Từ tòa cáo giải bước ra anh chệnh choạng như người say rượu. Vị Linh mục vừa kêu anh hãy tha thứ. Anh không chỉ thưa vâng  mà kinh đền tội cũng đã đọc xong. Nhưng sao hình ảnh người vợ mà anh yêu thương đang cuộn tròn trong vòng  tay người đàn ông xa lạ nó không chịu buông tha cho anh.

 

Tôi không thể ...! Tôi không thể ... ! 

Anh hét lên một mình như điên loạn.

 

Cha xứ nói không sai. Tha thứ không chỉ là nhân đức đòi buộc của người tín hữu mà tha thứ nó còn chiếm vị trí quan trọng trong nền tu đức của hầu hết mọi tôn giáo. Đặc biệt là Kitô giáo. 

Khi ta không tha thứ là ta đang bám chặt vào quá khứ. Như vậy nó không chỉ làm cho tương  lai ta bị bưng  bít và đe doạ mà còn biến cuộc sống của ta bị đóng neo trong quá khứ. Chúa Giêsu cũng đã đưa tha thứ lên hàng cao trọng hơn cả của lễ. Người nói: “Khi đang dâng của lễ  mà nhớ người anh em lỗi phạm thì hãy để của lễ lại và đi làm hoà với họ trước rồi trở lại dâng  cuả lễ sau”. (Mt. 5;23-24) Nhưng  nói thì dễ mà làm không dễ chút nào. Nếu ta chưa từng bị xúc phạm thì không cần nói đến tha thứ. Mà đã có xúc phạm là có vết thương. Vết thương càng  lớn thì sự tha thứ càng khó.

 

Đã là con người thì  bất cứ ai khi bị xâm hại cảm xúc đầu tiên cũng là hoảng loạn và kinh hoàng. Nội tâm bị xáo trộn và đe doạ. Tâm hồn bị xé nát và hoen ố. Sự độc ác của kẻ tấn công đã ăn sâu vào cái tôi thâm sâu của họ. Khi đó những quan niệm về đạo đức như từ tâm, quảng đại, yêu thương, tha thứ… đều bị thử thách. Trong sứ điệp mùa chay 2001 ĐTC Gioan Phao lô II nói: “Khi một người bị tổn thương người ấy sẽ bị cám dỗ là đầu hàng cơ chế tâm lý của sự tự ái và trả thù bất chấp cả lời mời gọi của Chúa Giêsu.”

 Chưa kể khi ai đó bị tấn công thì lập tức các vết thương cũ chưa được chữa lành đúng cách cũng hùa vào khiến họ có khuynh hướng bắt chước hành động kẻ tấn công mình như vừa lây phải một thứ vi trùng truyền nhiễm. Bấy giờ những cơn cám dỗ như trả thù, uất hận sẽ liên tục kéo về.

...Anh căm ghét luôn cả cha xứ và xem ông như đồng minh của hai kẻ phản bội kia. Nếu tha thứ dễ vậy sao anh vẫn chứng kiến không ít lần Ngài giận dữ quát mắng người khác khi làm Ngài phật ý.

 Cũng chính cái “công thức tha thứ” mà các Ngài thuộc nằm lòng đó đã vô tình trở thành công cụ hữu hiệu cho biết bao người trong giáo xứ. Cầm chắc nó trong tay, họ mặc nhiên gây ra những tổn thương cho người anh em.

 

 Các Ngài phải biết rằng  tha thứ luôn luôn phải là một hành vi tự nguyện chứ không thể bị truyền khiến theo yêu cầu đòi buộc của một ai. Đồng ý tha thứ trước tiên phải là kết quả của lòng khoan dung nhưng không. Nhưng rõ ràng tha thứ cũng không thể thiếu vắng bóng dáng của công lý. Vì nơi tha thứ nó đòi buộc chúng ta phải tái lập trên nền tảng khách quan quyền lợi của kẻ bị thiệt hại. Khi không có công lý thì tha thứ chẳng những thiếu vắng sức mạnh của lòng can đảm mà còn cất đi trách nhiệm luân lý của người gây ra xúc phạm. Điều đó dễ dẫn đến hậu quả không chỉ tương lai sẽ chẳng ai chịu trách nhiệm cho việc mình làm mà còn giảm nhẹ trách nhiệm của hành vi tội ác nữa.

