Giáo Phái - Cult

 

1. Tại sao các tổ chức tôn giáo như Mormons và Jehovah's Wirnesses lại được coi là “tà giáo”, trong khi các tổ chức khác như Fundamentalist và Calvinist thì không? Không phải rằng những tổ chức tôn giáo này có cùng một giáo thuyết lầm lạc hay sao?

TL: Chữ “cult” hiện rất phổ thông ở Hoa Kỳ, theo tự điển của Cha Ngô Minh và Nguyễn Thế Minh, nó có nghĩa: phụng thờ, sùng bái, hay hình thức đam mê quái dị. Nếu dùng một cách xác thực, nó chỉ về một nhóm người có mục đích tôn giáo nào đó; nó cũng có thể chỉ về một vài nghi lễ, nghi thức, và sinh hoạt cầu nguyện đặc biệt được thi hành trong một nhóm đặc biệt. Thí dụ, Công Ðồng Vatican II được đề cập đến như “sự sùng bái các thánh”, nó có nghĩa người Kitô vinh dự và sùng kính các Kitô Hữu đang ngự trên trời với Ðức Kitô. Dùng theo phương cách này, “cult” không có ý nghĩa xấu.

Trong một vài thập niên vừa qua, một hiện tượng đáng tiếc đã phát sinh, chính yếu từ các giáo phái Tin Mừng (Evangelical Protestants) là những người đã dùng chữ này để gán cho các tổ chức tôn giáo mà họ bất đồng ý. Những người theo Mormons và Jehovah's Witnessess trở thành “người tà giáo”. Trong một ý nghĩa phổ thông hơn, chữ “cult” không chỉ nói đến một giáo phái có nhiều giáo lý kỳ quặc, nó còn ám chỉ đến một tổ chức có hoạt động bí mật, dùng sự lừa gạt và nhồi sọ để giữ tín đồ, và đôi khi những tổ chức này xuất phát từ việc thờ Satan (tà giáo). Việc gọi ai đó là “người tà giáo” trở nên một vũ khí tiện lợi để tấn công các tôn giáo thiểu số. Một số người Fundamentalist gọi Giáo Hội Công Giáo là tà giáo.

Dĩ nhiên, có một số giáo phái thực sự là tà giáo, nhưng bạn phải thận trọng khi đề cập đến sự kiện đó. Nếu bạn muốn giảng đạo cho những người có liên hệ với các giáo phái ấy, bạn phải tránh những phương cách làm họ xa lánh bạn. Kiên quyết nhưng khoan dung. Ðừng dùng chữ “tà giáo”. Tự kềm hãm một chút mà bạn sẽ thành công hơn.

 

Giáo Phái Christadelphians

 

1. Tôi vừa gặp phái Christadelphians. Xuất xứ họ ra sao và họ tin những gì?

Giáo phái Christadelphians (”anh em Ðức Kitô”) được thành lập năm 1848 bởi John Thomas, là một y sĩ và con của một mục sư phái Congregationalist. Vào lúc đó, ông tự nhận là một thành viên của phái Campbellites (phong trào “Giáo Hội Ðức Kitô”). Năm 1848 ông viết cuốn “Elpis Israel-An Exposition of the Kingdom of God”, nói lên những quan niệm tôn giáo của ông.

Giáo phái này thu hút nhiều người ở Hoa Kỳ, Gia Nã Ðại, và Anh Quốc và dần dần được biết đến dưới cái tên Christadelphians trong thời Nội Chiến Hoa Kỳ, khi các hội viên hiếu hòa của họ buộc phải chọn một danh xưng. Vào thời đó, họ chưa phát triển mạnh, và ngày nay, có khoảng 20,000 thành viên ở Anh Quốc và 16,000 ở Hoa Kỳ. Các tín đồ của họ cũng được nhận thấy ở Gia Nã Ðại, Úc, Ðức, và Tân Tây Lan.

Phái Christadelphians chủ trương độc vị (unitarianism), chỉ tin có một ngôi vị nơi Thiên Chúa Cha. Họ coi Chúa Giêsu như một trong nhiều “Elohim” hay “chư thần được dựng nên” mà đã có lần làm người; về phương diện này, phái Christadelphians giống như phái Mormons. Họ không coi Chúa Thánh Thần là một thần khí nhưng là một sức lực.

Người Christadelphians tin rằng linh hồn “ngủ” giữa sự chết và sự sống lại, và do đó không có hình phạt đời đời; về phương diện này, họ giống phái Jehovah's Witnesses. Họ cho rằng người độc ác sẽ không được sống lại vào ngày sau hết.

