TÌNH YÊU KHÔNG GHEN TUÔNG

Trích từ “Mười Ba nét mặt Tình Yêu - L’amour en treize étapes.

Tác giả: Dominque Auzenet. Chuyển ngữ: Lm. Trần Minh Huy

 

 

     Chúng ta đã cùng nhau xem xét Tình yêu nhẫn nại, Tình yêu phục vụ. Bây giờ đến bảng liệt kê tiêu cực tám động từ giúp chúng ta phân biệt cái không phải là tình yêu, và những thái độ cụ thể của tội lỗi mà chúng ta phải chế ngự và hoán cải để sống một tình yêu thánh thiện, trong tương quan với tha nhân. Trước hết thánh Phaolô khảo sát tính ghen tuông.

  1. Những cạnh tranh mà tính ghen tuông len lỏi vào và những tồn tại...

     Thánh Phaolô năng trở lại vấn đề nầy trong các thư của ngài, và nếu chúng ta muốn hiểu rõ điều ngài tố cáo khi viết tình yêu không ghen tuông, cần phải trích dẫn ít đoạn văn chi tiết hơn : "Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và hãy cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày : không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đảng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng" (Rm 13,12-14).

     "Bao lâu giữa anh em có sự ghen tương và cãi cọ, thì anh em chẳng phải là những con người sống theo tính xác thịt và theo thói người phàm sao ? Khi người nầy nói Tôi, tôi thuộc về ông Phaolô, và người khác Tôi, tôi thuộc về ông Apollô, thì anh em chẳng phải là người phàm tục sao ?" (1Cr 3,3-4).

     "Quả vậy, tôi sợ rằng khi tôi đến, tôi không thấy anh em được như ý tôi, và anh em thấy tôi không được như ý anh em. Chớ gì ở giữa anh em đừng có chia rẽ, ghen tương, oán ghét, cạnh tranh, vu khống, nói hành, kiêu căng, hỗn loạn" (2Cr 12,20).

     "Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo : những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa. Còn hoa quả của Thần Khí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế. Những ai thuộc về đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê. Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước. Chúng ta đừng có tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tỵ  nhau" (Gl 5,19-26).

     Như vậy chúng ta thấy rõ, trong khi nói đến tính ghen tuông, thánh Phaolô đã tố cáo thế nào những lối ứng xử do "xác thịt" mà ra, tức từ quả tim của con người tội lỗi. Thánh Phaolô mô tả chi tiết những gì đến từ xác thịt : xâu xé, chia rẽ, lời nói cộc cằn... và ngài đặt nó đối nghịch với những gì mà Thánh Thần muốn tỏa ra trong chúng ta : lòng tốt, kính trọng, tín nhiệm... Do đó ngài khuyến dục hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô (Rm 13,14).

     Trong thư của ngài, thánh Giacôbê tông đồ cũng đi hướng đó bằng cách đặt đối nghịch sự khôn ngoan trên cao với những ứng xử trần gian : "Ai là người khôn ngoan và từng trải trong anh em? Người ấy hãy dùng lối sống tốt đẹp mà chứng tỏ rằng những hành động của họ phát xuất từ lòng hiền hậu và đức khôn ngoan. Nhưng nếu trong lòng anh em có sự ghen tương, chua chát và tranh chấp, thì anh em đừng có tự cao tự đại mà nói dối trái với sự thật. Sự khôn ngoan đó không phải từ trời cao ban xuống, nhưng là sự khôn ngoan của thế gian, của con người tự nhiên, của ma quỷ. Thật vậy, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa. Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình. Người xây dựng hòa bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hòa bình, là cuộc đời công chính" (Gc 3,13-18).

     Trong những đoạn thư của các tông đồ mà chúng ta vừa đọc, tính ghen tuông là thành phần của một toàn thể các thái độ và ứng xử được xui khiến bởi một tinh thần cạnh tranh : Những cãi vã, tranh luận, bất hòa, ác tâm, bất đồng... Đầu óc hay kiếm chuyện và ti tiện, Chuyện ngồi lê đôi mách và vu khống, Rối loạn và phá hoại trong cộng đoàn.

     Tất cả những thứ đó là thuốc độc thực sự đối với các cộng đoàn tín hữu. Chỉ có việc tiếp đón Chúa Thánh Thần mới có thể vô hiệu hóa những thực tại xấu xa nầy, bằng cách làm xuất hiện những hoa quả tốt lành xây dựng cộng đoàn.

