Có ít nhất bốn từ Hy Lạp khác nhau (eros: tình yêu nhục dục, storge: tình gia đình, philia: tình bằng hữu, agape: tình yêu vị tha) được sử dụng để nói về “tình yêu”, nhưng không thể tìm thấy tất cả bốn từ này trong Tân ước. Thông thường, người ta hay đề cập đến bốn hạn từ này nhưng trên thực tế, tiếng Hy Lạp còn có những từ khác chỉ “tình yêu” (ludus: tình yêu không ràng buộc, pragma: tình yêu vững bền, philautia: yêu bản thân).

Từ đầu tiên là eros, dùng để chỉ tình yêu đắm đuối hoặc nhục dục. Từ đó, tiếng Anh  có tính từ “erotic” (gợi tình). Mặc dù tình yêu nhục dục (eros) quan trọng trong mối quan hệ hôn nhân và được Thiên Chúa tạo nên (xem Bài ca của Solomon-sách Diễm ca), nhưng nó cũng có thể bị lạm dụng hoặc nhầm với tình yêu gia đình (storge). Kinh thánh nói rõ rằng gian dâm là một tội lỗi (x. 1 Cr 6,18; 1 Tx 4,3). Hạn từ này không được sử dụng trong Tân ước.

Thứ hai là từ storge, dùng để nói về tình yêu gia đình như tình mẫu tử hoặc anh chị em dành cho nhau. Tân ước không sử dụng từ storge. Tuy vậy, vài thuật ngữ tiêu cực astorgoi (ἄστοργοι) (“không yêu thương”) được tìm thấy trong 1Tm 3,3 và một thuật ngữ tương tự là astorgous (αστοργους) (“không hay gây sự”  và “không tình cảm, không xót thương” được tìm thấy trong Rm 1,31. Storge là một tình yêu trìu mến, kiểu tình yêu mà người ta có thể dành cho gia đình hoặc vợ/chồng. Đó là một loại tình yêu tự nhiên, không cưỡng ép. Một số ví dụ về tình yêu storge có thể được tìm thấy trong các câu chuyện của Nôê, Giacóp và chị em Matta, Maria và Lazarô.

Từ thứ ba là philia (dạng động từ là phileo), dùng để chỉ tình bằng hữu và tình đồng đội. Philia thường được dịch là “bạn hữu” (một người được yêu thương) trong Tân ước. Trong Rm 12,10, có sử dụng từ ghép philostorgos (φιλόστοργοι), được dịch là “thương mến nhau trong tình huynh đệ”.
Philia đề cập đến tình yêu anh em và thường được thể hiện trong tình bạn thân thiết. Những người bạn tốt nhất sẽ thể hiện tình yêu bao dung dành cho nhau khi mỗi người đều tìm cách làm cho người kia được hạnh phúc. Tình bạn trong Kinh thánh giữa Đavít và Giônathan là một minh chứng tuyệt vời về tình bằng hữu (philia): “Ông Đavít vừa nói với vua Saun xong thì tâm hồn ông Giônathan gắn bó với tâm hồn ông Đavít, và ông Giônathan yêu mến ông Đavít như chính mình…Và Giônathan lập giao ước với Đavít vì ông yêu mến ông ấy như chính mình ”(1 Sm 18,1-3).

Vì tình bằng hữu (philia) bao gồm cảm giác ấm áp và thiện ý đối với người khác, do đó chúng ta không có tình thân đối với kẻ thù của mình. Tuy nhiên, Thiên Chúa lại muốn chúng ta phải có tình yêu vị tha (agape) đối với mọi người, gồm những người thù địch, những người làm tổn thương và đối xử tệ với chúng ta, và cả những người thù địch với đức tin của chúng ta (Lc 6,28; Mt 5,44). Theo thời gian, khi bắt chước mẫu gương yêu thương vô điều kiện (agape) của Thiên Chúa đối với kẻ thù, chúng ta cũng có thể cảm nghiệm tình thân (philia) với vài kẻ thù khi bắt đầu nhìn họ với đôi mắt của Thiên Chúa.

Cuối cùng, agape là thuật ngữ được sử dụng để nói về tình yêu Thiên Chúa dành cho thế giới và các Kitô hữu cần phải noi theo. Từ agape được sử dụng phổ biến nhất trong Tân ước. Trong một thời gian dài, người ta cho rằng những Kitô hữu đã đặt ra từ agape để nói về một loại tình yêu thần linh mà thế giới Hy Lạp không hề biết đến. Nhưng trên thực tế, hạn từ agape đã được sử dụng trong Đế quốc La Mã và các Kitô hữu dùng hạn từ này để thông truyền tình yêu Thiên Chúa.