Phái Christadelphians từ chối sự hiện diện của ma quỷ và cho rằng, vào một ngày rất gần Ðức Kitô sẽ trở lại thống trị Giêrusalem trong vòng một ngàn năm.

Phái Christadelphians không tập trung thẩm quyền. Mỗi một giáo hội địa phương hay “ecclesia”--như họ thường gọi, hành xử cách độc lập và thường tụ họp ở nhà hay các cơ sở được thuê mướn. Họ không dùng đến hàng giáo sĩ được trả lương, nhưng tuyển chọn “serving brethren” (anh em phục vụ) trong một nhiệm kỳ ba năm. Họ không có sứ mệnh và chống đối việc phục vụ trong quân đội, nghiệp đoàn, nắm giữ chức vụ công cộng, và đi bầu; một lần nữa, về phương diện này, họ giống phái Jehovah's Witnesses.

2. Người Christadelphians cho rằng nhiều người sẽ không bao giờ sống lại từ cõi chết (xem Is. 26:14, 43:17, Jer. 51:57). Họ nói rằng Thánh Phaolô cũng đề cập đến điều này trong thư I gửi giáo đoàn Côrintô 15:18, là đoạn người nói nếu không có sự sống lại thì những người đã chết trong Ðức Kitô sẽ bị diệt vong. Làm sao để bác bẻ điều này?

Trưng ra đoạn phúc âm đó không có nghĩa là họ đúng, nhưng thực ra nó được giải thích theo cách khác. Sách Tiên Tri Isaiah 26:14 đề cập đến sự thất bại của kẻ xâm lăng Israel như “cái bóng không thể vươn lên.” Ðiều này có nghĩa họ không thể tự sống lại từ cõi chết. Sách Tiên Tri Isaiah 43:17 và Giêrêmia 51:57 nói đến sự bất lực của người chết không thể chỗi dậy khi vấp ngã, và trong trường hợp của Tiên Tri Giêrêmia câu 51 đoạn 57, đó là sự bất lực không thể thức giấc. Tất cả ba đoạn này có giá trị trong khung cảnh thời gian đó, với thời đại chúng ta thì những đoạn ấy bị giới hạn và không dính líu gì đến ngày tận thế. Tận thế là vấn đề khác.

Khi giở sang các đoạn đề cập đến ngày tận thế, chúng ta thấy người độc ác sẽ được sống lại vào ngày sau hết. Trong Phúc Âm Thánh Gioan 5:28-29, Chúa Giêsu nói với chúng ta, “Ðừng ngạc nhiên về điều này, khi đã đến giờ thì mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng Người và sẽ ra khỏi đó, những ai làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống, những ai làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án.” Chúng ta thấy mọi kẻ chết sẽ nghe tiếng Người và sẽ sống lại và người độc ác sẽ “sống lại để bị kết án.”

Trong Khải Huyền 20:12-15, chúng ta thấy, “Và tôi thấy những người chết, lớn cũng như nhỏ, đứng trước ngai, và quyển sách mở sẵn. Một cuốn khác cũng mở ra: đó là sách trường sinh. Các người chết được xét xử tuỳ theo việc họ đã làm, chiếu theo những gì đã được ghi chép trong sổ sách. Và biển trả lại những người chết nó đang giữ; tử thần và âm phủ trả lại những người chết chúng đang giữ, và mỗi người chịu xét xử tuỳ theo các việc đã làm... Ai không có tên ghi trong Sổ trường sinh thì bị quăng vào hồ lửa.

Qua đoạn văn này, chúng ta được biết tất cả mọi người chết, lớn cũng như nhỏ, được xét xử theo những gì họ đã làm. Biển, tử thần, và âm phủ cũng sẽ trả lại các người chết trong đó, điều này có nghĩa không một người chết nào mà không được sống lại. Trong những người được sống lại sẽ có người độc ác, họ sẽ bị luận phạt.

Lý luận của phái Christadelphians về câu 18 đoạn 15 trong thư I gửi giáo đoàn Côrintô là sai lầm. Thánh Phaolô quả quyết rằng nếu Ðức Kitô không được sống lại, thì những người đã chết trong Ðức Kitô sẽ bị tiêu vong. Cách hay nhất để bác bẻ là quay về Ðức Kitô. Người đã sống lại, bởi thế những người còn đang ngủ trong Người sẽ không bị diệt vong -- họ đang tỉnh thức với Người trên thiên đường.

