Tác giả: Chris Lowney
Chuyển ngữ: Viết Thanh
Từ: aleteia.org

WHĐ – Đừng chờ đợi những khoảnh khắc kỳ diệu để biết ơn.

Hãy để tôi kể cho bạn nghe về một phép mầu mà tôi đã từng trải qua và lòng biết ơn sâu sắc mà nó truyền cảm hứng cho tôi từ đó.

Câu chuyện bắt đầu với sự bình phục dần dần của mẹ tôi sau một tai nạn ô tô nghiêm trọng. Bà ấy đã nằm liệt giường trong rất nhiều ngày; các phần cơ của bà bị teo lại. Sau đó, trong suốt những tuần tập vật lý trị liệu, mẹ tôi vẫn phải ngồi xe lăn trong khi bà nỗ lực vật lộn (và hầu như không thành công) để phục hồi sức bền và khả năng vận động.

Một buổi chiều, tôi quan sát nhân viên vật lý trị liệu đẩy chiếc xe lăn của mẹ tôi ra giữa dãy các thanh xà kép đã được cố định, khóa bánh xe lại, cúi người xuống và nói với bà: “Chị Lowney, tôi muốn chị dùng cả hai tay nhấc cả cơ thể khỏi chiếc xe lăn và đứng dậy, sau đó vịn vào các thanh xà kép này để đỡ cơ thể mình. Được chứ?"

Tôi đã từng chứng kiến điều này trước đây, và khoảnh khắc đó luôn kết thúc trong thất bại. Tôi nhận thấy sự thất vọng đang ập đến với tôi. Có một sự nghi ngờ thoáng qua khuôn mặt mẹ tôi. Bà nâng cơ thể lên được một vài inch, sau đó hạ xuống trở lại.

Nhưng, điều đó đã tiến xa hơn những gì mẹ tôi đã đạt được qua những nỗ lực vô ích trong hai tuần qua, và vẻ mặt của bà đã chuyển từ lo lắng sang tập trung. Bà ấy tập trung bản thân để nỗ lực lần thứ hai.

Và bà ấy đã tiến triển. Bà đứng dậy khỏi ghế theo cách mà vài tỷ người trong chúng ta vẫn làm hàng ngày. Bà đứng chưa vững trong vài giây và quan sát xung quanh, ngắm nhìn thế giới từ một góc độ mà bà đã không thưởng thức được trong hơn hai tháng qua. Sau đó, Bà ngã lại ghế, kiệt sức hoàn toàn Bà thở ra một cách nhẹ nhõm và cảm thấy mãn nguyện, và đưa cho nhân viên vật lý trị liệu một cái đập tay nhẹ.

Tất nhiên, đó không phải là một phép mầu. Đó là những gì mà một cơ sở phục hồi chức năng xuất sắc có thể đạt được khi sở hữu một đội ngũ nhân viên vật lý trị liệu tận tâm và những người chăm sóc hỗ trợ.

 

Bây giờ đến câu chuyện phép mầu

Khi đôi chân của mẹ tôi trở nên cứng cáp hơn, chính mắt tôi đã được khai sáng với một vài thứ đáng kinh ngạc. Gần căn hộ chung cư của tôi có sáu dãy cầu thang bê tông mà tôi đã phải lên xuống mỗi ngày trong cuộc sống thường nhật của mình, tôi thường suy nghĩ về công việc hoặc thời tiết hay cả ngàn thứ gì đó hơn là những bước chân.

Nhưng trong suốt khoảng thời gian mẹ tôi hồi phục, tôi đã lưu tâm đến từng bước chân của mình. Một hoặc hai lần, tôi bước xuống cùng những bậc thang đó một cách chậm rãi và tỏ thái độ biết ơn, thưởng thức sự kì diệu rằng tôi vẫn có thể đi được. Tôi cố gắng tưởng tượng bản giao hưởng phối hợp phức tạp của xương, khớp, não và cơ sẽ diễn ra trong từng bước của mình.

Trong khoảng thời gian đó, một người bạn có cha mẹ già yếu đã khiến tôi lưu tâm đến một điều kì diệu khác. Sau khi giúp người cha ốm yếu của mình đi tất và giày vào một buổi sáng, cô bất ngờ phát hiện một điều đáng kinh ngạc rằng: cô vẫn có thể tự mình cúi xuống giữ thăng bằng và buộc dây giày từ một tư thế đứng.

Tôi hiểu; đây không phải là “phép mầu” theo một ngữ nghĩa chặt chẽ: Khoa học có thể giải thích tất cả những điều đó. Nhưng còn việc mở đôi mắt ra để đón nhận tất cả những phước lành mà tôi được hưởng thì sao? Điều đó đã là một chút phép mầu.

Đó có phải là phép mầu hay không, đứng trên quan điểm của cá nhân tôi: Chúng ta coi đó là điều hiển nhiên. Vì thế, nhiều người trong chúng ta có thể tự đi bộ, tự cài nút áo sơ mi, tự đứng dậy sau khi ngồi trên ghế, đọc báo, nghe tiếng chim hót và nhận biết các mô hình đám mây trên bầu trời. Chúng ta có nên tỏ lòng biết ơn sâu sắc về những phước lành phi thường này không, mặc dù chúng diễn ra mỗi ngày?

Hãy nghĩ điều đó theo hướng này: Nếu bạn tìm thấy một chỗ đậu xe thuận tiện trong một bãi đậu xe của trung tâm mua sắm chật cứng vào một ngày mà bạn đang vội vã, tôi cá là bạn rất biết ơn. Nhưng phải chăng bạn nên tỏ lòng biết ơn nhiều hơn rằng bạn vẫn có đủ sức khỏe để lái một chiếc ô tô?

Lòng biết ơn là cốt lõi của hầu hết các truyền thống tôn giáo và thực hành tâm linh. Điển hình, các Kitô hữu được khuyến khích, “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng, hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh” (1 Tx 5, 16-18) Và những người theo truyền thống Do Thái được khuyên dạy: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, lòng thương xót Ngài trường tồn mãi mãi”. (Tv 118, 29)

Khi tôi suy gẫm về tất cả những gì tôi có và tất cả những gì tôi đã cho đi, tôi chắc chắn về điều này: Tôi chưa đủ biết ơn. Rất có thể, bạn cũng vậy. Đừng chờ đợi những khoảnh khắc đặc biệt kỳ diệu để tỏ lòng biết ơn. Bạn đang được chúc phúc trong những điều bình thường. Hãy biết ơn ngay lúc này, ngày mai, vào mỗi sáng và cả mỗi tối.

 

(Bài này được chuyển thể từ sách: “Make today matter: Ten habits for a better life and world”, Loyola Press)