Agape nói đến loại tình yêu mạnh mẽ nhất, cao quý nhất: tình yêu hy sinh. Tình yêu agape không chỉ là một cảm giác - nó là một hành động của ý chí. Đây là tình yêu  mà Thiên Chúa dành cho dân của Ngài và chính tình yêu này đã thúc đẩy Con Một Ngài - Chúa Giêsu, hy sinh và hiến thân vì tội lỗi chúng ta. Chúa Giêsu là tình yêu hy sinh (agape) được nhân cách hóa. Các Kitô hữu phải yêu thương nhau bằng tình yêu agape, như được thấy trong dụ ngôn Chúa Giêsu kể về người Samaritanô nhân hậu (Lc 10,25-37).

Mặc dù bốn thuật ngữ này (eros, storge, philia, agape) thể hiện các sắc thái khác nhau của khái niệm tình yêu, nhưng chúng không thể bị gò bó trong các tình huống mà chúng diễn tả. Có lúc, nhiều người nghĩ rằng ngôn ngữ Hy Lạp có độ chính xác gần như toán học. Tuy nhiên, khi phát hiện là càng ngày càng có nhiều thủ bản tiếng Hy Lạp cổ đại (và khi những cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng hơn được thực hiện), chúng ta thấy rằng tiếng Hy Lạp không còn chính xác hơn hầu hết các ngôn ngữ khác. Nhiều khi người ta sử dụng những thuật ngữ này không đúng về mặt kỹ thuật và các định nghĩa chặt chẽ của thuật ngữ không phải lúc nào cũng được tôn trọng.

Sự phân biệt giữa các loại tình yêu khác nhau không hoàn toàn tồn tại, gói gọn trong Tân ước. “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa. Ngay cả người tội lỗi cũng yêu kẻ yêu thương họ”. Ở đây, từ agape (yêu/yêu thương) được dùng bốn lần trong cả câu. Làm thế nào những người tội lỗi có thể bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhau? Cho nên Chúa Giêsu muốn nói đến loại tình yêu mà các tội nhân dành cho nhau không phải là tình yêu hy sinh, vị tha mà các Kitô hữu được kêu gọi biểu lộ. Trong Lc 7,5 viên đại đội trưởng được miêu tả là một người yêu nước Israel - một lần nữa, từ agape lại được dùng ở đây.

Hầu hết các hạn từ có thể có một loạt các ý nghĩa, nhưng ý nghĩa đặc trưng, cụ thể của bất kỳ từ nào thì phải được xác định bởi ngữ cảnh của nó. Người nói tiếng Anh sử dụng động từ love (yêu) với nhiều cách khác nhau, từ “Tôi thích ăn kem” đến “Tôi yêu vợ tôi” và nhiều đối tượng khác nữa. Không ai mơ hồ về điều này bởi vì chúng ta hiểu loại tình yêu muốn nói trong bối cảnh của câu nói đó. Khi agape được sử dụng trong Tân ước, nó thường được kết hợp với một số từ khác để thể hiện rõ ràng loại tình yêu mà nó muốn hướng tới. Đa phần, agape được xác định bằng cụm từ tou theou (“của Chúa”). Phẩm chất thần linh của agape được tìm thấy trong cụm từ mà nó xác định, chứ không phải chỉ trong bản thân từ agape mà thôi. Bản chất mới mẻ của tình yêu trong 1 Cr 13 được khám phá qua  sự mô tả về tình yêu, chứ không phải trong bản thân của thuật ngữ. Như thế, các loại tình yêu sẽ luôn được làm rõ nhờ bối cảnh của nó.

Kitô giáo đã giới thiệu một loại tình yêu mới đối với thế giới, nhưng các Kitô hữu đã sử dụng những thuật ngữ có sẵn để giải thích phẩm chất của tình yêu đó. Tình yêu được diễn tả chủ yếu bằng sự hy sinh quên mình để noi gương Đức Kitô, chứ không phải chỉ bằng từ agape (tình yêu hy sinh) mà thôi.



Nguồn:
https://www.gotquestions.org/types-of-love.htmlhttps://www.gotquestions.org/phileo-love.html
Chuyển ngữ: Lm. Gioakim Nguyễn Quốc Nam