Vài điểm cần biết thêm:

Thứ nhất, người Do Thái có hai quan điểm về đời sau, một là hoàn toàn hủy diệt (theo người Sa-đu-xê) và hai là sự sống lại (theo người Pharisêu). Khi Thánh Phaolô nói, “Nếu không có sự sống lại thì những kẻ chết trong Ðức Kitô sẽ tiêu vong,” có lẽ ngài muốn ám chỉ đến quan điểm của người Sa-đu-xê là không có sự sống sau khi chết. Người không nghĩ đến một sự hiện hữu ngoài thân xác (linh hồn), vì trong tư tưởng của người Do Thái, sự hiện hữu ngoài thân xác chỉ là tình trạng tạm thời trước khi sống lại. Nếu không có sự sống lại, thì cũng không có tình trạng ngoài thân xác. (Sự thật thì có linh hồn, xem Luca 16:19-31 và Khải Huyền 6:9).

Thứ hai, người phái Christadelphians có lẽ cho rằng trong thư I Côrintô 15:18, “tiêu vong” có nghĩa “bị tiêu hủy” hay “không còn hiện hữu.” Không nhất thiết phải hiểu như thế. Thí dụ, trong Êphêsô 2:1, Thánh Phaolô đề cập đến cái chết về tinh thần (”chết đi tội lỗi của một người”), điều đó có thể xảy ra khi người ấy còn sống. Ðiểm của ngài trong thư I Côrintô 15:18 có thể là những Kitô Hữu không chỉ chết về thể xác mà còn chết về đàng tinh thần nếu không hy vọng vào sự sống lại; họ đặt hy vọng vào Ðức Kitô một cách vô hiệu. Ðây là ý tưởng của câu trước đó: “Nếu Ðức Kitô không sống lại, đức tin của anh chị em sẽ vô ích và anh chị em vẫn ở trong tội” (1 Cor. 15:17).

 

Gnosticism - Tri Thức Giáo

 

1. Tri Thức Giáo là gì?

Tri thức giáo (gnosticism), có tên từ chữ Hy Lạp “gnosis” (”tri thức”) là một phong trào tôn giáo có lẽ bắt đầu từ trước thời Ðức Kitô và kéo dài cho đến vài thế kỷ sau Chúa Giáng Sinh. Người theo tri thức giáo tự coi mình là “người hiểu biết.” Tà thuyết của họ thay đổi theo từng nhóm, và không thể kết luận một nét riêng biệt nào, nhưng nói chung, giáo phái này tin tưởng những điều sau:

  • Mặc dù Ðức Kitô đã xuất hiện như một con người, nhân tính của Người chỉ là ảo ảnh.
  • Ðức Kitô dường như chết chứ không thực sự chết.
  • Thánh Giá chỉ là ảo ảnh thập giá.
  • Ðức Kitô không phải là Thiên Chúa thật, không phải Ngôi Hai trong Ba Ngôi. Người chỉ là một tạo vật thấp nhất trong các “aeon”, là nhóm thần linh trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Một thần linh trung gian thấp được ban cho quyền năng bởi thần linh trung gian cao hơn. Ðức Kitô, thần linh trung gian xa Thiên Chúa nhất, đã dựng nên thế giới vì Thiên Chúa quá tinh tuyền không muốn bị nhơ bẩn với vật chất.
  • Vật chất thì xấu xa, bởi thế người ta có thể làm bất cứ gì họ muốn đối với thân xác, kể cả việc tiêu hủy thân xác ấy để giải thoát linh hồn khỏi bị giam hãm.
    Thiên Chúa trong Cựu Ước là ma quỷ, vì đã tạo dựng nên vũ trụ vật chất. Người không phải là Thiên Chúa trong Tân Ước, là Thiên Chúa Tình Yêu, như Ðức Kitô và các tông đồ rao giảng (1 John 4:8,16).
  • Con người được cứu chuộc bởi có được tri thức bí mật (gnosis), chỉ được trao truyền cho những người đã được thụ giáo.

Trong một vài phương cách, tri thức giáo (gnosticism) tương tự như phong trào New Age hiện nay. Cũng giống như những người theo New Age, người tri thức giáo dùng thuật ngữ và dấu hiệu của Kitô Giáo, nhưng họ đặt chúng vào những khung cảnh tôn giáo lạ lùng nhằm phá hủy sự giảng dạy chân chính của Ðức Kitô. Người ta không rõ tri thức giáo bắt đầu lúc nào. Nhiều Giáo Phụ cho rằng tri thức giáo được sáng lập bởi Simon Magus, là người phù thủy Samaritan trở lại Kitô Giáo (CVTÐ 8:9-24).

