fr.aleteia.org, Linh mục Dòng Tên Jean-Francois Thomas

 

Khu vườn của những thú vui trần gian, Jérôme Bosch. Ảnh Josse / Leemage qua AFP

Linh mục Dòng Tên Jean-François Thomas giải thích, lạm dụng về mặt thiêng liêng là ý muốn cực mạnh thúc đẩy đi thống trị người khác vì lòng kiêu hãnh và mong muốn thỏa mãn bản năng quyền lực đối với trí óc và linh hồn của họ. Trong Giáo hội, thẩm quyền phải tôn trọng ranh giới giữa nội tâm và ngoại tâm.

Những lời buộc tội lặp đi lặp lại chống các giáo sĩ trong những thập kỷ gần đây đã làm cho nhiều tâm hồn bị sốc, cho nhiều đầu óc bị tổn hại. Chưa bao giờ chữ ‘lạm dụng’ bị dùng nhiều như bây giờ, hàng ngày, tràn ra cả ngoài khuôn khổ tôn giáo. Trong một thời gian dài, những gì trong lãnh vực tình dục đã được phơi bày và bình luận nhưng có lẽ phần quan trọng nhất của vấn đề vẫn còn chìm sâu vì nó chạm vào lãnh vực thiêng liêng, ở đó, việc xác định thế nào là vi phạm đến tự do và lương tâm sẽ phức tạp hơn. Thế mà hiện tượng lại không mới, có lẽ nó đã cũ như mối quan hệ thiêng liêng giữa hai người.

“Linh mục không ở đó để đưa ra các ý tưởng nhưng để giúp ơn sủng.” Mọi con người, đàn ông cũng như phụ nữ, đã nhận một trách vụ với đời sống nội tâm đều phải biến những lời khôn ngoan và thực tế này thành những lời của riêng mình.

Mặc dù có kinh nghiệm phong phú và khôn ngoan, nhưng Giáo hội không tránh khỏi những lệch lạc, nhưng không phải khi nào Giáo hội cũng xác định và sửa chữa một cách đầy đủ. Các dòng tu lớn cũng không thoát được sự đồi bại này, các cộng đoàn càng trẻ và càng thu hẹp lại càng bị nhiều. Trên thực tế, khi một người đã dính vào quyền lực, đôi khi họ quên họ phải thực thi thẩm quyền đạo đức chính đáng để phục vụ người khác chứ không phải để tìm kiếm quyền lực cá nhân. Cũng phải hiểu, các vị trí trách nhiệm, kể cả trong Giáo hội, thường thu hút những người thèm có một sự nghiệp, khát khao một đế chế, không phải về địa lý, nhưng áp đặt mình lên những người mà họ thường có trách nhiệm trong đức ái. Cha phó Henri Huvelin – người giải tội đáng kính và là người hướng dẫn thiêng liêng cho Thánh Charles de Foucauld, một người có trí tuệ xuất chúng và khiêm nhường trong chức vụ linh mục đã soi sáng và giảng dạy vấn đề này, cha viết dựa trên kinh nghiệm của ngài: “Linh mục không ở đó để đưa ra các ý tưởng nhưng để giúp ơn sủng.” Mọi con người, đàn ông cũng như phụ nữ, đã nhận một trách vụ với đời sống nội tâm đều phải biến những lời khôn ngoan và thực tế này thành những lời của riêng mình.

Linh mục Henri Huvelin, người giải tội cho Thánh Charles de Foucauld

Ý muốn quyền lực

Sự lạm dụng thiêng liêng có thể đụng đến bất kỳ ai đã tin tưởng mở ra với lương tâm, điều này ở trong khuôn khổ được cho tuyệt đối kín đáo và tôn trọng lương tâm. Nguồn gốc của sự méo mó trong mối quan hệ là cái mà người xưa gọi là quyền lực kiêu ngạo (hybris), ở trong huyền thoại và triết học cổ đại vốn bỏ qua khái niệm tội lỗi. Người Hy Lạp tôn trọng sự tiết chế và ghét sự thái quá. Hybris là ngạo mạn và kiêu ngạo đã tạo ra hành vi bạo lực và lạm dụng vì nó để chúng ta tự do theo các đam mê và khát khao quyền lực. Con người muốn đòi hỏi nhiều hơn những gì các vị thần đã ấn định cho số phận của mình. Lại còn vi phạm tất cả các quy tắc đúng đắn, thao túng, nghiền nát tất cả những ai cản đường họ. Một số lớn thần thoại Hy Lạp nhấn mạnh điểm yếu này của con người đã bị thần Olympus trừng phạt nghiêm khắc. Kitô giáo dùng trực giác này khi nói về tội dâm dục. Thánh Augutinô trong quyển sách Đô thị của Chúa, chắc chắn đã là người phát triển rõ ràng nhất các khía cạnh khác nhau của cái mà ngài gọi là ham muốn tình dục, theo một nghĩa khác với khía cạnh hạn chế mà từ này áp dụng với phân tâm học. Ngài phân biệt ba ham muốn, ham muốn được biết, ham muốn trải nghiệm, và ham muốn thống trị (libido sciendi, libido sentiendi, và libido dominandi).

