Đáng lý là sếp băng đảng nhưng lại làm linh mục.

Chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả Linh mục René-Luc, một nhân vật ngoại hạng mà cuộc đời của cha như quyển tiểu thuyết. 

 

 

6. BĂNG NHÓM CỦA LÀNG

 

Tôi tham gia đủ mọi sinh hoạt trong làng. Chúng tôi là nhóm những đứa trẻ cùng lứa tuổi. Với các bạn, tôi có vẻ như một đứa tuổi vị thành niên như các đứa bé khác, nhưng ai cũng biết chuyện nhà chúng tôi…

Đó là lần đầu tiên tôi yêu. Cô láng giềng Fanny, con gái ông làm bánh mì. Trước đây với con gái, tôi thích chơi trò chọc ghẹo quyến rũ. Còn bây giờ với Fanny thì khác, tôi thật sự yêu Fanny. Vấn đề là cô lớn hơn tôi ba tuổi, ở tuổi chúng tôi chuyện này hơi nặng trong “quan hệ”, gần như hơn một phần tư đời! Fanny đã là cô gái mười lăm tuổi xinh đẹp yêu đời, còn tôi mới hó hé tuổi vị thành niên. Cô là cô gái trong đội diễn hành. Ngay lập tức, tôi xin mẹ ghi tên tôi vào đội kèn trống. Cho đến bây giờ, tôi là đứa chẳng bao giờ để ý đến âm nhạc, nhưng mẹ tôi hiểu ngay động lực của tôi, bà đưa tôi đến gặp ông nhạc trưởng.

– Đội đã có đủ người thổi kèn, nhưng nếu con muốn, con có thể đánh phèng la chũm chọe.

 

Đánh phèng la chũm chọe! Chẳng uy thế chút nào, lại còn có nguy cơ làm xấu đi hình ảnh của tôi. Nhưng đó là điều kiện để được gần Fanny… Trong lần diễn hành đầu tiên, tôi khám phá, hóa ra đội phèng la đi đầu ban nhạc, ngay sau các cô diễn hành. Giữa hai tiếng phèng la, Fanny ở trong tâm trí tôi. Cuối cùng, đánh phèng la lại hợp với tôi…

Như tôi mong muốn, cô gái con ông thợ làm bánh mì là bạn của tôi. Nhưng khổ thay, tôi chỉ là người để cô thổ lộ tất cả chuyện lòng của cô, những chuyện chỉ làm tôi nhói lòng…

Và mấy năm sau, tôi thích thú khi đọc chương 13 thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô: “Nếu con không có tình yêu thì con giống như cặp phèng la chũm chọe ầm ĩ!”

* * *

Như các đứa trẻ tuổi vị thành niên khác, tôi không chỉ thích các cô, tôi còn thích xe mô-tô. Một anh lớn trong làng có chiếc xe Honda 125 Elsinore. Anh biểu diễn cho chúng tôi xem trò “wheelings”, cách trì bánh sau để làm bánh trước chồm lên và xe chỉ chạy bằng bánh sau. Ngay lập tức, cùng với thằng bạn Bébert, hai đứa chúng tôi bắt chước với chiếc xe velo solex cũ kỹ đã lấy đi động cơ. Chiếc này cầm cự được lâu nhất trên một bánh xe.

Vậy là cùng với Bébert, chúng tôi thành chuyên gia của những cú nhảy cao. Đàng sau làng có một con đường có độ nghiêng 25 độ dẫn đến ngã tư hình chữ V. Vùng đất này như đệm nhún trên một miếng đất hoang rộng. Các bạn trẻ trong làng đến xem chúng tôi diễn rất đông.

Bébert vừa biểu diễn một màn nhảy cao. Anh ra lệnh cho tôi:

– Đến lượt bạn!

Tôi bám vào vai một người bạn kéo tôi bằng xe mô-bi-lét và đưa tôi lên chỗ cao của một ngọn đồi nhỏ. Từ mũi nhô cao tôi quay lại nhìn xuống dưới. Chỉ còn đạp hết mình cho đến khi hai bàn đạp quay trong trống không. Người bạn đi trước bấm còi inh ỏi để xe hơi tránh.

Chiếc xe chạy thật nhanh, ghi-đông run rẩy trong tay tôi. Tôi tập trung để nhảy đúng trục của gò đất. Bánh xe bay bổng và tôi thật sự bay trên đầu khán giả. Việc hạ xuống khá nhiêu khê vì xe không có bộ phận giảm xóc… Nếu tôi cho hai bánh xe chạm đất cùng một lúc thì tôi có thể ngồi được trên yên xe. Nếu bánh sau xuống trước thì sẽ “cool” hơn. Nếu sơ suất, tôi để bánh trước xuống trước thì… Được các bạn tán thưởng, tôi ‘đáp’ xuống đúng cách và được vài bạn vỗ tay. Sự ngưỡng mộ mà Bébert và tôi có được từ những “chiến công” nhỏ này có thể nhìn thấy nơi ánh mắt của các bạn – nhất là ánh mắt của các cô – và chúng tôi lại lên yên xe để biểu diễn lại, mỗi lần càng cao hơn, càng xa hơn.

 

Rất tự nhiên, tôi tham dự vào trò chơi ganh đua có từ thế hệ này qua thế hệ khác giữa làng chúng tôi và làng bên cạnh. Khi lên xe buýt trường, chúng tôi luôn ngồi đàng trước, còn đàng sau là nhóm của làng bên cạnh. Các lời khiêu khích bắn qua bắn lại là chuyện thường, người này người kia bị nhóm đối nghịch túm ở hành lang trường cũng là chuyện thường.

Chúng tôi có một trưởng nhóm mới, anh có biệt danh là Raico. Chúng tôi tôn anh làm thủ lĩnh. Để chính thức lên ngôi, chúng tôi tổ chức cuộc thi đấu giữa hai trưởng băng. Làng chúng tôi cách nhau bằng con sông Gardon, nhưng có một tuyến đường xe lửa đi qua hai xã chúng tôi. Chúng tôi hẹn gặp nhau trên cầu xe lửa. Cuộc đấu sẽ bằng tay không.

Tuy vậy chúng tôi giấu kho vũ khí của chúng tôi dưới cây cầu: côn, xích xe đạp, thanh sắt và gậy. Nhóm kia cũng làm như vậy, sau này tôi biết họ còn có súng cácbin đạn chì.

Hai nhóm chạm trán nhau ở cuối cầu. Chỉ thiếu Sergio Leone để quay cận cảnh! Tay nắm chặt, chúng tôi chầm chậm xáp lá cà. Sau vài câu qua lại, họ quyết định cuộc tranh tài diễn ra ở trên bờ, gần các trụ cầu.

Chúng tôi quay vòng tròn, hai sếp ở giữa. Họ quan sát nhau. Raico đổ mồ hôi. Có vẻ anh không thoải mái, và ngoài mọi mong chờ, anh tuyên bố:

– Đi đi! Chúng ta không đánh nhau, chúng ta biết nhau từ lâu rồi…

Cả hai bên bàng hoàng. Raico giải tán. Dù người sếp bên kia to cao hơn và có tiếng xấu, chúng tôi sửng sốt. Ngày hôm đó Raico là anh hùng của chúng tôi: Đavít chống Gôliát!

Nhưng Gôliát không chịu. Anh khiêu khích, anh muốn đánh nhau. Anh còn sỉ nhục Đavít. Nhưng Raico không phản ứng. Không làm gì được, anh sợ đánh nhau. Thất vọng, sếp bên kia nói trổng và cũng không tin gì nhiều vào lời anh nói:

– Vậy ai muốn đánh nhau?

Raico là người to khỏe nhất trong chúng tôi, thì ai dám có ý tưởng ngông cuồng dám đấu với Gôliát?

Sếp bên kia tiếp tục nói;

– Nào, hai người tình nguyện, mỗi bên một người!

Mọi người nhìn nhau. Chúng tôi tưởng tượng đủ chuyện nhưng không nghĩ ra chuyện này. Ái dám? Sau một phút do dự, một bạn bên kia giơ tay lên. Tôi là người chưa bao giờ ghét ai. Có lần chúng tôi gặp nhau trên xe buýt. Anh khá cao nhưng gầy, không đặc biệt ấn tượng. Tôi là đứa nhỏ nhất trong đám và đây là lần đầu tiên tôi dự một cuộc đấu. Tôi muốn thử.

– Ê, vậy thì các bạn xì hơi à?

Mặc kệ, tôi đương đầu. Tôi giơ tay lên. Đối thủ nhìn tôi chằm chằm, anh nhận ra tôi và có vẻ vui khi chiến đấu với tôi. Raico bị ra vòng ngoài và tôi thế chỗ anh trong tiếng la hét:

– Tiến lên! Đánh đi! Nhào lên, đánh cho nó đau…

Đối thủ đi về phía tôi, anh đấm ngang tầm mặt tôi. Tôi lùi lại và né tránh dễ dàng. Rõ ràng anh không giỏi thể dục thể thao cho lắm. Tôi mạnh dạn hơn và hai tay nắm lại, tôi đến gần anh hơn. Hai tay tôi quay quay không đúng đích. Anh lùi lại, tôi không đến gần được làm cho tôi can đảm thêm. Mệt sức, tôi dừng lại. Đến lượt tôi đi lui. Mấy cú đấm loạng quạng đánh qua đánh về không đau vì chúng tôi cẩn thận giữ một khoảng cách.

Các bạn chung quanh tôi sốt ruột. Họ chờ cuộc tranh tài giữa hai sếp chứ không muốn xem chúng tôi diễn! Khi càng đánh, tôi càng vững tin. Tôi nghĩ đối thủ đang ở trong tầm tay mình. Tôi tiến lên, quyết chí đấm đối thủ thì bỗng dưng tôi bị khựng!

Lừa lúc tôi đang tiến gần, đối thủ nện cho tôi một cú thật mạnh giữa hai chân. Tôi đau quá, tôi gập người lại. Tôi ngẩng đầu lên và tôi bắt gặp cái nhìn của anh. Anh chiến thắng mà không nhọc công! Kiêu ngạo bùng lên, tôi nhào đến đánh nhưng cơn đau làm tôi lại gập người. Không làm gì được, tôi quá đau, anh thắng.

Tôi chấp nhận thua trong một trận đánh đàng hoàng. Nhưng theo kiểu này thì thua cũng là một chiến thắng nhỏ. Thua theo kiểu này… tôi cảm thấy bị nhục, bị phản bội. Lại nhục gấp đôi vì sau khi sếp tôi bỏ cuộc, tôi lại thua một cách kỳ cục! Không ai trong băng của tôi đến với tôi. Chỉ có sếp phe đối thủ đến gần tôi.

Anh vừa nói vừa đặt tay trên vai tôi:

– Nào chú bé, chú chịu đựng giỏi, nhưng chú không giống sếp của chú, chú giỏi!

Đúng, cho chính nghĩa! Cuộc chiến giữa hai nhóm chỉ là một giây phút ngắn ngủi trong đời tôi. Tôi không tưởng tượng là hai năm sau, tôi sẽ gặp một sếp băng đảng, lần này là thứ thiệt, một người giết người đến từ Bronx, New York.

 

Còn tiếp ... Chúa ở trọn tâm hồn (05)