Thật là điều sung sướng và ngạc nhiên cho tôi khi được chia sẻ về vấn đề tại sao tôi coi Giáo Hội Công Giáo La Mã là một gia đình của Thiên Chúa mà Người muốn tất cả con cái của Người cùng chia sẻ. Đức Fulton Sheen có nói, không có đến 100 người ở Hoa Kỳ ghét Giáo Hội Công Giáo, dù rằng có đến hàng triệu người ghét những gì mà họ lầm tưởng về Giáo Hội Công Giáo và các giáo huấn. Và thật may mắn, tôi thuộc về hạng người thứ hai. Vì trong nhiều năm tôi chống đối Giáo Hội Công Giáo, và tôi hoạt động đắc lực để đưa người Công Giáo ra khỏi Giáo Hội. Nhưng qua sự nghiên cứu và cầu nguyện, tôi thấy rằng Giáo Hội Công Giáo La Mã có nền tảng dựa trên Kinh Thánh.

 

Người Thiếu Niên Trở Về Với Chúa Giêsu

 

Đó là điều tôi muốn chia sẻ với quý vị hôm nay. Nó khởi đầu bằng một cảm nghiệm hoán cải của tôi khi ở trung học. Tôi không lớn lên trong một gia đình Kitô Giáo vững mạnh. Chúng tôi không đến nhà thờ thường xuyên, và do đó tôi không đạo đức lắm. Điều mà Thiên Chúa đã dùng trong cuộc đời tôi là một tổ chức có tên Young Life, một tổ chức nhằm đến với các thiếu niên không thuộc tôn giáo nào, và một người tên Jack đặc biệt làm quen với tôi và chia sẻ với tôi Phúc Âm của Đức Giêsu Kitô. Điều đó đã ảnh hưởng mạnh đến cuộc đời tôi.

Những năm đầu trung học, tôi thề hứa và nhận Đức Giêsu Kitô vào tâm hồn; tôi xin Người là Đấng cứu độ và là Chúa của tôi. Tôi trao cho Người những tội lỗi của tôi và tôi nhận lại ơn tha thứ và sự cứu độ. Đó là một sự khác biệt lớn lao cho tôi. Vì phải đánh đổi với biết bao bạn bè, nhưng Thiên Chúa đã bù đắp điều đó bằng cách cho tôi các người bạn thật, những người bạn trong Đức Kitô.

Jack là người dạy tôi biết yêu mến Thiên Chúa và cũng dạy tôi đọc Kinh Thánh và không chỉ đọc mà còn nghiên cứu, và không chỉ nghiên cứu mà còn đắm chìm trong đó-đọc đi đọc lại từ đầu cho đến cuối. Vào lúc xong trung học, tôi đã đọc trọn bộ Kinh Thánh đến hai ba lần. Và tôi trở nên say mê Kinh Thánh. Kết quả là tôi trở nên rất tin tưởng vào một vài điều kể sau.

Trước hết, ngoài việc đọc Kinh Thánh, Jack còn chia sẻ với tôi các văn bản của Martin Luther, của John Calvin, và tôi trở nên một Kitô Hữu Tin Lành đầy tin tưởng, không chỉ là một Kitô Hữu Duy Kinh Thánh, nhưng còn tin rằng cho đến khoảng năm 1500 Phúc Âm đã bị thất thoát giữa những mê tín dị đoan thời trung cổ và tất cả các công việc trần tục mà Giáo Hội Công Giáo chấp nhận. Và vì vậy, điều tin tưởng đầu tiên của tôi là giúp những người Công Giáo nhìn ra sự đơn giản của Phúc Âm Chúa Giêsu Kitô, để cho họ thấy rằng trong Kinh Thánh, chỉ cần chấp nhận Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế và là Chúa, và tất cả chỉ cần có vậy. Không có những phô trương như Đức Maria, các thánh, luyện ngục, các việc sùng kính, chỉ cần xin Đức Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Thế.

