Bức tranh Đức Kitô PANTOCRATOR (Chủ tể muôn loài), có một vẻ đẹp mỹ thuật đặc biệt, gợi nhớ lời Thánh vịnh : “Giữa thế nhân, ngài vô song tuyệt mỹ, ân sủng được tuôn đổ trên môi ngài”(Tv 44 [45], 3). Áp dụng lời ca ngợi này vào Chúa Giêsu, thánh Gioan Kim Khẩu viết : “Đức Kitô ở vào tuổi tuyệt vời, trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần; nơi Người chiếu tỏa một nét đẹp trên cả hai bình diện, nét đẹp của tâm hồn và nét đẹp của thể xác” (Giáo phụ Hy Lạp [PG] 52,479).

Bằng ngôn ngữ tượng hình, bức tranh này là một tổng hợp các Công đồng chung đầu tiên, không những trình bày vẻ huy hoàng của nhân tính, nhưng cả vinh quang của thần tính Chúa Giêsu.

Đức Kitô mặc một áo dài đỏ, bên ngoài là một áo choàng xanh đậm. Hai màu sắc này nhắc nhớ đến hai bản tính của Người, trong khi các phản chiếu ánh vàng gợi lên ngôi vị thần linh của Ngôi Lời. Từ vai phải có một dây các phép nạm vàng sa xuống, biểu trưng chức tư tế vĩnh cửu của Người. Gương mặt Người, uy nghi và trang trọng, được bao bọc bằng bộ tóc dày trên  nền một hào quang ở giữa có hình thánh giá. Trên hình thánh giá có ba mẫu tự O Ô N (Người là Đấng Hiện Hữu) lấy lại mạc khải danh Thiên Chúa trong sách Xuất Hành 14,3. Trên cao, ở viền bức tranh có hai cặp mẫu tự “IC – XC” (“Jesus” – “Christus”) tạo thành tựa đề cho bức ảnh.

Bàn tay mặt, ngón cái và ngón đeo nhẫn gấp lại gần như đụng nhau (để chỉ hai bản tính của Đức Kitô trong sự hợp nhất của ngôi vị), được trình bày với cử chỉ đặc trưng của việc ban phúc lành. Ngược lại, bàn tay trái, siết chặt quyển Tin Mừng; quyển sách này có ba ổ khóa, nhiều viên ngọc trai và đá quí. Quyển Tin Mừng, biểu trưng và tổng hợp Lời Chúa, cũng có một ý nghĩa Phụng vụ vì trong mỗi Thánh lễ chúng ta đều đọc một đoạn và khi truyền phép chúng ta đọc lại  lời của chính Chúa  Giêsu.

Bức tranh này liên kết một cách thành công những yếu tố tự nhiên và biểu trưng, mời gọi chúng ta suy niệm và bước theo Chúa Giêsu. Ngày hôm nay, thông qua Hội thánh là Hôn thê và là Thân thể nhiệm mầu của Người, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục chúc lành cho nhân loại và soi sáng nhân loại bằng Tin Mừng của Người, đó thực sự là cuốn sách của chân lý, của hạnh phúc và của ơn cứu độ con người.   

Vào tháng 08 năm 386, khi đang ở trong vườn, thánh Augustinô nghe một tiếng nói với ngài : “Hãy cầm lấy và đọc, hãy cầm lấy và đọc” (Tự thuật 8,12,29). Bản Toát yếu sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo là một tổng hợp Tin Mừng của Chúa Giêsu được huấn giáo của Hội thánh dạy dỗ; đó là một lời mời để mở quyển sách chân lý và đọc, và có thể là “ nuốt đi” như lời ngôn sứ Êdêkien (x. Ed 3,1-4).

 

(Trích Toát yếu Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo)