CẦU NGUYỆN VỚI THÁNH VỊNH 104

1 Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi!
Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả!
Áo Ngài mặc: toàn oai phong lẫm liệt,

2 cẩm bào Ngài khoác: muôn vạn ánh hào quang.
Tầng trời thẳm, Chúa căng như màn trướng,
3 điện cao vời, dựng trên khối nước cõi thanh không.
Chúa ngự giá xe mây, Ngài lướt bay cánh gió.
4 Sứ giả Ngài: làm gió bốn phương,
nô bộc Chúa: lửa hồng muôn ngọn.

5 Chúa lập địa cầu trên nền vững,
khôn chuyển lay muôn thuở muôn đời!
6 Áo vực thẳm choàng lên trái đất,
khối nước nguồn tụ lại đỉnh non cao.
7 Nghe tiếng Ngài doạ nạt, chúng đồng loạt chạy dài;
sấm Ngài mới rền vang, chúng kinh hoàng trốn thoát,
8 băng qua núi qua đồi, chảy xuôi ra đồng nội
về nơi Chúa đặt cho.
9 Ngài vạch đường ranh giới ngăn cản chúng vượt qua,
không còn cho trở lại dâng lên ngập địa cầu.

10 Chúa khơi nguồn: suối tuôn thác đổ,
giữa núi đồi, lượn khúc quanh co,
11 đem nước uống cho loài dã thú,
bầy ngựa hoang đang khát được thoả thuê.
12 Bên dòng suối, chim trời làm tổ,
dưới lá cành cất giọng líu lo.

13 Từ cao thẳm, Chúa đổ mưa xuống núi,
đất chứa chan phước lộc của Ngài.
14 Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc,
làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng.
Từ ruộng đất, họ kiếm ra cơm bánh,
15 chế rượu ngon cho phấn khởi lòng người,
xức dầu thơm cho gương mặt sáng tươi,
nhờ cơm bánh mà no lòng chắc dạ.

16 Hương bá Li-băng, những cây CHÚA đã trồng,
được tràn trề nhựa sống.
17 Bầy chim tước rủ nhau làm ổ,
hạc bay về xây tổ ngọn cao.
18 Núi chon von, loài sơn dương tìm đến,
hốc đá sâu, giống ngân thử ẩn mình.

19 Chúa đặt vầng trăng để đo thời tiết,
dạy mặt trời biết lặn đúng thời gian.
20 Đêm trở lại khi Chúa buông màn tối,
chốn rừng sâu, muông thú tung hoành.

21 Tiếng sư tử gầm lên vang dội,
chúng săn mồi, gào xin Chúa cho ăn.
22 Ánh dương lên, chúng bảo nhau về,
tìm hang hốc, chui vào nằm nghỉ.
23 Đến lượt con người ra đi làm lụng,
những mải mê tới lúc chiều tà.

24 Công trình Ngài, lạy CHÚA, quả thiên hình vạn trạng!
Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan,
những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất.

25 Này đại dương bát ngát mênh mông,
nơi muôn vàn sinh vật to lẫn nhỏ vẫy vùng,
26 nơi tàu bè cỡi sóng và thủy quái tung tăng,
là vật Chúa tạo thành để làm trò tiêu khiển.

27 Hết mọi loài ngửa trông lên Chúa
đợi chờ Ngài đến bữa cho ăn.
28 Ngài ban xuống, chúng lượm về,
Ngài mở tay, chúng thoả thuê ơn phước.
29 Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi;
lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi.
30 Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới,
là chúng được dựng nên,
và Ngài đổi mới mặt đất này.

31 Vinh hiển CHÚA, nguyện muôn năm tồn tại,
công trình CHÚA làm Chúa được hân hoan.
32 Chúa nhìn đất thấp, đất sợ run lẩy bẩy,
Người chạm núi cao, núi toả khói mịt mù.

33 Suốt cuộc đời, tôi sẽ ca mừng CHÚA,
sống ngày nào, xin đàn hát kính Thiên Chúa của tôi.
34 Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Người vui thoả,
đối với tôi, niềm vui là chính CHÚA.

