Trong một bức thư được bán với giá 2,89 triệu đô la ngày 4 tháng 12 – 2018 tại thành phố New York, nhà vật lý nổi tiếng Albert Einstein bác bỏ ý tưởng về Chúa như các tôn giáo định nghĩa. Nhưng có phải vì vậy mà ông là người vô thần không? François Vannucci, nhà nghiên cứu vật lý hạt, chuyên gia về hạt neutrino, giáo sư danh dự tại Đại học Paris Diderot giải thích.

lavie.fr, Sixtine Chartier, 2018-06-12

“Từ ‘Chúa’ đối với tôi không gì khác hơn là biểu lộ và là sản phẩm của những yếu đuối của con người, và Kinh thánh là tập truyện huyền thoại đáng kính nhưng vẫn còn khá nguyên thô,” Albert Einstein viết cho triết gia người Đức Eric Gutkind năm 1954, một năm trước khi ông qua đời. Cũng trong bức thư này ông viết: “Đối với tôi, tôn giáo của người Do Thái cũng như tất cả các tôn giáo khác, là hiện thân của một thứ mê tín nguyên sơ. Và dân tộc Do Thái mà tôi tự hào thuộc về, tâm tính của họ mà tôi đã ăn sâu, không có một hình thức phẩm cách nào khác với các dân tộc khác.”

Nhà bác học Einstein có phải là một người vô thần, như bức thư này làm cho chúng ta nghĩ không?

François Vannucci: Không. Người vô thần là người không tin vào sự tồn tại của Chúa, giống như nhà sinh vật học Richard Dawkins, tác giả cuốn Chấm dứt với Chúa, End With God. Einstein tin vào một Thượng đế không phải là Thượng đế của các tôn giáo mặc khải, Thượng đế đơn thần. Ông tin vào Thượng đế của triết gia Spinoza, như chính ông nói.

Thượng đế này là ai?

Đó là tinh thần hoàn vũ quản lý tất cả tạo vật, gần với thuyết phiếm thần Hy Lạp. Theo quan điểm này, chúng ta là một phần của Chúa, mọi thứ tồn tại trong vũ trụ đều là Chúa. Einstein không tin vào một Thượng đế cá nhân chăm sóc con người, một Thượng đế chúng ta cầu nguyện hay tạ ơn như Thượng đế trong kitô giáo. Ông tin vào một Thượng đế lý thuyết hơn nhiều – dù sao thì ông cũng là lý thuyết gia! Cảm nhận này đến với ông từ sự ngạc nhiên ông cảm thấy khi đứng trước một số sự kiện vật lý khó khăn để dung hòa với một vũ trụ hoàn toàn hỗn loạn. Ông tin vào một sự siêu việt nào đó. Ông tin rằng có một lý do, một mục đích trong vũ trụ này. Đứng trước tính hợp lý của thế giới, ông cảm nhận một  dạng cảm thức tôn giáo.

Tôi từ chối tin vào một Thượng đế chơi trò xúc xắc với thế giới. Einstein

Một cách nào đó Thượng đế này thích ứng với thiên nhiên…

Đúng, nhưng được nhìn trong sự phức tạp của tất cả chức năng của nó. Ông nói: “Điều khó hiểu nhất, là thế giới có thể hiểu được.” Nói cách khác, điều tuyệt vời đối với Einstein là tâm trí con người quan tâm đến những chuyện hoàn toàn  ngoài quan tâm hàng ngày của chúng ta. Và mặt khác, hãy để thiên nhiên được nghe qua tâm trí con người: những bí ẩn của vũ trụ được phóng chiếu vào suy nghĩ con người. Ví dụ, toán học – một ngôn ngữ trừu tượng, chủ quan, vì nó được cấu tạo bởi trí thông minh – có thể giải thích cấu trúc khách quan của thế giới. Điều đó thật tuyệt vơi. Có một kiểu giao cảm giữa con người tư duy và thiên nhiên trong tổng thể của nó.

Đâu là tương quan ông có thể có với Thượng đế đó?

Burt Richter, người nhận giải Nobel vật lý năm 1976 cho biết: “Khám phá một quy luật khoa học, đó là đọc những gì được viết trong đầu của Thượng đế”, một câu rất phù hợp với quan điểm của Einstein. Vì thế chúng ta phải luôn phản ánh và làm việc để nâng cao kiến thức của mình. Trong tầm nhìn này, tôi thấy Thượng đế của Einstein như sự thật, có nghĩa là toàn bộ tri thức. Nhưng khoa học có hạn. Với cơ học lượng tử (vật lý của cái vô hạn nhỏ), chúng ta bắt đầu cảm thấy những giới hạn có thể có của việc tiếp cận sự thật. Người ta phát hiện ra có một tình cờ nội tại. Điều này đã làm phiền Einstein rất nhiều, một người theo thuyết tất định. Ông không để cho tình cờ có một vị trí, như một trong những câu nổi tiếng của ông: “Tôi từ chối tin vào một Thượng đế chơi trò xúc xắc với thế giới”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch