Trong các bài luận của mình, Thánh Gioan Cassian thiết lập một số quy tắc đơn giản cho những người phải nổ lực hết mình để đạt đến sự chừng mực, đó cũng là những lời khuyên hữu ích cho những người đang dành nhiều thời gian trên mạng xã hội!

 

Trong các tác phẩm của mình, Thánh Gioan Cassian, một tu sĩ ở thế kỷ thứ IV và là người sáng lập Đan viện Thánh Victor ở Marseilles, đã giới thiệu cho các tu sĩ của mình - và thông qua họ là cho tất cả các thành viên đan viện ở phương Tây - về linh đạo của những nhà khổ tu ở Palestine và Ai Cập, nơi mà chính thánh nhân đã từng dự phần. Trong một bài giảng dạy của mình, thánh nhân đã đưa ra lời khuyên về cách chống lại sự cám dỗ của thói phàm ăn (gluttony) - một ham mê nhỏ mà ngài vốn chưa bao giờ có thể từ bỏ được, như ngài đã thừa nhận trong các bài luận của mình. Và nếu xem xét kỹ càng hơn, các khuyến nghị của ngài có thể phù hợp với nhiều lĩnh vực của cuộc sống chúng ta, bao gồm cả việc sử dụng mạng xã hội, một hình thức “phàm ăn ảo mới” phổ biến trong thời đại chúng ta.

1. Kiêng cữ mạng xã hội

Để khắc phục thói phàm ăn, Thánh Gioan Cassian khuyến nghị các tu sĩ nên ăn chay, canh thức, đọc sách thiêng liêng, nhận thức về sự kinh hoàng của tội lỗi, và khao khát sự thánh thiện. Lời khuyên này cũng có thể được điều chỉnh cho phù hợp với việc sử dụng Internet quá mức bằng cách “kiêng cữ” các thiết bị điện tử vào những ngày nhất định hoặc vào những giờ nhất định. Đó là một phương pháp chữa trị có thể giúp chúng ta phát triển ước muốn trưởng thành trong sự chừng mực và thánh thiện. Và tại sao chúng ta lại không dành thời gian rãnh rỗi cho gia đình, bạn bè, đọc sách thiêng liêng và cầu nguyện?

2. Dừng việc lạm dụng chút thời gian ngắn ngủi trong ngày

Thánh Gioan Cassian nói: “Sự nặng nề của tinh thần thấm nhập vào đời sống cầu nguyện của tôi. Tôi ngừng lắng nghe các bài đọc trong Thánh lễ và tôi ít chăm chú cầu nguyện hơn. Và đó là khi tôi biết nó lại trở thành một vấn đề.”

Với mạng xã hội, nó cũng giống như vậy. Ngay cả những lần truy cập mạng xã hội ngắn ngủi nhưng thường xuyên cũng có thể ngăn cản chúng ta sống giây phút hiện tại. Một cách vô thức, chúng ta dựa dẫm vào chúng và do đó xa rời cuộc sống gia đình, công việc, hoặc thậm chí các hoạt động giải trí như đọc sách. Để khắc phục điều này, thật hữu ích khi nghĩ về việc sử dụng Internet giống như cách chúng ta nghĩ về việc ăn uống. Cũng như việc tránh ăn vặt giữa các bữa ăn là điều tốt, chúng ta hãy tránh nhấc điện thoại lên để kiểm tra email, tin nhắn và lướt Instagram hoặc Facebook mỗi khi có thời gian nghỉ ngơi trong ngày.

3. Sử dụng mạng xã hội cho một mục đích rõ ràng

Vị tu sĩ thánh thiện còn khuyên bảo rằng “không nên để mình bị choáng ngợp bởi bất kỳ món ngon nào, cũng như không nên ăn uống gì trước khi kết thúc kỳ chay tịnh”. Điều này cũng có thể tương ứng với việc sử dụng các mạng xã hội. Chúng ta thường kiểm tra chúng bao nhiêu lần một ngày mà không có lý do chính đáng? Và chúng ta có thể dành thời gian cho việc này nhiều đến mức nào nếu chẳng may lướt qua các câu chuyện trên Instagram! Vì vậy, giải pháp tốt nhất là đừng nhượng bộ đối với những trò tiêu khiển và cố gắng sử dụng mạng xã hội cho một mục đích rõ ràng. Để đạt được điều này, tại sao không đặt ra một khoảng thời gian cụ thể để dành cho chúng và giới hạn khoảng thời gian đó trong nửa giờ ngắn ngủi mà thôi? Ví dụ như có thể dành việc sử dụng mạng xã hội trên phương tiện giao thông công cộng trên đường đến văn phòng hoặc trên đường về nhà vào buổi tối, hoặc khi bọn trẻ đã đi ngủ.

4. Cầu nguyện để có được sự chừng mực

Thánh Gioan Cassian nói rằng: “Một sự cung cấp hợp lý thực phẩm hàng ngày ở mức độ vừa phải sẽ tốt hơn một kỳ chay tịnh khắt khe và kéo dài trong khoảng thời gian thường xuyên.”

Vì vậy, việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội hợp lý trong sự điều độ sẽ tốt hơn là một khoảng thời gian kiêng cữ lâu dài nhưng kéo theo lòng ham mê hướng về các bài đăng trên Instagram. Và để tìm được sự tự chủ thì không có gì tốt hơn là cầu nguyện để xin được thăng tiến trong sự chừng mực.

 

Tác giả: Anna Ashkova – Nguồn: Aleteia (20/8/2022)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên