Jacopo Bassano, Dụ ngôn anh nhà giàu và ông Lagiarô nghèo khó, 1554. The Cleveland Museum of Art

 

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

 

 

Họa Sĩ Jacopo Bassano (1510 – 1592) là người Ý, thuộc trường phái hội họa Mannerism – trường phái kiểu cách. Đây là phong trào hội họa tiếp ngay sau thời kỳ Phục Hưng. Trường phái Kiểu cách xuất hiện vào năm 1503 và kéo dài trong một thế kỷ. Tên gọi ‘Kiểu cách’ (mannerism) có nguồn gốc từ tiếng Ý ‘maniera’ (nghĩa là ‘kiểu cách’).

 

Các nghệ sĩ trường phái kiểu cách chủ trương đề cao kỹ thuật, cần sành sỏi và chú tâm làm sao cho tác phẩm hội họa được thanh cao. Họ tôn thờ cái đẹp ưu và diễn tả sự khoái lạc đến mức kỳ dị, ngôn ngữ bất thường. Nghệ thuật kiểu cách bị xem như sa sút, kém hài hòa và duyên dáng so với thế hệ trước đó.

Ban đầu, trường phái kiểu cách cũng có sức hút nhất định, song càng về sau, trường phái này càng sa sút và đi tới thoái trào. Hội họa phương Tây sau đó bước đến thời kỳ Baroque.

Họa sĩ Jacopo Bassano đã vẽ bức họa Dụ ngôn anh nhà giàu và ông Lagiarô nghèo khó vào năm 1554. Hiện bức tranh được trừng tại Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Cleveland – The Cleveland Museum of Art. Hoa kỳ.

 

Ngắm bức tranh từ bên phải họa sĩ cho chúng ta thấy người giàu có đang ngồi ở bàn với hai nhân vật khác. Người giàu có mặc chiếc áo khoác bên ngoài rất sang trọng màu nâu đậm. Bên trong là chiếc áo màu xanh tươm tất. Điều này tương hợp với lời Luca diễn tả: Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc.

 

Khuôn mặt anh nhà giàu sáng ở một bên với bộ râu quai hàm, mũi cao và mắt hướng về hai người ngồi đối diện và đang trò chuyện với họ. Tư thế ngồi với cánh tay trái chống trên bàn và tay phải hiện ra một chút giơ cao hơn diễn tả sự thoải mái, thử thái của kẻ giàu hưởng thụ. Người phụ nữ ngồi đối diện cũng mặc đồ rất sang trọng với chiếc áo dài màu đỏ, cổ khoét sâu. Kế bên chị là người đàn ông cũng trạc thế hệ ngồi quay lưng lại. Anh ta đang giữ chiếc đàn ở phía dưới. Chiếc bàn không có đồ ăn thức uống gì cả, mà chỉ có một chiếc dĩa bằng đồng trống không. Điều đó như diễn tả bữa tiệc đã tàn, người giàu có mới yến tiệc linh đình xong, nghĩa là họ mới tiệc tùng, hò hát và múa nhảy xong.

Đối diện với anh nhà giàu là một người nghèo khó ở phía trái của bức tranh. Họa sĩ khéo léo vẽ một đường chéo (diagonal) từ đôi mắt của anh nhà giàu đến đôi mắt của anh nghèo khó. Giàu thì ở bên trên và nhìn xuống kẻ nghèo ở phía dưới. Nhưng vấn đề là anh nhà giàu này có chú tâm và nhìn đến kẻ nghèo đối diện với mình không?

 

Thánh Jérome cho rằng: “anh Lagiarô nằm ở tại cửa để tìm sự chú ý và thương cảm cho thân xác khổ đau của anh ta, cũng như để cho anh nhà giàu không thể nói rằng: ‘Tôi không thấy anh nghèo này. Anh ta ở trong xó xỉnh. Tôi đã không nhìn thấy anh ta. Không có ai nói với tôi về anh ta’. Anh nhà nghèo nằm ngày tại cửa. Bạn nhìn thấy anh nghèo mỗi lần bạn đi ra đi vào nhà, đi ngang qua cánh cửa. Khi nhóm người đầy tớ và khách khứa đang chờ đợi bạn, thì anh nhà nghèo nằm đó ngay cửa với những vết thương lở loét trên thân mình”.

