Làm sao để có thể khám phá tôi thật sự là ai?


Người trẻ thường đặt câu hỏi: “Tôi thật sự là ai?” nhiều hơn so với những người lớn tuổi. Người lớn tuổi thường nghĩ đó là vì người trẻ hiểu biết quá ít. Còn tôi thì cho rằng, đó là vì các bạn trẻ biết được điều gì đó nhiều hơn - một điều mà, chí ít, những người lớn tuổi thường hay quên lãng, đó là: Cái tôi thật sự của mỗi người là một mầu nhiệm, và điều nữa là, một khi ngừng lừa phỉnh chính mình, chúng ta mới nhận ra rằng, thực sự chúng ta chẳng biết mình là ai. Ít ra, toàn thể nhân loại này có thể tiếp thu được bài học rất lớn từ các bạn trẻ, đó là, làm người là phải đặt câu hỏi: tôi là ai?

Bài học Số Một là phải biết rằng, chúng ta chẳng biết gì. Socrates, một triết gia lớn của Hy Lạp cổ đại và cũng là cha đẻ của nền triết học, đã được nhà tiên tri Delphic gọi là người thông thái nhất; và cách duy nhất để Socrates xứng đáng với danh xưng ấy đó là ông đã tự biết rằng, mình chẳng biết gì.

Nói cách khác, chỉ có hai loại người trên thế giới này: người thông thái, là những ai biết mình khờ dại; và người khờ dại, là những ai nghĩ mình thông thái. Hãy tham khảo thêm về điều này trong các sách Cn 14,33; Is 29,13-14 và 1 Cr 1,19-20.

Jean Vanier, người sáng lập tổ chức quốc tế trợ giúp người khuyết tật, nói rằng: Người khuyết tật đã dạy cho ông điều gì đó về chính ông, một điều có giá trị hơn hẳn tất cả những gì ông từng dạy cho họ về bản thân họ. Từ những người khuyết tật ấy, Jean Vanier đã học được rằng: “Tất cả chúng ta đều là những người khuyết tật”.

Tất cả chúng ta, thuộc mọi lứa tuổi, đều có thể gặp phải một “cuộc khủng hoảng về căn tính”. Phàm là con người, ai cũng thiếu hiểu biết về căn tính trọn vẹn của mình; chúng ta chỉ biết những gì mình từng là, chứ không phải những gì mình chưa là. Năm tháng qua đi, hết lựa chọn này đến lựa chọn khác, chúng ta biến bản thân trở thành người này hay người kia. Mỗi khi thay đổi điều gì đó trong thế giới, chúng ta cũng đổng thời thay đổi chính mình một chút. Mỗi lần giúp đỡ hay hãm hại người khác, cũng là lúc chúng ta giúp đỡ hay hãm hại chính mình. Cái tôi của chúng ta luôn ở trong tình trạng đang xây dựng.

Vậy thì ai mới có khả năng hiểu biết toàn bộ cái tôi của tôi? Phần lớn con người tôi thì không còn nữa, vì nó đã thuộc về một miền quá khứ xa xăm mà chẳng ai còn nhớ nữa. Đã vậy, phần lớn con người tôi cũng chưa thành toàn, vì nó thuộc về một tương lai chưa đến, và không ai biết được tương lai ấy sẽ có gì.

Duy chỉ Thiên Chúa, Đấng tạo thành chúng ta, mới có khả năng đó. Người biết tất cả chúng ta, vì chính Người dựng nên chúng ta, tựa như một tiểu thuyết gia sáng tạo nên các nhân vật của mình vậy. Chỉ có Đấng tạo ra chúng ta mới thấu suốt chúng ta cách toàn diện. Trong tâm trí của Thiên Chúa, và chỉ ở đó, chúng ta mới có thể khám phá ra được bí ẩn về căn tính của mình. Chỉ một mình Thiên Chúa mới biết mọi sự: quá khứ, hiện tại và tương lai của chúng ta.

 

Thế nên, chỉ bằng cách tìm kiếm Thiên Chúa, tôi mới có thể khám phá chân lý về chính mình. Thiên Chúa là nơi mà bí ẩn về căn tính của tôi đang cư ngụ và hiện hữu. Khi cố gắng tìm biết mình là ai mà lại phớt lờ Đấng tạo nên chính mình, thì cũng giống như cố gắng tìm biết nhân vật kia là ai mà lại không quan tâm tới tác giả sáng tạo ra nhân vật ấy vậy.

Nhưng làm sao tôi có thể nhận biết Thiên Chúa trong khi tôi chỉ là một con người và cũng không phải là người tài ba, xuất chúng theo bất kỳ nghĩa nào? Làm sao tôi có thể hình dung chút gì đó về ý định của một vì Thiên Chúa cao cả?

Không đời nào! Tuy nhiên, tôi có thể nhận biết Thiên Chúa với điều kiện này là: Thiên Chúa đi bước trước, Người dạy dỗ tôi, Người tự mặc khải chính mình (Ga 6,44-45).

Và đó cũng là ý nghĩa của cuốn Kinh Thánh: mặc khải của Thiên Chúa, Lời của Thiên Chúa cho biết Người là ai và chúng ta là ai.

(Trích “Chúng tôi hỏi, Chúa trả lời”, Peter J. Kreeft, HVĐM xuất bản, 2018)