Bài Mới

 

famillechretienne.fr, Pauline Quillon, 

Tác giả của hai quyển sách được đánh giá cao về nữ tính và khiết tịnh, Gabrielle Vialla, người mẹ và người bạn đồng hành của các cặp vợ chồng, xuất bản quyển sách Giáo dục ý thức từ thời thơ ấu (Éduquer la conscience dès l’enfance, nxb. Artège).

Để làm cho lương tâm đứa bé lớn lên nhưng vẫn tôn trọng nó, chúng ta có thể bắt chước cách Chúa đánh thức lương tâm của những người Ngài nói chuyện và sự tế nhị vô biên của Ngài.

Hiếm có quyển sách nào đề cập đến chủ đề giáo dục và ý thức. Và cũng hiếm những vấn đề nào mấu chốt hơn. Làm thế nào để nghe trong tâm hồn trẻ em tiếng nói này, tiếng nói chỉ nói tiêng cho các em, mà chúng ta không bị rơi vào cạm bẫy của một bên là chủ nghĩa khắt khe và bên kia là chủ nghĩa tương đối? Được nuôi dưỡng với tư tưởng sâu đậm của Đức Gioan-Phaolô II và của thần học gia về lương tâm, hồng y John Henry Newman, tác giả Vialla mang lại cho chúng ta một phân tích rất hay, cắm rễ trong đời sống hàng ngày về cách mà lương tâm chúng ta bị ngộp thở hay được triển nở.

Bài phỏng vấn

Xin bà cho biết vì sao phải giáo dục lương tâm?

Gabrielle Vialla. Lương tâm cần được thanh tẩy, vì nó có thể bị lầm lạc. Quan niệm đương đại về lương tâm làm cho cá nhân, bị cô lập khỏi mọi thẩm quyền, trở thành người phán xét các giá trị để họ có thể xác định được thiện và ác. Đó là điều không tưởng, bởi vì chúng ta không được sinh ra với những giá trị của mình, nhưng chúng ta được hình thành qua các mối quan hệ liên cá nhân. Không tham chiếu đến một quy luật tự nhiên, chúng ta bị xã hội điều kiện hóa. Ngược lại, thánh Tôma Aquinô khẳng định, nhờ lý trí, lương tâm chúng ta có thể biết được luật tự nhiên. Hồng y Newman nói thêm, quy luật khách quan đi qua ý thức một cách độc đáo và cá nhân. Như thế luật thần thánh được ghi khắc trong tim, được khám phá nhờ trí thông minh và nhất là được soi sáng nhờ gắn bó với Chúa Kitô.

Có phải thuyết tương đối là trở ngại duy nhất cho việc lương tâm mở ra không?

Một loại co cụm lương tâm một cách nào đó nằm ở việc tuân theo huấn quyền, vốn nuôi dưỡng sự ngờ vực lương tâm. Người ta thích có một cẩm nang để là người tín hữu kitô và trốn khỏi nơi chốn mật thiết nhất này, đó là chính chúng ta. Lương tâm làm chúng ta sợ hãi: chúng ta cảm thấy lương tâm có thể đưa chúng ta đi quá xa hoặc hạn chế tự do chúng ta, và chúng ta trốn nó.

Chúng ta có thể giáo dục lương tâm ngay từ đầu đời không?

Chắc chắn. Bằng cách bắt chước. Sự gần gũi của đứa trẻ với thần thánh – nhìn cha mẹ cầu nguyện, ca hát bằng cử chỉ hoặc tham dự thánh lễ – thúc đẩy sự thức tỉnh của ý thức. Tôi muốn nói cử chỉ tốt đẹp của việc chúc lành, trong đó thừa tác vụ của cha mẹ được thực hiện và đứa con được mời ở lại trong khoảng không gian của phép lành này. Cha mẹ có một trách nhiệm nặng nề. Nhưng cẩn thận, dù sao họ không nên kiểm soát mối quan hệ của con mình với Chúa. Chúng phải đứng trước cánh cửa của lương tâm, không ép buộc, cũng không dùng công cụ kiểm tra lương tâm để bắt con ứng xử thế này hay thế kia.

Làm thế nào để tôn trọng lương tâm của đứa trẻ, đồng thời hướng dẫn nó?

Đầu tiên, bằng cách nghe chính lương tâm của mình và tin tưởng vào đó. Chúa làm nên những điều kỳ diệu, thậm chí qua cả những sai lầm trong giáo dục của chúng ta. Sau đó, chúng ta có thể bắt chước cách mà Chúa đánh thức lương tâm của những người Ngài đối thoại trong Tin Mừng, sự tinh tế vô biên của Ngài. Những câu hỏi mở của Ngài như Ngài đã hỏi người mù: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Đứng trước người đàn bà ngoại tình, Ngài đặt mỗi người đứng trước lương tâm của mình. Giống như Chúa Giêsu, chúng ta phải nói về các nguyên tắc đạo đức qua các câu chuyện và tin tưởng vào lương tâm của con mình.

Đâu là mối liên hệ giữa tính tự chủ và lương tâm ngay chính?

Tự kiểm soát là cần thiết cho sự phát triển của nội tâm. Học cách chờ đợi giúp cho chúng ta không phụ thuộc vào việc phải làm ngay tức thì và lắng nghe lương tâm của mình. Ở thời buổi mà thông báo liên tục reo trên điện thoại thì điều này đúng với mọi người. Đó là học trau dồi đức hạnh. Học cách trì hoãn niềm vui là món quà tuyệt vời mà cha mẹ có thể cho con cái mình. Một giáo dục thiếu tự chủ, đặc biệt là trong lãnh vực thực phẩm tạo tác hại lớn cho đứa trẻ và sẽ có thể có tác động trên tính dục của nó. Nhưng cẩn thận vẫn không thừa. Điều này phải dần dần, nhân từ, thích nghi. Nếu chúng ta có nguy cơ áp đặt các quy tắc mà đứa bé không thể tuân thủ trong lòng, nó sẽ vi phạm ngay khi có thể. Sợ bị trừng phạt có thể làm cho chúng sống hai mặt. Trong những gia đình muốn làm quá tốt và kiểm soát mọi thứ, chúng ta thấy các em bé có hai mặt.

Thời buổi của xét mình, có phải đây là một hình thức hướng nội không?

Sự suy ngẫm dữ dội về bản thân là một cạm bẫy. Khi chúng ta lắng nghe lương tâm của mình, chúng ta không lắng nghe chính mình. Đó là người chủ nội tâm. Chúng ta phải cảm nghiệm nội tâm này, nơi Chúa nói với chúng ta, trái ngược với tính tự mê, cắt  chúng ta khỏi Thiên Chúa. Tôi không nói về sự đau khổ luân lý, làm mình tự co vào chính mình, như Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã biết, ngài nhạy cảm và bị tổn thương vì cái chết của mẹ. Thánh Newman nói đến một nội tâm sùng bái thần tượng, khi chúng ta không tìm Chúa mà tìm chính mình; chúng ta tự khen mình. Người pharisêu thường bị cám dỗ tự mãn. Một giáo dục bị hiểu sai sẽ làm chúng ta phạm những lỗi kiểu muốn làm mọi chuyện hoàn hảo. Điều giải thoát chúng ta khỏi tinh trạng ngại ngùng đắn đo này là quan hệ liên vị với Chúa Kitô, trở về với giây phút hiện tại và nhờ đến ân sủng.

Lương tâm là gì? Theo nghĩa thông thường nhất, đó là khả năng của chủ thể nhận biết chính mình và nhận biết thế giới. Lương tâm mà tác giả Gabrielle Vialla nói đến là lương tâm đạo đức, nơi bên trong con người, để chủ thể phân biệt điều thiện và điều ác. Theo hồng y Newman, nó kêu gọi sự hình thành của ý chí và trí thông minh.

Ở tuổi thiếu niên, bà thiết lập một mối liên hệ rất mạnh mẽ giữa việc giáo dục lương tâm và giáo dục đức khiết tịnh. Vì sao?

Một người không đến với lương tâm của mình khi họ chạy trốn lương tâm hoặc để cho lương tâm bị chai đá, thì họ sẽ làm giảm đi khát vọng của một tâm hồn khiết tịnh, và từ đó là ơn của chính con người mình. Vì chính nhờ lương tâm mà chúng ta “tôn trọng những gì đến từ Thiên Chúa” – câu Đức Gioan-Phaolô II thường dùng trong các bài giáo lý của ngài để nói về thân xác và đức khiết tịnh. Nếu chúng ta quan tâm đến việc hình thành lương tâm của các người trẻ, chúng ta chuẩn bị cho các em chiến đấu với những cuộc chiến mà các em không thể nào không gặp trên đường đời, cuộc chiến của khiêu dâm, rối loạn tình dục, tránh thai và phá thai… Đó cũng là khởi đầu lương tâm của các em đã được hình thành tốt, các em sẽ là những chứng nhân cao cả cho vẻ đẹp của tính dục con người, được Thiên Chúa ghi khắc nơi nữ tính và nam tính. Đứng trước những bi kịch liên quan đến thể xác và tính dục, các em sẽ biết cách không để mình bị lôi cuốn, không phán xét người khác, nhưng vẫn vui tươi và là cộng tác viên của Sự Thật.

 

Marta An Nguyễn dịch

phanxico.vn