Bài Mới

Tuần cửu nhật cầu nguyện với Chúa Thánh Thần

 

1) Thánh Ca: Thánh Vịnh 103 (sáng tác: Lm. Thái Nguyên).

 

2) Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

Kinh Sáng Soi: Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.

 

Kính thưa quý Ông Bà và Anh Chị Em cùng các cháu,

Hôm nay chúng ta bước vào ngày thứ tư của tuần cửu nhật.

Chúng ta suy niệm và cầu nguyện về đề tài:  Hoa trái của Thần Khí là NHẪN NHỤC.

Nhẫn nhục là một nhân đức thuộc về bản chất của Thiên Chúa. Trong Cựu Ước Thiên Chúa đã bộc lộ sự kiên nhẫn của Ngài với dân Do-thái tội lỗi, Ngài sẵn sàng chờ đợi họ hoán cải để tha thứ và cứu độ họ. Sách Xuất Hành nêu bật dung của mạo của Thiên Chúa: “ĐỨC CHÚA! ĐỨC CHÚA! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu từ bi và thành tín” (Xh 34,6; x. Ds 14,18; St 4,2; ect).

Như thế, Thiên Chúa, Đấng yêu thương luôn kiên nhẫn với con cái của Ngài. Nói khác đi trong yêu thương luôn có nhẫn nhục, và nhẫn nhục làm nổi bật giá trị của yêu thương.

 

Để cảm nhận được chiều sâu của nhẫn nhục đi liền với yêu thương, chúng ta suy niệm câu truyện của Chúa Giê-su với nhóm Kinh Sư và Pha-ri-sêu cùng chị phụ nữ ngoại tình trong Tin Mừng Gioan: 2 Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ.3 Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa,4 rồi nói với Người: "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình.5 Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? "6 Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất.7 Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi."8 Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất.9 Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa.10 Người ngẩng lên và nói: "Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao? "
11Người đàn bà đáp: "Thưa ông, không có ai cả." Đức Giê-su nói: "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa! "

Các kinh sư và người Pha-ri-sêu đưa ra một thảm kịch con người để định lừa Chúa. Thật ra, họ không chú trọng đến thảm trạng người phụ nữ tội lỗi bị bắt quả tang, mà chỉ cốt làm Chúa lúng túng, mục đích của họ là muốn gài bẫy và hại Chúa. Nghĩa là Chúa trả lời thế nào cũng đều bị họ bắt chẹt và rồi họ sẽ kết án Chúa. Họ đã tỏ một thái độ đê tiện phi nhân quá sức, còn  tư tưởng và tâm hồn Đức Kitô thì tốt lành tràn đầy yêu thương và nhẫn nhục vô cùng.

Trước đòn nham hiểm của họ, Chúa Giê-su phản ứng thế nào? “Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất”. Một hành động thật lạ lùng nhưng rất bình tĩnh và đầy kiên nhẫn của Chúa Giê-su.

Ngài không sợ hãi gì trước sự nham hiểm kia, Ngài không muốn kết án và vạch trần mưu mô xảo quyệt của người kinh sư và Pha-ri-sêu. Ngài không tức tối về những điều bất nhân họ đang làm hầu để hại Ngài.

Thậm chí Người cũng không phê phán họ. Người kêu gọi họ tự nhận xét bản thân mình. Thay vì trả lời thẳng câu hỏi của họ. Người lại bắt đầu viết trên mặt đất. Người nhẫn nhục làm công việc này vì yêu thương họ, để tạo cho họ có thì giờ xem xét lương tâm của họ.

Thật vậy, Chúa cúi xuống và im lặng, sự im lặng đầy nhẫn nhục này khởi đầu cho sự im lặng nhẫn nhục quan trọng của Đức Giêsu trong vụ xử án chính Ngài, Đấng như là con chiên hiền lành bị đem đi giết mà không lên tiếng, để minh oan và bào chữa cho chính bản thân, dù Ngài chẳng có tội tình gì. Trong bối cảnh tối tăm, Đức Giêsu đã nhẫn nhục và chiếu toả ra tia sáng của tình yêu thương.

Câu truyện kể tiếp là nhóm người kết án không buông tha Chúa, họ tiếp tục vặn hỏi Chúa. Sau đó Chúa đã ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Sự khôn ngoan của lòng thương xót! Một lòng thương xót đối diện với tội lỗi của con người đang ẩn dấu trong các hòn đá kia, và lòng thương xót và tình yêu đã chiến thắng.

Với lời khôn ngoan đó, Đức Giêsu đặt cuộc tranh luận trên một bình diện khác: Dưới mắt Thiên Chúa, tất cả mọi người đều là tội nhân, và cần phải được tha thứ.

Thật vậy, Chúa Giê-su đến không phải để đem hình phạt trên con người, và Ngài cũng không xét đoán con người, như Chúa vẫn thường nói: “Phần tôi, tôi không xét đoán ai cả” (Ga 8,l5). Hơn nữa, Chúa còn nói: “Tôi đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ (x.Ga 3,17).

 

Dung mạo nhẫn nhục yêu thương của Chúa Giê-su tương hợp với lời của thánh Phao-lô nói: “Lòng yêu mến thì nhẫn nhục” (1Cr 13,4a).

Có hai vị thánh khác có cùng tư tưởng như thánh Phao-lô.

Thánh Grêgoriô viết: “Vậy nếu tuyệt nhiên không nhẫn nhục, thì cũng chẳng có bác ái”. Thánh Cyprianô nói: “Bác ái là dây nối buộc tình huynh đệ. Hễ vứt bỏ nhẫn nhục đi, bác ái trơ trọi không tồn tại nữa”.

 

Thiên Chúa từ bi và “nén giận” với dân Do-thái, để cứu độ họ. Chúa Giê-su đã nhẫn nhục và yêu thương, để cứu chị phụ nữ và Ngài cũng muốn cứu cả đám người bất nhân ác độc muốn hãm hại Ngài.

Hôm nay, nhìn lại mình chúng ta đã sống tinh thần nhẫn nhục trong yêu thương như thế nào?

Trong khi thế giới hôm nay có khuynh hướng coi thường đức nhẫn nhục, vì  họ coi đó như là một thái độ mềm yếu, thụ động và dễ dàng thua cuộc, còn tôi là người Công Giáo, tôi nhìn giá trị của sự nhẫn nhục như thế nào? Qua gương của Chúa Giê-su tôi đã rút ra được bài học gì cho sự nhẫn nhục trong yêu thương?

 

Tôi đã có trải nghiệm gì về sự nhẫn nhục? khi tôi bị người khác khinh thường, nhục mạ và âm mưa hãm hại tôi, tôi đã có thái độ nào? Tôi có nhẫn nhục và tự chủ được mình trong lúc đó không? Nếu tôi tự chủ và kiên nhẫn được, thì sau đó tôi đã có hành động nào để hoán chuyển sự khinh thường, nhục mạ và sự bất nhân đó, để đưa lại hoa trái tốt lành cho cuộc sống?

 

Có khi nào tôi đã không còn tự chủ được mình, và đánh mất sự kiên nhẫn hoàn toàn vì tức tối, giận giữ và không hài lòng. Lúc đó suy nghĩ của tôi ra sao, cảm xúc của tôi thế nào, lời tôi nói mang hương vị gì và hành vi cùng hành động tôi tỏ ra đưa lại hậu quả tiêu cực nào cho tôi và cho người xung quanh?

Khi tức giận tim sẽ đập nhanh hơn, mặt đỏ hơn, huyết áp tăng nhanh, ngôn ngữ phát ra với tốc độ không kiểm soát vì “tức giận là trạng thái cái lưỡi làm việc nhanh hơn cái đầu.” Điều này không những ảnh hưởng xấu đến nhân cách, tâm lý mà cả về sức khỏe. Thật vậy, nguy cơ đột quỵ do trụy tim, tai biến cũng nhiều hơn với những người cứ hằng ngày sống trong tức giận và thù hận. Nếu bạn muốn, bạn có thể trở về với một trải nghiệm tức giận và hận thù thật tiêu cực bạn có, để xin Chúa giúp bạn nhận biết mình hơn, và để xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn bạn sống nhẫn nhục yêu thương hơn.

Để sống được nhân đức nhẫn nhục, người tín hữu cần có hồn sống yêu thương của Chúa trong trái tim mình, trong suy nghĩ mình và trong hành động cùng lời nói của mình. Tình yêu, Đức Mến cần phải trở nên Kim Chỉ Nam hướng dẫn chúng ta. Thật vậy, ai yêu thương thật sự, thì người đó luôn nhẫn nhục, như chính Thiên Chúa luôn từ bi và nén giận, như Chúa Giê-su đến không phải để phá đổ mà để cứu thoát.

Lạy Chúa Thánh Thần,

Xin đừng để con bị tách ra khỏi tình yêu của Chúa Giê-su,

Xin đừng bao giờ để con sống xa lìa sự hướng dẫn

yêu thương của Chúa, là hồn sống của con.

