Chuyển ngữ lời thánh nhân: Nữ Tu M.Anna Lê Thị An Bình, FMI.

Suy niệm & trình bày: Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

 

  • Lời Chúa

“Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la” (Ga 19,25).

 

  • Lời thánh Henri Newman

 

Tòa tháp là một công trình cao quý và uy nghi vươn lên cao trên những tòa nhà xung quanh. Vì vậy, khi sử dụng hình ảnh này, ngụ ý nói rằng Mẹ Maria là Tòa tháp hùng vĩ, tỏa sáng vượt trên tất cả về mọi khía cạnh.

 

Mặc dù trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Mẹ đã chịu một nỗi đau đớn tột cùng hơn các tông đồ. Tuy nhiên, trong thử thách ấy, Mẹ đã cư xử một cách cao thượng và mạnh mẽ. Trong thực tế, khi Chúa Giêsu đối mặt với cơn đau khổ trong Vườn Cây Dầu, các tông đồ đã không vượt qua được sự mệt mỏi nên ngủ thiếp đi. Họ không biết làm thế nào để chiến đấu hay vượt qua nỗi tuyệt vọng và sự nản lòng lớn lao này. Ngay sau đó, khi được hỏi Thánh Phêrô có phải là môn đệ của Chúa Giêsu không, ngài đã phủ nhận. Đó không chỉ là sự phản bội. Các tông đồ, ngoại trừ Thánh Gioan, tất cả đều chạy trốn. Thật vậy, họ cũng mất niềm tin vào Thầy mình và cho rằng mọi kỳ vọng vào Thầy giờ đây đã hoàn toàn thất bại.

Thật khác biệt biết bao với thái độ can đảm của Maria Madalena và hơn ai hết, của Đức Trinh Nữ Maria! Tin mừng thứ tư mô tả một cách rõ ràng rằng Mẹ đứng - Stabat Mater - dưới chân thập giá. Mẹ không khóc lóc cũng không lăn mình xuống đất, mà đứng thẳng người để cùng đón nhận những trận đòn và cơn đau đớn kéo dài của Con Yêu Dấu phải chịu. Với sự cao cả và bao dung trong đau khổ này, so với các tông đồ, Mẹ thật sự không hề lay chuyển và vững chãi như một tòa tháp.

 

Nhưng những tòa tháp của con người thường cao lớn, nặng nề, ngột ngạt và được xây dựng vì mục đích chiến tranh hơn là vì hòa bình. Chúng không thể hiện ân sủng, lòng tốt và sự cảm thông như được tỏa sáng nơi Đức Maria. Đây là lý do tại sao Mẹ được gọi là Tháp Ngà: để làm cho chúng ta hiểu rằng bằng cách sử dụng ánh sáng, sự tinh khiết và giá trị của vật chất đó, thật siêu việt biết bao lòng nhân từ và sự ngọt ngào của Mẹ Thiên Chúa.

 

  • Cùng Anh Chị Em kính chào Mẹ - Ave Maria!

Cùng với các phụ nữ, Mẹ Maria, Tháp Ngà vững chãi, đứng dưới chân thập giá của Chúa Giê-su, Con của Mẹ, như thánh Gioan diễn tả: “Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Maria Mác-đa-la”.

 

Truyền thống Ki-tô giáo, qua việc chiêm ngắm Mẹ dưới chân thập giá, đã nhận thấy kinh nghiệm đau khổ tột cùng của Mẹ.

 

Nhưng dù trong khổ đau khôn siết như thế, Mẹ vẫn “đứng”, trong một tư thế rất kiên vững, vững như Tháp Ngà quý báu vươn lên bên cạnh Thánh Giá Cứu Độ.

 

Mẹ xứng đáng được gọi là Tháp Ngà quý báu kiên vững trong hành trình Đức Tin.

 

Và thật đẹp, khi “Mẹ được gọi là Tháp Ngà quý Báu”, vì như thánh Nemman diễn tả, tước hiệu này “làm cho chúng ta hiểu rằng bằng cách sử dụng ánh sáng, sự tinh khiết và giá trị của vật chất đó, thật siêu việt biết bao lòng nhân từ và sự ngọt ngào của Mẹ Thiên Chúa”.

 

Ôi đẹp thay Mẹ Maria Tháp Ngà kiên vững ở dưới chân thập giá!

Ôi phúc thay cho chúng con có Mẹ là Tháp Ngà quý báu chiếu toả ánh sáng tinh khiết của lòng thương xót và dịu ngọt đến với những phận người chúng con.

  • Hồn sống trong ngày: Hoa lòng dâng Mẹ

Hôm nay hoa lòng dâng Mẹ của chúng ta là đôi chân và trái tim dành cho Mẹ.

Thật đơn sơ, chúng ta “rời bỏ” mọi lối đi thế trần, để chỉ chọn một lối đi dẫn đến với Mẹ, Tháp Ngà quý báu kiên vững bên Thánh Giá.

 

Đứng trước Mẹ, trái tim chúng ta xa lánh mọi sự của thế trần, trái tim ta hướng về trái tim Mẹ, và trong thinh lặng ở lại bên Mẹ, mà chẳng cần nói chi.

 

Chỉ ở lại với Mẹ trong tĩnh lặng, như là được trú ngụ dưới Tháp Ngà quý báu của lòng thương xót người Mẹ dành cho bạn và cho tôi.