35 Ước gì tội nhân phải biệt tích cõi đời,
bọn bất lương sạch bóng chẳng còn ai.
Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi!

 

  • Vài hàng sơ lược

Thánh vịnh 104 tán tụng Thiên Chúa uy quyền và nhân hậu trong tạo thành. Với Erich Zenger thì Thánh Vịnh này chứa đựng một kho tàng khôn ngoan, vì đã diễn tả thật đẹp và rất hệ thống công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Trong Thánh Vịnh chúng ta sẽ thấy sự phong phú và vẻ mỹ miều của cây cối, của núi rừng, của thú vật, của mặt nước...Thánh vịnh gia đã „vẽ lại“ bức tranh thế giới này như ông đã thấy tận mắt mình với ba phần rõ rệt: Bầu trời (câu 2-4), trái đất (câu 5-23) và biển cả (câu 25-26). „Bức tranh“ này là một bài thơ ca ngợi công trình sáng tạo rất tuyệt vời của Thiên Chúa chí tôn.

Thực Thánh Vịnh này là „một lời cầu nguyện đẹp của nhân loại có thể được nâng lên địa vị một lời cầu nguyện của dân Thiên Chúa, như bánh của con người có thể trở nên Mình Thánh Chúa Kitô“ (George).

Thánh vịnh chất chứa nhiều lời ca ngợi rất tuyệt về công trình tạo dựng, nhưng không vì thế mà tác giả mù tối với những thực tế, những thiên tai diễn ra trên trái đất này. Chính ngay khi đọc những lời rất đẹp trong thánh vịnh, chúng ta mới ý thức tự hỏi lại, xem những gì con người đã và đang làm trên trái đát này, có làm đúng theo tâm tình mà Thiên Chúa ngay từ thuở ban đầu mong muốn cho vũ trụ không. Vì thế, thánh vịnh này cũng mang tính cách phê bình kêu gọi con người hãy trở về với tình trạng sinh thái cần thiết cho vũ trụ và cho mọi loài trên trái đất, hãy trở về với vị trí là người chủ tốt lành có trách nhiệm như Thiên Chúa mong muốn.

Lời cầu nguyện này được tác giả gói gọn trong một cái khung, với câu đầu tiên và câu cuối cùng: „Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi!“ Không chỉ thế, từ câu 27 đến câu 30, thánh vịnh gia đã nêu bật được tâm điểm của Thánh Vịnh: Tất cả mọi loài thụ tạo trên mặt đất đều phải ngửa trông lên Chúa, tri ân và ca tụng Ngài, vì chính Ngài là chủ của sự sống. Như vậy, Thánh Vịnh 104 là một bài ca rất đẹp về sự sáng tạo của Đấng hóa công.

Ngoài ra, Thánh Vịnh còn chịu ảnh hưởng của môi trường văn hóa Trung Đông: thần thoại Lưỡng Hà và Phê-nê-ki, Ai-cập, A-sy-ri cùng Ba-by-lon, cũng như môi trường cổ Ít-ra-en: như bài ca tụng mặt trời, thuộc thế kỷ 14 trước công nguyên, tìm thấy ở Ai-cập; hay hình ảnh từ khối nước mênh mông Thiên Chúa, Đấng „sinh ra“ sự sống, đã làm nên vũ trụ càn khôn. Với những hình ảnh này, Thánh Vịnh 104 có thể được so sánh với Thánh Vịnh 93 ca ngợi Đức Chúa là Vua vũ trụ.

Thánh Vịnh 104 nằm trong mạch Thánh Vịnh 90 đến 106 với chủ đề: Sự sống được hình thành từ Gia-vê Thiên Chúa. Ngoài ra, Thánh Vịnh 104 là sự nối kết của Thánh Vịnh 103 đặt ra nền tảng thần học sáng tạo của Thiên Chúa nhân hậu thứ tha được nhắc đến trong Thánh Vịnh 103.