Con luôn xác tín rằng, vì yêu thương chúng con,

mà Chúa đã kiên nhẫn với chúng con rất nhiều,

thì Chúa cũng muốn dạy dỗ chúng con biết kiên nhẫn với anh chị em,

để làm cho hoa trái của tình yêu được nở hoa trong tâm hồn chúng con

và trong tương quan giữa chúng con với nhau.

Cuối cùng, chúng ta để lời của hai thánh nhân giúp chúng ta suy tư thêm về đức nhẫn nhục.

Thánh Catharina thành Siena nhắc nhớ chúng ta trong cuốn Đối Thoại:

“Cây Đức ái thì được nuôi dưỡng bởi tủy là đức Nhẫn nại và

cắm rễ sâu trong đất Khiêm nhường”. 

Thánh Augustinô viết trong Tu luật: “Người khôn ngoan bao nhiêu thì càng kiên nhẫn bấy nhiêu”.

 

Chúng ta cùng đọc kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng và kinh Sáng Danh.

 

3) Lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn chiếu soi trên hành trình của chúng con /

như dấu chỉ của ơn cứu độ / và niềm hy vọng.

Chúng con phó thác chúng con cho Mẹ, là Sức khỏe của các bệnh nhân.
Dưới chân Thánh giá, Mẹ đã hiệp thông /

trong nỗi thống khổ của Chúa Giêsu, với một đức tin kiên vững.
Lạy Mẹ, là Phần Rỗi của dân thành Rôma, Mẹ biết điều chúng con cần / và chúng con chắc chắn rằng,  Mẹ sẽ ban cho chúng con, để giống như ở Cana miền Galilê, niềm vui và lễ hội / sẽ trở lại sau thời gian thử thách này.
Lạy Mẹ của Tình yêu Chúa, xin giúp đỡ chúng con, để chúng con biết vâng theo thánh ý Chúa Cha / và làm điều mà Chúa Giêsu phán bảo chúng con.
Ngài là Đấng/ đã gánh lấy trên mình Ngài / các nỗi đau của chúng con, và Ngài mang lấy những buồn sầu của chúng con, để qua Thánh giá, đưa chúng con đến niềm vui Phục Sinh.
Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con tìm nương náu / dưới sự che chở của Mẹ.

Xin chớ chê chớ bỏ / lời cầu xin của chúng con / đang trong cơn thử thách,

và thân lạy Đức Trinh nữ/  vinh hiển đầy ơn phúc,

xin giải thoát chúng con khỏi mọi hiểm nguy. Amen.

 

 

4) Kinh Trông Cậy.

 

Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện, trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.

Lạy rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu.
Thương xót chúng con.

Lạy Trái Tim cực Thánh cực tịnh Rất Thánh Đức Bà Maria.
Cầu cho chúng con.

Lạy Ông thánh Giuse là bạn thanh sạch Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh.
Cầu cho chúng con.

Lạy Tổng Lãnh Thiên Thần Micae.

Cầu cho chúng con.

Các Thánh Tử Vì Đạo nước Việt Nam.
Cầu cho chúng con.

Mẹ Tê-rê-sa Can-cút-ta.

Cầu cho chúng con.

Thánh Rô-cô.

Cầu cho chúng con.

Nữ Vương ban sự bằng an.
Cầu cho chúng con.

 

5) Phúc lành của Chúa.

 

Xin Thiên Chúa luôn đồng hành và

dẫn bước anh chị em trên hành trình cuộc đời. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi trước anh chị em,

để chính Ngài dọn con đường cho anh chị em

bước đi trong an toàn và bình an. Amen.

 

Xin Thiên Chúa luôn đi sau anh chị em,

Để Ngài sẽ ra tay nâng đỡ và ban thêm sức mạnh cho anh chị em,

khi anh chị em rơi vào khó khăn thử thách. Amen.

 

Xin Thiên Chúa dịu dàng cúi xuống bồng ẵm anh chị em lên đôi tay của Ngài,

Khi anh chị em đau yếu và trở nên tê liệt hoàn toàn. Amen.

 

Xin Thiên Chúa Ba Ngôi quyền năng và giàu lòng thương xót,

là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần

ban tràn đầy phúc lành, luôn chở che anh em trong vòng tay dấu ái của Ngài. Amen.

 

 

6) Thánh Ca:

Xin Ban Thánh Thần

Sáng tác: Trầm Thiên Thu.