Lúc bấy giờ, tôi có quen với một thiếu nữ người Công Giáo, và chúng tôi rất thân thiện. Nhưng tôi biết cuộc tình của chúng tôi sẽ chẳng đi đến đâu nếu cô ta vẫn giữ đạo Công Giáo. Do đó, tôi đưa cho cô một cuốn sách thật dầy của Loraine Boettner có tựa đề là Đạo Công Giáo La Mã. Cuốn này nổi tiếng là đả kích đạo Công Giáo. Nó gồm bốn trăm năm mươi trang đầy những xuyên tạc và dối gạt về Giáo Hội Công Giáo. Nhưng lúc bấy giờ tôi không biết, bởi vậy tôi thành thật chia sẻ với cô ta. Cô ấy đọc từ đầu đến cuối. Hè năm ấy, cô viết cho tôi và nói: “Cám ơn đã cho tôi cuốn sách này; tôi sẽ không bao giờ đi lễ nữa.” Tôi kể ra điều này với ít nhiều xấu hổ và hối hận, tuy nhiên tôi muốn cho quý vị thấy sự thành thật của nhiều Kitô Hữu Duy Kinh Thánh khi chống đối Giáo Hội Công Giáo. Tôi mường tường rằng nếu miếng bánh mà họ thờ phượng trên bàn thờ không phải là Thiên Chúa, thì họ là những người thờ ngẫu tượng, họ là người ngoại giáo, họ đáng thương và đáng chống đối. Nếu đức giáo hoàng ở La Mã không phải là vị đại diện bất khả ngộ của Đức Kitô mà đã ràng buộc hàng trăm triệu người Công Giáo trong các tín điều và việc đạo đức, thì ông ta là một bạo chúa. Ông ta đơn giản thực sự là một nhà lãnh đạo tinh thần độc tài. Và vì tôi không nghĩ ngài là vị đại diện bất khả ngộ, nên tôi thấy thật có lý để giúp người Công Giáo cũng có cái nhìn như tôi mà từ bỏ Giáo Hội.

Trong dòng họ của tôi, người duy nhất theo Công Giáo là bà ngoại thân yêu của tôi. Bà rất im lặng, rất khiêm tốn, rất đạo đức, tôi phải thú nhận như vậy. Và bà còn là một người Công Giáo sốt sắng. Khi bà từ trần, cha mẹ tôi trao cho tôi các vật tùy thân của bà. Tôi lướt qua sách kinh và sách lễ của bà, và tôi tìm thấy cỗ tràng hạt. Tất cả những thứ ấy chỉ làm tôi buồn nôn. Tôi biết bà tin thật nơi Đức Giêsu, nhưng tôi tự hỏi tất cả những thứ này có nghĩa gì. Do đó tôi kéo đứt chuỗi tràng hạt và ném vào thùng rác. Tôi nghĩ chuỗi hạt này không khác gì bùa chú mà sau cùng bà đã được giải thoát. Đó là khía cạnh thứ hai của cái nhìn của tôi: là những người này có lẽ có ít nhiều đức tin nhưng bị vây phủ bởi những giả trá, và do đó họ cần yêu quý Kitô Hữu Duy Kinh Thánh để giúp họ giải thoát.

Sau đó, khi tốt nghiệp trung học, tôi quyết định không những theo đuổi làm mục sư mà còn nghiên cứu thần học nữa. Quyết định này là kết quả của bài luận văn vào cuối năm trung học. Tôi viết một bài tựa đề Sola Fide. Đó là chữ La tinh có nghĩa Chỉ Nhờ Đức Tin. Đó chính là câu mà Martin Luther đã dùng để khởi động phong trào Cải Cách Tin Lành. Ông nói rằng chúng ta được công chính hóa, chúng ta được chính trực với Thiên Chúa chỉ nhờ đức tin, chứ không bởi bất cứ công việc nào mà chúng ta thi hành. Với ông, đó là vấn đề mà giáo hội sẽ đứng vững hay suy sụp. Và vì lý do đó, Giáo Hội Công Giáo đã sụp và Giáo Hội Tin Lành vùng dậy. Tôi viết bài luận văn đó với sự xác quyết rằng, nếu bạn sai lầm ở điểm này, bạn sẽ sai lầm bất cứ gì khác. Nếu bạn nói rằng đức tin phải thêm cái này cái nọ, bạn đã làm vẩn đục chân lý đơn giản của Phúc Âm. Và do đó tôi bước vào đại học với sự tin tưởng mãnh liệt ấy.

 

Những Năm Đại Học

 

Bốn năm đại học của tôi bao gồm ba môn chính là Triết Học, Thần Học Trong Kinh Thánh và Kinh Tế Học. Nhưng tôi cũng dành thời giờ để sinh hoạt trong tổ chức Young Life. Tôi muốn đền ơn Thiên Chúa vì Người đã dùng tổ chức Young Life để đưa tôi đến với Đức Kitô. Do đó, trong bốn năm đại học tôi tận tụy đến với các thiếu niên không biết gì về Đức Kitô, và tôi thú nhận rằng trong số các em ấy có cả các em Công Giáo trong trường trung học tôi làm việc. Sau một vài lớp học hỏi Kinh Thánh tôi khám phá rằng không chỉ các em này không biết đến Đức Giêsu Kitô, mà trên thực tế tất cả các em học sinh Công Giáo tôi gặp đều không biết gì về những điều Giáo Hội Công Giáo dạy bảo. Nếu có một hai em biết, thì chúng cũng không biết lý do tại sao. Các em không có một chút lý luận gì để hỗ trợ cho đức tin của các em. Do đó thay đổi quan điểm của các em này theo nhãn quan Phúc Âm của Martin Luther, nhãn quan bài Công Giáo, thì dễ như bắt vịt trong lồng. Các em không chuẩn bị, không được học hỏi, không có khả năng tự vệ.

Tôi không nhớ rõ những gì đã xảy ra trong mười lăm, hai mươi, hai mươi lăm năm qua, nhưng khi nhìn lại các em này và tự hỏi không biết các em có phải là những vật thí nghiệm trong một loại thử nghiệm giáo lý nào đó hay không, mà người ta nghĩ rằng có thể bỏ qua việc dạy bảo các học thuyết cần phải tin và các lý lẽ hỗ trợ cho các học thuyết ấy. Nhưng thật là như vậy. Tôi thấy nhiều em đã từ bỏ Giáo Hội và tôi chiêu dụ các em trong một ý nghĩa nào đó của một đức tin chân chính tốt lành, nhưng tôi cũng chiêu dụ các em chỉ vì chính tôi cũng bị sai lạc.

Vào năm thứ ba hoạt động trong tổ chức Young Life, tôi rủ một cô đẹp nhất trong tổ chức là Kimberly cùng hợp tác với tôi để chiêu dụ các thiếu niên không thuộc một giáo hội nào cả. Chúng tôi cùng nhau hoạt động trong hai năm và có cảm tình với nhau. Đôi khi chúng tôi cãi nhau như anh em trong nhà khi thảo luận một vài phương cách để chiêu dụ các thiếu niên. Nhưng chúng tôi ngày càng thực sự tôn trọng nhau, do đó vào năm cuối đại học tôi ngỏ ý muốn lấy cô làm vợ. Chúng tôi làm đám cưới ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Cả hai chúng tôi đều có cùng một quan điểm. Chúng tôi muốn cùng nhau thi hành thừa tác vụ, chúng tôi muốn chia sẻ tin mừng của Chúa Kitô, chúng tôi muốn khai phá Kinh Thánh và làm cho dân chúng mến mộ.

 

Những Năm Huấn Luyện Làm Mục Sư

 

Sau khi đám cưới khoảng một hai tuần, chúng tôi vào trường huấn luyện (Công Giáo gọi là chủng viện). Thật là một cảm nghiệm lớn lao khi cùng nhau học hỏi để lấy bằng cử nhân thần học. Tôi lấy cấp bằng ba năm tại chủng viện Gordon-Conwell ở Boston; vợ tôi lấy bằng hai năm. Sau cùng cả hai chúng tôi đều có cử nhân và tôi đứng nhất lớp. Tôi nói ra điều đó không phải vì kiêu ngạo, nhưng cho thấy tôi theo đuổi việc học này với một kiểu cách trả thù nào đó. Những ai biết tôi ở chủng viện họ đều biết tôi rất nhiệt thành. Tôi dùng bất cứ thời giờ nào rảnh rỗi để đọc và học hỏi Kinh Thánh, hay các sách về Kinh Thánh nhằm trưng ra các ý nghĩa của Kinh Thánh. Nếu không đọc sách hay học hỏi, tôi lại đến các tiệm sách cũ để tìm kiếm tài liệu. Kimberly và tôi trải qua ba năm thật tuyệt vời. Nhưng một vài điều đã xảy ra mà tôi cần phải kể ra đây vì hồi tưởng lại tôi thấy đó là những kinh nghiệm đáng nhớ trong đời.

Điều thứ nhất là môn học mà Kimberly theo học năm thứ nhất, đó cũng là lớp mà tôi đã theo học năm trước có tên là Đạo Đức Học Kitô Giáo. Tiến sĩ Davis cho mọi người chia thành các nhóm nhỏ để thảo luận về nhiều đề tài. Có nhóm về vấn đề phá thai, có nhóm về chiến tranh nguyên tử, có nhóm về án tử hình. Một tối kia, vợ tôi cho biết nhóm của cô nghiên cứu về vấn đề ngừa thai. Tôi nhớ lúc ấy tự nhủ thầm, “Tại sao lại ngừa thai?”

Năm trước khi tôi học lớp này, không có ai muốn ghi tên vào nhóm và tôi cho Kimberly biết như vậy. Cô ấy trả lời, “Thì có thêm ba người nữa ghi tên và hôm nay chúng em gặp mặt nhau lần đầu tiên. Có một tên được bầu làm trưởng nhóm, và hắn ta công bố kết quả các cuộc nghiên cứu ngay trước khi bắt đầu. Hắn nói, 'Tất cả chúng ta đều biết là Tin Lành, là Kitô Hữu Duy Phúc Âm, việc ngừa thai thì không có gì trở ngại, tôi muốn nói là một khi chúng ta không dùng dụng cụ ngừa thai mà có thể đưa đến phá thai như I.U.D., v.v.' Hắn còn nói thêm là chỉ những người tự nhận mình là Kitô Hữu mà chống ngừa thai nhân tạo là người Công Giáo, và hắn cho biết, 'Dĩ nhiên, họ lý luận rằng vì họ dưới quyền của một Giáo Hoàng độc thân và được hướng dẫn bởi các linh mục độc thân không muốn nuôi con nít nhưng muốn các cha mẹ Công Giáo đẻ thật nhiều để họ có thể tuyển chọn các linh mục và nữ tu. Chỉ có vậy!'”

Kiểu cách lý luận đó không thuyết phục nổi Kimberly. Cô ấy hỏi, “Bạn có chắc đó là những lý luận mà người Công Giáo đưa ra hay không?” Và tôi đoán là anh chàng đó không trả lời nổi, nên nói, “Nếu vậy thì cô muốn tự mình đi tìm hiểu sao?” Đừng nói kiểu đó với Kimberly. Cô ấy trả lời, “Được,” và cô ta quyết tâm tự mình tra cứu. Một tuần lễ trôi qua và Terry, bạn tôi, chặn tôi ngay trong hành lang và nói, “Anh phải nói chuyện với bà xã; cô ta đào xới được một số chi tiết lý thú về ngừa thai.” Chi tiết lý thú về ngừa thai? Ngừa thai thì có gì là lý thú? Và Terry nói, “Cô ấy là vợ anh; anh phải tìm ra sự thật.” “Được rồi, để tôi sẽ hỏi cô ấy.”

Bữa cơm tối hôm đó, tôi hỏi vợ, “Terry nói về chuyện gì đó em?” Và Kimberly trả lời, “Em tìm thấy rằng mãi cho đến năm 1930, bất cứ nhánh Tin Lành nào cũng chống với việc ngừa thai dựa trên căn bản Kinh Thánh.” Sau đó tôi nói, “Thôi mà, có lẽ chỉ một vài thế kỷ còn sót lại vết tích của chế độ La Mã, nhưng anh không rõ.” Và cô ta nói, “Em sẽ tìm ra cho bằng được.”

Thêm một tuần nữa trôi qua, Terry chặn tôi lại và nói, “Các lý luận của vợ anh rất hợp lý.” Tôi hỏi, “Lý luận chống với việc ngừa thai có trong Kinh Thánh?” Terry đáp, “Anh phải nói chuyện với cô ấy.” “Được, tôi sẽ nói chuyện với cô ấy.” Quý vị thấy rằng lúc nào tôi cũng nghĩ là mình giỏi hơn vợ.

