Ngày tôi còn bé thì tràng chuỗi Mân Côi là vật quý giá trong gia đình theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tràng chuỗi đó do ông bà nội để lại cho ba mẹ tôi, được treo trang trọng trên một cái đinh cũ ở cột nhà gần chỗ bàn thờ. Tràng chuỗi cũ mèm, các hạt mòn láng bóng vì đã qua không biết bao nhiêu tay vân vê vào mỗi lần kinh tối suốt mấy chục năm trời. Sau này tôi mới có dịp theo ba đi thành phố, ghé tiệm sách Công giáo gần nhà thờ Phủ Cam mua một bộ tràng chuỗi mới. Từ đó mỗi lần đọc kinh là ba mẹ mỗi người có một chuỗi riêng, còn tôi vẫn đành phải chấp nhận đếm ngón tay.

Lúc đó tôi vẫn chưa biết cách lần hạt, chỉ biết rằng sau kinh Lạy Cha đếm hết 10 ngón tay số lần kinh Kính Mừng là sẽ đến kinh Sáng Danh, cứ như vậy lặp đi lặp lại. Cứ mỗi tối là đại gia đình tôi gồm con con cháu dâu rể tập trung tại nhà ông bà nội để đọc kinh tối. Đó là giờ duy nhất trong ngày tôi có mặt đông đủ tất cả mọi người, vì cả ngày mỗi người đều bận mỗi việc riêng. Trong các kiểu kinh đọc ở nhà thì tôi rất thích kinh Mân Côi, bởi lẽ đó là kinh duy nhất mà tôi có thể thuộc làu. Tất nhiên chỉ tính 3 kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh thôi, còn các ngắm thì chịu câm miệng. Ngoài ra đó cũng là kinh duy nhất tôi thấy mình “oách” vì được kể như thuộc về “phe đàn ông”. Theo truyền thống đọc kinh Mân Côi thì ở mỗi kinh nam đọc một nửa, nữ đọc một nửa, nghe cứ như thể hai bên thay phiên đối đáp nhau rất vui tai. Thỉnh thoảng do chia trí tôi có đọc nhầm sang phe nữ cùng với bà nội, mẹ và các chị. Tuy nhiên chỉ sau vài từ nhầm là tôi dừng lại ngay, vì không muốn bị cười.

Đọc kinh Mân Côi ở nhà thờ vui hơn, vì ở đó tôi có nhiều đồng bọn chứ không đơn độc như ở nhà. Mỗi lần đến giờ kinh Mân Côi là cả đám thi nhau rống, xem đứa nào đọc to hơn. Bị người lớn la hoài nhưng không đứa nào chừa. Khoái nhất là những lúc có thằng đếm lộn, người ta Sáng Danh rồi mà hắn rống “Kính Mừng Ma…” to và rõ. Cười quá đã.

Vì có lần một chị lớp trên chê mấy đứa nhóc như tôi không biết lần chuỗi Mân Côi, tôi quyết tâm học cách lần chuỗi. Thầy dạy không ai khác chính là mẹ tôi. Mẹ cầm tràng hạt, chỉ cho tôi biết chỗ nào đọc kinh Tin Kính, chỗ nào là đọc kinh Lạy Cha, chỗ nào là đọc kinh Kính Mừng, chỗ nào Sáng Danh. Các ngắm thì chưa cần phải thuộc ngay vì đã có người lớn đọc, nhưng ít ra tôi cần phải biết nghi thức bắt đầu và kết thúc kinh Mân Côi. Cái khó dằn nhất đối với tôi chính là khúc dạo đầu, mất cả tuần lẩm nhẩm mới thuộc được: “Chúng con lạy đội ơn Đức Chúa Trời Ba Ngôi, chúng con xin hiệp một ý một lòng cùng các thánh mà dâng phép lần hạt là Năm Sự … cho đặng kính lạy ngợi khen Chúa, cùng rất thánh Đức Bà Maria. Xin Chúa đoái xem lòng thốn thiếu nghèo ngặt con, mà nhậm lời chúng con nguyện, cho chúng con đặng ơn cần kíp về phần rỗi chúng con, và hưởng nhờ những ơn trọng Hội Thánh ban cho kẻ làm việc này nên.” Vừa đọc lời kinh đó vừa hôn Thánh Giá ở tràng hạt, rồi giơ tay làm dấu Thánh Giá. Đó là bước đầu của nghi thức lần hạt tôi được mẹ dạy.

