020 đã xoá bỏ “sự quên bẵng” của nhân loại, rằng cái chết vẫn tồn tại, vẫn chờ chúng ta. Vì thế giờ đây, chúng ta vẫn phải sống trong sự cẩn trọng trước cái chết, vẫn phải ra sức chiến đấu để đẩy lui con virus vô hình nhỏ bé nhưng lại có sức mạnh dẫn bất cứ ai đến cái chết.

Nhưng để cho cuộc chiến của chúng ta không thất bại trắng tay, thì chúng ta cần phải “học sống”, bằng cách “học để chết” đi những gì huỷ hoại cuộc sống chúng ta.

Vâng, như lời cầu nguyện của Mẹ Tê-rê-sa, chúng ta luôn nỗ lực:

Học sống bằng cách xin Chúa dẫn dắt chúng ta
đi từ cõi chết đến sự sống, từ lầm lạc đến chân lý.
Học sống bằng cách xin Chúa dẫn dắt chúng ta
đi từ thất vọng đến hy vọng, từ sợ hãi đến tín thác.
Học sống bằng cách xin Chúa dẫn dắt chúng ta
đi từ ghen ghét đến yêu thương, từ chiến tranh đến hòa bình.

Cuối cùng, chúng ta cùng cầu nguyện với lời của thần học gia Karl Rahner:

 

“Chúa Giê-su ơi, một ngày kia Chúa cũng trao linh hồn hèn hạ

và thân xác khốn khổ của con vào trong tay Cha chứ?

Lúc ấy, xin Chúa đừng đặt trên đĩa cân công lý,

nhưng đặt vào trong đôi tay Cha khối nặng đời con

và những tội lỗi nặng nề của con.

Con có thể chạy trốn ở đâu, ẩn khuất ở đâu, ngoài ở bên Chúa –

Người Anh đã cay đắng chịu mọi khổ hình vì tội con.

Xin hãy nhìn đến con, hôm nay con đến với Chúa, quỳ trước Thánh giá Chúa,

và con hôn đôi chân đã chảy máu vì im lặng bước theo con

trên quãng đường quanh quéo của đời con.

Con ôm lấy Thánh giá Chúa,

ôi Bạn Tình vĩnh cửu, trái tim của muôn trái tim đã bị đâm thủng.

Ôi lạy trái tim hết sức kiên nhẫn, trái tim vô cùng quảng đại.

Xin thương xót con.

Xin đưa con vào tình yêu Chúa.

Và khi cuộc đời lữ hành của con sắp chấm dứt,

khi ngày đã gần tàn, khi bóng tử thần vây bọc lấy con,

thì xin Chúa cũng thốt lên lời sau hết của Chúa:

Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha, ôi Chúa Giê-su từ ái!”

 

Giờ đây chúng ta cùng thinh lặng giây lát …

Chúng ta cùng đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng và kinh Sáng Danh.

 

 

5) Lời nguyện trong cơn dịch bệnh (HĐGM VN soạn thảo):

 

Chúng ta cùng đọc lời cầu nguyện trong cơn dịch bệnh:

 

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa toàn năng / chúng con đang họp nhau cầu nguyện, / tha thiết nài xin cho cơn dịch bệnh mau chấm dứt. /

 

Lạy Chúa Cha giàu lòng thương xót / xin nhìn đến nỗi thống khổ / của đoàn con trên khắp thế giới, / đặc biệt tại những nơi dịch bệnh đang hoành hành. / Xin củng cố đức tin của chúng con, / cho chúng con hoàn toàn tín thác / vào tình yêu quan phòng của Cha. /

 

Lạy Chúa Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất, / là vị lương y đầy quyền năng và lòng thương xót, / xin thương cho các bệnh nhân sớm được chữa lành, / và an ủi các gia đình đang gặp khó khăn thử thách. / Xin cho lời chúng con khiêm tốn cầu nguyện, / được chạm tới trái tim nhân lành của Chúa, / xin giảm bớt gánh nặng khổ đau, / và cho chúng con cảm nhận được bàn tay Chúa / đang ân cần nâng đỡ chúng con. /

 

Lạy Chúa Thánh Thần là nguồn sức mạnh tình yêu, / xin soi sáng các vị hữu trách và những người có khả năng, / giúp họ sớm tìm ra phương thuốc chữa trị dịch bệnh, / xin ban cho các bác sĩ và nhân viên y tế / sức mạnh của tình thương và lòng nhiệt thành quảng đại, / luôn tận tâm tận lực phục vụ các bệnh nhân. /

 

Chúng con xin trao vào đôi tay từ mẫu của Mẹ Maria, / những lời khẩn nguyện trong cơn đại nạn, / nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu, / xin Chúa nhận lời chúng con. Amen /

 

6) Ghi nhớ và mang Lời Chúa bên mình trong suốt ngày sống.

 

Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con”  (Tv 30,6).

 

7) Kinh Trông Cậy.

 

Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện, trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

Lạy rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu.
Thương xót chúng con.

Lạy Trái Tim cực Thánh cực tịnh Rất Thánh Đức Bà Maria.
Cầu cho chúng con.

Lạy Ông thánh Giuse là bạn thanh sạch Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh.
Cầu cho chúng con.

Lạy Tổng Lãnh Thiên Thần Micae.

Cầu cho chúng con.

Các Thánh Tử Vì Đạo nước Việt Nam.
Cầu cho chúng con.

Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta.

Cầu cho chúng con.

Thánh Rô-cô.

Cầu cho chúng con.

Nữ Vương ban sự bằng an.
Cầu cho chúng con.

 

8) Phúc lành của Chúa.

 

Xin Thiên Chúa luôn đồng hành và

dẫn bước anh chị em trên hành trình cuộc đời. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi trước anh chị em,

để chính Ngài dọn con đường cho anh chị em

bước đi trong an toàn và bình an. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi sau anh chị em,

Để Ngài sẽ ra tay nâng đỡ và ban thêm sức mạnh cho anh chị em,

khi anh chị em rơi vào khó khăn thử thách. Amen.

 

Xin Thiên Chúa dịu dàng cúi xuống bồng ẵm anh chị em lên đôi tay của Ngài,

Khi anh chị em đau yếu và trở nên tê liệt hoàn toàn. Amen.

 

Xin Thiên Chúa Ba Ngôi quyền năng và giàu lòng thương xót,

là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần

ban tràn đầy phúc lành, luôn chở che anh em trong vòng tay dấu ái của Ngài. Amen.

 

 

9) Thánh Ca:

 

Kinh Hoà Bình.

Sáng tác : Lm. Kim Long.

Trình bày: Ca Đoàn Cecilia GX. Thạch Đà