Chuyển ngữ lời thánh nhân: Nữ Tu M.Anna Lê Thị An Bình, FMI.

Suy niệm & trình bày: Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

 


  • Lời Chúa

“Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,20-21)

 

  • Lời thánh Henri Newman

Với tước hiệu này của Đức Maria, chúng ta cần hiểu “Đấng Cứu Thế” có nghĩa là gì.

Tên mà Chúa Giêsu được biết đến trước khi Người đến giữa loài người là Đấng Mêsia hay Đấng Kitô. Sau đó, khi đến trần gian Người được biết đến với ba danh hiệu khác nữa là Con Thiên Chúa, Con Người và Đấng Cứu Thế. Tước hiệu Con Thiên Chúa thể hiện bản tính thần linh, tước hiệu thứ hai nói về bản tính con người, và tước hiệu thứ ba nói lên sứ mạng của Ngài.

Thật vậy, sứ thần Gabriel hiện ra với Đức Maria và loan báo người con bà sẽ sinh ra được gọi là “Con Thiên Chúa”; còn lúc hiện ra với Thánh Giuse thì gọi Ngài là “Giêsu”, có nghĩa là Đấng Cứu Thế; và các thiên thần loan báo cho các mục đồng với danh hiệu tương tự là Đấng Cứu Thế. Riêng Chúa Giêsu, Ngài tự nhận mình là “Con Người”.

Không chỉ các thiên thần tuyên bố Người là Đấng Cứu Độ, mà cả các đại tông đồ Phêrô và Phaolô, trong lần rao giảng đầu tiên cũng đã tuyên xưng như thế. Thánh Phêrô thì nói rằng Người là “Hoàng Tử và Mục Tử”; còn thánh Phaolô thì viết rằng: “Chúa Giêsu Cứu Thế”. Như vậy cả các thiên thần và các tông đồ đều tiết lộ cho chúng ta lý do tại sao Chúa Giêsu được gọi như vậy.

Bởi vì Người đã cứu chuộc chúng ta khỏi quyền lực của Satan, khỏi tội lỗi và nỗi khốn cùng. Sứ thần nói với Thánh Giuse: “Bà (Maria) sẽ sinh một con trai và ông sẽ đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). Còn thánh Phêrô thì nói: “Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Israel ơn sám hối và ơn tha tội” (Cv 5,31). Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10).

Bây giờ chúng ta cùng xem vai trò của Mẹ Maria trong mầu nhiệm cứu độ.

Việc chuộc nô lệ khỏi quyền lực của kẻ thù sẽ mang đến xung đột. Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ và cũng là một chiến binh. Người không thể giải thoát các tù nhân nếu không có đấu tranh hoặc không trải qua đau khổ. Bấy giờ ai là những người ghét chiến tranh nhất?

Một nhà thơ đã trả lời: “Các bà mẹ đặc biệt rất ghét các cuộc chiến tranh”. Thật vậy các bà mẹ là người đau khổ nhất trong các cuộc chiến. Họ có thể được tôn vinh trong danh dự mà con cái họ đạt được; nhưng vinh quang ấy không làm vơi đi một phần nhỏ nỗi đau đớn, sự lo lắng, sợ hãi kéo dài của một người mẹ dành cho người lính.

Điều đó cũng xảy ra với Đức Maria. Trong ba mươi năm, Mẹ đã vui sướng với sự hiện diện liên lỉ của con trai mình. Nhưng đến lúc Người phải rời đi và tham gia vào cuộc chiến mà vì thế Người đã đến với thế giới. Chúa Giêsu đến trần gian không chỉ đơn giản là con trai của Đức Maria, mà còn là Vị Cứu Tinh của loài người, và do đó, khi đến giờ, Người phải ra đi thi hành sứ mạng.

Đức Maria sau đó hiểu ý nghĩa của việc trở thành mẹ của một người lính là thế nào. Chúa Giêsu rời gia đình để bắt đầu cuộc đời công khai. Người đã sống nhiều năm trong sự thân mật với Mẹ Maria; nhưng rồi chính Người lại nói: “Con người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20; Lc 9,58).