Lạm dụng thiêng liêng là ham muốn thống trị: ý muốn quyền lực dẫn đến việc thống trị người khác vì kiêu hãnh và mong muốn thỏa mãn bản năng quyền lực của mình trên tâm trí người khác. Chúng ta ở trong lệnh của satan vì Thần Dữ là người dùng tất cả mưu chước để chiếm hữu sinh linh và dẫn dắt chúng theo ý mình, thường dưới vẻ bên ngoài nhân từ giả tạo. Không phải ngẫu nhiên mà những lập luận của những kẻ lạm dụng thiêng liêng luôn phát triển rộng rãi về mặt thần học, để thuyết phục con mồi, rằng họ nổi loạn là nổi loạn với chính Chúa. Kẻ lạm dụng khoác lên mình khuôn mặt thiên thần để thuyết phục nạn nhân rằng họ là người tầm thường, xấu xa và họ không thể sống nếu không có sự giúp đỡ của hắn. Quá trình này luôn giống nhau: quá trình ký sinh. Trong thiên nhiên, nhiều sinh vật sống sót nhờ tiếm chỗ của sinh vật khác, đôi khi còn chiếm hữu những sinh vật khác ngoài ý muốn của đương sự, phát triển, nuôi thân mình trong thân họ và làm cho họ chết từ từ. Kẻ lạm dụng giống như con nhện, không trực tiếp ăn côn trùng mắc trong mạng nhưng bơm cho nó một chất độc làm tan các cơ quan, để sau đó ăn chất này. Vì thế trong mạng nhện vẫn còn xác côn trùng giữ nguyên hình dạng bên ngoài nhưng bên trong thì trống rỗng. Những nạn nhân của lạm dụng thiêng liêng đôi khi là hình ảnh con chim cu gáy, loài chim rất thông minh và duyên dáng này ấp trứng trong tổ những con chim ngây thơ khác, cuối cùng khi bị phát giác thì chúng bị ném ra khỏi tổ. Kẻ lạm dụng đặt mình vào lương tâm người kia và hướng dẫn người kia.

Thành trì nội tâm và ngoại tâm

Điều khủng khiếp khi người này trở thành bậc thầy trong nghệ thuật thao túng này sẽ xây dựng, nếu ông là người đứng đầu cộng đoàn, một mạng lưới hỗ trợ, gồm những người lạm dụng bẩm sinh hoặc những nạn nhân vẫn còn dưới trướng của ông. Danh từ thời nay gọi đó là những “kẻ đồi trụy tự mê”. Một định nghĩa như vậy không giải quyết được vấn đề vì những cá nhân này biết bổ sung, biết tái tạo. Việc phá vỡ dây xích là gần như không thể, vì trong lĩnh vực tôn giáo vấn đề lời khấn vâng lời sẽ được đặt ra. Biết bao tu sĩ, nữ tu, chủng sinh, linh mục cũng là tù nhân trong tay “bề trên” áp đặt bằng danh tiếng, quyền lực và tài năng của họ! Những sinh linh nào có thể thoát khỏi sự xâm phạm mật thiết này thì rất hiếm và nếu họ cắt được dây xích, họ vẫn bị đánh dấu và bị tổn thương suốt đời. Vì vậy, lạm dụng thiêng liêng hiếm khi bộc lộ như một trường hợp cá biệt. Đó là một mảnh của kim tự tháp, nơi tất cả những kẻ thao túng đều bị cầm giữ bởi sợi râu dê.

