Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

 

 

Chúng ta cùng chiêm ngắm bức hình về câu chuyện 10 người phong hủi được Chúa chữa lành, nhưng chỉ có một người trở lại tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa do thánh sử Luca thuật lại (Lc 17,11-19).

 

Bức hình này nằm trong “Codex aureus Epternacensis – Sách Phúc Âm Vàng Echternach”. Cuốn sách gồm 04 Tin Mừng và được làm vào khoảng năm 1030/45 cho tu viện dòng Biển Đức Echternach dùng trong phụng vụ. Hiện nay Echternach thuộc Luxemburg.

 

Toàn bộ văn bản 04 Tin Mừng được viết bằng mực vàng để nêu bật giá trị và tầm quan trọng của Sách Phúc Âm Vàng Echternach. Do đó, tác phẩm tuyệt mỹ này không chỉ là một cuốn sách được viết bởi bàn tay con người. Tác phẩm còn là hiện thân của Lời Chúa mang giá trị vĩnh cửu.

Sách Phúc âm Vàng Echternach là một trong những tác phẩm tuyệt mỹ và quan trọng còn tồn tại từ đầu thời Trung cổ. Hơn 60 bức tranh và các trang giấy được trang trí với nét mỹ thuật cao, và hơn 500 chữ cái là minh chứng cho nỗ lực nghệ thuật to lớn.

 

Sách Phúc Âm Vàng Echternach được nhiều nghệ nhân vẽ trong nhiều năm. Tất cả các nghệ nhân đều có tay nghề cao và độc đáo trong thiết kế, trang trí trang sách và vẽ các bức hình.

 

Sách Phúc Âm quý giá được bao bọc bởi bìa sách được trang trí lộng lẫy bằng đá quý và ngọc trai, bằng vàng và ngà voi. Các hình ảnh trên trang bìa được điêu khắc rất tinh tế mang chất lượng vượt trội.

 

Bìa sách này này với kiệt tác nghệ thuật kim hoàn được làm ở thành phố Trier, Đức Quốc, vào khoảng năm 985/90, vì vậy nó có niên đại hơn 50 năm so với Sách Phúc Âm, và có lẽ bìa sách được Hoàng hậu Theophanu và con trai Otto III tặng cho tu viện Echternach.

 

Hiện nay, “Codex aureus Epternacensis – Sách Phúc Âm Vàng Echternach” được cất giữ và trưng bày trong viện bảo tàng nghệ thuật ở Nürnberg – Germanisches Nationalmuseum.

 

Trở về với bức hình về câu chuyện 10 người phong hủi xin Chúa cứu chữa. Bức hình này nằm trong phần nói về các phép lạ của Chúa Giêsu.

 

Ở hình trên ta thấy các phép lạ được diễn tả rất sống động qua các nét vẽ. Trên mỗi trang các bức tranh hình chữ nhật được xếp thành ba hàng đều nhau.

 

Từ ánh mắt người nhìn, chúng ta có trang phía bên phải với ba bức hình chữ nhật.

 

1) Hình chữ nhật trên đầu diễn tả hai phép lạ: Hình nhỏ bên trái với việc Chúa chữa người phụ nữ bị băng huyết (Lc 8,42-48) và hình nhỏ bên phải là câu chuyện Chúa cho con trai bà góa thành Nain sống lại (Lc 7,11-17).

 

2) Hình chữ nhật ở giữa: Hình bên trái với việc vào ngày sabát Đức Giêsu chữa người mắc bệnh phù thũng(Lc 14,1-4) và hình bên phải là phép lạ Chúa dẹp yên biển động (Lc 8,22-25).

 

3) Bức hình chữ nhật ở cuối là câu chuyện Chúa chữa lành cho mười người phong hủi, cũng là bài Tin Mừng chúng ta cùng tìm hiểu (Lc 17,11-19).

