Domínikos Theotokópoulosa, được gọi là El Greco, sanh ngày 1 tháng 10 năm 1541 tại Candia. Qua đời ngày 7 tháng 4 năm 1614 tại Toledo, là một họa sĩ, nhà điêu khắc và kiến trúc sư người Tây Ban Nha gốc Hy Lạp. 

Khung cảnh của bức tranh minh họa một đoạn từ Sách Công Vụ Tông đồ 2,1-14

“Khi đến ngày Lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ tập. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thư tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho”(Cv 2, 1-4)

Đây là bức tranh nổi tiếng của họa sĩ người Hy Lạp El Greco được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1597 đến năm 1600 tại Toledol.

Bức tranh được vẻ cho bàn thờ của nhà nguyện đại học Dona Maria de Aragon. Người họa sĩ đã mượn ngòi bút tài tình của mình vẻ lên hình ảnh sống động “Biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày Lễ Ngũ Tuần”.

Trong bức tranh này, nét đặc biệt là làm nổi bật sự hùng hồn của màu sắc và sự kỳ lạ của bản vẽ tỏa ra và mang lại cho toàn bộ một sức mạnh nổi bật, đáp ứng với tính cách ảo tưởng, hoặc kỳ diệu của câu chuyện. El Greco đặt các nhân vật chính trên bậc cầu thang, Thánh Phêrô ở phía trước. Đến Mẹ Maria ở trung tâm của các Tông đồ ở phía sau, Maria Magdalena bên cạnh,  đó là một loạt các khuôn mặt, thái độ, cử chỉ biểu cảm cho thấy hành động của Chúa Thánh Thần ở giữa họ, ở giữa chúng ta.

 

Trọng tâm của bức tranh là hình ảnh chim bồ câu, đề cao sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Ngài đi xuống dưới dạng lưỡi lửa, tỏa ra một ánh sáng chiếu sáng toàn bộ khung cảnh.

Ngài đã đến trên Đức Trinh Nữ Maria, các tông đồ và hai người phụ nữ. Do đó, mọi con mắt đều hướng về chú chim bồ câu này ngoại trừ hai môn đệ nhìn vào Đức Trinh Nữ Maria và một người nhìn về phía dưới.

Khung cảnh được đóng chặt chẽ trong một không gian kín với một ánh sáng quang phổ cho thấy các nhân vật rất biểu cảm. Hình dạng và khuôn mặt được đơn giản hóa.

 

Bức tranh thẳng đứng phóng lớn hình dạng của các nhân vật nhận được ngọn lửa thần thánh từ Trời Cao. Ngọn lửa trên đầu họ là ngọn lửa thiêng liêng mà họ đang nhận được.

Các nhân vật đang bàng hoàng, bảng màu lung linh. Ở trung tâm của tác phẩm, chỉ một mình Đức Trinh Nữ Maria chắp tay cảm tạ Chúa cho món quà ân sủng này.

 

Ngoài Đức Trinh Nữ Maria, có thêm hai người phụ nữ trong bức tranh. Một người nghiêng đầu như đang tựa vào vai của Đức Mẹ. Còn người kia thì cùng chung hướng nhìn với các môn đệ. Vậy họ là ai? Vì sao El Greco họa ba người phụ nữ trong bức tranh này?

El Greoco đã dùng tài năng nghệ thuật của ông vẻ lên tầm quan trọng của các phụ nữ trong Kinh Thánh.  Bắt đầu từ biến Cố Truyền Tin, Chúa Giáng Sinh, Chúa đi rao giảng, Cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu, sự Phục Sinh của Ngài cho đến ngày Giáo Hội được khai sinh- Lễ Ngũ Tuần. Lúc nào cũng có sự hiện diện của các phụ nữ.

 

Trên đường lên núi sọ, có sự hiện diện của nhiều người phụ nữ. Luca 23, 27: „Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người”.

Sau khi Đức Giêsu tắt thở, Lc 23, 47: „Đứng đàng xa, có tất cả những người quen biết Đức Giêsu cũng như những phụ nữ đã theo Người từ Galilê; các bà đã chứng kiến những việc ấy”.

Sau Phục Sinh, Lc 24, 1: „Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn”.

Các Tông đồ đã không tin lời các phụ nữ, Lc 24, 10: „Mấy bà nói đây là bà Maria Magdalena, bà Johanna, và bà Maria, mẹ ông Giacôbê. Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các Tông Đồ như vậy”

 

Sách Công Vụ Tông Đồ chương 1, câu 14:  „Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu của Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu”.

