Bài Mới

 

 

 

lemonde.fr, Anne Chemin, 

 

Vào thời Trung cổ, việc chồng “sửa sai” vợ không những là một quyền mà còn là một bổn phận. Mãi cho đến Thời Khai sáng, nguyên tắc này mới thành lỗi thời và vào cuối thế kỷ 19 xã hội mới bớt khoan dung với sự tàn bạo đối với phụ nữ.

Cảnh người đàn ông đe dọa, tay giơ lên, trước cái nhìn dửng dưng của những người hàng xóm, ông túm tóc người phụ nữ đang khiếp sợ, dí cô xuống đất. Cảnh này trích từ bản thảo quyển Roman de la Rose của Guillaume de Lorris và Jean de Meung, hình ảnh minh họa có từ cuối thế kỷ 15. Cũng cảnh tương tự vẽ bốn thế kỷ sau, năm 1899, người đàn ông tức giận sắp ném ghế vào đầu người phụ nữ tội nghiệp mặc áo ngủ, đi chân đất, đang sợ hãi ôm lấy đầu.

Cùng một cảnh, cách nhau bốn trăm năm? Cùng cái chết sẽ đeo đuổi phụ nữ trong nhiều thế kỷ?

Bạo lực giữa vợ chồng không phải lúc nào cũng có cùng một khuôn mặt, nhưng nó trải dài qua các thời đại với tính nhất quán cao: trong các thủ tục ly thân hợp pháp thời trung cổ cũng như trong các đơn khiếu nại gởi đến hệ thống tư pháp hình sự của thế kỷ 19, trong các vụ được đưa ra Nghị viện Paris, Chế độ cũ, cũng như các bài phát biểu của phụ nữ bị ngược đãi trong những năm 1970, các kịch bản thường lặp lại. Những lời xúc phạm, sỉ nhục, đòn roi…

Nếu lời nói và hành động giống nhau, thì cách xã hội nhìn nhận những trường hợp này cũng đã thay đổi sâu sắc. Được xem là cần thiết, thậm chí hợp pháp do “phong tục” thời Trung cổ – các quyền, phong tục và quy tắc cụ thể cho từng cộng đồng, áp đặt lên người chồng “nghĩa vụ sửa chữa” – bạo lực vợ chồng không còn được khuyến khích, nhưng được chấp nhận rộng rãi ở thế kỷ 19 vì xã hội được tổ chức xung quanh nhân vật có toàn quyền là chủ gia đình. Một thế kỷ rưỡi sau, sự khoan dung này nhường chỗ cho sự lên án mạnh mẽ: ngày nay, bạo lực giữa vợ chồng dấy lên sự phản đối nhất trí về mặt đạo đức, xã hội, chính trị và hình phạt.

 

“Nhiệm vụ sửa sai bằng đòn”

 

Làm thế nào để hiểu, cùng một cử chỉ được cho là chính đáng và hợp pháp ở thời Trung cổ lại là hành vi đáng trách nhưng có thể hiểu được ở thế kỷ 19 và bây giờ là hành vi không thể chấp nhận được ở thế kỷ 21?

Bà Elisabeth Lusset, sử gia, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia CNRS phân tích: “Sự thay đổi quan điểm này là kết quả của một quá trình phát triển tâm lý chậm chạp. Trong quá trình kéo dài hàng thế kỷ này, có ba yếu tố mang tính quyết định: sự phản đối ngày càng tăng với bạo lực thể xác trong gia đình, sự can thiệp ngày càng hợp pháp của nhà nước vào lĩnh vực tư nhân và dĩ nhiên là sự xuất hiện dần dần quyền bình đẳng giữa nam nữ.”

Trào lưu lên xuống của ba cuộc cách mạng tâm lý này, kể từ thời Trung cổ, đã định hình cách chúng ta nhìn nhận cái mà ngày nay chúng ta gọi là “bạo lực vợ chồng”. Qua nhiều thế kỷ, bằng cách đảo ngược hệ thống phân cấp của các giá trị chung, họ đã dần dần theo dõi thềm chịu đựng, thay đổi diễn từ chính trị, sửa đổi các tiêu chuẩn tư pháp.