 

Ngắm nhìn bức tranh ta thấy phía trên có một hàng chữ được trang trí rất tỉ mỉ màu trắng viết trên nền mực vàng. Hàng chữ đó bằng tiếng Latinh: “DENOS MUNDABAT GRATES AST UNUS AGEBAT – Có tất cả mười người được sạch, nhưng chỉ có một người biết ơn”.

 

 


Bên phía trái bức tranh là bức hình nhỏ với hậu cảnh là đền thờ Giêrusalem với các tháp và tường thành mà Chúa Giêsu cùng các môn đệ đang trên đường đến đó. Ở giữa là khoảng đất rộng với màu đỏ nhạt làm nền cho câu chuyện. Phần dưới chân có nền cỏ màu xanh và các nhân vật đang đứng trên đó diễn tả rằng, câu chuyện diễn ra ở bên ngoài trời trong một ngôi làng.

 

Hình bên phía phải là một nhóm người phong hủi với phần thân thể là đầu và mặt, tay và chân đầy những mụn đỏ do bệnh phong hủi gây ra. Tất cả 10 cái đầu đang hướng về với Chúa Giêsu đứng đối diện. Tất cả đều giơ đôi tay của mình ra như là những kẻ hành khất đi xin Lòng Thương Xót của Chúa.

 

Ngoài ra, trên đầu 10 người phong hủi có chữ “DECEM LEPROCI – Mười người phong”. Chúng ta để ý trong 10 cái đầu, chỉ có một cái đầu được nghệ nhân “nhuộm cho bộ tóc màu danh da trời” và anh ta lại đứng hàng đầu.

 

Đôi mắt họ nhìn đến Ngài cùng với lời kêu xin lớn tiếng của tất cả: Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!.

 

Từ xa họ kêu xin, nhưng thú vị là họ kêu xin chung với nhau, chứ không kêu xin riêng lẻ. Đó là lời cầu xin lớn tiếng của tập thể, chứ không phải của cá nhân nữa. Lời cầu xin của những kẻ bần cùng phải “lớn tiếng”, như anh mù thành Bác-ti-mê đã kêu lớn xin Chúa đoái thương. Lớn tiếng để lời cầu xin có thể thấu đến lòng thương xót của Chúa. Lớn tiếng để không bị những âm thanh “khinh thường, khinh bỉ và loại bỏ” của xã hội làm “nhiễu sóng”.

 

Trong lời cầu xin, họ đã gọi Chúa Giê-su là THẦY. Họ đã chân nhận tư cách của Chúa Giê-su. Hơn hết các thầy dạy bình thường khác, họ đã nhìn thấy nơi THẦY GIÊ-SU một trái tim tràn đầy lòng nhân hậu, và một quyền năng của Đấng Cứu Rỗi. Phải chăng họ đã nghe biết về những gì THẦY GIÊ-SU làm: thương đến người phụ nữ goá bụa thành Na-im và cứu thoát người con trai duy nhất của bà đã chết được sống lại (Lc 7, 11-17), tấm lòng của Chúa đã chú ý đến người phụ nữ tội lỗi nổi tiếng và cứu thoát bà (Lc 7,36-50). Rồi những gì Chúa giảng dạy về lòng thương xót. Con chiên lạc đàn, đồng tiên bị mất và người con trai hoang đàn đều luôn vẫn “có chỗ” trong trái tim giàu lòng thương xót của THẦY GIÊ-SU.

 

Từ nhóm người phong hủi hướng đến phía trái ta thấy hai nhân vật đang đứng. Tuy nhiên, ở giữa là một khoảng cách. Đó là điều mà luật buộc: Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: “Ô uế! Ô uế!” Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13,45-46).

Như vậy, mười người phong này dù đau khổ, nghèo nàn và bất hạnh, họ vẫn giữ đúng theo luật đã dạy: Họ đón gặp Chúa trên đường, nhưng họ dừng lại đằng xa.

Từ xa họ mở kêu lên với Chúa. Thật vậy, họ ý thức thân phận “ô uế” của mình, và họ không dám và không được phép đến gần những người trong sạch khác.

 

Hướng nhìn đến hai nhân vật bên trái. Ta nhận ra Chúa Giêsu với hào quang trên đầu có hình Thánh Giá. Nhân vật còn lại là thánh Phêrô, ngài đồng hành với Chúa. Chúa Giêsu khoác chiếc áo dài bên trong màu sáng và bên ngoài là chiếc áo màu xanh lá cây. Ngài nghiêng mình về phía 10 người phong hủi như muốn xóa đi khoảnh cách do luật lệ đề ra. Tay trái của Chúa đang cầm cuốn sách Tin Mừng mà Ngài rao giảng. Tay phải Chúa đang giơ lên hướng về 10 người phong hủi. Hai ngón tay trỏ và giữa lộ ra và hướng về người phong hủi. Đây là cử chỉ của sự chúc lành Chúa ban cho họ. Ngoài ra, hai ngón lộ ra còn diễn tả thiên tính và nhân tính của Chúa Giêsu. Ba ngón tay còn lại diễn tả hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi.

 

Kế bên những cử chỉ của Chúa Giê-su được diễn tả trong bức hình, Chúa còn đáp lời thế nào? Luca viết: “Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: ‘Hãy đi trình diện với các tư tế’. Đang khi đi thì họ được sạch”. Như thế là Chúa đã đón nhận lời kêu cầu của họ. Chúa nói với họ đến với các tư tế để họ được chứng nhận là khỏi bệnh phong hủi. Sách Lêvi có viết: “Đây là luật về người phong, trong ngày nó được thanh tẩy. Nó sẽ được đưa đến tư tế” (Lv 14,2tt). Như vậy, các tư tế có thẩm quyền để xem xét và đưa ra kết luận cuối cùng về việc khỏi bệnh của người bị mắc bệnh phong.

 

Họ lên đường và trên đường thì họ được sạch. Điều gì xảy ra tiếp theo? Chúng ta cùng chiêm ngắm bức hình bên trái.

 

Hình bên phía tay trái là cảnh người phong hủi duy nhất quay trở lại để cám ơn và tôn vinh Chúa. Anh ta có mái tóc màu xanh da trời, màu của hy vọng, của tươi sáng. Từ nhóm 10 người, anh ta tách ra, đến với Chúa Giê-su, với đôi tay chắp lại anh quỳ xuống và phủ phục thật sâu trước Chúa. Thái độ của lòng biết ơn sâu xa của anh đã hòa quyện vào lời cầu xin Chúa thương xót đến anh cùng các bạn của anh. Anh mặc chiếc áo đỏ và chiếc quần màu cam. Trên thân mình của anh không còn mụn nào cả. Phía trên anh có từ ngừ “SAMARITIAN – người Samari”.

 

Chúa Giêsu đứng trước anh. Tay phải của Ngài vẫn ban phúc lành, nhưng giờ đây phúc lành dành riêng cho người Samari. Tay trái của Chúa giơ ra như đặt câu hỏi: Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?

 

Những người còn lại cũng đã được khỏi, nhưng họ quy về mình quá nhiều đến nỗi chẳng nhớ đến Chúa, chẳng còn biết đến lòng biết ơn, nghĩa là họ trở thành những người vô ơn.

 

Thánh I-Nhã, một chàng hiệp sĩ được giáo dục trong một môi trường thượng lưu và sống rất quân tử, đã coi sự vô ơn như cội rễ của mọi thứ tồi tệ. Trong một bức thư đề ngày 18.3.1542 gởi một anh em trong dòng là Simon Rodigues, I-Nhã đã viết: “Nếu người ta suy nghĩ về những điều tốt lành của Thiên Chúa, thì trong những điều lầm lỡ tồi tệ nhất phải kể đến là sự vô ơn với những điều tốt lành đáng trân trọng trước Đấng Tạo Hóa, là Chủ, và trước những tạo vật được dựng nên vì danh thánh vĩnh cửu của Thiên Chúa. Sự vô ơn là chính sự lạnh lùng với những món quà và hồng ân nhận được. Sự vô ơn là nguyên do và là khởi đầu của tội lỗi và mọi điều tồi tệ”.  Nhưng nguyên do nào dẫn đến sự vô ơn của con người?

