‘Tro bụi đánh dấu sự khởi đầu, chứ không phải sự kết thúc, của sự sống mới’

 

Thứ Tư Lễ Tro và Mùa Chay là thời điểm để nhắc nhớ rằng sự sống mới xuất hiện từ tro bụi và mùa xuân đua nở từ sự ảm đạm của mùa đông, một thần học gia người Ý lưu ý.

Và khi mọi người chay tịnh khỏi tình trạng quá tải của phương tiện truyền thông, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề nghị mọi người thực hiện trong Mùa Chay, họ nên hướng sự chú ý của mình đến những con người thực xung quanh họ, Linh mục Ermes Ronchi, Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ, chia sẻ với Vatican News hôm 16 tháng 2.

Thay vì “dán mắt” vào internet, “điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta nhìn thẳng vào mắt mọi người như cách chúng ta nhìn vào điện thoại của mình, 50 lần một ngày, nhìn họ với cùng một sự chăm chú và cường độ, có biết bao nhiêu thứ sẽ thay đổi? Chúng ta sẽ khám phá ra biết bao nhiêu điều mới mẻ?”, Linh mục Ermes Ronchi nói.

Vị Linh mục người Ý, người được Đức Thánh Cha Phanxicô mời hướng dẫn cuộc tĩnh tâm Mùa Chay hàng năm của Ngài vào năm 2016, đã trò chuyện với Vatican News về cách để hiểu Mùa Chay và Thứ Tư Lễ Tro trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, đặc biệt khi nhiều người đã mất mát quá nhiều.

Linh mục Ermes Ronchi nhắc lại những chu kỳ tự nhiên trong cuộc sống nông trại khi những thanh củi gỗ cháy thành tro từ việc sưởi ấm những ngôi nhà trong suốt một mùa đông dài sẽ được gửi trả lại lòng đất ngõ hầu cung cấp cho nó các chất dinh dưỡng quan trọng cho sự sinh sôi nảy nở.

“Tro tàn là những gì còn sót lại khi chẳng còn gì nữa, nó là thứ tối thiểu trơ trụi, điều gần như là hư vô. Và chính từ đây, người ta có thể và phải bắt đầu lại”, Linh mục Ermes Ronchi nói, thay vì dừng lại trong tuyệt vọng.

Tro được vẽ lên trán hoặc rắc lên đầu các tín hữu khi đó “không quá chú trọng về việc ‘hãy nhớ mình phải chết’, mà là ‘hãy nhớ mình phải sống đơn giản và hiệu quả’”.

Kinh Thánh dạy rằng chẳng có gì tốt hơn là trở nên “hư vô” trước mặt Thiên Chúa, Linh mục Ermes Ronchi nói.

“Đừng sợ việc trở nên mong manh mà hãy nghĩ về Mùa Chay như là sự biến đổi từ tro tàn trở thành ánh sáng, từ những gì còn sót lại trở thành sự sung mãn”, Linh mục Ermes Ronchi nói. “Tôi xem đó là thời gian không phải để sám hối, mà là thời gian để trở nên nhận thức rõ về mọi thứ, không phải là thời gian để hành xác, mà là thời gian của sự hồi sinh. Đó là lúc hạt giống nằm trong lòng đất”.

Đối với những người đã phải chịu sự mất mát lớn trong đại dịch, Linh mục Ronchi nói rằng sự căng thẳng và nỗ lực cũng dẫn đến những hoa trái mới, giống như một người thợ làm vườn cắt tỉa cây “không phải để trừng phạt”, mà “để đưa chúng trở lại điều cốt yếu”, và đồng thời kích thích sự phát triển và năng lượng mới.

“Chúng ta đang sống trong một thời kỳ vốn có thể đưa chúng ta quay trở lại những điều thiết yếu, tái khám phá những thứ trường tồn trong cuộc sống của chúng ta và những gì là phù du chóng qua. Vì vậy, khoảnh khắc này là một món quà để trở nên sinh lợi hơn chứ không phải để trừng phạt”.

Bất kể các biện pháp hạn chế có thể được áp dụng do đại dịch gây ra, mọi người vẫn có tất cả các công cụ họ cần mà không một loại vi rút nào có thể lấy đi: lòng bác ái, sự dịu dàng và sự tha thứ, Linh mục Ermes Ronchi nói.

“Đúng là Lễ Phục sinh năm nay sẽ được đánh dấu bởi sự mong manh, nhiều thập giá, nhưng điều đang được đòi hỏi ở tôi đó là dấu chỉ của lòng bác ái”, Linh mục Ermes Ronchi chia sẻ thêm. “Chúa Giêsu đến để mang lại một cuộc cách mạng về lòng nhân hậu và sự tha thứ không giới hạn. Đây là hai điều xây dựng nên tình huynh đệ phổ quát”.

Minh Tuệ (theo Crux)