Ngược với những gì chúng ta thường nghĩ, cú đánh của người chồng trên người vợ không phải là bất biến, nhưng là một “quá trình xây dựng tập thể lâu dài” theo nhà sử học Victoria Vanneau nghiên cứu. Vào thời điểm đó, những người đứng đầu gia đình có nhiệm vụ phải sửa sai bằng đòn roi tất cả những ai sống dưới mái nhà của họ – người giúp việc, con cái và cả vợ của họ. (Từ điển về đòn roi và đánh đòn. Sửa sai và trừng phạt Dictionnaire du fouet et de la fessée. Corriger et punir, nxb. PUF). Bà Vanneau nói tiếp: “Sự tàn bạo hoàn toàn được chấp nhận: vào thời Trung Cổ, chúng ta không thể quan niệm giáo dục mà không có bạo lực, với trẻ em cũng như với phụ nữ, những người bị cho là trẻ vị thành niên mà chồng của họ phải đưa họ trở lại con đường đúng đắn.”

 

“Nhắc các ông chồng lỏng lẻo vào lệnh”

Được viết vào thế kỷ 13 và 14, “phong tục” cho phép gia chủ ø được quyền làm bị thương vợ mình – với điều kiện không được làm vợ bị thương quá nhiều, nhà sử học André Maillard tóm tắt vào năm 1908.  Trong quyển Phong tục của Clermont-en-Beauvaisis (1283), luật gia Philippe de Beaumanoir xác định, nếu người phụ nữ “phát điên với cơ thể của mình, hoặc bà nói dối chồng, nguyền rủa chồng hoặc không tuân theo lệnh hợp lý của chồng, người chồng có quyền trừng phạt cách hợp lý”.

Vì ông có toàn quyền ở nhà, toát khỏi công lý của lãnh chúa hoặc nhà vua – quy định theo phong tục Bergerac, chỉ trừ khi có “cái chết, cắt xén các cơ quan hoặc ông dùng vũ khí nhọn để cắt”.

Vì hôn nhân là bất khả phân ly và cấm ly dị nên phụ nữ chỉ có cách duy nhất là xin thẩm phán cho phép ly thân hợp pháp – một thủ tục mà nhà sử học Martine Charageat và luật gia Simona Feci nhấn mạnh trong quyển Từ điển về đòn roi và đánh đòn, một thủ tục thường ít thành công kể cả khi đòn roi tàn bạo, nằm trong lãnh vực lạm dụng trong giáo luật.

Theo các sử gia, vào thời Trung cổ, để đàn ông tuân thủ nghĩa vụ sửa sai trong hôn nhân, các nhà chức trách thế tục và tôn giáo đã không ngần ngại kêu gọi họ không được lỏng lẻo với các bà vợ khó bảo hoặc không chung thủy của họ. Sử gia Elisabeth Lusset cho biết thêm: “Thời Trung Cổ, xã hội có quy định về ‘nghĩa vụ’ sửa sai. Vai trò của người chủ gia đình là đảm bảo trật tự trong gia đình mình: nếu ông không xử phạt hành vi sai trái của vợ, ông bị cho là người chồng lỏng lẻo.”

 

Ngưỡng chịu đựng rất cao

 

Từ thế kỷ 12, đã có các nghi thức lễ hội và trừng phạt chế giễu những người chồng không biết cách “trị” vợ. Họ bị ngồi lộn ngược trên lưng lừa, tay cầm đuôi con vật, họ bị đem đi diễu hành trên đường phố trước tiếng cười, bài hát và sự chế nhạo của đám đông. Nhà sử học Diane Roussel viết trong Từ điển về đòn roi, hình phạt khét tiếng này cho thấy sức mạnh của xã hội nhằm dạy những ông chồng bằng lòng vợ, nhưng cũng dạy cho các người hàng xóm đã để chuyện này xảy ra.

Nếu việc cưỡi lừa này bị cấm từ thế kỷ 16, thì “nghĩa vụ sửa chữa” vẫn tồn tại hàng trăm năm, bám chặt vào tâm lý tập thể. Vào thế kỷ 17 và 18, sự tàn bạo của người chồng vẫn được xem là cần thiết, thậm chí là hợp pháp, nhà sử học Charlotte Solange Fuchs ghi lại, người vợ đã phải chịu tai họa của họ, tuân mệnh lệnh, luôn sẵn sàng theo ý chồng, dù chỉ là một nháy mắt nhỏ nhất, thực hiện mọi ý muốn của chồng.

Ngưỡng chịu đựng trong Chế độ Cũ rất cao: cả khi hành vi hung bạo khi ở trong trạng thái “điên tiết”, diễn ra trước mắt mọi người, những người xung quanh chỉ can thiệp khi thấy người vợ sắp bị nguy hiểm. Phản ứng phổ biến nhất là để vợ chồng tự dàn xếp. Theo thống kê, sự can thiệp của công chúng vào cảnh gia đình vẫn còn rất ít.

 

Thế kỷ 19, “hôn nhân tình yêu”

 

Đến Thời Khai sáng, quan điểm về nghĩa vụ sửa sai bắt đầu thay đổi nhưng rất chậm. Frédéric Chauvaud, giáo sư lịch sử đương đại tại Đại học Poitiers, nhận xét: “Sau đó, một số nhà văn và triết gia bảo vệ ý kiến cho rằng hôn nhân nên là nơi của một khuynh hướng đã chọn. Vào năm 1780, luật gia vĩ đại Pierre-François Muyart de Vouglans trong một tác phẩm về luật hình sự, cho rằng người chồng sát nhân phải đền tội suốt đời. Quan điểm này dần xuất hiện sẽ được thể hiện rộng rãi hơn vào thế kỷ 19, với ý tưởng về hôn nhân tình yêu.”

Bằng cách sửa đổi các giá trị xã hội của Chế độ Cũ, quan niệm mới về tình vợ chồng này dần dần thay đổi ranh giới của những gì không thể chấp nhận được. Nhà sử học Elisabeth Lusset nhấn mạnh: “Thế kỷ 18 là thời kỳ đạo đức hóa các mối quan hệ hôn nhân. Người chồng chắc chắn phải sửa dạy vợ mình, nhưng họ phải làm trong điều độ hoặc ‘bác ái’ theo cách nói của các cha giải tội. Họ phải đối xử dịu dàng và trong tình bạn như Bách khoa toàn thư khuyến nghị. Từ đó là ý tưởng hỗ tương với quyền và nghĩa vụ nhiều hơn giữa vợ chồng: bạo lực ngày càng ít được chấp nhận.

Nguyên tắc sửa sai vẫn chưa được đặt vấn đề, nhưng tàn ác hung bạo đã bị xã hội lên án và đôi khi bởi công lý. Dù các trường hợp bạo lực gia đình rất hiếm xảy ra, ngày càng có nhiều phụ nữ quyết định ra tòa.

 

… Cả một tiến trình lịch sử kéo dài cho đến khi làn sóng nữ quyền xuất hiện

Trong những năm hoạt động tích cực, việc chính trị hóa vấn đề bạo lực gia đình đi kèm với hành động trên địa bàn: năm 1978, cơ quan Cứu giúp Phụ nữ (SOS Femmes Alternative) lần đầu tiên mở nơi trú ẩn cho phụ nữ bị bạo hành ở Clichy, trụ sở có tên một nhân vật của chủ nghĩa xã hội không tưởng của Thế kỷ 19, Flora Tristan. Bà Christine Bard lưu ý: “Phong trào Giải phóng Phụ nữ từ chối thay thế các cơ quan công quyền, nhưng các nhóm đấu tranh chống bạo lực gia đình áp dụng cách tiếp cận vừa thực dụng vừa tiên phong. Họ thành lập các hiệp hội và thiết lập các trung tâm tiếp nhận, đường dây điện thoại sẽ cùng tồn tại với các công trình công cộng.”

Đầu thế kỷ 21, cuộc chiến chính trị và ý thức hệ chống bạo lực gia đình đã giành thắng lợi. Sự tàn bạo này, hóa ra lại phổ biến hơn chúng ta nghĩ rất nhiều – cuộc khảo sát quốc gia về bạo lực trên phụ nữ công bố năm 2000, cho thấy cứ mười phụ nữ có một phụ nữ bị bạo lực gia đình.

Nhà sử học Frédéric Chauvaud nhận xét: “Từ những năm 1990, vấn đề này đã được chú ý ở Pháp cũng như ở các diễn đàn quốc tế, qua Tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc về xóa bỏ bạo lực với phụ nữ năm 1993 hay Hội nghị thế giới về xóa bỏ bạo lực với phụ nữ ở Bắc Kinh, năm 1995.

Sự huy động của các cơ quan công quyền rõ ràng đã không chấm dứt bạo lực vợ chồng như dùng đũa thần, nhưng nó đã biến những hành vi bạo lực trong nhiều thế kỷ được xem là tầm thường, thậm chí hợp pháp, trở thành một điều bất thường bị xã hội, công lý và chính quyền lên án mạnh mẽ.

Kể từ năm 2017, một cuộc cách mạng về tinh thần được củng cố qua phong trào #metoo, đã đánh dấu sự thống nhất của làn sóng nữ quyền xung quanh cuộc chiến chống lại bạo lực đối với phụ nữ. Bà Christine Bard kết luận: “#metoo sẽ vẫn là một trong những sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử nữ quyền” và cuộc chiến chống lại sự tàn bạo giữa vợ chồng, trong 5 năm, là tâm điểm cuộc chiến của phong trào mạnh mẽ này.

 

Marta An Nguyễn dịch