Thoạt đầu, việc ký âm tiếng Việt của mấy nhà truyền giáo Dòng Tên là để cho chính các ngài học tiếng Việt, và cũng giúp những thừa sai đến sau dễ dàng hơn trong việc học tiếng ấy, một thứ tiếng chẳng có chút dây mơ rễ má gì với tiếng Hy Lạp, Latinh, Ý, Bồ Đào Nha, Pháp, Đức… Thực ra đây là một cách bắt chước các nhà truyền giáo Dòng Tên Tây phương ở Nhật Bản. Vì đầu thế kỷ 17, họ cũng đã đưa ra một lối chữ viết mới với mẫu tự abc qua hai cuốn ngữ vựng và ngữ pháp Nhật.

Tiếp đến, các ngài muốn sáng tạo một thứ chữ mới, có lẽ lúc đầu chỉ coi nó là phương tiện trong cuộc giới thiệu Tin Mừng với con người Việt, mà chính cha Đắc Lộ đã nhắc tới trong phần đầu cuốn từ điển của cha: “giúp các nhà truyền giáo học tiếng Việt” và “làm theo ý muốn của một số vị Hồng y ở La Mã là thêm chữ Latinh vào để người Việt có thể học thêm La ngữ.”

Những ông tổ chữ Quốc ngữ trong thế kỷ 17 chắc hẳn không bao giờ đặt cho mình một mục tiêu lớn lao là phổ cập chữ Quốc ngữ cho toàn thể dân tộc Việt Nam. Bởi vì thời ấy chữ Hán đã ngự trị trong nước, từ lãnh vực học hành, thi cử, văn học, đến việc sử dụng chính thức trong triều đình và dân gian, kể cả Tam Giáo (nên nhớ là mãi đến năm 1915 và 1918 mới bãi bỏ thi Hương thi Hội ở Việt Nam). Bên cạnh đó, chữ Nôm dưới dạng Hán tự cũng được sử dụng phần nào trong các tầng lớp xã hội, nhưng được coi là thứ văn tự ít giá trị, địa vị thấp kém, chẳng khác gì các tiếng Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha,… đối với tiếng Latinh ở Châu Âu vào thời Trung Cổ.

Đàng khác, các vị sáng lập chữ Quốc ngữ, và cả những vị tiếp tục cải thiện và phát triển thứ chữ này chỉ là nhóm nhỏ, không có quyền hành, thế lực về mặt chính trị cũng như giáo dục trong nước. Cho nên các ngài chẳng dám có cao vọng nào khác, ngoài mục đích thực tế là phổ biến trong giới Công Giáo để trở thành phương tiện trình bày giáo lý đức tin. Đó càng không phải là một thành quả của đầu óc thực dân, càng không phải vì các vị thừa sai xem thường chữ Hán Nôm. Đọc Từ điển Việt – Bồ – La, ta thấy rõ mục đích của người làm từ điển là đi truyền giáo, phục vụ cho công cuộc truyền giáo. Vì thế, các từ ngữ nào liên quan đến việc truyền giáo, về giáo lý, về văn hóa giao tiếp, về phương ngữ,… thường được giải thích thấu đáo và cặn kẽ hơn. Cha Đắc Lộ cũng viết cuốn Phép Giảng Tám Ngày như “một cuốn sổ tay để họ hướng dẫn người khác, đồng thời để chính họ cũng được tự huấn luyện liên tục nhờ cuốn sách giáo lý này.”

Như vậy, từ đầu thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19, chữ Quốc ngữ abc cũng chỉ được sử dụng rất hạn hẹp trong giới Công Giáo, cụ thể là giữa các thừa sai, linh mục bản xứ, tu sĩ và một số ít bổn đạo mà thôi. Phải chờ đến cuối thế kỷ 19 và nhất là sang đầu thế kỷ 20, chữ Quốc ngữ mới dần dần phổ biến, bởi nhiều nguyên do, hoàn cảnh khác nhau; đặc biệt khoảng từ năm 1930 trở đi, chữ Quốc ngữ bắt đầu “lên ngôi” thay thế địa vị chữ Hán và chữ Nôm. Từ đây chữ Quốc ngữ không còn phải là chữ “nhà đạo”, “nhà thầy” nữa, vượt ra ngoài phạm vi bên trong bức tường các Nhà chung để trở thành chữ của toàn dân Việt Nam, vì quá tiện lợi, vừa dễ học, dễ sử dụng, lại là “một cầu nối với văn hoá và các ngôn ngữ Âu châu, đồng thời tạo nên nơi người Việt ý thức quốc gia cách ngăn với Trung Hoa trong thế kỷ 20. Việc quốc gia hoá “chữ Quốc ngữ” là do sự quy hướng của tầng lớp ưu tú của đất nước này trong thế kỷ 20, xuyên qua nhiều phe phái ý thức hệ khác nhau.”

Vì thế, phải chăng là không nên chỉ trích các ông tổ chữ Quốc ngữ là những người có óc thiển cận, hẹp hòi, chỉ nghĩ đến lợi ích cục bộ tôn giáo mà bỏ qua lợi ích toàn dân. Cũng chẳng có lý do gì để quả quyết rằng, các ngài đã tạo ra thứ chữ đó để làm cho dân Việt “mất gốc” văn hóa và bị “Âu hóa.”

