Chuyển ngữ lời thánh nhân: Nữ Tu M.Anna Lê Thị An Bình, FMI.

Suy niệm & trình bày: Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

 

  • Lời Chúa

“Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao” (Ep 6,12).

 

  • Lời thánh Henri Newman

 

Từ ngày được rước lên trời, Đức Maria đã không ngừng nâng đỡ phù trì cho dân Chúa đang sống vất vả trên trần gian, tức là cho Giáo Hội lữ hành. Tước hiệu “Đức Bà phù hộ các tín hữu” được viết lại với những sự can thiệp này của Đức Mẹ.

 

Lịch sử phụng vụ có năm lần cho thấy rõ Đức Mẹ phù hộ các tín hữu, ghi nhớ những sự kiện liên quan và kết nối chúng với Kinh Mân Côi. Sự can thiệp đầu tiên có liên quan đến lịch sử Kinh Mân Côi được thực hiện bởi Thánh Đa Minh, nhờ sự giúp đỡ của Đức Maria, ngài đã ngăn chặn và khuất phục bè rối Albigense ở miền nam nước Pháp.

 

Thứ hai là những chiến thắng vĩ đại của Kitô giáo chống lại quân Hồi giáo của đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ trong trận chiến tại vịnh Lepanto, đây được coi như một lời đáp trả của Đức Mẹ Mân Côi trước lời cầu khẩn của Đức Thánh Cha Piô V, và những lời cầu nguyện của các Hiệp hội Mân Côi. Để tưởng nhớ đến lòng thương xót tuyệt vời của Đức Mẹ, cha Thánh Piô V đã giới thiệu lời cầu khẩn “Auxlium Christianorum” vào Kinh Cầu Đức Bà. Sau đó Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XIII, người kế vị, đã dâng Chúa Nhật đầu tiên của tháng 10, lễ “Đức Bà chiến thắng”, cho Đức Mẹ Mân Côi.

 

Một sự kiện lịch sử khác là chiến thắng hiển hách đạt được với sự bảo vệ của Đức Trinh Nữ Maria ở Vienna, thủ đô nước Áo, trước một vị vua Thổ Nhĩ Kỳ khủng khiếp khác, kẻ đe dọa xâm lược Kitô giáo Châu Âu. Để tưởng nhớ vĩnh viễn về chiến thắng đó, Đức Giáo Hoàng Innocent XI đã dành ngày Chúa nhật giữa quãng tám ngày lễ sinh nhật của Đức Maria để dâng kính Thánh Danh Đức Maria.

 

Một ví dụ khác về sự can thiệp của Đức Mẹ trong việc trợ giúp Giáo Hội: chiến thắng trước một đội quân hùng mạnh của người Thổ Nhĩ Kỳ ở Hungary vào ngày lễ Đức Mẹ Xuống Tuyết. Điều này cũng được coi là lời đáp trả của Đức Maria trước những lời khẩn cầu long trọng của Huynh đoàn Mân Côi. Để tưởng nhớ sự kiện này, Đức Giáo Hoàng Clement XI và Benedict XIII đã làm phong phú thêm lòng sùng kính Kinh Mân Côi bằng các đặc ân[1].

 

Một sự kiện cuối cùng đó là việc Giáo hoàng trở lại Roma vào đầu thế kỷ 19, sau khi bị bắt giữ ở Pháp dưới thời Napoléon. Như một dấu hiệu của lòng biết ơn vĩnh viễn đối với Mẹ Maria, Đức Giáo Hoàng Piô VII đã thiết lập ngày 24 tháng 5, ngày trở lại Roma, lễ Đức Bà Phù Hộ Các Tín Hữu.

 

  • Cùng Anh Chị Em kính chào Mẹ - Ave Maria!

Dù muốn hay không, cuộc sống người tín hữu vẫn thường rơi vào trong tình trạng căng thẳng giữa điều tốt lành và điều xấu xa, giữa con đường của sự dữ và chính lộ của Thần Khí.

 

Không ít lần chúng ta phải chiến đấu với sự dữ cùng những cám dỗ và cạm bẫy, cũng như chiến đấu với chính sự ác hằn ghi trong sâu thẳm con người chúng ta, đó là ganh tỵ, là đố kỵ, là ác tâm, là tham lam, là gian dâm, là ích kỷ, là kiêu hãnh…

Thánh Phao-lô đã nhận biết cuộc chiến đấu thiêng liêng trong đời sống của Ki-tô hữu, các tín hữu trong Hội Thánh ở Ê-phê-sô, nên ngài đã viết về cuộc chiến đấu thiêng liêng (x.Ep 6,10-20); trong đó có câu: “Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao”.

 

Làm sao để đứng vững trong cuộc chiến đấu thiêng liêng này và không trở thành kẻ bại trận? Cần mặc lấy binh giáp của Thiên Chúa. Đó là Lời Chúa, là Đức Tin, là đời sống công chính.

 

Qua bài suy niệm của thánh Newman về tước hiệu “Đức Bà Phù Hộ các tín hữu”, chúng ta lại có thêm đồng minh trong cuộc chiến, là Mẹ Maria kính yêu.

 

Lời thánh nhân giúp chúng ta xác tín điều này: “Từ ngày được rước lên trời, Đức Maria đã không ngừng nâng đỡ phù trì cho dân Chúa đang sống vất vả trên trần gian, tức là cho Giáo Hội lữ hành. Tước hiệu “Đức Bà phù hộ các tín hữu” được viết lại với những sự can thiệp này của Đức Mẹ”.

 

Vì thế, chúng ta được phép chạy đến Mẹ, khi chúng ta rơi vào trong tình trạng căng thẳng giữa ánh sáng và bóng tối, đặc biệt khi chúng ta rơi tỏm xuống hố sâu của tội lỗi.

 

Đừng sợ! Có Mẹ ở bên. Chúng ta cùng hướng nhìn Mẹ và kêu cầu với Mẹ nhé!

 

  • Hồn sống trong ngày: Hoa lòng dâng Mẹ

Hôm nay mời bạn cùng tôi chạy đến với Mẹ Maria, Mẹ phù hộ các tín hữu.

Chúng ta đọc thật chậm lời kinh Trông Cậy. Đừng đọc theo thói quen như lướt trên những hàng chữ mà chẳng hiểu gì, cũng chẳng để tâm đến.

 

Hãy lấy thời gian, cầu nguyện từng câu và “nuốt vào từng chữ” lời kinh trông cậy Mẹ Maria, Mẹ phù hộ bạn và tôi là các tín hữu.

Trước khi đọc lời kinh này trong thinh lặng, mời bạn cũng nhớ tới một điều gì mà bạn đang phải chiến đấu, để xin Mẹ phù hộ nhé!

 

“Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời con nguyện, trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng hằng chữa chúng con cho khỏi mọi sự dữ, Amen”.

 

 

[1] ĐGH Clement XI đã mở rộng ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi cho Giáo hội hoàn vũ và ĐGH Benedict XIII thiết lập lễ Bảy Sự Thương Khó Đức Mẹ và lễ Đức Mẹ núi Carmel.