Bài Mới

1) Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

 

2) Kinh Sáng Soi: Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

 

3) Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

 

Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời (Mt 6,9a.10b).

 

4) Suy niệm:

 

Quý Ông Bà và Anh Chị Em cùng các Cháu thân mến,

 

Lời Chúa được trích từ Tin Mừng của thánh Mát-thêu, đó là lời cầu nguyện thứ ba của Kinh Lạy Cha.

“Xin cho Ý Cha được thể hiện!” Khi chúng ta thốt lên và kêu cầu như vậy, là chúng ta đang kêu cầu đến Thiên Chúa và cầu cho Ý của Ngài được thực hiện.

Trong niềm tin, chúng ta tuyên xưng rằng, Thiên Chúa Cha chính là Đấng tạo dựng, Đấng toàn năng, Đấng có thể làm được mọi sự, làm được điều Ngài muốn. Sức mạnh của Ngài thì tuyệt đối. Ngài cũng là Đấng Thánh, là Đấng tốt lành, Đấng luôn có ý muốn thánh thiện, ý muốn chân thật và đúng đắn, ý muốn xây dựng và thăng tiến mọi sự.

Thật vậy, Thiên Chúa Cha đã tạo dựng nên mỗi người chúng ta, và đó là ý muốn thánh thiện và tràn đầy tình yêu của Ngài. Chúng ta chiêm ngắm chính thân xác, tâm hồn và sự sống của chúng ta với hành trình lịch sử riêng của mỗi người, chúng ta nhận ra rằng, Thiên Chúa đặc biệt chú ý đến từng người trong chúng ta và Ngài đã cho phép chúng ta vào đời với tình yêu và lòng thương xót vô bờ của Ngài.

Thần học gia Medard Kehl nói: “Sự hiện diện của tôi và mạng sống của tôi chắc chắn được Thiên Chúa là Cha mang vác và nói lời xin vâng”.

Còn thần học gia Guardini thì nói: “Khi Thiên Chúa sáng tạo muôn vật, và đặc biệt tạo vật cao quý nhất là con người, Thiên Chúa lần đầu tiên đã bộc lộ thánh ý của Ngài. Thánh ý sáng tạo nên sự sống trong thế giới. Thật vậy, thế giới này và trong đó các tạo vật hiện diện cách sống động, là vì Thiên Chúa muốn như vậy. Trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa, Ngài đã đưa vào những định luật tự nhiên, để thế giới và các tạo vật được phát triển hài hòa và dồi dào, vì thế các định luật đó cũng phản ảnh rõ ràng thánh ý của Thiên Chúa. Nên vật nào tuân phục thánh ý của Ngài, cũng như tuân theo những định luật tự nhiên đã được Chúa « cấy » vào, thì sẽ phát triển một cách tốt đẹp. Ngược lại, tạo vật nào cứng đầu « bước ra ngoài » quy luật tự nhiên, thì sẽ tự hủy hoại mình. Trong sách Sáng Thế (chương 1), chúng ta đọc được những lời : « Thiên Chúa phán », và « cái này rồi cái kia » được tạo thành. Khi ngắm nhìn các tạo vật đó, Thiên Chúa nói « thật tốt », thật đúng, thật xứng hợp. Điều đó diễn tả một Thiên Chúa có trách nhiệm, một trách nhiệm của tình yêu, của thánh ý hoàn hảo của Ngài. Sau khi đã tạo nên muôn vật, Thiên Chúa tạo nên thụ tạo cao quý nhất. Đó là con người mang chính hình ảnh của Chúa (St 1,27). Vì mang hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta có một phẩm giá cao quý”.

Trong tình yêu đó, con người chúng ta còn nhận ra một điều căn bản quan trọng. Đó là mỗi người chúng ta là « người có một không hai » trên trái đất này. Nói khác đi, mỗi người chúng ta là mỗi viên ngọc quý, và là viên ngọc độc nhất vô nhị trong cuộc đời này. Thật vậy, Bạn là người độc nhất vô nhị, tôi là người độc nhất vô nhị.  