Tuy nhiên, thật hiển nhiên là chính các tông đồ đã tranh luận với một hình thức tri thức giáo (Col. 2:8, 18; 1 Gioan 4:1-3; Khải Huyền 2:6, 15). Thánh Phaolô nói, “Tránh những chuyện nhảm nhí, trống rỗng, và những ngu xuẩn của nhóm gọi là tri thức [gnosis]. Vì chủ trương tri thức đó mà một số người đã lạc mất đức tin” (1 Tim. 6:20-21)

2. Văn bản Nag Hammadi là gì, và những tài liệu ấy có tiết lộ điều gì mà chúng ta chưa biết về Ðức Kitô hay Phúc Âm không?

Ðược tìm thấy vào năm 1945 gần ngôi làng Nag Hammadi vùng Thượng Ai Cập, đó là những văn bản chỉ thảo (papyrus) thời thế kỷ thứ tư và tài liệu ấy tạo nên một phần của tủ sách tri thức giáo. Những văn bản này là các nguồn tài liệu có giá trị về niềm tin và cách thực hành của tri thức giáo. Từ những văn bản này chúng ta có thể thấy rõ ràng hơn những tranh luận và thần học mà người tri thức giáo dùng để tấn công Giáo Hội Công Giáo.

Mặc dù các văn bản này rất rời rạc, nhưng nó vẫn còn khá nguyên vẹn để thấy tri thức giáo lộ diện trong những phúc âm và thánh thư giả tạo. Trong bộ văn bản Nag Hammadi là những sản phẩm không xác thực như Nguỵ Thư của Thánh Gioan, Phúc Âm Thánh Philíp, Khải Huyền của Thánh Phaolô, và Phúc Âm của Ðức Maria.

Các học giả thích thú khi khám phá ra một vài sản phẩm được biết là có hiện diện trong các thế kỷ đầu của Giáo Hội nhưng được coi là thất lạc. Muốn biết thêm về văn bản này, có lẽ nên đọc ấn bản Anh ngữ “The Nag Hammadi” (San Francisco: Harper & Row, 1988).

 

Do Thái Giáo - Judaism

 

1. Ngày nay Do Thái Giáo có còn các tư tế không? Có phải họ thuộc chi tộc Lêvi? Các tư tế có còn tế lễ không?

Không, ngày nay không còn tư tế Do Thái Giáo. Theo Cựu Ước, chỉ có một nơi xứng đáng để giết thú vật làm của lễ dâng lên Thiên Chúa là Ðền Thờ ở Giêrusalem. Vào năm 70 A.D. Ðền Thờ bị phá hủy, có nghĩa tư tế Do Thái Giáo không còn chỗ để tế lễ. Cho đến ngày nay, Ðền Thờ vẫn còn đổ nát, không có chỗ để tế lễ. Bởi đó, trong Do Thái Giáo tư tế không có sự hoạt động.

Ðiều này không có nghĩa không còn những người được kêu gọi làm tư tế khi Ðền Thờ được xây dựng lại. Không giống như các chi tộc khác của Israel, chi tộc Lêvi không bị tiêu diệt như người ta nghĩ. Nhiều người Do Thái ngày nay, với các tên như Levit, Levin, và Levine, được coi là thuộc chi tộc Lêvi. Vì di sản tư tế, họ được trao cho các vai trò đặc biệt trong sự thờ phượng ở hội đường Do Thái Giáo. Những người có tên như Cohen, Kahan, và đôi khi Katz được coi xuất phát từ các gia đình tư tế trong chi tộc Lêvi.

Trong những năm gần đây có sự thảo luận về việc xây dựng lại Ðền Thờ, và hầu hết các cuộc thảo luận đều để ý đến việc có nên xây dựng lại Ðền Thờ mà không phải phá huỷ Vòm Ðá, là Ðền Thờ Hồi Giáo xây trên Ðền Núi (Temple Mount) ở Giêrusalem không.

Những chứng tích khảo cổ mới đây cho thấy chỗ Cực Thánh--nơi quan trọng nhất của Ðền Thờ và là nơi cất giữ Hòm Bia--nằm ở ngoài Vòm Ðá, điều đó có nghĩa người ta có thể tái xây dựng Ðền Thờ, kể cả nơi Cực Thánh, mà không đụng đến Vòm Ðá.

Người ta đồn rằng các người Do Thái thuộc chi tộc Lêvi đang được huấn luyện để hồi phục chức tư tế. Trong năm qua, một nhóm Do Thái Giáo chính thống cực đoan đã đặt viên đá xây dựng Ðền Thờ mới.

Không phải mọi người Do Thái Giáo đều ủng hộ việc tái xây dựng Ðền Thờ. Một số nói lên sự lo ngại phải đối phó với vấn đề có nên dùng thú vật để tế lễ hay không--là vấn đề mà nhiều người Do Thái Giáo không muốn đụng đến.