´

fr.aleteia.org, Claude Rault, Cyprien Viet, 2022-05-10

 

Đức Giám mục danh dự Claude Rault, giáo phận Laghouat-Ghardạa ở Algeria làm chứng tình yêu thiêng liêng của ngài với chân phước Charles de Foucauld, “một người của tình huynh đệ tận căn”.

Giám mục Claude Rault thuộc Dòng Trắng tuy ở tuổi 82 nhưng ngài vẫn tiếp tục nhiệt thành làm sống lại di sản thiêng liêng của chân phước Charles de Foucauld. Giám mục đến Algeria trong những năm 1970 và đã truyền giáo từ vài chục năm nay ở các cộng đồng Ả rập và Tuareg của Algeria. Từ năm 2004 đến năm 2017, giám mục ở giáo phận Laghouat, một giáo phận rộng lớn bao phủ Sahara Algeria, ngài đã sống kinh nghiệm về cuộc gặp gỡ trong tình huynh đệ với người hồi giáo và một số cộng đồng kitô giáo rải rác khác.

Chân phước Charles de Foucauld đã truyền cảm hứng cho cha như thế nào trong ơn gọi cá nhân vào Dòng Trắng của cha?

 Tổng Giám mục Claude Rault: Lần đầu tiên tôi biết ngài thì cũng tương đối xa, khi còn trẻ tôi đọc tiểu sử chân phước của tác giả René Bazin viết. Nhân cách của ngài đã thu hút tôi nhưng tôi không đi xa hơn. Sau đó, trong thời gian học ở chủng viện, tôi thực sự thích cách cư xử của ngài và sa mạc đã cuốn hút tôi. Khi tôi đến Sahara, nơi tôi đã sống 45 năm, từng chút một tôi thấm nhuần linh đạo của ngài, trước hết là ý nghĩa cầu nguyện, độ sâu thẳm cuộc đời cầu nguyện của ngài. Sau đó tôi nhận ra, đây đúng là con người của các mối quan hệ, qua cách tiếp xúc rất tôn trọng người khác, cho dù họ là ai: vô thần, hồi giáo, gần hay xa… Ngài đã vun trồng tình huynh đệ thật tuyệt vời. Vì thế ngài là người đã truyền cảm hứng cho sứ vụ của tôi. Năm 2004, khi tôi được phong giám mục, tôi đã thừa hưởng án phong chân phước của ngài và từ đó tôi gần ngài nhiều hơn trên linh đạo cá nhân của tôi. Tôi gặp ngài qua gia đình thiêng liêng của ngài trong giáo phận: Tiểu đệ, Tiểu muội của Chúa Giêsu, Tiểu đệ của Tin Mừng. Đó là hiện thân sống linh đạo của ngài.

Chúng ta có thể nói hành trình của ngài cho thấy đức tin kitô giáo của ngài trước hết phát triển trong mối quan hệ với người khác, với người có thể không có cùng đức tin với mình không? Kinh nghiệm này có cho phép chúng ta xác định sự thật của sự bám vào gốc rễ kitô không?

Có, và điều này trải qua một quá trình trưởng thành chậm. Sau khi trở lại, trong vòng 15 năm ngài đi tìm một lối hiện hữu, qua đó ngài có thể tận hiến cho Chúa Giêsu. Điều này cần thời gian. 15 năm! Đặc biệt ngài có kinh nghiệm sống trong tu viện và sau đó là ở Nadarét, ngài đã nhận ánh sáng này từ Chúa Giêsu trong nhân cách là “Người Anh của mọi người”. Đó là những gì cuộc sống của ngài dựa lên, và ngài muốn đi gặp Chúa Giêsu ở nơi xa xôi nhất, ở Beni Abbès từ năm 1901.

Ngài liên kết sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể với sự hiện diện của người khác, những người đến xin ngài.

 

Ở đó, ngài muốn thực hiện lối sống hoàn toàn hướng về Chúa Giêsu, đặc biệt là tôn kính Bí tích Thánh Thể, từ đó ngài trải nghiệm qua mối quan hệ với người dân địa phương. Họ tìm đến ngài rất nhiều. Ngài liên kết sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể với sự hiện diện của người khác, những người đến xin ngài. Điều này đã mở rộng tình huynh đệ mà ngài muốn sống một cách triệt để.

Chúng ta biết Charles de Foucauld cũng là một học giả, một người của văn chương. Ngày nay ngài có được biết về công việc ngài đã làm cho bản sắc và cho văn hóa người Tuareg không?

Trong văn hóa của họ, người Tuareg không cần chúng ta nói cho họ về văn hóa của họ. Nhưng với tiến trình của ngài, ngài muốn học ngôn ngữ của họ và làm bốn tập tự điển Pháp-Tuareg, ngài muốn làm việc cho thế hệ sau, cho người khác. Không nhất thiết phải dành cho chính người Tuaregs, những người không cần nó: ngài học mọi thứ từ họ.