 

  • Sự khiêm nhường của Đức Trinh Nữ Maria được diễn tả bằng sự kết hợp sâu xa giữa mình và Chúa Thánh Thần qua ánh mắt của Mẹ hướng về trời cao, với lòng cảm tạ sâu sắc qua hình ảnh chắp đôi tay. Mẹ Maria có mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa Ba Ngôi, vì Mẹ là Ái Nữ của Thiên Chúa Cha, Hiền Mẫu của Thiên Chúa Con, và Hiền Thê mầu nhiệm của Chúa Thánh Thần.
  • Maria Magdalena dựa đầu vào vai Mẹ như  „muốn nói lên con yêu mến Mẹ. Để qua Mẹ, Thánh Thần Chúa sẽ đến trong tâm hồn của con. Một con người với quá khứ tội lỗi”.
  • Tuy không thấy được khuôn mặt của người phụ nữ , nhưng ta thấy được đôi tay của bà đang dang rộng đón nhận Thánh Linh Chúa từ trời cao.

 

 

Qua bức tranh con nhận ra một điều rất đẹp. Đó là sự liên đới trong ngày Giáo Hội khai sinh - Ngũ tuần trên trời và trần gian

  • Thiên đàng, trên trời cao cho phép Thánh Linh xuống dưới dạng một con chim bồ câu

Trần gian, với sự biến hình của những người nhận được Thánh Linh và sự xuất hiện của họ thay đổi rõ ràng trong mắt của người quan sát bên ngoài. Cuộc sống của họ sẽ không bao giờ giống nhau sau sự kiện thành lập Giáo hội này: từ bây giờ họ sẵn sàng thông báo tin mừng về Sự Phục sinh cho toàn nhân loại. Họ sẵn sàng bay theo Chúa Thánh Linh.

Sức bay mà Thánh Linh Chúa cho họ là sức sống phát ra từ chính Ngài. Sức sống ấy chắp cánh cho họ. Đôi cánh Ngài cho là sự khiêm tốn biết mình với tâm hồn đơn sơ phó thác. Họ đi loan truyền Thiên Chúa Tình yêu, một Thiên Chúa mà họ đã được sống chung. Họ kể lại cách Chúa đi vào đời của họ. Họ tả lại dung mạo của Chúa. Họ làm chứng về sự cứu độ của Đức Kitô. Chính nhờ đi theo Ngài qua con đường khổ nạn mà họ được tái sinh và phục sinh. Họ làm chứng về sự cầu nguyện, luôn luôn dựa vào lời Chúa và quy về thánh ý Chúa.

Lạy Chúa Thánh Thần, nhờ Người mà con được tái sinh. Nhờ sự tái sinh này, con có một cái nhìn mới về bản thân mình và về những người anh chị em chung quanh con. Con nhận biết mình được Chúa yêu thương, Người đổi mới tâm hồn con. Người cho con niềm tin, một số hiểu biết về tình xót thương Chúa dành cho con. Con nhận biết mình luôn phải trở về với tinh thần người con trẻ, với tâm hồn đơn sơ phó thác, luôn xin chấp nhận những giới hạn trong mọi phương diện.

Xin cho con luôn biết vun xới thửa vườn của mình, gieo chăm sóc những hạt giống tốt bằng các việc lành nhỏ bé hằng ngày để được góp phần vào chương trình cứu độ. Phần con đóng góp chính con người của con.

  • Một con người đầy hy vọng và tình yêu, dù phải gặp bao gian truân khốn khó: „Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ thánh Thần mà Người ban cho chúng ta”. (Rm 5,5).
  • Một con người tự do, bởi vì sống trong Chúa Thánh Thần: „Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do” ( Cor 3,17). Tự do mở lòng hướng về tha nhân. Trong bác ái khiêm tốn chấp nhận quên mình. 

Con xin mượn một câu nói của một người Bố quá cố để làm lời kết cho bài suy niệm,

Thật vậy từ vô hình sẽ trở thành hữu hình.

Chúng con không thấy được Chúa, không nghe được Chúa, không được nắm tay Chúa. Nhưng nhờ Thánh Linh Chúa chúng con sẽ thấy Chúa sâu xa, tinh tuyền và thiêng liêng hơn. Chúng con sẽ cảm nhận được Lời của Người từ tận đáy lòng mình. Chúng con sẽ hiệp thông được với sự sống của Người một cách hoàn hảo và tốt đẹp hơn.

Thánh Linh Chúa sẽ làm cho Chúa Kitô Phục Sinh hiện diện bên cạnh chúng con và ở trong chúng con. Không có Thánh Linh, chúng con không thể đến được với Chúa Kitô.

Con xin mời mọi người nhìn lại mình và tự hỏi:

  • Tôi có tin tưởng Thánh Linh đủ chưa?
  • Tôi có năng cầu nguyện cùng Người hay không?
  • Tôi có cảm tạ Chúa Cha và Chúa Kitô đã ban Thánh Linh cho tôi hay không?
  • Tôi có cảm nhận được sự hiện diện của Người trong đời sống của tôi hay không?

Chúng ta hãy tha thiết cầu nguyện cho nhau, để mỗi người chúng ta, bất cứ là ai, bất cứ ở địa vị nào, biết mang lại cho mọi người sự bình an thực sự trong Chúa Thánh Thần. Amen.

 

 

Hanna Hạnh

Denges, 20.05.2022 (Sinh nhật 33t hai con yêu dấu TT)