Do đó tôi nêu lên vấn đề và cô ta đưa cho tôi một cuốn sách. Đó là cuốn “Birth Control & The Marriage Covenant” (Kiểm Soát Sinh Sản và Giao Ước Hôn Nhân) của John Kippley. Sách mới được tái xuất bản, đổi tên là “Sex & The Marriage Covenant.” Bạn có thể mua cuốn này tại nhà xuất bản Couple to Couple League ở Cincinnati. Tôi bắt đầu đọc sách này với nhiều lý thú vì với khả năng nghiên cứu riêng tôi, đã đọc trọn bộ Kinh Thánh một vài lần, tôi tin rằng nếu bạn muốn biết Thiên Chúa, bạn phải hiểu về giao ước, vì giao ước là ý nghĩa chính trong tất cả Kinh Thánh. Do đó khi cầm sách lên, tôi thích thú khi thấy chữ 'giao ước' ở tựa đề, Kiểm Soát Sinh Sản và Giao Ước Hôn Nhân. Tôi mở sách ra và bắt đầu đọc, và tôi nói, “Khoan đã, Kimberly, ông này là người Công Giáo. Em muốn anh phải đọc sách của một người Công Giáo sao?” Và một tư tưởng chợt nảy ra ngay lúc đó, Người Công Giáo làm gì mà để chữ 'giao ước' ngay trong tựa đề? Họ đã chộp cái ý niệm đẹp đẽ của tôi từ lúc nào?

Và rồi tôi bắt đầu đọc. Sau hai ba chương tôi bắt đầu thấy tác giả có lý, do đó tôi vội ném sách lên bàn. Tôi thực sự không muốn thấy tác giả này hơn tôi. Nhưng tôi lại cầm lên và đọc tiếp. Các lý luận của ông thật có ý nghĩa. Từ Kinh Thánh, từ giao ước, ông cho thấy hành vi hôn nhân không chỉ là hành vi thể xác; nó là một hành vi tinh thần mà Thiên Chúa đã hoạch định để qua đó giao ước hôn nhân được làm mới lại. Và trong tất cả các giao ước, bạn có cơ hội để làm mới lại giao ước ấy, và hành vi canh tân giao ước là một hành vi hay một giây phút của ơn sủng. Khi bạn canh tân giao ước, Thiên Chúa ban cho ơn sủng, và ơn sủng là sự sống, ơn sủng là sức mạnh, ơn sủng là chính tình yêu của Thiên Chúa. Ông Kippley cho thấy làm thế nào trong giao ước hôn nhân, Thiên Chúa đã hoạch định để giao ước ấy cho thấy sức mạnh ban-sự-sống của tình yêu. Chính trong giao ước hôn nhân cả hai trở nên một, và Thiên Chúa đã hoạch định như vậy để khi cả hai trở nên một, và họ kết hợp mật thiết đến nỗi chín tháng sau bạn phải đặt tên cho nó. Và đứa bé được thụ thai, hiện thân của sự nên một mà Thiên Chúa đã kết hợp hai người qua hành vi hôn nhân. Đó là tất cả những gì mà Thiên Chúa đã hoạch định giao ước hôn nhân. Thiên Chúa phán, “Chúng ta hãy dựng con người trong hình ảnh và giống chúng ta,” và Thiên Chúa, là ba trong một, đã dựng nên con người, nam và nữ, và nói, “Hãy sinh sôi nẩy nở.” Hai người trở nên một và khi hai trở nên một, cái nên một ấy là đứa trẻ thứ ba, và sau đó họ trở nên ba trong một. Bắt đầu tôi thấy được các ý nghĩa, và tác giả cũng đưa ra nhiều lý luận khác. Khi đọc xong cuốn sách, tôi bị thuyết phục.

Điều làm tôi khó chịu chút ít là chỉ có Giáo Hội Công Giáo La Mã là Giáo Hội duy nhất còn duy trì giáo huấn cổ xưa có nguồn gốc từ Kinh Thánh, bởi vì trong năm 1930, Anh Giáo tách rời khỏi truyền thống này và bắt đầu cho phép ngừa thai, và không lâu sau đó mọi nhánh chính khác trên mặt đất này thực tế đã chịu thua trước áp lực vũ bão của cuộc cách mạng tình dục. Vào thập niên 1960 và 70, chính giáo phái của tôi, The Presbyterian Church in The United States of America (Hội Thánh Niên Trưởng Tại Hoa Kỳ), không chỉ tán thành ngừa thai nhưng cả việc phá thai theo yêu cầu và toàn quốc giúp quỹ cho việc phá thai, và điều đó làm tôi kinh hoàng.