 

Chính vì tôn trọng và chính vì tình yêu với nền văn hóa nơi ngài sống, ngài đã thực hiện công việc tuyệt vời: hội nhập văn hóa qua ngôn ngữ.

 

Nhưng ngài còn là nhà trí thức, nhà bác học, thêm nữa lại là một nhà thần bí. Tự điển của ngài vẫn là tài liệu tham khảo cho người Tuareg, và cho cả những người tìm hiểu ngôn ngữ Berber. Không có một quyển tự điển mở rộng nào được xuất bản kể từ đó. Vì sự tôn trọng và tình yêu đối với nền văn hóa nơi ngài sống, ngài đã thực hiện công việc tuyệt vời: hội nhập văn hóa qua ngôn ngữ.

Đâu là sự phong phú của Charles de Foucauld ngày nay ở Algeria? Ngài có là một nhân vật được dân chúng biết đến và tôn trọng, đặc biệt với người hồi giáo không?

Charles de Foucauld không phải là nhà hồi giáo học, kiến thức của ngài về hồi giáo không sâu so với kiến thức của giáo sư Louis Massignon (1883-1962, giáo sư Đại học College de France, chuyên về tư tưởng hồi giáo và được xem là người đi trước của đối thoại liên tôn giáo). Nhưng động lực thúc đẩy để ngài hướng về người khác là tình huynh đệ. Và đó là thông điệp tuyệt vời dành cho Giáo hội ngày nay được Đức Phanxicô đưa ra ánh sáng. Vào cuối Thông điệp Tất cả anh em Fratelli Tutti, Đức Phanxicô trích dẫn Charles de Foucauld, người đã nhận ra và làm nảy sinh tình huynh đệ phổ quát này.

Các vị tử đạo trong cuộc nội chiến ở Algeria những năm 1990, được phong chân phước ở Oran năm 2018, có ở trong hành trình của Charles de Foucauld không?

Tôi nghĩ toàn thể Giáo hội Algeria ở trong tinh thần này. Theo một cách ít nhiều trực tiếp, Giáo hội nhận trực giác tuyệt vời này của Charles de Foucauld như trực giác của mình, ngài đã thấm nhập trực giác này vào Giáo hội Bắc Phi. Ngài là ngọn hải đăng cho Giáo hội chúng tôi ở Maghreb và cho cả Giáo hội hoàn vũ chúng ta.

Đâu là thông điệp của việc phong thánh này cho Giáo hội và cho người công giáo ngày nay? Đây có phải là lời mời không sợ hãi về sự khác biệt, về mối quan hệ với người khác không?

Tôi nghĩ điều tạo nên bản sắc người tín hữu kitô chúng ta là chúng ta được thúc đẩy hướng tới người khác, cho dù người đó là ai, và chính cái nhìn này chúng ta phải có với người khác, nhìn nhận họ như người anh, người chị. Không phải để “đầu tư” vào người khác nhưng để giới thiệu chính mình cho người đó như một trang mới của Tin Mừng.

Charles de Foucauld đặc biệt quan tâm đến những người nghèo nhất, và năm ngài qua đời 2016, ngài đã viết cho giáo sư Louis Massignon câu quan trọng này: “Không có lời nào tác động đến tôi như lời: ‘Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy’”. Ngài có tất cả và ngài từ bỏ tất cả để đến với người không có gì. Đó là con người tận căn, và là người đầy tình anh em. Một thông điệp tuyệt vời, một người sống thật với tình huynh đệ. Thông điệp lớn nhất của ngài, đó là tình huynh đệ và tôn trọng người kia trong con người thật, trong văn hóa, trong tôn giáo của họ mà không tìm cách phỉnh phờ họ, nhưng trong ưu tư trở thành người anh em với họ.

Người ta thường nói, những người trẻ thường đi tìm một cái gì tận căn, đôi khi họ thể hiện bản thân theo những hướng nguy hiểm, làm rạn nứt xã hội. Charles de Foucauld có chứng tỏ cho thấy tình huynh đệ chính nó cũng là một dấn thân triệt để không?

Tôi tin như vậy, vì đi tìm tình huynh đệ là đặt mình vào lòng thương xót với người kia, giải thoát mình khỏi bất kỳ hình thức tường thành nào nảy sinh giữa mình và người kia, giữa Giáo hội và thế giới. Chúa Giêsu muốn chúng ta ở trong thế giới! Tôi nghĩ rằng đây là một  thông điệp tuyệt vời cho ngày hôm nay.

Trong một số môi trường công giáo, chúng ta đang chứng kiến một loại rút lui thận trọng vào bản thân vì chúng ta sợ gặp người kia, trong khi đó có thể là một cuộc phiêu lưu lớn. Chính Chúa Giêsu đã ra khỏi văn hóa riêng của Ngài để đến với người khác. Đây là thông điệp tuyệt vời mà chân phước để lại cho chúng ta!

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch