“Lạc đà chui qua lỗ cây kim còn dễ hơn người giàu có tiến vào Nước Chúa” (Mc 10,25).

Người ta có thể làm gì để được hạnh phúc? Thưa chẳng có gì bạn hay người khác có thể làm được. Tại sao? Đơn giản vì ngay lúc này bạn đã hạnh phúc. Làm sao bạn có thể tìm kiếm những gì bạn đã có?

Nếu vậy tại sao bạn không cảm thấy hạnh phúc mà bạn đã có? Vì đầu óc bạn lúc nào cũng làm bạn cảm thấy bất hạnh. Hãy dẹp bỏ sự bất hạnh mà đầu óc bạn gây ra, bạn sẽ thấy sự hạnh phúc vốn là của bạn xuất hiện ngay lập tức.

Làm sao dẹp bỏ sự bất hạnh?

Hãy tìm ra nguyên nhân làm bạn cảm thấy bất hạnh, rồi nhìn thẳng vào đó không rụt rè. Nó sẽ tự động biến mất.

Bây giờ, nếu nhìn kĩ, bạn sẽ thấy có một điều và chỉ có một điều làm bạn bất hạnh. Điều đó mang tên là Quyến Luyến.

Quyến luyến là gì?

Là tình cảm muốn đeo bám vào một điều gì đó, vì tin rằng nếu không có điều cụ thể ấy hay con người cụ thể ấy mình không thể nào hạnh phúc.

Tình cảm đeo bám này gồm hai yếu tố, một tích cực và một tiêu cực. Tích cực là cảm giác khoan khoái và hứng khởi vụt loé lên, là sự rung động bạn cảm thấy khi có được điều mình tha thiết. Còn yếu tố tiêu cực là cảm giác bị đe doạ và hồi hộp luôn xuất hiện mỗi khi bạn quyến luyến điều gì hay người nào. Hãy hình dung một người đang ăn vội vàng ở một trại tập trung: một tay đưa thức ăn vào mồm, tay kia che chắn thức ăn vì sợ người bên cạnh giành mất mỗi khi mình không chú ý. Đó là hình ảnh hết sức trung thực của người đang quyến luyến điều gì hay người nào.

Như thế, tự bản chất bất cứ sự quyến luyến nào cũng làm bạn dễ dao động, và bất cứ sự quyến luyến nào cũng đe doạ sẽ phá vỡ sự an bình nơi bạn.

Nếu vậy thì làm sao chúng ta có thể hi vọng một người đang sống trong tình trạng quyến luyến có thể bước vào đại dương hạnh phúc, tức là Nước Chúa? Chẳng khác gì lạc đà tìm cách chui qua lỗ cây kim!

Bi kịch của sự quyến luyến là nếu không nắm được đối tượng mình quyến luyến, mình sẽ cảm thấy bất hạnh. Nhưng dù có nắm được thì mình cũng chẳng thấy hạnh phúc hơn: mình chỉ cảm thấy chút khoan khoái loé lên và ngay sau đó, cảm thấy chán ngán; chưa kể: chúng ta còn luôn cảm thấy lo lắng là sẽ đánh mất đối tượng mình đang quyến luyến.

Bạn sẽ nói: ”Chẳng lẽ tôi không thể giữ một điều mình quyến luyến sao?” Dĩ nhiên là được. Thậm chí bạn có thể giữ bao nhiêu điều mình quyến luyến tuỳ ý. Nhưng bạn sẽ phải trả một cái giá là mất đi hạnh phúc phải có để đổi lấy sự quyến luyến ấy.

Hãy thử nghĩ xem: sự quyến luyến có bản chất rất kinh khủng là cho dù chỉ trong một ngày bạn có thoả mãn được nhiều điều quyến luyến chăng nữa, chỉ cần một điều quyến luyến chưa thoả mãn được là lập tức điều này sẽ ám ảnh đầu óc bạn và làm bạn bất hạnh.

Không có cách nào thắng được cuộc chiến của các sự quyến luyến. Tìm sự quyến luyến mà được hạnh phúc thì cũng chẳng khác gì đi tìm nước mà không muốn bị ướt.

Chưa ai trên đời này đã hạnh phúc nhờ tìm ra một công thức để có được các điều mình quyến luyến mà không phải nếm trải những chiến đấu, lo lắng, sợ hãi và sau cùng, không sớm thì muộn phải thất bại.

Chỉ có một cách duy nhất thắng được cuộc chiến của các điều quyến luyến là dẹp bỏ các điều ấy.

Trái với tin tưởng của nhiều người, dẹp bỏ các điều mình quyến luyến không phải là chuyện khó. Bạn chỉ cần chiêm nghiệm, chiêm nghiệm sự thật, các sự thật sau đây.

1. Sự thật thứ nhất: bạn đang bám vào một niềm tin sai lạc hay nói rõ hơn, bạn đang khư khư tin rằng không có con người ấy hay sự vật cụ thể ấy bạn sẽ không hạnh phúc.

Thử chọn ra từng điều quyến luyến của mình và nhìn thẳng vào niềm tin sai lạc ấy. Có thể khi làm thế bạn sẽ cảm thấy con tim mình kháng cự lại, nhưng chính khi nhìn thấy như thế, bạn sẽ thấy kết quả ngay lập tức. Chính ngay lúc nhìn thấy như thế, bạn sẽ thấy sự quyến luyến không còn mạnh mẽ nữa.

2. Sự thật thứ hai: Nếu có phải hưởng điều nào, bạn cứ hưởng mà đừng để mình quyến luyến điều ấy, nghĩa là đừng tin tưởng sai lạc rằng mình sẽ không hạnh phúc nếu thiếu điều ấy: nhờ đó bạn sẽ không phải chiến đấu và ra sức bảo vệ điều ấy, gìn giữ điều ấy cho mình.

Bạn có bao giờ thấy rằng mình có thể giữ tất cả những gì mình quyến luyến, không cần dẹp bỏ chúng, không cần khước từ bất cứ điều quyến luyến nào, bạn còn có thể tận hưởng những điều ấy nhiều hơn nữa vì đã không quyến luyến cũng chẳng bám víu, vì lúc này bạn đã cảm thấy an bình, thư giãn và không còn cảm thấy bị đe doạ khi tận hưởng chúng?

3. Sự thật thứ ba cũng là sự thật cuối cùng: nếu biết tận hưởng hương thơm của ngàn cánh hoa, bạn sẽ không tìm cách bám vào một cánh hoa nào, cũng chẳng cảm thấy đau khổ khi không có được cánh hoa ấy.

Nếu bạn có cả ngàn thức ăn ngon, thì có mất một món bạn cũng chẳng để ý, hạnh phúc của bạn sẽ không vì thế mà bị sút giảm. Nhưng nếu quyến luyến tới một món nào, bạn sẽ không có dịp nếm các sự vật và con người cách rộng rãi và đa dạng.

Nếu ghi nhớ các sự thật này, bạn sẽ không thấy còn quyến luyến điều gì nữa. Tuy nhiên, ánh đèn phải chiếu sáng không ngừng thì mới  đáng gọi là đèn. Chỉ khi nào sống trong bóng tối của ảo tưởng người ta mới hay quyến luyến.

Người giàu có không thể tiến vào vương quốc hoan lạc, không phải vì họ xấu mà chỉ vì họ muốn tiếp tục sống trong mù quáng.

Tác giả: Anthony de Mello, S.J.
Dịch giả: Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành
Trích sách: Tiếng gọi yêu thương