 

Khi quan sát cuộc sống thực tế, có thể nhận ra một số điều “giết chết” lòng biết ơn:

  • Điều thứ nhất là sự tự cao kiêu hãnh. Ai nghĩ rằng, tôi chỉ trở thành người thực sự, khi tự bản thân tôi làm hết mọi chuyện, mà không cần nhờ vả vào ai, và vì thế tôi không cần phải cám ơn ai, thì cuộc đời người đó sẽ không có hai từ biết ơn.
  • Điều thứ hai là sự dĩ nhiên. Trong cuộc đời này mọi sự đều là dĩ nhiên: Dĩ nhiên là tôi phải được hưởng phúc lợi xã hội. Đương nhiên tôi được người khác chú ý. Dĩ nhiên là người kia sẽ tặng tôi một cành bông hồng. Nếu mọi chuyện đều dĩ nhiên như vậy, thì lòng biết ơn sẽ “không còn chỗ trú ngụ”.
  • Điều thứ ba là sự tình cờ. Nếu mọi sự đều là tình cờ thì đâu cần biết ơn ai. Vậy thử hỏi xem tôi sinh ra là do sự tình cờ hay do tình yêu của Cha Mẹ? Lúc này tôi được sống như là một Linh Mục cũng tình cờ sao? Rồi ánh sáng sưởi ấm cuộc đời tôi cũng tình cờ đến hay thế nào?
  • Điều thứ bốn phá hủy lòng biết ơn là những đòi hỏi sai lầm và lòng tham vô đáy. Nếu tôi luôn tự nhủ với mình rằng: “Tôi có quyền được sở hữu tất cả và có quyền nhận được mọi sự một cách nhưng không”, thì lòng biết ơn đang bị đẩy lui về phía sau, để nhường chỗ cho lòng tham lam vô đáy. Triết gia người Pháp Pascal Bruckner đã miêu tả con người như là một em bé “vĩ đại” có lòng tham lam không đáy và luôn đòi hỏi xã hội hết điều này đến điều khác. Nếu “em bé vĩ đại” không nhận được điều mình muốn để có cuộc sống sung sướng, thì em sẽ coi mọi người xung quanh là những người có lỗi với nó. Ngược với điều trên, Dieter Hildebrandt, một nghệ sỹ người Đức đã nói rằng “Thay vì cứ than van rằng, chúng ta không nhận được tất cả những gì chúng ta muốn, thì tốt hơn chúng ta cần ý thức luôn sống biết ơn, vì may mà chúng ta không phải nhận những hậu quả của những hành động và thái độ xấu xa của chúng ta”.

 

Có lẽ chứng kiến quá nhiều sự vô ơn trong xã hội và cuộc sống của con người, nên nhà văn người Nga Fjodor Michailowitsch Dostojewski đã mỉa mai rằng: Tôi nghĩ rằng, câu định nghĩa hay nhất về con người là: Con người là con vật hai chân vô ơn.

 

Đối ngược với sự vô ơn của 9 người kia, anh Samari đã tỏ lòng biết ơn Chúa.

Theo François Bovon, thì thái độ biết ơn này giúp cho anh ghi sâu ơn chữa lành vào trong lòng, làm cho niềm tin của anh vào Chúa được mạnh mẽ và trưởng thành hơn.

Niềm tin trưởng thành luôn đi đôi với lòng biết ơn và lời chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa. Hơn nữa, lòng biết ơn cũng giúp cho anh hoán cải hoàn toàn, để giờ đây anh được sống trong tương quan gần gũi với Chúa.

Thật vậy, ai học sống biết ơn, thì họ sẽ được chữa lành và mạnh khỏe trở lại. Mạnh khỏe trong thân xác và tinh thần, cũng như « mạnh khỏe » trong tương quan với Thiên Chúa và với mọi người.