 

 Bernard Shaw chẳng đã từng nói: “Tha thứ là chỗ ẩn nấp cho những kẻ bất lương.”

Anh không  phục. Rõ ràng tận sâu trong tâm hồn anh không phục chút nào. Anh cho rằng lời khuyên tha thứ của các Ngài chỉ có duy nhất một giá trị là làm dịu bớt nỗi lo âu về tình trạng đạo đức ngày càng sa sút trong cộng đoàn dân Chúa mà thôi. 

Nếu các Ngài cho rằng tha thứ là trọng tâm của Phúc âm thì chính các Ngài cần phải cẩn thận và cân nhắc thật kỹ đâu là tha thứ, đâu là dung dưỡng. Đâu là không phán xét và đâu là thỏa hiệp cùng sự dữ. Có xác định rõ  như vậy Phúc âm mới không có nguy cơ bị hiểu theo nghĩa lệch lạc và méo mó. Cho nên lời khuyên hãy tha thứ của cha xứ khi tâm hồn anh đang bị tổn thương xâm chiếm, giày vò chỉ gây thêm cho anh một áp lực buộc anh phải dồn nén tâm lý và chôn chặt hận thù trong lòng mà thôi.

 

Mới có một ngày mà chuyện thầm kín của vợ chồng anh đã được cả giáo xứ  chuyền tai nhau. Tổn thương trong anh lúc này không chỉ là cảm giác bị phản bội mà nó được nhân rộng ra cùng sự nhục nhã từ ánh mắt của cả cộng đoàn. Uất ức, bất công và tủi nhục đang xiết anh đến nghẹt thở. Anh không  thể xé bỏ mối lương duyên mà Thiên Chúa gắn kết cho mình. Trong âm thầm anh bắt đầu lên kế hoạch trả hận.

Để chứng tỏ lòng quản đại của mình, hàng ngày anh vẫn nắm chắc tay vợ ngẩng cao đầu đi vào thánh đường. Là một tín hữu tốt, anh hiểu được giá trị của tha thứ trong lời kinh Lạy cha. Nhưng vinh quang tha thứ của anh hôm nay được nuôi dưỡng bằng sự xấu hổ và nhục nhã của vợ mình khi tiếp tục khơi ngọn lửa hận thù bằng thái độ im lặng với bà.

Anh cứ tưởng làm như vậy anh sẽ thấy hả hê. Nhưng sao càng trả thù anh càng thấy đau khổ. Một cảm giác bất lực xâm chiếm lấy anh.

Trong yếu đuối ấy anh bắt đầu cầu xin Chúa. Nhưng Chúa vẫn như không đếm xỉa gì đến đau khổ của anh. Thời gian cứ trôi qua. Lòng uất hận và ý chí trả thù trong anh vẫn không hề giảm sút.

Cho tới một lần trong cầu nguyện Chúa nói với anh rằng:

 Ân sủng là yếu tố tối cần thiết cho tha thứ. Hành động chạy đến cầu cứu Thiên Chúa trong sự bất lực của con người là một hành động cần thiết và khôn ngoan. Nhưng để kiện toàn ân sủng của Thiên Chúa, con không thể không kết hợp giữa sự góp sức của mình và ân sủng của Ta.

 

Anh ra về lòng tràn ngập những suy tư. Rõ ràng  ngay sau khi đưa ra yêu cầu dành cho người bị xúc phạm là “Nếu mỗi ngày người anh em con xúc phạm đến con bảy lần thì con cũng  hãy tha thứ cho nó” thì Chúa Giêsu cũng đã lập tức đưa ra yêu cầu đòi buộc dành cho kẻ gây ra xúc phạm là “bảy lần ấy nó phải trở lại với con mà nói: “Tôi hối hận.” (x. Lc.17,4; Mt.18;21-22) Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã nói về điều kiện để có tha thứ rằng: Tha thứ ngoài sự hợp tác giữa con người với Thiên Chúa còn phải là hành động hợp tác giữa kẻ gây xúc phạm và người bị xúc phạm. Cho nên đặt niềm tin và kỳ vọng vào Thiên Chúa là chưa đủ mà để có một tha thứ thật sự hai bên còn cần phải đối thoại chân thành và liên lỉ. Ở đó người gây xúc phạm phải biết chấp nhận trách nhiệm việc mà mình gây ra. Người bị xúc phạm thì cần thanh tẩy ký ức một cách can đảm và khiêm tốn. 

Anh bắt đầu bước một chân vào hành trình tha thứ.

 

 Đầu tiên anh bình tâm nhìn nhận lỗi phạm của mình đã dẫn đưa người đàn bà từng rất mực yêu thương anh ngã vào vòng tay người đàn ông  khác. Sau đó anh tự đặt mình vào hoàn cảnh của nàng và nhìn ngắm lại sự dịu dàng, đáng  yêu mà nàng vốn có. Với cách thực hành đó nhưng cũng phải mất một thời gian khá lâu nỗi đau trong lòng anh mới mờ nhạt dần. 

Và chính từ sự thay đổi của anh, vợ anh cũng dần dần ý thức sự sai trái của mình và ngày càng  trở nên đáng yêu hơn.  

Anh đã hiểu ra rằng, tha thứ ngoài nỗ lực thiêng liêng còn phải là một nỗ lực nhân bản của người tha và người được tha. Đừng bao giờ bắt một  kẻ bị tấn công bảo vệ sự tổn thương đang xâm chiếm tâm hồn họ một cách đau đớn bằng hành động che đậy nó dưới hình thức quảng đại và bao dung giả tạo. Vì khi sự tha thứ được ẩn nấp dưới lòng từ tâm giả dối hòng che đậy mục đích chứng minh mình là người quản đại thì lúc ấy tha thứ mang tính chất hạ nhục chứ không phải là giải thoát. Đó chỉ là biểu hiện của một thái độ ngạo nghễ thượng đẳng. Dưới dáng vẻ bề ngoài của tấm lòng hào hiệp kẻ tha thứ đang che đậy bản năng quyền lực và sự cố gắng bưng bít những điều đê tiện xấu xa đang diễn ra trong chính mình mà thôi.

          Gabriel Marcel đã thốt lên trong tác phẩm “Un homme de Dieu”  của mình qua lời nhân vật nữ khi được chồng là mục sư Tin lành tha thứ tội bất trung rằng: “Cái thứ cao thượng tâm hồn rẻ tiền đó của anh làm tôi ghê tởm.” Cho nên phải cần cho kẻ bị xâm hại thời gian để cát có thể trở thành ngọc trai. Vì khi bản thân ai đó ý thức rằng hành trình tha thứ của mình chưa được hoàn thiện và cần phải cố gắng sẽ tốt hơn việc bắt họ che đậy nó dưới những lời hứa tha thứ giả dối.

 

Có ý thức được như vậy ta mới tránh được tình trạng che đậy sự tha thứ dưới dáng vẻ của lòng từ tâm giả dối và cố chứng  minh mình đạo đức hơn người kia. Vì tha thứ đích thực chỉ kiện toàn trong sự khiêm tốn và phải mở ra một con đường giải thoát chân thực. Còn những tha thứ giả tạo đang tràn lan trong cộng đoàn dân Chúa chỉ là sự duy trì một tương quan giữa kẻ thống trị và người bị trị mà thôi.

***

...Cho đến một buổi chiều…Một buổi chiều rất lâu sau cái buổi chiều kinh hoàng ấy. Cũng vài ánh mặt trời vội vàng quét qua khe lá. Cũng cái màu đỏ ối bao phủ một góc chân trời nhưng sao anh thấy ánh hoàng hôn hôm nay như dịu dàng hơn. Trên trời cao đôi chim nhạn đang dìu nhau bay về tổ. Bầy gà con đang líu ríu, rúc đầu vào ngực mẹ. Hai cây tre già trước ngõ cũng đang bá vai nhau hòa vào thanh âm của trời đất. Ghì chặt vợ vào lòng nước mắt đầm đìa anh nói: “Em ơi! Đến hôm nay phép màu của tha thứ mới được hoàn tất!”

 

Phan Thị Kim Thoa

 

http://daminhvn.net