Trong Giáo hội, một quy tắc không thể đụng chạm thường là quy tắc phân biệt nội tâm và ngoại tâm. Kẻ thao túng vi phạm các biên giới, kể cả đôi khi đụng đến bí mật tòa giải tội. Họ biết cách kết hợp các chức năng và trách nhiệm mà những điều này cần phải được tách bạch. Từ thời xa xưa, trong các chủng viện, thông lệ là các giám đốc khác nhau, cũng là các cha linh hướng chủng sinh, không tuyên bố gì về những chỉ dẫn của họ trong các hội đồng, các tổng kết, thêm nữa viện trưởng không bao giờ là người hướng dẫn thiêng liêng hoặc cha giải tội. Tuy nhiên, trong một số thể chế nào đó, những khác biệt tinh tế và cần thiết này đã bị phá vỡ, nên đương sự phải chịu sự bạo ngược của những kẻ lạm dụng, do họ hoàn toàn tự do hành động. Khi “cấp trên” nhầm lẫn quyền lực và quyền hạn, thì tín hiệu báo động phải được gióng lên và cấp dưới phải giữ khoảng cách càng sớm càng tốt. Kẻ bạo hành thiêng liêng sẽ không bao giờ cho mình là người có lỗi vì họ tin chắc vào hành động của mình, đảm bảo để nạn nhân dưới ảnh hưởng của họ vẫn thụ động. Đây là lý do vì sao sau đó một số lạm dụng này dẫn đến lạm dụng thể lý hoặc tình dục vì những lạm dụng này đã luôn được chuẩn bị dưới sự khống chế thiêng liêng này.

Đức vâng lời phải luôn được khai sáng

Tự cho mình là người thay thế Chúa, nhân danh Ngài mà nói, đó là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ thiêng liêng không lành mạnh. Những người đương thời của Chúa đã nhìn nhận Ngài giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền chứ không như các kinh sư của họ (Mt 7, 29), chỉ vì Ngài tôn trọng đời sống nội tâm của mỗi người, đồng thời đưa ra những lời khuyên cần thiết, nhưng không ép buộc, ngay cả với người thanh niên giàu có muốn đi theo Ngài (Mc 10, 17-31). Khi một người hướng dẫn thiêng liêng muốn bẻ cong ý chí người khác theo các tiêu chí của mình, thì cần phải xác định và báo cáo hành vi lạm dụng. Đôi khi hơi khó xác định, nhưng một trong những triệu chứng là đương sự cảm thấy khó chịu trong người, hoặc ngược lại, một cảm giác lệ thuộc như người mắc chứng nghiện các chất độc hại khác. Khi đó việc cai nghiện rất gay go và thường là thất bại. Giám đốc hoặc bề trên phải hết sức thận trọng và khiêm tốn khi dùng những lập luận của quyền hạn, vì nguy cơ công cụ hóa là rất lớn, luôn phải đề phòng khi gỡ rối lạm dụng. Những câu Kinh Thánh, những bài của Giáo hội và của Truyền thống pha trộn vào đó nhiều yếu tố tâm lý, hòa tất cả để làm một thứ cocktail đó là những thứ mà kẻ bị thói kiêu ngạo chiếm hữu dùng để chinh phục nạn nhân.

Đức vâng lời phải luôn được khai sáng, nếu không nó chỉ là con tốt trong tay những kẻ giả dối.

Những lời này không nghĩ rằng sẽ giải quyết được vấn đề vì vấn đề quá lớn lao, không chỉ giới hạn ở một vài thái quá của nhiều tà phái lệch lạc. Nếu những lời này có thể giúp một số linh hồn nhận thức được hoàn cảnh nô lệ của họ, để mở rộng tầm mắt trước những đồi trụy của quan hệ này hay quan hệ thiêng liêng kia thì xin Tạ ơn Chúa, Deo gratias! Vì tất cả vấn đề này đều phức tạp, nên có lẽ cần phải đi sâu hơn trong việc tìm hiểu hiện tượng này để loại bỏ nó tốt hơn. Chắc chắn, tự do thực sự là một trạng thái vâng lời: lý trí chống lại xác thịt, thể thức chống lại vật chất, vĩnh viễn chống lại phù du, tập quán chống lại chướng khí của chúng ta, v.v., nhưng đức vâng lời luôn được soi sáng, nếu không nó chỉ là con tốt trong tay của những kẻ giả dối. Chúng ta nhường lời cuối cùng cho người là đối tượng bị lạm dụng đáng kể trong Giáo hội và trong Dòng Tên, linh mục Leonardo Castellani của thế kỷ trước, với tinh thần hài hước thường thấy của cha, cha đã khôn ngoan nhận xét: “Nếu bạn bỏ nấm độc và nấm ăn được vào chung với nhau, những người thắng cuộc đều độc”, Sự thật hay Hư vô (La Vérité ou le Néant). Bạn không bao giờ được đến gần nấm độc, nếu không bạn sẽ bị ngộ độc.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch