Buổi sáng là thời gian cực kỳ quan trọng, quyết định hiệu quả công việc hoặc cảm giác cả ngày dài của bạn. Đừng khởi đầu ngày mới với những hành vi phản khoa học, không hề tốt cho sức khỏe của bạn.

Hãy cùng xem 7 hành vi tối kỵ nào mà chúng ta thường xuyên mắc phải. Từ đó, bạn có quyết tâm để loại bỏ nó ra khỏi cuộc sống.

 

1. Chạm điện thoại ngay lập tức sau khi ngủ dậy

 

Theo một nghiên cứu của IDC năm 2020, 63% của gần 7.500 người được khảo sát cho biết sẽ ngay lập tức chạm vào điện thoại sau khi ngủ dậy. Đối với những người trong nhóm 18-24 tuổi, tỷ lệ này là 74%. 79% người được khảo sát cho biết sử dụng smartphone trong vòng 15 phút sau khi thức dậy. Đối với người 18-24 tuổi, con số này tăng lên 89%. 

Có một thực tế là sau khi ngủ dậy, nhiều người có thói quen thích nằm trên giường lướt điện thoại, cập nhật tin tức thay vì rời khỏi giường để làm những công việc cần thiết khác. Nhưng khoa học nói rằng điều này khá nguy hiểm, vì nó khiến cho cơ thể rơi vào chế độ hoảng loạn, thậm chỉ là tăng stress, cao huyết áp, ảnh hưởng tới sức khỏe tâm lý về lâu dài.

Đó là chưa kể nhiều người còn vào facebook và tiếp nhận ngay những luồng thông tin tiêu cực. Không khó hiểu vì sao chỉ mới mở mắt ra bạn đã đọc những tin tức như vậy, cả ngày sau đó đầu óc của bạn sẽ bị chi phối khiến cho việc nạp những nguồn tri thức có lợi bị hạn chế. 

Hãy tập thói quen để điện thoại xa giường ngủ.

 

 

2. Làm việc ngay sau khi ra khỏi giường

 

Nhiều người đã chọn làm việc ngay sau khi ngủ dậy, vì đã tới hạn deadline, hay hôm nay có một cuộc họp quan trọng. Buổi sáng vốn là thời điểm hoàn hảo để chăm sóc sức khỏe cơ thể của bạn và lấy lại cảm hứng cho một ngày mới. Nếu bạn để đầu óc bước vào guồng quay công việc, sẽ khiến hệ thần kinh thêm áp lực.

Hãy dành chút ít thời gian để tập thể dục, tắm, ăn sáng, nghe nhạc không lời hoặc đơn giản chỉ là ra vườn tưới cây và hít thở không khí, những điều này đều rất có lợi cho thể chất và tinh thần của bạn.

 

 

3. Nạp đồ ăn thức uống có đường sau khi thức dậy

 

Việc tiêu thụ nhiều đường không chỉ khiến bạn giảm năng suất trong các công việc trong ngày, thiếu năng lượng cho cơ thể mà còn dẫn đến vấn đề tăng cân và nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Theo nhiều nghiên cứu, giảm đường và carbohydrate trong bữa sáng sẽ có xu hướng giảm những lo âu cho cả ngày.

 

4. Cố ngủ thêm 5 phút nữa

 

Việc bấm hoãn báo thức 1 lần, 2 lần, thậm chí đến 5-6 lần tưởng chừng như vô hại, nhưng thực tế nó gây hại cho não và sức khỏe. Điều này xuất phát từ việc đảo lộn nhịp sinh học của cơ thể. 

Việc tự thưởng cho mình thêm 5-10 phút ngủ trên giường khi báo thức reo khiến cả não và cơ thể bị rối, lẫn lộn giữa việc thức và ngủ.

Theo nhiều nghiên cứu, nếu có tình trạng níu kéo giấc ngủ, cảm giác mệt mỏi có thể kéo dài 2 đến 4 giờ sau khi thức dậy, có ai muốn như vậy không?

Hãy để đồng hồ báo thức ở xa chỗ ngủ, để khi chuông reo, bạn có thể bước xuống giường, đi lại và tắt nó đi, nó sẽ khiến bạn đủ tỉnh táo.

 

5. Than phiền ngay sau khi ngủ dậy

 

Có nhiều người có tính hay kêu ca than phiền, mới mở mắt ra là kêu trời xầm xì sắp mưa, chuẩn bị đi làm tắc đường kẹt xe, hết năm chưa làm được gì, rồi lo lắng về tài chính... Nếu khởi đầu một ngày với những ý nghĩ tiêu cực như vậy, khả năng cả ngày còn lại của bạn cũng sẽ chìm trong u ám mà thôi. 

Thay vì than phiền, hãy nghĩ đến những điều tích cực, cảm thấy biết ơn. Rất đơn giản, hãy chuẩn bị một cuốn sổ nhỏ để viết ra những điều bạn được nhận và thầm cảm ơn vì những điều đó. Thực hành thói quen này vào mỗi buổi sáng, bạn sẽ thấy cuộc sống thay đổi.

Sự biết ơn không cần điều gì to tát: biết ơn vì ta còn khỏe mạnh, biết ơn vì ngày vẫn được ăn 3 bữa, có một mái nhà để trở về; biết ơn vì có gia đình để yêu thương, có một công việc để làm....Sự biết ơn sẽ tạo cho bạn nguồn cảm hứng và nhiều năng lượng hơn để làm việc.

 

6. Lên kế hoạch cho lịch trong ngày

 

Điều này tưởng như là tốt và là thói quen của nhiều người trưởng thành. Tuy nhiên, đừng nhầm lẫn giữa việc lên kế hoạch lâu dài và lên kế hoạch vào buổi sáng ngay sau khi chúng ta ngủ dậy. Bạn sẽ cảm thấy áp lực nếu có một lịch trình quá dày đặc đến nỗi bạn không biết bắt đầu từ đâu. 

Thay vào đó, hãy làm việc đó trước khi đi ngủ. Bạn sẽ ngủ ngon hơn, thức dậy thoải mái hơn nếu mọi thứ đã được sắp xếp ổn thỏa vào ngày hôm sau.

 

7. Đặt bản thân vào tình thế phải đưa ra nhiều quyết định

 

Càng có nhiều lựa chọn vào buổi sáng sớm, não bạn càng khó quyết định. Bạn có thể trở nên liều lĩnh, hành động bốc đồng. hoặc bạn sẽ không làm gì cả, né tránh quyết định. Tất cả đều có hại cho chính bạn.

Thay vì đứng giữa một "rừng" chọn lựa ngay khi khởi đầu ngày mới, hãy thực hiện nó vào tối hôm trước. Sáng sớm bạn sẽ ăn gì, bạn sẽ mặc gì cho ngày hôm sau, ưu tiên việc nào trước... Tất cả đều sẽ giúp bắt đầu một ngày hôm sau hoàn hảo hơn.

 

- Sưu tầm -