Sau vài năm, Mẹ Maria nghe tin về việc Chúa bị bắt, về những đau khổ và về cuộc Thương Khó của Người, Mẹ đã cùng Người lên đến đồi Canvê và đứng cạnh Người dưới chân thánh giá. Và cuối cùng, Mẹ ôm lấy xác Con trong vòng tay của mình.

Sự thật là Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết. Tuy nhiên, Đức Maria không bao giờ có lại Người như lúc trước vì Người đã lên trời và Mẹ không thể theo Chúa ngay được. Mẹ ở lại trần gian nhiều năm nữa, trong sự chăm sóc yêu thương của vị tông đồ thân yêu nhất là thánh Gioan. Nhưng không thể nào so sánh với người Con Chí Thánh Giêsu được.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế của chúng con, trong bài suy niệm này, chúng con đã chuyển từ vui mừng sang mầu nhiệm đau khổ, từ lời loan báo của thiên thần đến bảy sự thương khó của Mẹ. Chúng con xin ở gần Mẹ để cùng chiêm nghiệm về nỗi đau mà Mẹ đã chịu.

 

  • Cùng Anh Chị Em kính chào Mẹ - Ave Maria!

“Chúa Giêsu đến trần gian không chỉ đơn giản là con trai của Đức Maria, mà còn là Vị Cứu Tinh của loài người, và do đó, khi đến giờ, Người phải ra đi thi hành sứ mạng”.

Lời thánh Newman diễn tả chính sứ mạng cao quý của Chúa Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa, đến với nhân loại để cứu độ biết bao phận người đang sống trong bóng đêm, trong tội lỗi và trong sự chế ngự của sự dữ.

Sau 30 năm ở với Mẹ Maria, Chúa lên đường, Chúa ra khơi để thi hành sứ mạng cao quý đó. Lời xin vâng của Mẹ tiếp tục được “sống động”.

Rong ruổi đường dài ở bờ hồ, ở làng mạc, ở thành thị, nơi hội đường, tại đền thờ và cả trong nhà của người này người khác, Chúa rao giảng Tin Mừng, Chúa làm cho Tin Mừng sống động qua việc phục vụ trong yêu thương. Tất cả để cứu độ, để khơi nguồn sự sống mới cho biết bao phận người.

Mẹ Maria chiêm ngắm Con mình thực thi sứ mạng đó, Mẹ có vui không?!

Chắc chắn là Mẹ vui rồi. Mẹ còn cảm nhận được ý nghĩa của lời xin vâng giờ đây được “nở hoa sinh trái” nơi con của Mẹ. Lời xin vâng với thánh ý của Cha trên trời, để đưa lại niềm vui, bình an, ơn cứu thoát cho người khác, dù cho chính Chúa vất vả và cả con đường thương khó cùng thập giá Chúa cũng đón nhận.

Chúng con kính thờ Chúa Cứu Thế với lòng tri ân thẳm sâu!

Chúng con cúi mình tước Mẹ Chúa Cứu Thế với lòng tôn kính và yêu thương!

 

  • Hồn sống trong ngày: Hoa lòng dâng Mẹ

Hoa lòng hôm nay của bạn và tôi là gì?

Chúng ta cùng dành thời gian để nhớ lại trong cầu nguyện một sự kiện hay biến cố mà Mẹ Maria đã cầu bầu cho chúng ta, để rồi chính Chúa đã cứu thoát chúng ta ra khỏi hoàn cảnh đau thương, tăm tối và buồn tủi, và đưa chúng ta trở về lại với cuộc sống bình an tràn đầy tình yêu của Chúa và Mẹ.

Trong âm thầm, chúng ta dâng hoa lòng biết ơn lên Mẹ và Con Mẹ là Chúa Cứu Thế nhé!