Trong năm thứ ba và năm sau cùng ở chủng viện, một vài điều xảy ra tiêu biểu cho sự khủng hoảng của tôi. Tôi đang nghiên cứu về giao ước và nghe có một thần học gia khác cũng nghiên cứu về giao ước, là Giáo Sư Shepherd ở Philadelphia dạy tại Chủng Viện Westminster. Tôi biết về ông Shepherd chỉ vì ông đang bị kết án là rối đạo. Người ta nói rằng sự rối đạo của ông bắt nguồn từ sự hiểu biết về giao ước. Do đó tôi kiếm một vài tài liệu của ông, một số bài viết, và đọc qua. Tôi khám phá thấy rằng Giáo Sư Shepherd cũng đi đến cùng một kết luận mà việc nghiên cứu đã dẫn tôi đến.

Trong thế giới Tin Lành, ý tưởng giao ước được hiểu một cách thực tế như đồng nghĩa với hay có thể hoán đổi với chữ khế ước. Khi bạn có giao ước với Thiên Chúa, cũng giống như có khế ước. Bạn trao cho Thiên Chúa tội lỗi của bạn; Người trao Đức Kitô cho bạn, và mọi sự chỉ là trao đổi đức tin để được cứu độ.

Nhưng càng nghiên cứu tôi càng thấy người Do Thái xưa, và trong Sách Thánh, một giao ước khác với một khế ước cũng như một hôn nhân khác với sự mãi dâm. Trong khế ước bạn trao đổi tài sản, trong khi với giao ước bạn trao đổi con người. Trong khế ước bạn nói, “Đây là của bạn và đó là của tôi,” nhưng Sách Thánh cho thấy trong giao ước bạn nói, “Tôi là của bạn và bạn là của tôi.” Ngay cả khi Thiên Chúa giao ước với chúng ta, Người nói, “Ta sẽ là Thiên Chúa của ngươi và ngươi sẽ là dân của ta.” Sau khi nghiên cứu tiếng cổ Do Thái, tôi thấy rằng chữ 'Am, có nghĩa người dân, đúng nghĩa là người bà con, gia đình. Ta sẽ là Thiên Chúa và cha của ngươi; ngươi sẽ là gia đình ta, con cái ta. Như thế giao ước tạo thành các mối giây thân thuộc hợp thành một gia đình với Thiên Chúa.

Tôi đọc các bài của Giáo Sư Shepherd, và ông cũng nói cùng một điều: giao ước của chúng ta với Thiên Chúa có nghĩa là phận làm con. Tôi nghĩ, “Nếu vậy thì đúng.” Tôi tự hỏi sự rối đạo ở đây gồm có gì. Sau đó có người nói với tôi, “Ông Shepherd đang đặt ra vấn đề sola fide.” Cái gì! Không thể nào được. Vì đây là Phúc Âm mà. Đó là chân lý đơn giản của Đức Kitô. Người đã chết vì tội lỗi; tôi tin ở Người. Người cứu độ tôi, rõ ràng và đơn giản; nó đã xong rồi. Sola fide? Ông ấy đặt vấn đề đó sao? Không thể nào được.

Tôi gọi điện thoại cho ông. Tôi nói, “Tôi vừa mới đọc xong những điều ông viết về giao ước; nó thật có ý nghĩa. Tôi cũng đi đến cùng một kết luận. Nhưng tại sao điều này lại dẫn ông đến việc đặt lại vấn đề học thuyết sola fide của Luther?” Trong cuộc nói chuyện, ông tiếp tục cho thấy rằng ý niệm về công chính hóa của Luther thì rất hạn hẹp. Nó có nhiều sự thật nhưng cũng thiếu sót nhiều sự thật.

Khi cúp điện thoại, tôi theo đuổi điều này thêm một chút và khám phá thấy rằng đối với Luther, và có thể nói với tất cả mọi Kitô Hữu Duy Phúc Âm và Tin Lành, Thiên Chúa là một quan tòa, và giao ước là khuôn viên tòa án mà tất cả chúng ta là tội phạm. Nhưng vì Đức Kitô đã chịu hình phạt của chúng ta, chúng ta có sự công chính của Người, và Người gánh lấy tội lỗi của chúng ta, do đó chúng ta không bị trừng phạt; chúng ta được công chính hóa. Với Luther, nói cách khác, sự cứu độ là một trao đổi hợp pháp, nhưng với Phaolô trong thư Rôma, thư Galát, sự cứu độ là như vậy, nhưng còn hơn thế nữa. Nó không chỉ là một trao đổi hợp pháp vì giao ước không hướng về một tòa án La Mã mà hướng về một căn phòng gia đình Do Thái. Thiên Chúa không chỉ là một ông tòa; Thiên Chúa là một người cha, và phán quyết của Người thì nhân từ của một người cha. Đức Kitô không chỉ là người đại diện cho một nạn nhân vô tội đã gánh lấy tội lỗi, hình phạt của chúng ta; Người là trưởng tử trong các anh chị em. Người là anh cả trong gia đình, và Người thấy chúng ta tán loạn, như đứa con hoang đàng, như phiến loạn tách rời khỏi đời sống gia đình của Thiên Chúa. Và qua giao ước mới, Đức Kitô không chỉ trao đổi trong ý nghĩa pháp luật; Đức Kitô đã ban cho chúng ta tư cách làm con của chính Người để chúng ta thực sự trở nên con cái Thiên Chúa.

