Phan Tấn Thành

 

Cho đến Công đồng Vaticanô II, mùa Chay được chuẩn bị bởi ba tuần lễ mang tên là các “Chúa Nhựt Bảy mươi, Sáu mươi, Năm mươi”. Có phải trước đây mùa Chay bắt đầu sớm hơn ngày nay không?

Khi bàn đến việc cải tổ phụng vụ của Công Đồng Vaticanô II, thật khó nói được thế nào là “trước đây”, bởi vì thoạt tiên xem ra công đồng đã đi ngược lại với truyền thống trước đó, nhưng thực sự công đồng đã muốn trở lại với truyền thống lâu đời hơn nữa, và bãi bỏ những tập tục mới được du nhập vào thời Trung Cổ nhiều khi làm lu mờ ý nghĩa nguyên thủy của các thế kỷ đầu tiên.

Việc bãi bỏ các chủ nhật “Bảy mươi – Sáu mươi – Năm mươi” nằm trong đường hướng đó. Cho đến cuộc cải tổ lịch phụng vụ vào năm 1969, từ Chúa Nhựt thứ ba trước mùa Chay (nghĩa là tương đương với Chúa Nhựt hôm nay) có sự thay đổi màu sắc phụng vụ: linh mục mặc áo lễ màu tím; các bài ca alleluia cũng ngưng cho đến lễ Phục Sinh. Điều này không có nghĩa là ngày nay mùa Chay được rút ngắn lại, nhưng là bởi vì muốn trở về ý nghĩa nguyên thủy của nó là Mùa Bốn Mươi (chứ không phải là Bảy mươi).

Tại sao mùa Chay được gọi làm mùa Bốn Mươi?

Trong tiếng La Tinh, danh từ chính thức của thời kỳ chuẩn bị lễ Phục Sinh là Quadragesima, có nghĩa là bốn mươi ngày. Tiếng Pháp phiên âm là Carême, hồi còn bé tôi cứ nghĩ sẽ ăn kem (cà-rem) trong thời gian ấy.

Trong Kinh Thánh, con số 40 mang một ý nghĩa biểu tượng, ám chỉ thời gian thanh tẩy hoặc chuẩn bị. Sách Sáng Thế thuật lại rằng hồi lụt hồng thuỷ, mưa kéo dài 40 đêm ngày để rửa mặt đất khỏi tội lỗi. Kế đó ông Mosê đã ăn chay 40 đêm ngày trên nơi hoang địa trước khi hội kiến với Thiên Chúa trên núi Horeb; điều tương tự cũng xảy ra cho ông Elia. Ông Giona rao giảng 40 ngày thống hối cho dân thành Ninivê. Nhất là vào lúc khai mạc sứ vụ, Đức Giêsu cũng rút vào hoang địa 40 ngày để lắng nghe tiếng Chúa. Hội Thánh cũng quy định thời gian 40 ngày chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh.

Tục lệ này có từ bao giờ?

Thật khó xác định thời điểm một cách chính xác. Tiến trình chuẩn bị 40 ngày để mừng lễ Phục Sinh thành hình qua nhiều giai đoạn. Chúng ta có thể phác hoạ những chặng lịch sử như thế này.

Vào khoảng giữa thế kỷ II, theo chứng tích của Thánh Irênêô trong lá thư gửi cho ĐGH Victor, các tín hữu khắp nơi đều giữ chay để chuẩn bị lễ Phục Sinh, với thời gian không đều nhau: có nơi giữ chay ngày thứ bảy trước lễ Phục Sinh, có nơi thêm ngày thứ 6. Tuy nhiên, đó là do lòng đạo đức tự phát chứ không có luật buộc, hoặc cùng lắm chỉ có luật địa phương.

Dần dần thời kỳ chuẩn bị kéo dài ra suốt tuần lễ (đó là nguồn gốc của tuần thánh) hoặc ba tuần. Nhưng từ thế kỷ IV trở đi, người ta mới thấy tục lệ bên Đông và bên Tây tuân giữ thời kỳ 40 ngày chuẩn bị lễ Phục Sinh.

Trong mùa Bốn Mươi, các tín hữu phải làm gì? Lên hoang địa để tĩnh tâm như Chúa hay sao?

Chắc chắn là không ai khuyến khích các tín hữu lên hoang điạ theo gương Chúa Giêsu. Các giáo phụ mời gọi các tín hữu hãy thánh hoá thời gian này bằng việc cầu nguyện, bằng nước mắt thống hối, bằng việc từ thiện bác ái, và bằng việc chay tịnh. Tuy nhiên, có lẽ việc chay tịnh gây ấn tượng hơn cả, khiến cho nó trở thành đặc điểm chủ yếu của mùa Bốn Mươi. Không lạ gì mà tiếng Việt gọi là mùa Chay.

Nên biết là vào thời xưa, giữ chay có nghĩa là nhịn ăn suốt ngày, mãi tới khi mặt trời lặn mới được dùng tí chút điểm tâm (phong tục này có lẽ chịu ảnh hưởng của dân Do Thái). Giữ chay như vậy một ngày thì còn chịu được, nhưng kéo dài trong suốt 40 ngày thì chắc là sụt kí mau lẹ. Không lạ gì mà người ta tìm cách châm chế dần dần, hoặc là cho ăn chắc bụng (chứ không phải chỉ điểm tâm); kế đó, người ta cho phép dời buổi chính vào ban trưa chứ không cần chờ đến lúc mặt trời lặn. Ai cũng dễ đoán được, trước sau gì người ta cũng thêm những lần “uống nước” tuy không hẳn là thuần tuý chất lỏng. Tuy vậy, người ta vẫn duy trì số ngày giữ chay cho con số 40, vì vậy mà mùa Chay được bắt đầu từ thứ tư lễ tro (nghĩa là 46 ngày trước lễ Phục Sinh, trừ đi 6 ngày Chúa Nhựt).

Như vậy, theo lịch hiện hành, mùa Chay bắt đầu từ thứ Tư Lễ tro, để đủ 40 ngày ăn chay. Tại sao phải thêm ba tuần lễ trước đó nữa?

Theo các sử gia, nguồn gốc của việc thêm ba tuần bắt nguồn từ hai động lực: một động lực do “hư danh”, và một động lực “bù trừ”.

Động lực thứ nhất bắt nguồn từ một số tín hữu nhiệt thành, muốn tỏ ra rằng mình đạo đức hơn những người khác, cho nên tăng thêm số ngày thống hối, và đòi áp đặt cho người khác. Dĩ nhiên là các giáo hoàng không chấp nhận động lực này vào lúc đầu.

Động lực thứ hai gọi là bù trừ, theo nghĩa là họ muốn tính cho đủ 40 ngày chay. Lúc nãy, tôi có nhắc đến tục lệ không giữ chay các ngày Chúa Nhựt, vì thế mà phải thêm 6 ngày cho đủ số 40 ngày chay. Chẳng bao lâu, một tập tục khác cũng lấy cớ là ngày thứ bảy cũng không giữ chay, vì vậy phải bù thêm 6 ngày nữa. Nói đúng ra, đây là tập tục của các giáo phận bên Đông Phương, chứ ít nơi bên Tây Phương giữ tục ấy. Giáo phận Rôma thì cực lực phản đối chuyện ngưng giữ chay vào ngày thứ bảy.

Giáo phận Rôma không chấp nhận kéo dài mùa Chay vì lý do hư danh hoặc vì lý do bù trừ. Vậy đâu là lý do thêm ba Chúa Nhựt thống hối trước mùa Chay?

Các sử gia không đồng nhất trong việc giải thích lý do, có lẽ bởi vì ba Chúa Nhựt ấy không ra đời cùng một lúc, nhưng được thêm dần dần, và có lẽ qua những ngõ quanh chứ không đi đường chính.

Trước hết, một số người bắt đầu mùa Chay vào Chúa Nhựt trước lễ tro, mà họ đặt tên là Chúa Nhựt 50, có lẽ vì muốn tỏ ra rằng mình đạo đức hơn những người khác. Bước kế tiếp là tăng thêm một tuần nữa, đặt tên là Chúa Nhựt 60, với lý do là bởi vì phải bù thêm các ngày thứ 7 (hoặc thứ 5) không ăn chay. Nên lưu ý rằng đây chỉ là một sáng kiến cá nhân hoặc chỉ lưu hành tại vài nơi.

Luật thánh Biển-đức (viết vào năm 526) không đả động gì các tục lệ này. Bước tiến từ Chúa Nhựt 60 lên Chúa Nhựt 70 thì do một nguyên tắc khác thúc đẩy, mang tính cách biểu trưng.

Con số 70 có ý nghĩa gì?

Vào thời Trung Cổ người ta móc nối con số 70 với thời gian 70 năm dân Do-thái phải lưu đày bên Babylon. Đó là thời gian sám hối, để khẩn nài xin Chúa thương xót mà đến giải thoát.