Từ đó về sau mỗi lần đọc kinh Mân Côi ở nhà thờ là cơ hội để tôi thi thố với mấy đứa kia. Khi người lớn bắt đầu đọc “Chúng con lạy đội ơn…” là tôi đã đọc theo được rồi, còn tụi nó phải đợi đến kinh Lạy Cha mới dám lớn tiếng. Thích nhất là trong giờ kinh gia đình được mẹ cho mượn tràng hạt. Vì biết tôi đang tập nên mẹ để ý từng cử điệu, từng lời kinh tôi đọc. Những lần đầu tôi còn hơi vụng về, kiểu hôn Thánh Giá và làm dấu còn chưa thể hiện được vẻ tôn kính. Mẹ thấy thế liền cầm tay chỉ cho cách làm, cứ từ từ đưa lên, từ từ hạ xuống, từ từ đưa sang trái rồi qua phải. Sau vài lần là tôi quen được, riết thành thuần thục.

Sau này lớn lên tôi mới biết là khi đọc kinh Mân Côi không nhất thiết phải tuân theo những bước cụ thể như vậy, vì có thể có nhiều kiểu khác nhau. Lời kinh “Chúng con lạy đội ơn…” kia không phổ biến ở những nơi khác; thậm chí khi bắt đầu không hôn Thánh Giá thì cũng chẳng ảnh hưởng gì. Bây giờ nếu có ai hỏi tôi ý nghĩa thần học hay nguồn gốc lịch sử của kinh Mân Côi, tôi phải lục lại sách vở hay tra Google thì may ra mới trả lời được. Tuy vậy nếu có ai hỏi kinh Mân Côi có ý nghĩa như thế nào đối với tôi, tôi sẽ trả lời ngay rằng đó là lời kinh đầu tiên tôi được mẹ dạy, là lời kinh tôi đọc ở “phe đàn ông” trong gia đình vào mỗi tối, là lời kinh tôi với tụi bạn rống lên trong nhà thờ. Sau tất cả những điều đó, Mân Côi là lời kinh dẫn đưa tôi đến với Mẹ Maria và với Chúa Giêsu qua những mầu nhiệm ngắm.

Cho tới bây giờ, và chắc là sẽ mãi đến khi tôi không còn sức đọc kinh Mân Côi được nữa, tôi luôn bắt đầu kinh này bằng cử chỉ hôn thánh giá, nếu đọc riêng thì tôi sẽ đọc thêm lời kinh “Chúng con lạy đội ơn…” Không phải vì tôi không biết rằng những nghi thức đó là không bắt buộc, nhưng tôi vẫn muốn giữ vì đó là điều mẹ tôi dạy. Mỗi lần đọc kinh Mân Côi là tôi ý thức được rằng mình đang tiếp nối truyền thống đức tin của gia đình, từ ông bà tổ tiên bao đời truyền lại cho tôi qua lời mẹ dạy. Do vậy với tôi thì kinh Mân Côi không chỉ là để ca tụng Đức Mẹ và tôn vinh Thiên Chúa. Nó còn là sợi dây thiêng liêng nối kết tôi với ba mẹ, với truyền thống gia đình, với giáo xứ nơi đức tin tôi được nuôi dưỡng. Suy rộng ra, kinh Mân Côi giúp tôi kết nối với toàn thể cộng đoàn dân Chúa trong Giáo hội. Giáo hội là nơi lưu giữ kho tàng đức tin được chia sẻ cho tất cả mọi người qua các nghi thức phụng vụ, qua các Bí tích, và qua các hình thức đạo đức bình dân như việc lần chuỗi Mân Côi.

Giuse Lê Đắc Thắng SJ