Như thế, có thể nhận ra rằng, anh nhà giàu nhìn thấy anh nhà nghèo bằng đôi mắt thân xác, nhưng đôi mắt tâm hồn với lòng thương xót và lòng thương cảm thì không. Vì thế anh ta chẳng đoái hoài gì đến anh nghèo kia.

Lagiarô là tên của anh nghèo khổ và tên của anh trong tiếng Híp-ri có nghĩa là Thiên Chúa giúp đỡ.

Tên của anh đã làm cho lời Thánh Vịnh mang một hồn sống rất tuyệt vời:

Người là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời, 

xử công minh cho người bị áp bức,
ban lương thực cho kẻ đói ăn.

CHÚA giải phóng những ai tù tội,
CHÚA mở mắt cho kẻ mù loà.
CHÚA cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên,
CHÚA yêu chuộng những người công chính
 (Tv 145,6-8).

Người nghèo thì có tên, còn người giàu có thì tên gì? Tên của anh nhà giàu không được nêu trong câu chuyện. Phải chăng người nghèo thì có tên và tên của ông là tài sản duy nhất ông có, còn nhà giàu thì có mọi thứ nhưng thiếu một “tài sản” quan trọng là chính cái tên?

Thánh Augustinô đã tâm tình như sau: “Chúa Giê-su đã gọi tên người nghèo khó, nghĩa là Chúa đã nêu bật tầm quan trọng của anh nghèo này trong đôi mắt của Thiên Chúa, và tên của anh đã được viết trên trời, trong khi tên của người giàu có không được viết trong Tin Mừng hay trên Trời”.

 

 

Nhìn trở lại anh nghèo trong bức tranh, ta thấy anh đang nằm ở ngoài cửa nhà anh giàu có. Thân mình phía trên không có mảnh vải nào. Mảnh vải che thân màu trắng đã rơi xuống đất. Chỉ còn lại phần vải phía dưới được cột lại để che phần kín đáo. Sự tương phản hoàn toàn giữa nghèo với giàu qua chính quần áo trên thân mình.

 

Tay phải anh Lagiarô chống xuống nền đất như là điểm tựa cuối cùng của đời anh. Cái nghèo luôn bắt thân mình ngồi trên nền đất thấp. Cái nghèo không có ghế để thân tựa ngồi trên đó.

 

Anh nửa ngồi nửa nằm với thân mình nửa trần truồng diễn tả phận người hèn hạ. Tại mảnh đất thấp đó, anh nghèo chờ và đợi với niềm hy vọng có chút mẩu bánh vụn rơi xuống.

 

Có mảnh vụn nào của bánh rơi từ bàn cao xuống đất thấp không? Có thể anh nghèo Lagiarô tìm được chút gì đó, nhưng cũng có thể anh phải dành dựt với mấy con chó, khi mảnh bánh vụn từ bàn rơi xuống.

 

Như thế hai chú chó trên hình có thể vừa là “hai kẻ cạnh tranh” vừa là hai kẻ “ủi an” anh nghèo Lagiarô. Nhưng ủi an ở chỗ nào?

 

Đôi chân anh nghèo Lagiarô với “mụn nhọn” bám đầy đang duỗi ra hai bên. Mỗi bên chân là một chú chó đang toàn tâm “liếm ghẻ chốc anh ta”. Một chút chú tâm của loài thú dành cho phận người nghèo, trong khí người nhèo lại chẳng được người người quan tâm.

 

Cyril of Alexandria đã nhìn một cách rất thú vị: “Thật vậy, mấy con chó liếm ghẻ chốc của anh nhà nghèo, nhưng không làm cho vết thương ra đau đớn. Điều đó diễn tả rằng, mấy con chó cũng có lòng thương cảm và chăm sóc anh nhà nghèo. Loài thú còn quan tâm đến và làm cho những đau khổ được dịu bớt với những cái lưỡi của chúng, như là chúng đang cố làm dịu và chữa lành các vết thương (của anh nhà nghèo – Lagiarô). Còn người giàu có thì tàn nhẫn hơn mấy con chó, bởi vì anh ta đã không có lòng thương cảm và lòng trắc ẩn đối với anh nhà nghèo. Ngược lại anh ta hoàn toàn vô cảm”.

 

Câu chuyện kể tiếp như thế nào?

Có lẽ chú bé đứng ở giữa bức tranh mặc bộ quần áo màu xanh dương đậm với khuôn mặt hơi nhìn xuống, đang suy tư về cảnh đời tiếp theo của hai nhân vật.

Cảnh đất thấp khép lại để cảnh trời cao mở ra. Một biến cố xảy ra. Giàu và nghèo đều chết.

Nhưng sau cái chết thì người nghèo là Lagiarô và anh nhà giàu sẽ đón nhận điều gì? Có giống nhau không?

“Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham”.

Điều này tương hợp với tên của ôngLagiarô có nghĩa là Thiên Chúa giúp đỡ.  Chúng ta nhận ra được cái phong phú và sự sung túc của người nghèo sau khi chết là được chính Thiên Thần của Chúa đoái nhìn, chăm sóc và đồng hành cùng đem đi.

Đem đi đâu? Đem vào lòng ông Ápraham, nghĩa là đem vào lòng của tổ phụ, của người cha dân tộc Ítraen. Đó là một niềm hạnh phúc lớn lao. Ngoài ra, “lòng” ở đây diễn tả sự gần kề, dịu dàng, ấp ủ và thân thiết. Thánh Augustine nói rằng: “người nghèo của niềm tin đã được đón nhận bởi Ápraham, người giàu của niềm tin”.

Còn người giàu sau khi chết thì thế nào? “Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn”. Sự tương phản rõ rệt được diễn tả. Người giàu không có tên trong dụ ngôn, sau khi chết không được Thiên Thần của Chúa đoái nhìn, mà người đem chôn ông là “người ta”, nghĩa là loài người thuộc dương thế này.

Hơn nữa, cũng nên chú ý đến cách diễn tả: người giàu sau khi chết người ta “đem chôn” dưới lòng đất. Đọc câu tiếp theo (câu 23), Luca nêu lên nơi chốn “âm phủ” là nơi chỉ dành cho người chết mà thôi, và người giàu có trong dụ ngôn ở trong đó.

Câu chuyện được kể tiếp với khunh cảnh là âm phủ. Đây là nơi dành cho những người đã chết. Khi anh ta đang chịu cực hình, thì ngước mắt lên và thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa. Chúng ta thấy Luca diễn tả khoảng cách thật lớn giữa âm phủ và thiên quốc qua các cụm từ “dưới âm phủ”, “tận đàng xa” và trong câu 26 có cụm từ “một vực thẳm lớn”.

Trở về với bài Tin Mừng, anh nhà giàu không chỉ thấy là Ápraham, mà còn thấy anh Lagiarô đang nằm trong lòng tổ phụ. Đó là một hình ảnh rất tương phản. Về hình ảnh này, Prudentius đã diễn tả: “Anh nhà giàu đã tiệc tùng trên trái đất, còn Lagiarô được đãi tiệc trên trời như hình ảnh linh hồn anh được nghỉ ngơi trong lòng của Ápraham”.

Trong hoàn cảnh đau khổ ở dưới âm phủ, anh nhà giàu đã kêu xin Ápraham: “Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con, và sai anh Lagiarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!”

Lời kêu cầu rất chân thành của anh diễn tả tình trạng đau khổ, cùng cực và tự mình không thể tìm lối thoát được. Đó không phải là ngõ cụt trên dương thế, mà ngõ cụt dưới âm phủ. Thật thê thảm thay!!!

Anh đã cầu xin Ápraham là tổ phụ của mọi người Ítraen. Anh đã xin tổ phụ sai anh Lagiarô đến giúp. Nghĩa là khi còn sống trên dương thế, anh nhà giàu không chỉ nhìn thấy một người nghèo nàn nằm ở ngoài cổng của anh ta, mà còn biết tên của người nghèo là Lagiarô.

Trở về với bài Tin Mừng, tình trạng đau khổ của anh nhà giàu ở dưới âm phủ được diễn tả qua hình ảnh “bị lửa thiêu đốt khổ lắm”. Trong hoàn cảnh đó anh chỉ mong có được một giọt nước được nhỏ trên lưỡi anh ta cho mát một chút. Hình ảnh này tương phản hoàn toàn với đời sống trên dương thế trước đó, mà anh có đủ mọi thứ, tiệc tùng linh đình thì không kể siết. Anh muốn gì được đó.

Ngoài ra, khát mong của anh nhà giàu dưới âm phủ được đặt song đối với khát mong của người nghèo trên dương thế:  Dưới âm phủ người giàu mong ước chút nước trên lưỡi cho mát – trên dương thế người nghèo Lagiarô ao ước những thứ trên bàn ăn của anh nhà giàu rớt xuống mà ăn cho no.

Đọc tiếp bài Tin Mừng, chúng ta coi xem tổ phủ Ápraham phản ứng thế nào trước lời kêu xin của anh nhà giàu: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Lagiarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Lagiarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được”.

Trong câu nói của tổ phụ Ápraham vẫn mang tính cách dịu dàng “con ơi”. Như thế, tổ phụ Ápraham vẫn đóng vai trò là cha. Ngoài ra, trong câu nói ở trên chúng ta thấy có ba phần.

– Phần đầu tiên: tổ phụ nhắc đến thời gian trên dương thế của cả hai người: Anh nhà giàu cả đời đã được phước, được ăn uống no say và ăn mặc sang trọng với toàn gấm góc lụa là. Anh Lagiarô thì suốt đời chịu cảnh lầm than, thiếu thốn và bất hạnh. Đó là hai số phận tương phản hoàn toàn được đặt đối diện với nhau.

– Phần thứ hai: tổ phụ Ápraham nhắc đến là thời gian hiện tại của hai người: anh Lagiarô được an ủi nơi đây, nghĩa là trong lòng tổ phủ Ápraham ở trên thiên quốc. Còn anh nhà giàu thì ở dưới âm phủ và chịu mọi khốn khổ của thế giới “ở dưới”. Số phận của hai người giờ đây vẫn tương phản hoàn toàn, vẫn được đặt đối diện với nhau, nhưng khác là đã thay đổi “nội dung” của từng số phận.

Như thế, người đọc sẽ nhận ra rằng, giữa hai số phận trên, họ cần phải chọn lựa cho đúng đắn: Số phận người giàu sung sướng trên trần gian nhưng lại khổ đau mãi mãi dưới âm phủ, hay số phận nghèo nàn và đau khổ của anh Lagiarô trên dương thế, được Chúa đoái nhìn tới và được hưởng hạnh phúc trên thiên quốc – nằm trong lòng tổ phụ Ápraham.

Nói khác đi, người đọc cần phải sáng suốt trong phân định, chọn lựa để đi đến một quyết định cho lối sống của mình ở trần gian, để khi nằm xuống được chính Thiên Thần của Thiên Chúa đón rước và đặt vào lòng Ápraham. Như vậy, bài Tin Mừng mang sứ điệp mạnh mẽ và có lời nhắc nhở rất rõ rệt.

Ngoài ra, chúng ta không được phép hiểu lầm rằng, mọi người nghèo đều được Chúa cho về thiên đàng. Cái nghèo là điều tiêu cực không ai chọn cả.

Nhưng ai rơi vào hoàn cảnh nghèo, thì cần được chú ý và giúp đỡ. Hơn nữa, nếu ai nghèo mà cố gắng vẫn sống tinh thần tốt lành, tinh thần Tin Mừng, thì thật là có phúc. Và chắc chắn, người nghèo mà sống trong tình trạng tiêu cực: ăn trộm, lừa đảo, tham lam và cướp của giết người… thì khó mà nhận được phúc của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót nhưng cũng thật công bằng.

– Phần thứ ba: tổ phụ nêu lên một ngăn cách giữa “âm phủ” và “thiên quốc”. “Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được”.

Vực thẳm lớn và sâu là biểu tượng mạnh mẽ nói lên sự ngăn cách giữa hai thế giới xấu và tốt. Vực thẳm “ngăn chặn” mọi tương quan giữa người bên này với người bên kia. Sự thông tri, thông thương và liên lạc bị ngăn trở hoàn toàn. Giữa hai bờ vực không có chiếc cầu được xây và bắc qua. Vực thẳm quá lớn, đến nỗi không ai có thể tự mình từ bên này để qua bên kia được. Vực thẳm lớn này được quy định rõ rệt và không ai có thể thay đổi. Như thế, không còn sự thông thương giữa hai bên và anh Lagiarô không thể giúp đỡ người giàu có kia được. Điều này là một sự nghiệt ngã đối với anh nhà giàu. Không biết, đến ngày cánh chung, anh nhà giàu sẽ như thế nào? Anh ta có được cứu, như người trộm lành (ss.Lc 23,43) đã được Chúa cứu không? Đó là điều của Chúa. Chúng ta chỉ biết hy vọng cho anh ta mà thôi. Đọc tiếp đoạn Tin Mừng, anh nhà giàu tiếp tục lên tiếng xin: Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Lagiarô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!”

Với câu này, một cách gián tiếp anh nhà giàu đã công nhận ra rằng, lối sống sung túc, xa hoa và sung sướng của anh trên dương thế đã đẩy anh xuống âm phủ “nóng nực” và đau khổ. Nên anh ta không muốn “năm người anh em” của anh ta rơi vào hoàn cảnh giống như vậy. Có lẽ anh nhà giàu biết năm người anh em kia cũng đang có lối sống phóng túng và xa hoa như anh ta ngày xưa, nên anh ta mở lời xin cho họ tránh được hậu quả không hay sẽ xảy đến. Hơn nữa, theo Bovon, năm người anh em này nhỏ tuổi hơn anh nhà giàu, và khi còn sống anh nhà giàu đã có trách nhiệm chăm sóc các em của mình. Còn người cha thì có lẽ đã qua đời. Trong lời cầu xin của anh ta, anh vẫn xin tổ phụ cho phép Lagiarô làm một hành động để giúp đỡ. Cụ thể Lagiarô về với năm người còn đang sống kia (theo kiểu hồn ma hiện về), và cảnh cáo họ để họ thay đổi cuộc sống hầu không phải rơi vào thế giới “âm phủ ở dưới nóng nực và khổ đau”.

 

Chúng ta xem Ápraham trả lời thế nào? Ápraham đáp: Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó”. Lời đáp trả của Ápraham mang dáng vẻ của người Do-thái rõ rệt. Như bình thường, người ta phải luôn lắng nghe Môsê và các ngôn sứ, như là lắng nghe Lời của Chúa được viết trong Thánh Kinh. Những gì được Môsê và các ngôn sứ ghi chép được coi như là những sứ điệp được truyền miệng để dạy dỗ dân chúng. Chúng ta đọc trong sách Đệ nhị luật: “Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em. Mệnh lệnh đó không ở trên trời… Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển… Thật vậy, lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành” (Đnl 30,11-14).

 

Theo Bovon, sự lắng nghe Môsê và các ngôn sứ ở đây luôn đi đôi với sự vâng lời. Nghĩa là nếu năm anh em kia lắng nghe Mô-sê và các ngôn sứ thật sự, thì sẽ vâng lời các lời đó mà thay đổi cuộc sống. Đó cũng là cách nhìn của người Do-thái. Vâng lời sẽ đem lại ơn cứu độ.

Đọc tiếp phần cuối của dụ ngôn, chúng ta thấy: Ông nhà giàu nói: Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối”.

Sau khi nghe Ápraham nói như vậy, ông nhà giàu vẫn nài xin với lý do, năm anh em của ông không chịu lắng nghe những gì Môsê và các ngôn sứ dạy dỗ, để thay đổi cuộc sống. Có lẽ chính ông cũng đã từng cứng đầu và không chịu lắng nghe các lời giảng dạy tốt lành.