  1. Một ý muốn quyền lực trên con người và sự vật.
  2. a) Cần phải đi xa hơn trong suy tư. Chính xác tính ghen tuông là gì ? Tiếng Hylạp là zèlos, nghĩa là nhiệt tâm. Dưới khía cạnh nầy, tính ghen tuông do nhiệt tâm thái quá mà sinh ra. Thánh Phaolô viết : tình yêu không được nhiệt tâm thái quá. Ngài bận lòng tố cáo sự thi đua, những cạnh tranh thiêng liêng làm cho một số tín hữu đứng lên chống lại nhau, như ở Côrintô chẳng hạn : "Tôi xin anh em... chớ gì đừng có sự chia rẽ giữa anh em... Mỗi người trong anh em nói rằng tôi thuộc về Phaolô. Và tôi thuộc về Apollô. Và tôi thuộc về Kêpha. Còn tôi thuộc về Đức Kitô. Vậy Đức Kitô bị phanh thây rồi sao ? (1Cr 1,10-13). Các phe phái có thể do những người có cá tính mạnh qui tụ lại chung quanh mình những người theo sở thích của họ, nhưng cũng bởi những con người "ham làm lãnh tụ"...

     Trong mọi trường hợp, sự gắn bó quá đáng với những cá nhân được thiết lập như những "thầy tinh thần" (gourous) hay sự thống trị của một số người nào đó trên kẻ khác, kết cuộc luôn luôn mang lại những hậu quả xấu... Thánh Phaolô tố cáo những thủ đoạn của những người Dothái tòng giáo đã đến nói với các tín hữu Galata rằng họ sẽ không thể được rỗi nếu không chịu cắt bì : "Họ nhiệt thành với anh em không phải vì mục đích tốt, mà chỉ vì muốn ly gián anh em với tôi, để anh em nhiệt thành với họ. Được người ta tỏ lòng nhiệt thành là điều tốt, miễn là vì mục đích tốt và trong mọi trường hợp, chứ không phải chỉ khi nào tôi có mặt giữa anh em" (Gl 4,17-18).

     "Tình yêu chỉ phải đương đầu với loại cuộc chiến nầy. Cần phải nghiêm túc nghĩ đến điều đó trong tất cả các giáo đoàn, nơi mà lòng nhiệt thành thái quá sẽ nhanh chóng trở thành đáng ngờ : thay vì hiệp nhất các thành phần của cùng một cộng đoàn thì nó đặt họ đối nghịch nhau và làm cho họ thành đối thủ với nhau. Than ôi, lắm khi có những cuộc cạnh tranh ngay trong lòng Giáo Hội khó mà hiểu nổi. Thánh Phaolô đã quen với điều đó nên đã viết : "Chính vì tính ưa tranh giành mà họ loan báo Chúa Kitô, họ không có lòng ngay..." (Pl 1,17).

     Do đó, theo cách của mình, thánh Phaolô nhắc nhở rằng Thiên Chúa không cần đến công việc của chúng ta, nhất là với những công trình mà chính ta thực hiện bởi lòng đam mê để xây dựng Nước Ngài đâu... Vẫn có chồng chất những lòng nhiệt thành và những đam mê. Nhưng tiêu chuẫn chính là tình yêu"

  1. b) Tính ghen tương cũng nảy sinh trong tâm hồn chúng ta vì sự kinh ngạc đối với một người bộc lộ và tỏa ra một ánh sáng mà cuộc đời ta không có. Ý muốn quyền lực của tôi, nhất là khi nó bị nhạo báng, làm cho tôi ghen tức với những gì làm cho người kia sống có chiều sâu và tôi cảm nhận trong mình như bị tổn thương... Trong trường hợp nầy, như một dốc khác của sự khâm phục, tính ghen tuông liều nảy sinh một bạo lực rất mạnh. Bạo lực nầy có thể đi đến chỗ gây nên chết chóc : "Philatô biết rằng chỉ vì ghen tương mà các thượng tế đã bắt nộp Chúa Giêsu" (Mc 15,10).

     Sự khiêm tốn tìm kiếm hiệp nhất có thể giải thoát các tâm hồn, cho người bị ghen ghét cũng như cho kẻ ghen ghét: "Xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, bằng việc hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi kẻ khác hơn mình" (Pl 2,2-3).

     Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta biết vui vẻ đánh giá cao những gì là đẹp đẻ và tốt lành trong đời sống của những người chung quanh.