Medard Kehl đã thốt lên rằng : « Tôi biết ơn Thiên Chúa trong phẩm giá của tôi, một phẩm giá làm người độc nhất vô nhị, phẩm giá làm người duy nhất. Tôi cũng cám ơn Thiên Chúa trong những giới hạn của tôi, và trong cả những khả thể của tự do tôi »

Nhưng nếu con người bất tuân và bất trung, thì Thiên Chúa là người Cha Nhân Hậu vẫn tỏ lòng từ bi, và không triệt hạ con người và các tạo vật yêu quý của Ngài. Ngược lại, với đôi mắt yêu thương, Thiên Chúa vẫn ngắm nhìn con người và phẩm giá cao quý mà Ngài trao ban cho con người. Trong đôi mắt của Thiên Chúa là Cha, con người vẫn luôn quý giá, dù con người thế nào đi nữa. Lời xin vâng của tình yêu Thiên Chúa giành cho con người ngay từ ngày đầu tiên vẫn không thay đổi, dù cho con người có „quay mặt đi“ với thánh ý của Ngài.

« Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất » (Mt 18, 14).

Vì thế, mà Thiên Chúa cần phải ra tay. Cụ thể, Thiên Chúa đã sai phái người con duy nhất của Ngài xuống trần gian, trở nên người như muôn người. « Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ » (Ga 3,16-17). Như vậy, thánh ý cứu rỗi của Thiên Chúa « ôm ấp » tất cả mọi người trong mọi thời đại, ngày hôm qua cũng như hôm nay, và mãi mãi về sau.

 

Đức Kitô, Người Con yêu dấu, Đấng được sai phái, đã đón nhận thánh ý của Cha. Với lòng vâng phục tuyệt đối, Người Con đã thực hiện ý của Cha cách hoàn hảo và đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Theo Martini, ngay trong những bối cảnh đầu tiên, các Tin Mừng đã chỉ ra rằng, Đức Kitô hoàn toàn « chìm » vào trong thánh ý của Cha trên trời. Khi Ngài kêu lên « xin cho Ý Cha được thể hiện », thì Ngài muốn diễn đạt mục đích sâu kín nhất trong sứ mạng của Ngài : làm cho Nước Cha được trị đến bằng cách sống trọn vẹn ý Cha trên trời, qua chính con đường thương khó, Thánh Giá và Phục Sinh của Ngài.

Ngoài ra, Thánh ý của Cha được Đức Kitô rao giảng như là một điều cần thiết cho những ai muốn bước vào nước Trời: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa! " là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi“ (Mt 7, 21). Như vậy, Đức Kitô đã tỏ lộ cho chúng ta biết rằng, khi thánh ý của Cha được thực hiện, thì Nước Trời cũng được hiện diện, và con người có thể bước vào và sống trong Nước Trời. Điều này liên hệ đến toàn bộ cuộc sống của con người, „đụng“ tới suy nghĩ, hành động và cách sống của con người. Đây là yếu tố mang tính cách luân lý trong lời cầu xin.

„Xin cho ý Cha được thể hiện“. Với lời cầu xin này, chúng ta cầu xin Chúa kéo chúng ta thật mạnh ra khỏi bản thân chúng ta, vượt trên chính con người đầy giới hạn của chúng ta, để chúng ta có thể trở nên con người tự do cho Chúa và cho thánh ý của Ngài.

 

Giáo phụ Tertulian nói rằng, lời cầu xin này cũng mang ý nghĩa xin Chúa cho ý Chúa được thực hiện trong chúng ta và trên trái đất này. Và lời cầu nguyện cho ý Cha được thể hiện không gì khác hơn là tâm tình xin Chúa giúp chúng ta biết ý thức bước theo Chúa trên con đường giáo huấn của Ngài. Và chúng ta cũng cầu xin Chúa cho chúng ta luôn biết kín múc tinh thần và « nhựa sống » từ thánh ý của Ngài, để nhờ đó chúng ta có thể được cứu rỗi không chỉ trên trời mà ngay trên trái đất này.

 

Tuy nhiên, nhìn vào hiện trạng của thế giới lúc này, cơn đại dịch đã cho chúng ta nhận ra, chúng ta đã gạt Thiên Chúa và thánh ý Thiên Chúa ra khỏi trí hiểu, tâm hồn của chúng ta. Rồi chúng ta đã làm tất cả những gì chúng ta muốn, để mưu cầu hạnh phúc cho bản thân. Nhưng trong tiến trình này biết bao bất công và bất nhân đã xảy ra, chỉ vì ích kỷ, tư lợi, tham lam. Rồi còn có những trường hợp đã chối từ hoàn toàn Thiên Chúa và thánh ý của Chúa, để theo bước sự dữ và ma quỷ, đã bị ma quỷ điều khiển để gây nên biết bao đau thương cho người khác.

 

Thật vậy, cơn đại dịch đưa lại cho chúng ta một lời cảnh báo mạnh mẽ và đòi hỏi mỗi người trong gia đình nhân loại chúng ta, đặc biệt những người có trách nhiệm trong mọi lãnh vực, cần phải chất vấn bản thân, chất vấn lương tâm mình, bằng cách tự hỏi lại xem những ý muốn của mình, kế hoạch và quyết định của mình có tương hợp với thánh ý của Thiên Chúa không?

 

Thánh ý Chúa chất chứa Chân Thiện Mỹ.

Thánh ý Chúa luôn mang hương vị của trân trọng, tình yêu và nhân ái.

Thánh ý Chúa luôn đưa lại an bình cho mỗi người, mỗi gia đình và xã hội.

Thánh ý Chúa sẽ tỏ lộ rõ rệt, khi mỗi người trong xã hội được phát triển và phát triển cách dồi dào theo tinh thần của Chân Thiện Mỹ và tình yêu thương.

 

Vì thế, khi chúng ta cầu nguyện cùng Chúa với tất cả ý thức : « xin cho ý Cha được thể hiện trong con », thì chúng ta cần thay đổi cuộc sống của chúng ta, để cuộc sống chúng ta tương hợp hoàn toàn với thánh ý của Thiên Chúa. Qua đó chúng ta có thể ăn năn và kêu cầu Thiên Chúa nâng đỡ chúng ta thoát khỏi cuộc sống trong quá khứ, mà chúng ta đã sống như là nô lệ của tội lỗi, và chúng ta cầu xin Chúa đoái thương tha thứ, và ban cho chúng ta ân sủng, để chúng ta có thể làm cho ý Cha được thể hiện trong cuộc sống của chúng ta, qua việc chúng ta tập sống khiêm nhường như Chúa Giê-su, tập sống thương xót như Cha trên trời là Đấng Thương Xót, tập sống vâng phục và sống theo Lời Chúa và giáo huấn của Chúa, tập sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa qua cầu nguyện và thờ phượng Thiên Chúa, và tập sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Như vậy chúng ta đã cầu nguyện với ba lời cầu xin đầu tiên của kinh Lạy Cha. Giữa ba lời cầu xin này có sự thống nhất. Cả ba đều bao hàm thái độ từ Thiên Chúa và sự đáp trả từ phía con người; hai bên cùng nhau tìm cách thực hiện mầu nhiệm cứu độ duy nhất, và mầu nhiệm ấy được thực hiện ngày này sang ngày khác cho tới khi hoàn tất qua một lần thực hiện dứt điểm và trọn vẹn.

Sự đáp trả của con người được diễn tả không chỉ qua thái độ sống tinh thần tin mừng, mà còn luôn được diễn tả qua lời cầu nguyện của chúng ta, những người con nhỏ bé đối với Cha ở trên trời, như thánh Phan-xi-cô thành A-si-si diễn tả:

“Xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Lạy Cha, xin cho chúng con được yêu mến Cha với tất cả trái tim của chúng con, bằng cách chúng con luôn nghĩ về Cha cách không ngừng nghỉ.

Xin cho chúng con được yêu mến Cha với tất cả linh hồn của chúng con, bằng cách chúng con luôn luôn ao ước về Cha.

Xin cho chúng con được yêu mến Cha với tất cả tinh thần của chúng con, bằng cách chúng con hướng mọi ý định và mục đích của chúng con về với Cha, và hằng tìm sự tốt lành của Cha trong mọi sự.

Xin cho chúng con được yêu mến Cha với tất cả sức lực của chúng con, để chúng con dùng tất cả sức lực của chúng con, và dùng tất cả mọi nguồn năng lượng của linh hồn chúng con, cũng như của thân xác chúng con duy nhất cho việc phụng sự Cha, chứ không cho bất cứ điều gì khác.

Xin giúp chúng con biết yêu mến người bên cạnh chúng con như chúng con yêu mến chính bản thân chúng con, bằng cách ban tặng cho họ mọi sự, theo khả năng của chúng con, và theo tinh thần tình yêu của Cha, và bằng cách chúng con vui mừng với niềm vui và hạnh phúc của họ như là niềm vui và hạnh phúc của chúng con, cũng như cảm thông và chia sẻ với những đau khổ họ phải chịu, và không bao giờ gây nên lỗi lầm đối với họ”.

Với lời cầu nguyện này, xin kết thúc phần thứ nhất của kinh Lạy Cha.

 

Chúng ta cùng đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng và kinh Sáng Danh.

 

5) Lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn chiếu soi trên hành trình của chúng con /

như dấu chỉ của ơn cứu độ / và niềm hy vọng.

Chúng con phó thác chúng con cho Mẹ, là Sức khỏe của các bệnh nhân.
Dưới chân Thánh giá, Mẹ đã hiệp thông /

trong nỗi thống khổ của Chúa Giêsu, với một đức tin kiên vững.
Lạy Mẹ, là Phần Rỗi của dân thành Rôma, Mẹ biết điều chúng con cần / và chúng con chắc chắn rằng,  Mẹ sẽ ban cho chúng con, để giống như ở Cana miền Galilê, niềm vui và lễ hội / sẽ trở lại sau thời gian thử thách này.
Lạy Mẹ của Tình yêu Chúa, xin giúp đỡ chúng con, để chúng con biết vâng theo thánh ý Chúa Cha / và làm điều mà Chúa Giêsu phán bảo chúng con.
Ngài là Đấng/ đã gánh lấy trên mình Ngài / các nỗi đau của chúng con, và Ngài mang lấy những buồn sầu của chúng con, để qua Thánh giá, đưa chúng con đến niềm vui Phục Sinh.
Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con tìm nương náu / dưới sự che chở của Mẹ.

Xin chớ chê chớ bỏ / lời cầu xin của chúng con / đang trong cơn thử thách,

và thân lạy Đức Trinh nữ/  vinh hiển đầy ơn phúc,

xin giải thoát chúng con khỏi mọi hiểm nguy. Amen.

 

 

6) Kinh Trông Cậy.

 

Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện, trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

Lạy rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu.
Thương xót chúng con.

Lạy Trái Tim cực Thánh cực tịnh Rất Thánh Đức Bà Maria.
Cầu cho chúng con.

Lạy Ông thánh Giuse là bạn thanh sạch Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh.
Cầu cho chúng con.

Lạy Tổng Lãnh Thiên Thần Micae.

Cầu cho chúng con.

Các Thánh Tử Vì Đạo nước Việt Nam.
Cầu cho chúng con.

Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta.

Cầu cho chúng con.

Thánh Rô-cô.

Cầu cho chúng con.

Nữ Vương ban sự bằng an.
Cầu cho chúng con.

 

7) Phúc lành của Chúa.

 

Xin Thiên Chúa luôn đồng hành và

dẫn bước anh chị em trên hành trình cuộc đời. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi trước anh chị em,

để chính Ngài dọn con đường cho anh chị em

bước đi trong an toàn và bình an. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi sau anh chị em,

Để Ngài sẽ ra tay nâng đỡ và ban thêm sức mạnh cho anh chị em,

khi anh chị em rơi vào khó khăn thử thách. Amen.

 

Xin Thiên Chúa dịu dàng cúi xuống bồng ẵm anh chị em lên đôi tay của Ngài,

Khi anh chị em đau yếu và trở nên tê liệt hoàn toàn. Amen.

 

Xin Thiên Chúa Ba Ngôi quyền năng và giàu lòng thương xót,

là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần

ban tràn đầy phúc lành, luôn chở che anh em trong vòng tay dấu ái của Ngài. Amen.

 

8) Thánh Ca:

 

Chúa không lầm.

Sáng tác: Lm. Kim Long.

Trình bày: Vy Oanh.