Bài Mới

1) Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

 

2) Kinh Sáng Soi: Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

 

3) Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

 

“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin tha tội cho chúng con
như chúng con cũng tha
cho những người có lỗi với chúng con
(Mt 6,9a.12).

 

4) Suy niệm:

 

Quý Ông Bà và Anh Chị Em cùng các Cháu thân mến,

 

Lời Chúa được trích từ Tin Mừng của thánh Mát-thêu, đó là lời cầu nguyện thứ năm của Kinh Lạy Cha. Với lời cầu nguyện này, chúng ta khiêm tốn chạy đến cùng Cha, xin Cha dủ tình thương xót tha thứ cho chúng ta, cũng như xin Cha thúc đẩy và giúp chúng ta biết ý thức sống tha thứ cho anh chị em.

 

“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin tha tội cho chúng con
như chúng con cũng tha
cho những người có lỗi với chúng con
”.

 

Nếu đọc kỹ từng lời cầu nguyện trong kinh Lạy Cha, sẽ nhận ra được nét đặc biệt trong lời cầu nguyện về tinh thần tha thứ. Đó là, chỉ trong lời cầu nguyện này, theo Joachim Jeremias, có thêm một yếu tố “thêm vào”, đó là hành động của con người: “Như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”. Còn trong các lời cầu nguyện khác chỉ nói về hành động của Thiên Chúa. Vì thế, có thể nói rằng, sự tha thứ của Thiên Chúa luôn gắn liền với sự tha thứ của con người.

Điều này được diễn tả sống động trong dụ ngôn « tên đầy tớ mắc nợ không biết thương xót » (Mt 18, 23tt). Ý tưởng quan trọng của dụ ngôn này được diễn tả qua câu nói của vị vua trong câu chuyện: « Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? » (Mt 18, 32-33). Câu nói của vị vua nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của tinh thần tha thứ trong đời sống đức tin, cụ thể trong tương quan của người Kitô hữu với Chúa và với người khác.

 

Thiên Chúa tha tội là một việc tối quan trọng trong Cựu ước cũng như Tân ước. Tội lỗi không phải chỉ là một sự lỗi phạm của cá nhân đối với Chúa, vì nó làm nhục tới chủ quyền của Thiên Chúa, hơn thế nữa, nó làm thương tổn tới tình yêu của một người Cha. Thiên Chúa đau khổ khi thấy con người từ khước tình yêu của Người và đi vào chỗ hư thân, nhưng dù thế nào Ngài vẫn yêu thương và sẵn sàng tha thứ.

Trở về với biến cố lụt đại hồng thủy, chúng ta thấy rằng, ngay sau biến cố này, nghĩa là sau khi ông Nô-ê ra khỏi tàu, Thiên Chúa đã nói : « Ta sẽ không bao giờ nguyền rủa đất đai vì con người nữa ». (St 8,21). Lời của Thiên Chúa đã diễn tả lòng nhân từ hay thương xót đối với các tạo vật của Ngài, và cũng nói lên được thánh ý cao cả của Ngài, thánh ý cứu rỗi con người, cụ thể qua hình ảnh Thiên Chúa thứ tha và cứu rỗi dân Do-thái.

 

Thiên Chúa có quyền năng tiêu diệt và có quyền năng cứu rỗi, có quyền năng hành phạt và có quyền năng tha thứ. Ngoài ra, Thiên Chúa có thể nổi giận và xử phạt, nhưng sự nổi giận và xử phạt không nói được hết bản chất của Thiên Chúa. Theo Zenger, trong đoạn sách Xuất Hành này, Gia-vê Thiên Chúa mạc khải Ngài chính là Thiên Chúa nhân hậu và từ bi. Ngài liên kết với dân của Ngài, như người Mẹ gắn bó với con của mình. Nhưng không chỉ thế, sự nối kết thân mật của Thiên Chúa với con người chắc chắn lớn hơn tình Mẹ giành cho con: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15). Sự liên kết chặt chẽ và thân mật này vượt trên không gian và thời gian. Không có bất cứ ngăn cách nào có thể làm thay đổi sự liên kết này. Hơn nữa, lòng nhân hậu và từ bi thuộc về bản chất của Thiên Chúa. Ngài như vị vua tốt lành không bao giờ bóc lột con dân của mình, ngược lại luôn chăm sóc, thương yêu và làm cho con dân được hạnh phúc .

Thật vậy, sự tha thứ và lòng nhân hậu của Thiên Chúa lớn hơn tất cả những tội lỗi của con người. Ngài có thể biến đổi tất cả những lầm lỗi vào trong tình yêu. Tất cả đều có thể đối với Thiên Chúa, tất cả những gì cũ kỹ đều có thể trở nên mới đối với Thiên Chúa.