Chữ Quốc ngữ ban đầu đúng là do sáng kiến của một nhóm người trong Giáo Hội Công Giáo đưa ra; nhưng đến nay văn chương Quốc ngữ mỗi ngày mỗi trong sáng hơn, phong phú hơn, đậm đà hơn, ảnh hưởng sâu rộng hơn trong xã hội, thì chắc chắn là đã do công lao của bao nhà trí thức người Việt chúng ta, là những nhà văn, nhà giáo, nhà thơ, nhà báo, ngôn ngữ, từ điển… cùng các nhóm như Hội Khai Trí Tiến Đức, Hội Truyền bá Quốc ngữ, các Hội Nhà văn khắp Trung Nam Bắc…

Nói được chăng là nhóm người đầu tiên mới sáng tạo ra cái “thân xác” chữ Quốc ngữ, dù là quan trọng nhất, nhưng người Việt chúng ta mới là kẻ “thổi hồn” cho thứ chữ này; vì đọc lên, chúng ta mới là người dễ cảm nghiệm được cái ý vị, cái tinh tế của tiếng Việt, đã nghe thấy từ lúc còn nằm trong nôi với giọng ru êm ả của mẹ mình.

Những hiểu nhầm về cha Đắc Lộ và chữ Quốc ngữ abc

Sau khi bị trục xuất vô thời hạn khỏi Đàng Ngoài năm 1630 và bị lên án tử cùng bị trục xuất khỏi Đàng Trong năm 1645, cha Đắc Lộ về Roma để vận động thiết lập hàng giáo phẩm bản xứ cho Giáo Hội Việt Nam. Thất bại trong việc vận động ở Roma, năm 1652 cha Đắc Lộ đến Pháp, là “một nước đạo đức nhất thế giới”, và hy vọng “nước Pháp có thể cung cấp cho tôi nhiều chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi Đông Dương, đưa về quy phục Chúa Kitô và nhất là tôi sẽ tìm được các giám mục, cha chúng tôi và thầy chúng tôi trong các giáo đoàn.” Như vậy, là cha đi tìm tiếp các thừa sai, và có lẽ cả tìm tài chính nữa. Nhiều người cho rằng cha Đắc Lộ đã tới Pháp để lôi kéo và dẫn “những chiến sĩ” – quân đội Pháp tới đánh chiếm Việt Nam nhưng thực chất là cha đang đi tìm các thừa sai, những ứng viên Giám mục cho giáo đoàn non trẻ Việt Nam, những “chiến sĩ của Chúa Kitô” mang Tin Mừng và bình an cho mọi người chứ không phải những chiến sĩ mang súng đạn và đại bác.

Trước đây, thời Pháp thuộc, nhằm mục đích đề cao công lao khai hóa của họ về mặt văn hóa đối với Việt Nam, nhiều học giả Pháp viết rằng việc phát minh chữ Quốc ngữ theo mẫu tự Latinh là công lao của người Pháp. Như trong một cuộc hội thảo khoa học ở Paris năm 1912, linh mục người Pháp là Léopold Cadière – một nhà nghiên cứu có uy tín về văn hóa Việt Nam – đã phát biểu: “Công lao phát minh ra chữ quốc ngữ chính là của người Pháp, cha Alexandre de Rhodes”. Cách giải thích này không phải chỉ có L. Cadière, mà còn có nhiều học giả khác, và trở thành ý kiến “chính thống” trong sách giáo khoa thời Pháp thuộc.

Nhưng thực ra, trong công cuộc sáng tạo chữ Quốc ngữ abc, các thừa sai Dòng Tên (đa phần là người Bồ Đào Nha) là những vị góp công đầu sáng tạo. Cha Đắc Lộ thường được nhắc đến nhiều hơn có lẽ vì ngài đã có công lần đầu tiên xuất bản 2 cuốn sách chữ Quốc ngữ năm 1651 tại Roma. Ngoài ra còn có sự cộng tác tích cực và hữu hiệu của nhiều người Việt như Bentô Thiện, Igesicô Văn Tín,… cũng như nhiều tu sĩ trong các Dòng tu khác và các thừa sai Hội Thừa Sai Paris. Cũng nên nói thêm là cha Đắc Lộ sinh ngày 15/03/1593 tại Avigon là phần đất của Tòa Thánh từ 1348-1791, nên Đắc Lộ có quốc tịch Tòa Thánh, mặc dù sống trong nền văn hóa Pháp. Vì thế không thể “ôm” toàn bộ công lao sáng tạo chữ Quốc ngữ và khai hóa văn hóa Việt Nam về tay nước Pháp.

Như vậy, công cuộc thích nghi của các Giêsu hữu với xã hội Việt Nam về phương diện ngôn ngữ đã nảy sinh kết quả: chữ Quốc ngữ theo mẫu tự abc (Latinh). Đó thực là một cách “thích nghi sáng tạo” của các Giêsu hữu khi đến rao giảng Tin Mừng trên đất Việt, một thích nghi để làm ra một cái gì mới lạ đầy tính Việt Nam dù có pha trộn phần nào hình thức Tây phương, chứ không phải là một công cụ mở đường cho thực dân Pháp xâm lược Việt Nam như nhiều người vẫn lầm.

Tổng hợp: Hv. Văn Quynh S.J.

Tài liệu tham khảo:
Đỗ Quang Chính, S.J., Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, AnTôn & Đuốc Sáng, 2006.
—————————–Giáo Hội Công Giáo với chữ Quốc ngữ, Tp. HCM, tháng 10/2004.
—————————–Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659, NXB Tôn Giáo, 2008.
Klaus Schatz, S.J., Hoa trái ở Phương Đông, Phạm Hồng Lam dịch, NXB Phương Đông, 2015.