Khi tôi chia sẻ điều này với các bạn tôi, tất cả đều nói, “Phải, đó là Phaolô.” Nhưng khi tôi tiếp tục đi vào các văn bản của Luther và Calvin, tôi không còn thấy điều đó. Họ huấn luyện tôi để nghiên cứu Sách Thánh, nhưng trong tiến trình, trong một ý nghĩa, tôi khám phá rằng có những kẽ hở hiển nhiên trong sự giảng dạy của họ. Do đó tôi đi đến kết luận rằng sola fide thì sai lầm. Thứ nhất, chỉ vì trong Kinh Thánh chẳng có chỗ nào nói đến điều đó cả. Thứ hai, vì Luther đã thêm vào chữ “chỉ” trong bản dịch sang tiếng Đức, trong thư Roma 3, dù rằng ông biết rất rõ là chữ “chỉ” không có trong bản văn tiếng Hy Lạp. Không thấy chỗ nào mà Thánh Thần đã linh ứng cho các tác giả Kinh Thánh để nói rằng chúng ta được cứu độ chỉ bởi đức tin. Thánh Phaolô dạy rằng chúng ta được cứu độ bởi đức tin, nhưng trong thư Galát ngài nói rằng chúng ta được cứu độ bởi đức tin hoạt động trong đức ái. Và đó không phải là phương cách sinh hoạt của một gia đình hay sao? Người cha không bao giờ nói với con cái rằng, “Này mấy đứa, vì các con ở trong gia đình này còn mấy đứa bạn con không ở trong nhà này, nên các con không phải làm việc, các con không phải vâng lời, các con không phải hy sinh vì các con đã được miễn. Các con sẽ được hưởng thừa kế bất kể các con hành động thế nào.” Đó không phải là kiểu cách hành động.

Bởi đó tôi thay đổi ý nghĩ và trở nên rất băn khoăn. Một trong những giáo sư sáng giá của tôi là Tiến Sĩ John Gerstner, từng nói rằng “nếu chúng ta sai lầm về sola fide, tôi sẽ quỳ gối bên ngoài điện Vatican ở Rôma sáng ngày mai để sám hối.” Lúc bấy giờ chúng tôi cười, thật là khoe khoang. Nhưng ông đã đưa ra điểm quan trọng; đây là điểm mà từ đó tất cả các học thuyết khác phát sinh. Và nếu chúng tôi sai lầm, chúng tôi phải tìm hiểu xem còn có những chỗ nào sai lầm nữa. Tôi băn khoăn, nhưng không quá lo lắng. Lúc bấy giờ tôi dự định sang Tô Cách Lan để theo học Đại Học Aberdeen về giao ước, vì ở Tô Cách Lan, thần học về giao ước được phát sinh và khai triển. Và tôi nóng lòng muốn sang học ở bên ấy. Do đó tôi không đặc biệt lưu tâm đến việc giải quyết vấn đề này, vì nói cho cùng, đó có thể là mục tiêu của luận án tiến sĩ của tôi.

Sau đó bỗng dưng chúng tôi được tin rằng sự thay đổi của chúng tôi về lý thuyết ngừa thai đã đưa đến sự thay đổi nơi Kimberly về cơ thể và sinh lý; cô ta có thai. Và nước Anh không tài trợ cho trẻ em Hoa Kỳ sinh ra ở nơi đây nên chúng tôi phải nhìn lại hoàn cảnh và nhận ra rằng chúng tôi chưa đủ khả năng để sang Tô Cách Lan. Chúng tôi phải chờ một năm, nhưng chúng tôi phải làm gì khi sắp sửa đến ngày mãn khóa? Chúng tôi không biết chắc; chúng tôi bắt đầu cầu nguyện.