Khi ai luôn sống biết ơn, thì người đó cũng đang sống trong tương quan thân mật với mọi người. Người biết ơn luôn coi trọng người khác và quý những tương quan. Lòng biết ơn là một nhịp cầu để người đến với người. Qua nhịp cầu đó tôi đến với em, và chị đến với anh. Lòng biết ơn làm nảy sinh một bầu khí yêu thương, một tinh thần chung với nhiều cảm thông và sẵn sàng sẻ chia. Và lòng biết ơn giúp cho đời người tránh được những ích kỷ chôn vùi con người trong một ốc đảo vắng bóng hai từ “cám ơn”. Hơn nữa, lòng biết ơn cũng đem lại sức mạnh cho người khác để xây dựng một cuộc sống chân thiện mỹ, như Albert Schweizer nói. Vì thế, một xã hội mà trong đó mọi người đều ý thức sống tinh thần biết ơn nhau, thì xã hội đó sẽ tốt đẹp biết chừng nào.

Ngoài ra, người biết ơn trong sâu thẳm của tâm hồn không bao giờ quên rằng bây giờ tôi là ai và tất cả những gì tôi có hiện nay, đều do bởi ân sủng của Thiên Chúa, và nhờ sự nâng đỡ của Cha Mẹ và của nhiều anh chị em thân yêu khác. Và khi luôn ý thức sống trong sự biết ơn người khác, thì trong tâm hồn người đó bầu khí tươi vui của mùa hè vĩnh cửu luôn hiện diện, như thi sĩ người Hoa Kỳ Celia Layton Thaxter đã nói. Cũng thế, lòng biết ơn làm cho cả những người nghèo khổ nhất trở nên giàu có, như suy nghĩ của nhà giáo cũng là triết gia người Đức Andreas Tenzer.

Hơn nữa, lòng biết ơn luôn xuất phát từ chính sâu thẳm của tâm hồn. Nói cách khác, lòng biết ơn chính là trí nhớ của con tim. Triết gia người Pháp Gabriel Marcel thấu hiểu giá trị của lòng biết ơn khi ông nói rằng: Lòng biết ơn là sự tỉnh thức của tâm hồn chống lại tất cả những thế lực có sức mạnh tàn phá”. Và khi tâm hồn càng tỉnh thức và trân trọn cuộc sống, thì hai chữ “cám ơn” không ngớt vang lên. Cám ơn Chúa, cám ơn người và cám ơn mọi sự xung quanh ta, nhu thánh Phaolô nói: “Anh em hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh, đó chính là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1Tx 5,18).

Johann Kaspar Lavater, triết gia người Thụy Sĩ đã nói rằng: “Mỗi ngày tôi muốn cám ơn về tất cả những gì tôi nhận được, về những gì tôi được phép tận hưởng trước cả vạn người. Luôn luôn sống biết ơn. Đó là đức hạnh đầu tiên tôi cần cố gắng tập”. Và David Steindl-Rast, một tu sĩ Biển Đức, viết trong cuốn sách Sự chú ý của con tim: “Từ sáng tới tối, trong từng khoảng khắc của thời gian, chúng ta nhận được vô vàn món quà và hồng ân. Chúng ta chỉ cần chú ý đến điều đó và lòng biết ơn sẽ từ từ lớn lên trong chúng ta. Nhưng chúng ta có chú ý đến những món quà và hồng ân đó không? Đây chính là câu hỏi đặt ra cho chúng ta”.  Câu hỏi này cũng chính là động lực giúp mỗi người ý thức biết ơn và mở lời cám ơn, như lời cầu nguyện sau:

 

Lạy Chúa,
không bao giờ con cám ơn Chúa đủ.
Mỗi hơi thở của cuộc đời,
con xin cám ơn Chúa.
Mỗi nhịp đập của trái tim,
con xin cảm tạ Ngài.
Cảm tạ Chúa
cho đến giây phút cuối cùng của đời con.
Cám ơn Chúa
là điều con ấp ủ mỗi ngày.
Lạy Chúa,
con xin cám ơn Ngài. Amen.