- Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ. -

 

 

Một tin vui đến với chúng ta: Giáo Hội có thêm một vị thánh là tiến sĩ Hội Thánh. Đó là thánh Irênê thành Lyon. Vào tháng 10.2021, Đức Thánh Cha Phanxico đã nói: “ Thánh Irênê thành Lyon -người mà tôi sẽ sớm tuyên bố là tiến sĩ Hội Thánh với danh hiệu, ‘doctor unitatis’, nghĩa là ‘tiến sĩ của sự hiệp nhất’ – đến từ phương Đông, thực hiện sứ vụ giám mục của mình ở phương Tây, và là một cầu nối tinh thần và thần học tuyệt vời giữa các Kitô hữu phương Đông và phương Tây”.

 

Hôm nay, thứ năm ngày 21.1.2021, Đức Thánh Cha Phanxico đã công bố quyết định trao tước vị Tiến Sĩ Hội Thánh cho thánh Irênê thành Lyon.

 

“Thánh Irênê sinh khoảng từ năm 130 đến 140, ở Tiểu Á nay là Thổ Nhĩ Kỳ, trong một gia đình Kitô giáo có nguồn gốc Hy Lạp. Ngài chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Thánh Polycarp và là môn đệ của Thánh Gioan. Vào khoảng năm 170, ngài chuyển đến Gaul, nước Pháp, để loan báo Tin Mừng. Sau khi Giám mục Potinus qua đời vào năm 177, Thánh Irênê được chọn trở thành Giám mục của Lyon.

 

Năm 202 ngài chịu tử đạo trong thảm sát các Kitô hữu Lyon dưới thời hoàng đế Septimius Severus. Ngài được chôn tại nhà thờ Thánh Gioan, sau này được gọi là nhà thờ thánh Irênê. Năm 1562, phần mộ của ngài bị phá hủy. Thánh Irênê được coi là nhà thần học vĩ đại đầu tiên của Giáo hội. Trung tâm các suy tư của ngài là “Quy tắc của đức tin” và sự thông truyền đức tin, nghĩa là Truyền thống Tông đồ.

 

Có hai tác phẩm của Giám mục Lyon vẫn còn được lưu giữ: năm cuốn sách “Chống dị giáo” và “Trình bày về việc rao giảng của các tông đồ”, được coi là cuốn giáo lý cổ nhất của giáo lý Kitô giáo. Mục đích các tác phẩm là bảo vệ giáo lý chân chính và chỉ rõ chân lý của đức tin”.( Thánh Irênê được phong Tiến sĩ Hội thánh.  Ngọc Yến – Vaticannews).

 

 

Dưới đây là một vài tư tưởng rất sâu sắc của vị thánh tiến sĩ mới của Hội Thánh.

 

Bàn Tay của Nhà Nghệ Sĩ Thần Linh

 

Ngươi sẽ là Chúa thế nào được khi chưa được tạo dựng thành người?

Ngươi sẽ hoàn thiện thế nào được khi ngươi vừa mới được dựng nên?

Ngươi sẽ bất tử thế nào được khi sống trong một bản tính hay chết, ngươi đã không vâng lời Đấng tạo dựng ngươi?

 

Vì trước hết ngươi phải giữ địa vị làm người của mình đã, rồi mới nhận thêm được vinh quang của Thiên Chúa: bởi lẽ không phải ngươi làm nên Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa làm ra ngươi.

Vậy nếu ngươi là công trình của Chúa, thì hãy kiên trì chờ đợi Bàn Tay của Nhà Nghệ Sĩ của ngươi, Ngài làm nên mọi sự đúng thời, đúng lúc, - nói đúng thời đúng lúc là sánh với ngươi, một kẻ được tạo thành.

 

Hãy dâng cho Ngài một trái tim mềm mại, dễ bảo và hãy giữ nguyên hình dáng nhà Nghệ Sĩ này đã ban cho ngươi, bằng cách mang trong ngươi dòng Nước đến từ Ngài và nếu thiếu nó, khi ngươi trở nên cứng lòng, ngươi sẽ gạt bỏ mất dấu ấn của các ngón tay Ngài.

 

Nếu giữ được sự đồng dạng này, ngươi sẽ tiến tới sự hoàn thiện, bởi vì nhờ tài năng của Thiên Chúa, phần đất sét nơi ngươi sẽ bị che dấu đi.

 

Bàn tay Ngài đã dựng nên bản thể ngươi: Bàn tay ấy sẽ lấy vàng bạch tinh ròng mà mặc cho ngươi cả bên trong lẫn bên ngoài, và sẽ trang điểm cho ngươi thật xinh đẹp đến độ chính Đức Vua sẽ mê say sắc đẹp ngươi.

 

Nhưng nếu ngươi trở nên chai đá, gạt bỏ nghệ thuật của Ngài và tỏ ra bất mãn với điều Ngài đã làm cho ngươi, thì do bởi sự vô ơn bạc nghĩa đối với Thiên Chúa, ngươi đã vất bỏ hết nghệ thuật của Ngài lẫn sự sống: bởi lẽ tác thành là việc của lòng nhân lành của Thiên Chúa, còn được tác thành là việc của bản tính con người.

 

Vậy nếu ngươi dâng phó cho Ngài điều thuộc về ngươi, nghĩa là lòng tin và lòng tuân phục đối với Ngài, ngươi sẽ được lợi lộc nhờ nghệ thuật của Ngài và sẽ là công trình hoàn hảo của Thiên Chúa.

 

Trái lại, nếu ngươi chống lại Ngài và trốn tránh bàn tay Ngài, thì nguyên nhân khiến cho ngươi không được hoàn thành nằm ngay trong chính ngươi, bởi ngươi đã không vâng phục, chứ không phải trong Đấng đã kêu gọi ngươi.

 

Vì Ngài đã sai nhiều người đi mời khách tới dự tiệc cưới, nhưng những kẻ đã không nghe Ngài, chính họ đã tự ý nhịn bữa tiệc Nước Trời.

 

(St. Irénée de Lyon. Contre Les hérésies, I Liv. 4, 39,2-3, traduction “Sources chrétiennes” Nr.100, Paris, Cerf).