  1. c) Tính ghen tuông cũng là một biểu hiện của lòng tham lam, ham hố... Chúng thần tượng hóa các của cải vật chất, cách đặc biệt ở đây là của cải người khác, ngay cả của người anh em trong cộng đoàn. Lòng tham lam cộng thêm tính ghen tuông phát xuất từ một con tim cần phải được thanh luyện. Chúng ta đừng sợ những bóng tối nội tâm nầy, hãy để cho chúng lộ ra ánh sáng, và chúng ta hãy mang chúng đến giao cho Chúa trong bí tích hòa giải. Một khi được lòng thương xót Chúa giải thoát, tôi có thể lưu lại trong cộng đoàn như một người anh em.

     Ngược lại, nếu vì bất chấp hay vì kiêu ngạo, tôi tự đóng kín trong những tối tăm của mình, tôi sẽ trở nên một chướng ngại cho chính cộng đoàn của mình : "Khi viết thế, tôi muốn nói với anh em là đừng đi lại với kẻ nào mang danh là người anh em mà cứ dâm đãng, tham lam, thờ ngẫu tượng, quen chửi bới, say sưa rượi chè hay trộm cắp, ngay cả anh em cũng phải tránh đừng ăn uống với con người như thế" (I Cor 5,11).

     Sự thanh tẩy tâm hồn nhằm đạt được đức ái đích thực cũng chính là Lời Chúa kiện toàn sự thanh tẩy ấy trong chúng ta. Thánh Phêrô nhắc nhở cho chúng ta rằng Lời Chúa tái sinh và thanh tẩy tâm hồn chúng ta, đổi mới các mối tương quan với những người sống chung quanh chúng ta: "Nhờ vâng phục sự thật, anh em đã thanh luyện tâm hồn để thực thi tình huynh đệ chân thành... Vì anh em đã được tái sinh, không phải do hạt giống mục nát, mà do hạt giống bất diệt, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi mãi... Vậy anh em hãy từ bỏ mọi thứ gian ác, mọi điều xảo trá, giả hình và ghen tương, cùng mọi lời nói xấu, gièm pha. Như  trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát sữa tinh tuyền là Lời Chúa..." (I P 1,22 - 2,2).

     Suy niệm để lần hạt Mân Côi

  1. Tình yêu không ghen tuông. "Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là ... hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ... Còn hoa quả của Thánh Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ... Nếu chúng ta sống nhờ Thánh Thần thì cũng hãy nhờ Thánh Thần mà tiến buớc. Chúng ta đừng có tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tỵ nhau" (Gal 5,19-26). Chúng ta hãy dâng mình cho Chúa Thánh Thần để Ngài làm lớn lên trong chúng ta hoa trái của Ngài.
  2. Tình yêu không ghen tuông. "Ai là người khôn ngoan và từng trải trong anh em? Người ấy hãy dùng lối sống tốt đẹp mà chứng tỏ rằng những hành động của họ phát xuất từ lòng hiền hậu và đức khôn ngoan. Nhưng nếu trong lòng anh em có sự ghen tương, chua chát và tranh chấp, thì anh em đừng có tự cao tự đại mà nói dối trái với sự thật. Sự khôn ngoan đó không phải từ trời cao ban xuống, nhưng là sự khôn ngoan của thế gian, của con người tự nhiên, của ma quỷ. Thật vậy, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa. Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình. Người xây dựng hòa bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hòa bình, là cuộc đời công chính" (Gc 3,13-18). Chúng ta hãy cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong các gia đình và cộng đoàn của chúng ta.
  3. Tình yêu không ghen tuông. "Xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, bằng việc hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi kẻ khác hơn mình" (Pl 2,2-3). Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta biết vui mừng đánh giá cao những gì là đẹp đẻ và tốt lành trong đời sống của các anh chị em chung quanh.
  4. Tình yêu không ghen tuông. "Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng" (Rm 13,12-14). Chúng ta hãy cầu nguyện cho những ai đang sống trong tối tăm được ơn trở lại.
  5. Tình yêu không ghen tuông. "Nhờ vâng phục sự thật, anh em đã thanh luyện tâm hồn để thực thi tình huynh đệ chân thành. Anh em hãy tha thiết yêu mến nhau với tất cả tâm hồn, vì anh em đã được tái sinh, không phải do hạt giống mục nát, mà do hạt giống bất diệt, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi mãi... Vậy anh em hãy từ bỏ mọi thứ gian ác, mọi điều xảo trá, giả hình và ghen tương, cùng mọi lời nói xấu, gièm pha. Như trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát sữa tinh tuyền là Lời Chúa..." (1P 1,22 - 2,2). Chúng ta hãy xin cho được lòng yêu mến Lời Chúa, để lời đó thanh tẩy tâm hồn chúng ta cho một tình bác ái lớn lao hơn.