Vào cuối thế kỷ VI, giáo hội Rôma đã ghi Chúa Nhựt 70 vào lịch phụng vụ. Các sử gia đoán rằng hồi đó, thành phố Rôma gặp nhiều cảnh xáo trộn, vừa do thiên tai vừa do giặc giã bên ngoài, cho nên đã thiết lập thời kỳ thống hối đền tội, với những cuộc rước kiệu và bài lễ riêng cho ba Chúa Nhựt trước mùa Chay. Thế rồi, lâu dần thành thói quen, và được duy trì thường xuyên.

Các sách chú giải phụng vụ đem đối chiếu con số 70 của thời kỳ sám hối với con số 7 tuần lễ của mùa Phục Sinh: 70 ngày thống hối sẽ được đổi thành 7 tuần lễ hân hoan của mùa Phục Sinh, kết thúc với lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, đổ xuống 7 hồng ân.

Xét vì những lý do ấy không có cơ sở lịch sử, cho nên cuộc cải tổ phụng vụ sau công đồng đã bãi bỏ ba Chúa Nhựt trước mùa Chay phải không?

Nói đúng ra, các sử gia đã đưa ra nhiều giả thuyết về nguồn gốc của ba tuần lễ chuẩn bị Mùa Chay.

Vào thời Trung Cổ, ba tuần lễ ấy được gọi là “trước mùa Bốn Mươi”, chứ chưa phải là Mùa Chay thực sự. Dù sao, vào chiều thứ bảy trước Chúa Nhựt 70 có nghi thức từ biệt Alleluia: người ta hát Alleluia rất long trọng, bởi vì phải chờ đến lễ Vọng Phục Sinh mới hát lại.

Mặt khác, xét về kỷ luật giữ chay, thì việc khởi đầu mang tính cách tiệm tiến, chứ không đồng loạt. Theo Pierre de Blois sống vào thế kỷ XII, các đan sĩ bắt đầu giữ chay từ sau Chúa Nhựt 70; các giáo hội Đông Phương từ sau Chúa Nhựt 60 (bởi vì tục lệ của Đông Phương là không giữ chay các ngày thứ bảy, vì thế cần phải bù thêm 6 ngày); các giáo sĩ bắt đầu giữ chay từ sau Chúa Nhựt 60; còn giáo dân, kể từ thứ tư lễ tro. Tuy nhiên, kể từ thế kỷ XV, thì tất cả các thành phần Dân Chúa, giáo sĩ tu sĩ giáo dân, cũng đều đồng nhất bắt đầu giữ chay từ thứ tư lễ tro.

Tóm lại, theo tôi nghĩ, lý do bãi bỏ các Chúa Nhựt mùa 70 là bởi vì muốn tôn trọng sự thật. Một đàng, con số 70 không có ý nghĩa tượng trưng như người ta muốn (70 năm lưu đày ở Babylon, khác với con số 40 súc tích ý nghĩa hơn); đàng khác, trên thực tế việc thêm ba tuần lễ không đạt được con số 70 ngày mà chỉ được 63 ngày, xét vì, như đã nói trên, ba tuần lễ được đặt tên là 70 – 60 – 50, nhưng cũng chỉ là tuần lễ 7 ngày chứ đâu phải là 10 ngày! Tuy nhiên, đối với chúng ta ngày hôm nay, vấn đề là làm cách nào để diễn tả sang tiếng Việt danh xưng thích hợp cho mùa Phụng vụ này.

Gọi là mùa Chay thì không đúng vì hai lý do: lý do thứ nhất là vì không sát với nguyên ngữ latinh: quadresima có nghĩa là “Bốn mươi”; lý do thứ hai quan trọng hơn nữa, đó là tại vì chúng ta không giữ chay trong suốt mùa này. Vả lại, đặc trưng của mùa này không phải là giữ chay, nhưng là hoán cải, bao gồm nhiều hành vi, tựa như cầu nguyện, khổ chế, làm việc bác ái.

Ngoài ra, chúng ta cũng đừng quên rằng Mùa Bốn Mươi được dành cho các dự tòng chuẩn bị lãnh nhận bí tích khai tâm trong đêm Phục Sinh. Họ được mời gọi đi “tĩnh tâm”, theo nghĩa là dành nhiều thời giờ hơn cho việc học hỏi đạo lý và cầu nguyện. Cộng đoàn tín hữu cũng được yêu cầu đồng hành với họ trong thời gian này.