  • Suy niệm:

„Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi!“ Bài ca Đấng tạo hoá được bắt đầu như thế. Qua câu thơ này, thánh vịnh gia như muốn diễn tả „Hồn“ của ông như là một loài thọ tạo khao khát sự sống, và thọ tạo đó không ngừng ca ngợi và tri ân Đấng tạo dựng muôn loài. Ngài chính là Gia-vê vĩ đại và huy hoàng. Ngài mặc khải mình trong các thọ tạo như là “Ánh Sáng”, nghĩa là Sự Sống và Ơn Cứu Độ.

Trong câu 2b-4b: “Tầng trời thẳm, Chúa căng như màn trướng, 3 điện cao vời, dựng trên khối nước cõi thanh không. Chúa ngự giá xe mây, Ngài lướt bay cánh gió. 4 Sứ giả Ngài: làm gió bốn phương, nô bộc Chúa: lửa hồng muôn ngọn”. Thánh Vịnh gia diễn tả hành động sáng tạo của Gia-vê ở trên trời. Ngay trong chính khối nước mênh mông Gia-vê đã xây dựng nên điện cao vời, lâu đài nhà Vua, thêm vào đó Gia-vê đã biến tất cả những hiện tượng của bầu trời như gió, mây trở nên „những kẻ phụng sự“ Ngài trong công trình sáng tạo trái đất này. Dừng bước nơi đây, chúng ta có thể nhớ lại những giây phút nhìn ngắm bầu trời lúc đổi thay, mây bay lơ lửng, gió không ngừng thổi. Tất cả những hiện tượng này như nhắc nhớ chúng ta một điều: Hãy ngẩng trông lên Chúa! Hãy để hồn „bay“ về với nguồn cội của đời ta! Hãy theo cánh gió về với bầu trời, về với cung điện cao với để ca ngợi và tri ân Thiên Chúa.

Tri ân Chúa, “Đấng lập địa cầu trên nền vững...” (xem c. 5-9). Trong đoạn này, chúng ta thấy rằng khung cảnh hỗn mang (chao) đã đánh mất đi bản chất lộn xộn của mình. Tất cả đều phải về lại nơi mà Chúa đặt cho, về với cõi trật tự của Đấng Tạo Hóa. Tiếng của Chúa đã bắt vực thẳm phải về lại với vực sâu, và trái đất được phép lộ diện khoe mình. Sự hỗn mang lộn xộn kia cần phải ý thức giới hạn của mình. Ranh giới đó chúng không được phép vượt qua, vì Gia-vê Thiên Chúa mỗi ngày kềm hãm chúng lại trong nơi ở của chúng. Và thực vậy, nếu Thiên Chúa không ra tay kềm hãm sức mạnh của sự hỗn mang, và nếu Chúa ẩn mặt đi, thì con người rụng rời kinh hãi, loài người có thể tắt thở ngay, mà trở về cát bụi (câu 29).

Dừng bước nơi đây, chúng ta ý thức thân phận nhỏ bé của mình, thân phận mỏng dòn của cát bụi, chỉ cần một cơn gió thoảng qua, thì chúng ta cũng không kịp nói lời chào tạm biệt. Khi ý thức thân phận yếu đuối của mình, chúng ta lại càng cần phải tin tưởng và tín thác vào Gia-vê Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa biết tất cả mọi sự, và Ngài luôn ở cùng với mọi tạo vật của Ngài, và chúng không thể xa lánh Ngài được. Sự hiện diện của Ngài không phải là để đe dọa hay kềm kẹp, mặc dầu cái nhìn của Ngài thật là nghiêm khắc khi nhắm vào ma quỷ, vì dẫu, Ngài không phải là bàng quang trước mọi sự. Trong mỗi một phạm vi của vũ trụ, ngay cả những phần sâu kín nhất, Ngài vẫn hiện diện tích cực tại đó. Ngài sẳn sàng dẫn dắt chúng ta bằng chính đôi tay của Ngài và hướng dẫn chúng ta trên con đường trần thế. Chính vì vậy, sự gần gũi của Ngài không phải là để kích động nên sự sợ hãi, mà là hỗ trợ để chúng ta có được sự tự do đích thực(Suy niệm của Đức Thánh Cha Benedicto  XVI về Thánh Vịnh 138 (139) tại Buổi Tiếp Kiến Chung - VietCatholic News -15/12/2005) 

Trở về với Thánh Vịnh, chúng ta thấy thánh vịnh gia còn diễn tả một điều tuyệt vời khác: Gia-vê không chỉ kềm hãm sức tàn phá của khối nước dữ dằn này, mà còn biến đổi chúng trở thành nguồn suối tuôn thác đổ gìn giữ sự sống (xem c.10-12).

Ngài đem nước uống cho loài dã thú trong sa mạc luôn cần đến nước, và bầy ngựa hoang đang khát được thoả thuê. Và kìa bên dòng suối này, chim trời tìm về và làm tổ, dưới lá cành cất giọng líu lo. Thật đẹp biết bao nhiêu! Cái đẹp không chỉ của dòng suối tuôn đổ thác nước, không chỉ của tiếng hót thánh thót líu lo của các chú chim, mà trên hết là sức biến đổi của Gia-vê Thiên Chúa. Ngài biến đổi cái tệ hại và nguy hiểm thành cái đẹp mỹ miều và có ích cho con người. Thiên Chúa của chúng ta thật là Thiên Chúa của sự sống. Gia-vê Thiên Chúa là vậy đó! Tình yêu Ngài rất cụ thể, vì vậy chúng ta cần phải luôn: „Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi! Chớ mau quên mọi ân sủng của Ngài.“

Ân sủng của Ngài là chính thảm cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc (xem c.13-15). Không chỉ gia súc mà cả con người, tạo vật tuyệt vời của Thiên Chúa, cũng được hưởng thảo mộc tốt tươi mọc lên từ mặt đất với nguồn nước trong lành đem lại sức sống. Từ chính thảo một và hoa quả của đất, con người đã kiếm được cơm bánh làm cho chắc dạ no lòng, chế được rượu ngon hảo hạng làm phấn khởi lòng. Nhưng không chỉ ăn uống no say. Với hương hoa của đất, con người đã làm ra được dầu thơm để xức cho gương mặt sáng tươi, cho đời người sáng mãi tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa chí tôn. Với dầu thơm đó, với rượu ngon và cơm bánh kia, con người mỗi ngày mở hội vui mừng ca ngợi tri ân Thiên Chúa. Dừng bước nơi đây, chúng ta hãy trở về lại với cuộc sống thường ngày của mình. Chúng ta hãy nhớ lại tất cả những hoa quả tốt lành mình nhận được. Có thể từ Anh Chị Em, từ công lao vất vả hằng ngày của mình. Nhưng tất cả đều là những món quà của Thiên Chúa tặng ban. Chúng ta nên có thái độ nào để tri ân Thiên Chúa về những điều tốt lành này đây? Thiết nghĩ rằng, thật tuyệt vời khi mỗi ngày chúng ta „mở hội“ Thánh Lễ, và dâng lên Chúa tâm tình cầu nguyện: „Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn, chúc tụng Chúa đã ban cho chúng con bánh này và rượu này là hoa màu của ruộng đất, là sản phẩm từ cây nho, và công lao của con người, xin dâng lên Chúa, để bánh này trở nên bánh trường sinh nuôi dưỡng chúng con, và để rượu này trở nên của uống thiêng liêng cho chúng con.“ (phần Phụng Vụ Thánh Thể trong nghi thức thánh lễ).

Trong những câu thánh vịnh kế tiếp (từ câu 16-18) thánh vịnh gia đã diễn tả hình ảnh của thiên nhiên, như với cây hương bá Li Băng có thể cao đến 40 m và đường kính rộng đến 4 m. Cây này trong truyền thống của Cựu Ước là biểu tượng của sức mạnh và quyền lực: “ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán như sau: Từ ngọn cây, từ ngọn hương bá cao chót vót, Ta sẽ lấy, sẽ ngắt một chồi non; chính Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi cao vòi vọi. Ta sẽ trồng nó trên núi cao của Ít-ra-en. Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng. Muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành.“ (Ed 17, 22-24). Những cây cổ thụ cao lớn như vậy thánh vịnh gia đã gọi là những cây Gia-vê. Chính Ngài đã trồng chúng. Các cây này trong một ý nghĩa đặc biệt là biểu tượng cho uy quyền của Thiên Chúa. Trên những cây Gia-vê này các loài chim đã tìm về để làm tổ. Hơn nữa, ở nơi đâu không có cây cối và rừng xanh, thì sự sống vẫn không mất đi. Núi chon von thì có loài sơn dương tìm đến. Ở hốc đá sâu có giống ngân thử ẩn mình. Khắp mọi nơi sự sống hiện diện. Sự sống phát xuất từ Thiên Chúa. Sự sống được phép hiện diện và sống vui trên ngọn cây cao Gia-vê và trong núi đá của Thiên Chúa.

Theo tinh thần của sách Sáng Thế từ đoạn 1, 1 đến đoạn 2, 4 kể lại công trình tạo dựng của Thiên Chúa, Thánh vịnh gia cũng đã nêu bật trái đất này như là căn nhà sự sống mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên. Trong căn nhà sự sống này tất cả mọi thụ tạo đều được sống và sống dồi dào. Và tất cả các loài thụ tạo tôn trọng không gian và thời gian đã được sắp xếp cho mình. Vì vậy, từ câu 19-23, thánh vịnh gia diễn tả trật tự của sự sống trong thời gian. Đầu tiên là mặt trăng và mặt trời như là thước đo của thời gian: „Chúa đặt vầng trăng để đo thời tiết, dạy mặt trời biết lặn đúng thời gian“. Theo thước đo thời gian này các thụ tạo, từ thú vật cho đến loài người, cứ vậy mà sinh hoạt và sinh sống. Mặt trăng chỉ trật tự của năm và tháng (thời Phương Đông cổ đầu tiên có lịch theo mặt trăng), cũng như những ngày lễ hội tế tự hay lễ lạc của người nông dân (vd. Lễ hội trăng tròn, cũng như lễ hội Vượt qua – Pessach, lễ hội tuần, lễ hội mùa Thu). Còn mặt trời thì tạo một cấu trúc cho thời gian của ngày và đêm và làm nên tuần lễ với 7 ngày trong lịch của Do-thái, với những ngày làm việc và những ngày nghỉ ngơi.

Ngoài ra, trong câu 19 chúng ta thấy nhắc đến hoàng hôn „mặt trời biết lặn đúng thời gian“. Điều này có nghĩa là sau thời lưu đày một ngày sống được bắt đầu, khi ánh dương từ từ lặn xuống. (Trong Do-thái giáo và trong lịch Phụng Vụ của Kitô giáo vẫn nhìn như vậy). Theo Erich Zenger thì cuộc sống này với tất cả các sinh vật chỉ phát triển một cách dồi dào, khi không chỉ thời gian làm việc, mà còn thời gian để nghỉ ngơi, không chỉ thời gian của ngày sống thường nhật, mà thời gian của lễ hội, cũng như tất cả các thời gian khác nhau của thú vật và loài người được nhắc đến. Đó là điều trọng tâm của câu 19-23. Có lẽ đây là điều mà chúng ta, con người của thời đại Internet, thời đại nguyên tử cũng cần phải học hỏi, để thời gian mà Chúa cho chúng ta sẽ phục vụ chúng ta. Thời gian chỉ phục vụ và làm cho đời sống chúng ta được dồi dào, khi chúng ta biết phân chia thời gian để làm việc, thời gian để nghỉ ngơi, và có thời gian để mừng vui lễ hội, cũng như thời gian thường nhật trong cuộc sống.

Trong câu 24, thánh vịnh gia như dừng bước, và tuyên xưng niềm xác tín: „Công trình Ngài, lạy CHÚA, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan, những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất.“ Đây là những kinh nghiệm cổ sơ của những người trong Cựu Ước về sự sáng tạo của Thiên Chúa: Sự sống tự nhiên mà có và không có một loài thụ tạo nào có thể tự làm nên sự sống. Với thánh vịnh gia, đó là thế giới tự nhiên của ông. Thế giới và sự sống này đã đưa ông về lại với nguồn gốc của mình. Đó chính là Đấng tạo hóa, Đấng đem lại sự sống. Tất cả được dựng nên trong sự khôn ngoan. Trên trái đất này có đầy tràn sức mạnh sự sống của Thiên Chúa. Sức mạnh này Thiên Chúa „đầu tư“ vào trong trái đất nhỏ bé.

Sự khôn ngoan được nhắc đến trong câu này theo Erich Zenger không chỉ là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, mà còn là sự khôn ngoan của vũ trụ. Bản chất khôn ngoan này Thiên Chúa đã ban tặng cho vũ trụ. Một cách nào đó chúng ta có thể nhận ra sự khôn ngoan của vũ trụ qua vẻ đẹp mỹ miều của thiên nhiên, của những bông hoa nở thật đẹp dưới ánh nắng mùa hè, của những bông tuyết trắng „nở“ giữa mùa Đông lạnh lẽo. Vâng, nơi nào con người, loài vật và cây cối hoa tươi không chỉ khoe sắc đẹp của mình, mà còn gắn liền với sự khôn ngoan của Thiên Chúa, thì nơi đó sự khôn ngoan đích thực đang hiện diện, sự khôn ngoan của tình yêu, sự khôn ngoan của sự thật, sự khôn ngoan của trân trọng, sự khôn ngoan không một chút lạm dụng, bóc lột, chiếm đoạt và ích kỷ. Trở về với chính mình, chúng ta có ước ao có được sự khôn ngoan này không? Chúng ta có sẵn sàng mở tai để lắng nghe sự khôn ngoan này, có mở tâm hồn để đón nhận sự khôn ngoan này không? Ai mở tai thì sẽ nghe! Ai mở tâm hồn thì sẽ được đầy tràn.

Đầy tràn như biển cả với biết bao loài cá bơi lội vẫy vùng (xem c. 25-26). Và bao tàu bè cỡi sóng cùng thủy quái tung tăng. “Tàu bè cỡi sóng” diễn tả niềm vui của cuộc hội ngộ giữa đại dương và bao con thuyền. Trong cuộc hội ngộ này, tàu bè không còn sợ sóng gió vùi dập nữa. Sức mạnh tàn phá dữ dội của cuồng phong, của sóng to gió lớn giờ đây đã được Thiên Chúa chế ngự. Tàu bè cứ vậy mà tiến tới, cứ thế mà cỡi sóng, cứ vậy mà thẳng tiến trên mặt đại dương. Ở đây chúng ta có thể nhớ lại hình ảnh các môn đệ và Chúa Giêsu ở trên thuyền giữa đêm đen. Sau một ngày vất vả với công việc rao giảng, Giêsu mệt nhoài nằm ngủ ở bên cạnh bánh lái thuyền. Và rồi cuồng phong, gió bão tới làm cho nước tràn đầy vào thuyền, đến nỗi thuyền sắp chìm. Tất cả các môn đệ đều sợ sệt, và rồi họ can đảm đánh thức Giêsu. Giêsu đã làm gì? Ngài chưa vội trách mắng các môn đệ của mình. Điều đầu tiên là Ngài truyền cho cuồng phong và gió bão phải “lặng câm”, phải trả lại cho biển cả mênh mông bầu khí thinh lặng và bình an, để con thuyền của Giêsu và của các môn đệ lại tiếp tục tung tăng cỡi sóng thẳng tiến. Tâm tình này cho chúng ta một niềm hy vọng mạnh mẽ vào Thiên Chúa chí tôn, niềm hy vọng vào Đấng là chủ của vũ trụ, chủ của đại dương mênh mông kia. Vâng, dù cho sóng nước có gầm lên tiếng thét gào, sóng nước có gầm lên, long trời lở đất, thì chúng ta vẫn tin rằng, hơn hẳn tiếng nước ngàn trùng, hơn hẳn sóng oai hùng ngoài biển cả, CHÚA oai hùng vẫn ngự trị chốn cao xanh, vẫn làm chủ muôn loài muôn vật (ss.Tv 93, 3-4).

Thiên Chúa đó hết mọi loài đang ngửa trông lên (xem c. 27-30). Tất cả đang đợi chờ với tất cả tấm lòng khao khát. Nhưng họ khao khát gì? Họ chờ đợi gì vậy? Theo thánh vịnh gia thì mọi loài đang chờ cơm bánh, rượu ngon, và dầu thơm để xức trên đầu, họ cũng chờ mưa tuôn đổ để làm cho trái đất mầu mỡ, và bao thảo mộc sẽ sinh sôi nẩy nở khắp mọi nơi. Nhưng trên hết, mọi loài đang chờ chính Thiên Chúa sống động sẽ đến đúng thời đúng buổi. Vâng, mọi loài đang chờ tương lai của Thiên Chúa, vì chính Ngài và chỉ có Ngài là tương lai của tất cả mọi loài. Với Ngài và trong Ngài tất cả sẽ được sống và sống dồi dào. Không có Chúa và vắng mặt Ngài thì tất cả sẽ rụng rời kinh hãi, sẽ tắt thở và trở về cát bụi. (xem c. 28-30).

Ở đây, chúng ta đụng tới kinh nghiệm đen tối của dân Do-thái với những biến cố đau thương. Dân Do-thái trong lịch sử đã không chôn vùi và dấu giếm những vết thương, những khổ đau của mình. Họ không bao giờ chối từ những bệnh hoạn và sự chết đến với họ. Tất cả những bài thánh vịnh ai oán và sách Gióp đã nói rõ rằng, dân Do-thái một đàng thì họ luôn phải kiên tâm chống lại tất cả những thử thách, những cám dỗ có thể làm cho họ đánh mất đi niềm tin của Gia-vê Thiên Chúa, đàng khác họ không rơi vào ảo tưởng. Đó là với sức mạnh của thế gian này thì vũ trụ sẽ trở nên hoàn hảo.

Thánh vịnh 104 mà chúng ta đang suy niệm nhắc nhớ một điều rất căn bản, là tất cả mọi loài đều ngửa trông lên Chúa – Sinh Khí làm nên sự sống, Hơi Thở vĩnh cửu. Qua Hơi Thở và trong Sinh Khí này tất cả được tạo thành và được tồn tại. Ở nơi đâu Gia-vê thổi hơi vào, thì nơi đó sự sống sẽ hồi sinh, dù cho sự sống đó đã khô héo như bộ xương kia: “ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này với các xương ấy: Đây Ta sắp cho thần khí nhập vào các ngươi và các ngươi sẽ được sống. Ta sẽ đặt gân trên các ngươi, sẽ khiến thịt mọc trên các ngươi, sẽ trải da bọc lấy các ngươi. Ta sẽ đặt thần khí vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được sống. Bấy giờ, các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA (Ed 37, 5-6).

Như vậy, quả đất này dù đã rất cũ, nhưng không bao giờ đánh mất đi tuổi thanh xuân. Sức trẻ trung của trái đất vẫn tồn tại và tồn tại đến muôn đời. Đây là một sứ điệp đem lại niềm hy vọng lớn, mà chúng ta nhận được qua thánh vịnh này và khi chiêm ngắm vũ trụ bao la. Nhưng sức sống trẻ trung của vũ trụ và của con người cần được chăm sóc, cần được trân trọng và nâng niu. Nếu không thì sức sống trẻ trung đó vẫn có thể bị tàn phá, khi con người cầm gươm và cầm súng lên, khi con người dùng đến bạo lực để tranh giành, để chiếm đoạt, như Adam, như Kain, trong thời đại chúng ta như Hít-le, như Khờ-me đỏ.

Thực vậy, sự khôn ngoan trong thánh vịnh này dạy chúng ta cần ý thức, luôn biết ngửa trông hướng nhìn lên Chúa – Đấng là chủ muôn loài. Và giữa chúng ta với nhau, cũng như giữa loài người với muôn tạo vật khác, tất cả cần biết tôn trọng, trân trọng và yêu thương nhau. Chúng ta đừng quên rằng, Thiên Chúa đã cho loài người làm chủ muôn loài muôn vật. Điều đó không có nghĩa là con người muốn làm gì với thiên nhiên với vũ trụ thì làm đâu. Đừng quên những thảm cảnh mà con người đã lãnh nhận khi lạm dụng và bóc lột thiên nhiên. Lụt lội, cuồng phong và bao thiên tai khác đã nhiều lần lên tiếng cảnh giác con người. Trách nhiệm của người làm chủ cần phải được xây dựng trên tình yêu và sự trân trọng. Vâng, sự sống của tôi và của bạn đang tồn tại bên cạnh sự sống của anh chị em khác. Sự sống của loài người chúng ta cũng đang “sống” bên cạnh sự sống của cây cối, của thú vật, của trăng sao tinh tú. Tất cả làm thành một ngôi nhà vũ trụ hài hòa và tuyệt đẹp, phản ảnh sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì thế, khi một sự sống nào lấn ướt và lạm dụng sự sống khác, thì ngôi nhà vũ trụ kia sẽ lung lay, và những hậu quả xấu khó lường sẽ xảy đến làm đau lòng tất cả.

Mong sao con người ý thức hậu quả xấu xa đó, để biết gìn giữ và chăm sóc muôn loài Thiên Chúa ban. Có như vậy, thì vinh hiển của Chúa qua và trong các loài thụ tạo sẽ tồn tại muôn đời, và tất cả sẽ ngợi ca chúc tụng và làm cho Chúa hân hoan. (xem c.31-32). Sự vinh hiển của Chúa trên vũ trụ này cũng là ước ao của nhân loại, vì thế tâm tình thánh vịnh gia nói ở đây cũng là một lời cầu nguyện, xin Gia-vê Thiên Chúa hãy biến trái đất này thành nơi Chúa hiện diện, nơi vinh quang Chúa ngời sáng lung linh. Vinh quang của tình yêu, vinh quang hồi sinh sự sống. Trong vinh quang đó tất cả các loài thọ tạo được hỷ hoan vui mừng, vì Thiên Chúa – Đấng hóa công luôn ở đó bên cạnh các loài thọ tạo của mình.

Còn gì hạnh phúc hơn, khi ta có Chúa bên cạnh, khi ta loài thọ tạo được ở bên cạnh Chúa. Vì thế, suốt cuộc đời, tôi sẽ ca mừng CHÚA. Sống ngày nào, xin đàn hát kính Thiên Chúa của tôi. Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Người vui thoả, đối với tôi, niềm vui là chính CHÚA. (xem c. 33-34).

Lời bài ca trên là tiếng nói của lòng biết ơn sâu xa, là tâm tình nền tảng và hướng sống của thánh vịnh gia. Vâng, lời ca đó chất chứa sự khôn ngoan và mừng vui của những thụ tạo đã tìm được nguồn cội, đã nhìn thấy đích đến của đời mình, để rồi suốt cả cuộc đời là bài ca mừng Chúa, mỗi ngày sống là một dòng nhạc ngợi khen chúc tụng Đấng hóa công, Chủ của vũ trụ, Hơi Thở làm nên sự sống, Sinh Khí vĩnh cửu.

Bài ca mừng Chúa này không chỉ người công chính mới cất lời hát lên. Không, với thánh vịnh gia, thì cả tội nhân và bọn bất lương cũng cần mở lời chúc tụng CHÚA. Vì thế, tội lỗi cần phải “biệt tích cõi đời” và sự dữ cần “sạch bóng” trên trái đất này (xem c. 35), để chỉ còn lời ca ngợi tình yêu, ca ngợi sự huy hoàng của Thiên Chúa chí tôn.

 

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

Göttingen, xuân 2006