 

Chiêm ngắm cuộc đời của Đức Ki-tô, chúng ta nhận ra Ngài luôn quảng đại và thương xót người lầm lỡ tội lỗi, và sẵn sàng tha thứ và cứu thoát họ. Đó là chị phụ nữ tội lỗi đến gặp Chúa trong nhà người Pha-ri-sêu và đã khóc lóc thảm thiết, đến nỗi tưới ướt chân Chúa và lấy chính nước mắt này lau chân Chúa. Đó là Gia-kêu thu thuế tội lỗi được Chúa đoái nhìn, và Chúa muốn vào nhà ông để dùng bữa tiệc của lòng thương xót tha thứ cho ông. Một người thu thuế tội lỗi khác là Lê-vi, được Chúa nhìn đến, không chỉ tha thứ cho ông mà còn gọi ông bước vào con đường theo Chúa, trở nên tông đồ của Chúa. Đó là người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang và bị xét xử bởi những kẻ tự cho mình là đạo đức, là chuyên viên về luật lệ. Họ bắt Chúa xử chị ta, nhưng thực ra họ cũng muốn xử chính Chúa. Với tấm lòng thương xót vô bờ, Chúa đã cứu chị, tha thứ cho chị, và Chúa cũng muốn cứu cả những con người kiêu ngạo cho mình là đạo đức kia.

 

Tất cả những hành động và đời sống của Đức Kitô tương hợp với những gì Ngài rao giảng, tương hợp với tinh thần của Ngài. Thật vậy, « đọc lại » đời sống nhân từ hay tha thứ của Đức Kitô, chúng ta mới thấy hết được ý nghĩa của ba dụ ngôn diễn tả lòng nhân hậu hay thương xót của Chúa trong Luca, chương 15, cũng như chúng ta mới thấm thía biết bao lời Ngài truyền ban và khuyên nhủ chúng ta sống tinh thần nhân từ và tha thứ. Vâng, không chỉ tha bảy lần, mà cần phải tha đến bảy mươi lần bảy cho những người có lỗi với chúng ta. Đó là sự tha thứ liên lỷ, một sự tha thứ đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực mỗi ngày. Sự tha thứ mà Đức Kitô mời gọi chúng ta sống trong lời kinh Lạy Cha này.     

 

Tha thứ là một thái độ diễn tả tương quan của con người với nhau. Trong tương quan đó, một bên sẵn lòng tha thứ và bên kia nhận được sự thứ tha. Hơn nữa, tha thứ còn là hành động xây dựng lại mối tương quan đang bị đe dọa. Nói khác đi, tha thứ là một thái độ đáp lời cho những « tai nạn » trong tương quan giữa con người với nhau, nghĩa là sự tha thứ đem đến hòa giải, hàn gắn và băng bó lại những tương quan đang « rướm máu », và tìm lại niềm vui và bầu khí yêu thương. Thái độ cùng tinh thần tha thứ này được diễn tả qua nhiều hình thức khác nhau. Một lời nói tha thứ luôn là một cách diễn tả sống động cho tinh thần tha thứ. Và lời nói tha thứ này cần được phát xuất từ chính tâm hồn dù bị tổn thương, dù phải cay đắng, nhưng sẵn sàng mở lòng nhân từ đối với những người gây ra những căng thẳng và đau đớn. Tuy nhiên, thái độ tha thứ đôi khi lại không được diễn tả qua lời, mà lại được diễn tả qua thái độ thinh lặng với một ý hướng tích cực sẵn sàng đón nhận, hòa giải và bắt đầu lại. Như thế, tinh thần tha thứ không bao giờ « giậm chân » tại chỗ, ngược lại tinh thần tha thứ luôn đem lại một năng lực mới với sức sáng tạo mới, để xây dựng và để cùng xây dựng lại mối tương quan.

 

« Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em ». (Mt 6, 14-15). Như vậy, tha thứ cho anh chị em đồng loại là một đòi hỏi giành cho những ai sống đời sống đức tin vào Chúa. Chính sự đòi hỏi này cũng là một lời cảnh báo, đừng bao giờ để cho những tự ái, những căng thẳng, những vết thương, sự thù hận và sự chai cứng con tim “giết chết” đi lòng nhân từ, nhận chìm thiện chí hòa giải. Đời sống người Kitô hữu hệ tại phần lớn ở chính lòng nhân từ thương xót, yêu mến sự hòa bình và sẵn sàng tha thứ, như chính Đức Kitô đã sống và mời gọi chúng ta sống như Ngài.

 

Đức Giám mục thành Hippone (thánh Augustino) khai triển rộng rãi bằng lời cầu xin tha thứ này. Ngài bảo họ nhìn vào tấm gương thánh Têphanô, một người dù bị ném đá như mưa nhưng vẫn cầu nguyện cho những kẻ đang giết mình: “Họ thì ném đá mà chẳng hề xin ngài thứ tha, còn ngài thì cầu nguyện cho họ. Đó chính là thái độ mà tôi muốn anh em nhìn xem. Hãy cố gắng vươn tới mức đó. Đừng để lòng mình cứ sà sà mặt đất hoài. Hãy nâng tâm hồn lên! Vâng, hãy leo cao tới mức đó. Hãy yêu thương thù địch. Vì nếu anh em không tha, thì tôi xin nói, chẳng những anh em đã xoá sạch khỏi lòng mình bài Kinh Chúa dạy, mà chính anh em cũng sẽ bị xoá tên khỏi sách sự sống”.

 

Lời của thánh Augustino là một lời cảnh báo để chúng ta ý thức sống tinh thần tha thứ. Khi sống tinh thần tha thứ, thì chúng ta, những người con cái dưới đất thấp này, có thể bước trên hành trình nên hoàn thiện, như lòng ao ước của Đức Kitô: « Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện ». (Mt 5, 48).

 

Đón nhận nhau, tha thứ cho nhau thật đẹp. Nhưng trong tha thứ có giới hạn về thời gian và không gian không ? Trong phúc âm của Mát-thêu, chúng ta đọc lại một cuộc đối thoại ngắn ngủi của Phê-rô với Chúa Giêsu : “Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? " Đức Giê-su đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy." (Mt 18, 21-22). Thật thú vị câu trả lời của Đức Kitô! Martini đã làm một con tính, lấy 1440 phút của mỗi ngày để chia với 490 lần là kết quả của 70 lần 7, thì trong một ngày, cứ 3 phút cần phải tha thứ một lần. Như thế tha thứ cho nhau là thái độ thường xuyên và cần thiết cho cuộc sống thường ngày.  Còn đối với Bonhoeffer, một thần học gia và mục sư bị phát xít Đức giết vào thế chiến thứ hai, thì tha thứ không cần con số. Đừng đếm bao nhiêu lần cần phải tha thứ. Tha thứ không “quen” số lượng và không biết đến “chấm hết”. Tha thứ là thái độ sống hằng ngày và không ngừng nghỉ.

Hơn nữa, tinh thần tha thứ giúp con người có thể phá đổ vòng tròn quỷ quyệt kia, tháo cởi một vài mắc xích của vòng tròn đó, để rồi một làn không khí trong lành của lòng nhân hậu sẽ tràn vào. Có như thế, thì sự nặng nề trong lòng sẽ nhường chỗ cho sự thảnh thơi và thanh bình, chán nản phải rút lui trước niềm vui đang đến, và chân trời mới được mở ra cho cuộc sống mới đem lại nhiều ý nghĩa cho đời người. Như vậy, tha thứ là một sức mạnh có sức thay đổi cuộc sống, đặc biệt là thay đổi chính cuộc sống của người bị tổn thương. Nói khác đi, cần phải tha thứ cho người khác để cứu thoát chính bản thân mình và tìm lại những “nét đẹp” cho cuộc sống của mình. Đó là một hành động yêu thương bản thân và cuộc sống cách thanh cao. Hơn nữa, qua chính sự tha thứ, con người cũng yêu thương người khác với một tấm lòng bao la, và tha thứ sẽ ban tặng cơ hội cho người mắc lỗi, để họ có thể sửa đổi lại những gì không hay trong quá khứ mà chính họ đã gây ra, để nhờ đó tương lai đời họ được đẹp hơn.

« Tha thứ cho người có lỗi với chúng ta, nghĩa là hoàn toàn bỏ qua những chuyện quá khứ. Chấp nhận rằng tương lai vẫn còn trong sáng và và chưa bị vẫn đục ». Ý tưởng của Simon Weil thật mạnh mẽ và rõ ràng. Còn trong thực tế, thì những lỗi lầm thường để lại những ảnh hưởng xấu cho tương lai. Nói khác đi, tương lai thường bị những lỗi lầm “ám ảnh”, đến nỗi khó có thể xây dựng một tương lai cho đẹp. Vì vậy, con người sẽ trao tặng cho nhau “món quà tương lai”, khi con người yêu thương và tha thứ lẫn cho nhau.

Ngoài ra, khi tha thứ cho nhau, con người đem lại sức sống mới cho gia đình và cho cộng đoàn.

Hình ảnh của người con hoang đàng trở về và Cha Nhân Hậu đã mở tiệc đón mừng là một điều rất ý nghĩa. Tại bàn tiệc của lòng nhân hậu và tha thứ, người con hoang tìm lại vị trí « Cậu » trong gia đình. Niềm vui của « Cậu » chắc là lớn lắm. Niềm vui đó được hòa chung với niềm vui của nhiều người trong nhà. Niềm vui đó cũng chính là sức sống mới mà gia đình và cộng đoàn « Cậu » nhận được qua sự tha thứ, để mọi người bắt đầu xây dựng lại bầu khí yêu thương trong gia đình và trong cộng đoàn.

Trở về với Đức Kitô chúng ta thấy, sau khi tỏ lòng nhân từ và tha thứ cho Gia-kêu, cho Lê-vi, Ngài đã đến gia đình của họ để chia sẻ bàn tiệc với họ, nghĩa là qua sự tha thứ cho một thành viên, Đức Kitô cũng muốn đem lại một làn gió mát cho gia đình và cộng đoàn của họ. Nói cách khác, sự tha thứ không chỉ quan trọng đối với đời sống cá nhân, mà cộng đoàn cũng nhận được những ảnh hưởng rất tích cực từ sự tha thứ cho mỗi thành viên trong gia đình và trong cộng đoàn. Nếu tội lỗi làm đổ vỡ cộng đoàn, thì sự tha thứ nối kết và xây dựng lại cộng đoàn. Nói cách khác, « nếu cộng đoàn là nơi tội lỗi hiện diện, thì chúng ta phải mạnh dạn xin mọi người tha thứ cho chúng ta, và chúng ta cũng cần tha thứ cho mọi người ».

Đối với Jacques Guillet, cộng đoàn của Tin Mừng được thành lập trên tinh thần tha thứ. Cộng đoàn đó chỉ hiện hiện ở nơi mà tất cả các anh chị em, nghĩa là từng cá nhân một trong cộng đoàn có được một chỗ để hiện diện, được góp mặt vào trong một tập thể chung, vượt trên sự khác biệt về tính tình, và bất chấp mặt ưu và mặt khuyết của họ. Trong cộng đoàn đó, anh chị em chấp nhận mỗi người như họ là, chấp nhận tất cả những lỗi lầm và tội lỗi họ gây ra. Đó chính là tinh thần tha thứ được diễn tả qua tinh thần đón nhận nhau trong cộng đoàn.

Thánh Phao-lô cũng luôn quan tâm đến sự tha thứ trong đời sống cộng đoàn. Ngài đã để lại nhiều giáo huấn khuyên nhủ mọi người trong cộng đoàn sống tinh thần yêu thương và tha thứ. Trong thư gởi giáo đoàn thành Ê-phê-sô, thánh nhân đã khuyên nhủ mọi người về đời sống mới trong Đức Kitô, đời sống mới trong tình yêu của Chúa. Trong lời khuyên đó có đoạn: « Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô. » (Eph 4, 31-32). Trước hết, cộng đoàn của Tin Mừng, của những người con sống theo gương Đức Kitô cần « lột xác », cần cởi bỏ đi con người cũ với chua cay gắt gỏng, với nóng nảy giận hờn, với la lối thóa mạ, để mặc lấy chính Đức Kitô, để thấm nhuần tinh thần của Thần Khí Thiên Chúa, để trở nên con người mới thuộc về Đức Kitô. Con người mới đó đứng vững trên mặt đất của tình yêu thương. Nơi đó anh chị em trong cộng đoàn học cách hành xử thật tốt với nhau. Một trong những cách hành xử tốt là luôn ý thức tha thứ cho nhau.

 

Trở nên hoàn thiện như Cha trên trời (Mt 5, 48), là yêu thương như Cha trên trời yêu thương, là tha thứ như Cha trên trời tha thứ. Khi chúng ta tha thứ là chúng ta sống trong sự hài hòa với tình yêu của Ngài. Cũng thế, khi sống tinh thần tha thứ, là chúng ta mở rộng lòng mình ra cho tình yêu giàu lòng thương xót của Chúa, Đấng chúng ta tôn thờ, Đấng chúng ta tin tưởng, và Đấng mà chúng ta luôn luôn có thể chạy đến với Ngài bất cứ lúc nào, để xin Ngài che chở, cứu chữa, đặc biệt khi chúng ta rơi vào « vòng xoáy » của sự dữ, hay khi chúng ta phải đối diện với những cám dỗ thứ thách trong cuộc đời dương thế này.