 

Tiếp đến, chúng ta thấy anh nhà giàu chỉ mong muốn một “phép lạ” xảy ra, hoặc một “chứng minh hùng hồn có sức thuyết phục” và giúp cho năm anh em của mình được thay đổi. Cụ thể là có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối. 

 

Ápraham phản ứng thế nào trước sự chờ đợi này? Ông Ápraham đáp: Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin”.

 

Như thế, chúng ta thấy rằng, Lagiarô có hiện về thì cũng chẳng có gì hay hơn Môsê và các ngôn sứ để mà nói. Điều anh Lagiarô làm là có thể chỉ cho năm người kia thế giới của âm phủ đau đớn thế nào. Hơn nữa, chiều sâu của hoán cải không phải là ngồi đó chờ đợi “phép lạ”, mà là tích cực và ý thức “hồi tâm tự nhủ” và mở lòng để thống hối ăn năn. Cuối cùng là quyết định “đứng dậy trở về”.

 

Nhưng nếu đọc kỹ lời của Ápraham, chúng ta nhận ra hướng sống của năm người kia, là bám chặt vào đời sống sung túc, bám chặt vào của cải vật chất – tôn thờ thần Mammon là chủ của đời họ. Họ đã từ chối Thiên Chúa và chọn cuộc sống tôn thờ tiền bạc và vật chất. Họ chọn lối sống hưởng thụ, ăn chơi trụy lạc và xa hoa trên trần gian mà không màng tới cuộc sống mai hậu sau cái chết.

 

Trái tim của họ đã đặt ở tiền bạc và của cải vật chất, thì suy nghĩ, cách sống của họ sẽ theo chiều hướng đó. Những người có trái tim “bám chặt” vào thần Mammon thì thật là khó ăn năn sám hối. Thật vậy, cần phải khôn ngoan để chọn lựa như Lời Chúa đã dạy: Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được” (Lc 16,13).

 

Để kết thúc bài chia sẻ Tin Mừng về dụ ngôn người giàu có và anh Lagiarô dựa trên bức tranh của danh họa Jacopo Bassano, xin có một số câu hỏi gợi ý sau:

 

 

  • Câu hỏi gợi ý.

 

  1. Dành thời gian ngắm nhìn bức tranh, bạn nhận ra sứ điệp nào bức tranh muốn gởi đến bạn?
  2. Giàu sang và hưởng thụ cuộc sống xa hoa và sung túc có phải là một tội ác không? Tại sao người giàu có trong dụ ngôn lại bị “rơi vào trong âm phủ” để nhận một hình phạt như thế?
  3. Nghèo khó và sống đau khổ vì cảnh nghèo khó có phải là điều Chúa muốn không? Đó có phải là điều kiện để vào Nước Trời không? Tại sao anh La-da-rô, người nghèo trong bài Tin Mừng này lại được các thiên thần đưa vào lòng Áp-ra-ham, để hưởng hạnh phúc trên thiên quốc?
  4. Mẹ Têrêsa Cancutta nói: Tôi không bao giờ nhìn những đám đông như là trách nhiệm của tôi. Tôi chỉ nhìn đến từng cá nhân, bởi vì mỗi lần tôi chỉ yêu thương được một người, mỗi lần tôi chỉ nuôi được một người. Tôi đã đưa một người về nhà, nhưng nếu tôi không đưa một người ấy về nhà thì tôi đã không đưa 42.000 người về nhà. Công việc của tôi chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng nếu tôi không góp một giọt nước ấy thì đại dương sẽ thiếu nhiều giọt nước khácBạn có đồng ý với suy nghĩ của Mẹ Tê-rê-sa không? Tại sao?
  1. Lòng Ápraham hay Lửa âm phủ ? Bạn chọn gì? Tại sao?

 

 

  • Tham khảo

 

  • Francois Bovon, Das Evangelium nach Lukas, Teil III (Lk 15,1-19,27), Benziger Verlag, Duesseldorf 2001.
  • Arthur A. Just Jr. (Edited), Ancient Christian commentary on scripture, Luke, Inter Varsity Press 2003.
  • Cha Vũ Phan Long OFM., Cuộc sống trên trần thế không phải là tất cả.