 

Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,

Sống trong đại dịch, chúng con phải dừng bước.

Cuộc sống chậm lại và đó cũng là lúc những cảm xúc tích cực và tiêu cực trỗi dậy.

Một trong những cảm xúc tiêu cực là sự thù hận, giận giữ, tổn thương.

Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,

Xin Cha hoá giải cảm xúc tiêu cực này,

Bằng cách xin Cha giúp chúng con biết sống tha thứ cho nhau,

Đặc biệt tha thứ cho những người làm tổn thương chúng con,

Tha thứ cho kẻ thù của chúng con,

Như Cha đã và luôn tiếp tục tha thứ cho chúng con.

Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,

Ước gì tinh thần tha thứ Cha dạy chúng con,

Được chúng con ý thức sống động,

Nhờ đó Danh Cha được cả sáng,

Nước Cha được trị đến và

Ý Cha được thể hiện.

 

Cha ơi, tất cả để vinh Danh Cha trên trời,

Và nhờ đó Cha chúc lành cho mỗi người chúng con. Amen.

 

 

Chúng ta cùng đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng và kinh Sáng Danh.

 

 

5) Lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha.

 

Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn chiếu soi trên hành trình của chúng con /

như dấu chỉ của ơn cứu độ / và niềm hy vọng.

Chúng con phó thác chúng con cho Mẹ, là Sức khỏe của các bệnh nhân.
Dưới chân Thánh giá, Mẹ đã hiệp thông /

trong nỗi thống khổ của Chúa Giêsu, với một đức tin kiên vững.
Lạy Mẹ, là Phần Rỗi của dân thành Rôma, Mẹ biết điều chúng con cần / và chúng con chắc chắn rằng,  Mẹ sẽ ban cho chúng con, để giống như ở Cana miền Galilê, niềm vui và lễ hội / sẽ trở lại sau thời gian thử thách này.
Lạy Mẹ của Tình yêu Chúa, xin giúp đỡ chúng con, để chúng con biết vâng theo thánh ý Chúa Cha / và làm điều mà Chúa Giêsu phán bảo chúng con.
Ngài là Đấng/ đã gánh lấy trên mình Ngài / các nỗi đau của chúng con, và Ngài mang lấy những buồn sầu của chúng con, để qua Thánh giá, đưa chúng con đến niềm vui Phục Sinh.
Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con tìm nương náu / dưới sự che chở của Mẹ.

Xin chớ chê chớ bỏ / lời cầu xin của chúng con / đang trong cơn thử thách,

và thân lạy Đức Trinh nữ/  vinh hiển đầy ơn phúc,

xin giải thoát chúng con khỏi mọi hiểm nguy. Amen.

 

 

6) Kinh Trông Cậy.

 

Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện, trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

Lạy rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu.
Thương xót chúng con.

Lạy Trái Tim cực Thánh cực tịnh Rất Thánh Đức Bà Maria.
Cầu cho chúng con.

Lạy Ông thánh Giuse là bạn thanh sạch Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh.
Cầu cho chúng con.

Lạy Tổng Lãnh Thiên Thần Micae.

Cầu cho chúng con.

Các Thánh Tử Vì Đạo nước Việt Nam.
Cầu cho chúng con.

Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta.

Cầu cho chúng con.

Thánh Rô-cô.

Cầu cho chúng con.

Nữ Vương ban sự bằng an.
Cầu cho chúng con.

 

7) Phúc lành của Chúa.

 

Xin Thiên Chúa luôn đồng hành và

dẫn bước anh chị em trên hành trình cuộc đời. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi trước anh chị em,

để chính Ngài dọn con đường cho anh chị em

bước đi trong an toàn và bình an. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi sau anh chị em,

Để Ngài sẽ ra tay nâng đỡ và ban thêm sức mạnh cho anh chị em,

khi anh chị em rơi vào khó khăn thử thách. Amen.

 

Xin Thiên Chúa dịu dàng cúi xuống bồng ẵm anh chị em lên đôi tay của Ngài,

Khi anh chị em đau yếu và trở nên tê liệt hoàn toàn. Amen.

 

Xin Thiên Chúa Ba Ngôi quyền năng và giàu lòng thương xót,

là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần

ban tràn đầy phúc lành, luôn chở che anh em trong vòng tay dấu ái của Ngài. Amen.

 

8) Thánh Ca:

 

Lỗi hẹn.

Sáng tác: Lê Đức Hùng.

Trình bày: Một người anh em ở Copenhagen.