Jacopo Bassano, Dụ ngôn anh nhà giàu và ông Lagiarô nghèo khó, 1554. The Cleveland Museum of Art

 

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

 

 

Họa Sĩ Jacopo Bassano (1510 – 1592) là người Ý, thuộc trường phái hội họa Mannerism – trường phái kiểu cách. Đây là phong trào hội họa tiếp ngay sau thời kỳ Phục Hưng. Trường phái Kiểu cách xuất hiện vào năm 1503 và kéo dài trong một thế kỷ. Tên gọi ‘Kiểu cách’ (mannerism) có nguồn gốc từ tiếng Ý ‘maniera’ (nghĩa là ‘kiểu cách’).

 

Các nghệ sĩ trường phái kiểu cách chủ trương đề cao kỹ thuật, cần sành sỏi và chú tâm làm sao cho tác phẩm hội họa được thanh cao. Họ tôn thờ cái đẹp ưu và diễn tả sự khoái lạc đến mức kỳ dị, ngôn ngữ bất thường. Nghệ thuật kiểu cách bị xem như sa sút, kém hài hòa và duyên dáng so với thế hệ trước đó.

Ban đầu, trường phái kiểu cách cũng có sức hút nhất định, song càng về sau, trường phái này càng sa sút và đi tới thoái trào. Hội họa phương Tây sau đó bước đến thời kỳ Baroque.

Họa sĩ Jacopo Bassano đã vẽ bức họa Dụ ngôn anh nhà giàu và ông Lagiarô nghèo khó vào năm 1554. Hiện bức tranh được trừng tại Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Cleveland – The Cleveland Museum of Art. Hoa kỳ.

 

Ngắm bức tranh từ bên phải họa sĩ cho chúng ta thấy người giàu có đang ngồi ở bàn với hai nhân vật khác. Người giàu có mặc chiếc áo khoác bên ngoài rất sang trọng màu nâu đậm. Bên trong là chiếc áo màu xanh tươm tất. Điều này tương hợp với lời Luca diễn tả: Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc.

 

Khuôn mặt anh nhà giàu sáng ở một bên với bộ râu quai hàm, mũi cao và mắt hướng về hai người ngồi đối diện và đang trò chuyện với họ. Tư thế ngồi với cánh tay trái chống trên bàn và tay phải hiện ra một chút giơ cao hơn diễn tả sự thoải mái, thử thái của kẻ giàu hưởng thụ. Người phụ nữ ngồi đối diện cũng mặc đồ rất sang trọng với chiếc áo dài màu đỏ, cổ khoét sâu. Kế bên chị là người đàn ông cũng trạc thế hệ ngồi quay lưng lại. Anh ta đang giữ chiếc đàn ở phía dưới. Chiếc bàn không có đồ ăn thức uống gì cả, mà chỉ có một chiếc dĩa bằng đồng trống không. Điều đó như diễn tả bữa tiệc đã tàn, người giàu có mới yến tiệc linh đình xong, nghĩa là họ mới tiệc tùng, hò hát và múa nhảy xong.

Đối diện với anh nhà giàu là một người nghèo khó ở phía trái của bức tranh. Họa sĩ khéo léo vẽ một đường chéo (diagonal) từ đôi mắt của anh nhà giàu đến đôi mắt của anh nghèo khó. Giàu thì ở bên trên và nhìn xuống kẻ nghèo ở phía dưới. Nhưng vấn đề là anh nhà giàu này có chú tâm và nhìn đến kẻ nghèo đối diện với mình không?

 

Thánh Jérome cho rằng: “anh Lagiarô nằm ở tại cửa để tìm sự chú ý và thương cảm cho thân xác khổ đau của anh ta, cũng như để cho anh nhà giàu không thể nói rằng: ‘Tôi không thấy anh nghèo này. Anh ta ở trong xó xỉnh. Tôi đã không nhìn thấy anh ta. Không có ai nói với tôi về anh ta’. Anh nhà nghèo nằm ngày tại cửa. Bạn nhìn thấy anh nghèo mỗi lần bạn đi ra đi vào nhà, đi ngang qua cánh cửa. Khi nhóm người đầy tớ và khách khứa đang chờ đợi bạn, thì anh nhà nghèo nằm đó ngay cửa với những vết thương lở loét trên thân mình”.

Như thế, có thể nhận ra rằng, anh nhà giàu nhìn thấy anh nhà nghèo bằng đôi mắt thân xác, nhưng đôi mắt tâm hồn với lòng thương xót và lòng thương cảm thì không. Vì thế anh ta chẳng đoái hoài gì đến anh nghèo kia.

Lagiarô là tên của anh nghèo khổ và tên của anh trong tiếng Híp-ri có nghĩa là Thiên Chúa giúp đỡ.

Tên của anh đã làm cho lời Thánh Vịnh mang một hồn sống rất tuyệt vời:

Người là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời, 

xử công minh cho người bị áp bức,
ban lương thực cho kẻ đói ăn.

CHÚA giải phóng những ai tù tội,
CHÚA mở mắt cho kẻ mù loà.
CHÚA cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên,
CHÚA yêu chuộng những người công chính
 (Tv 145,6-8).

Người nghèo thì có tên, còn người giàu có thì tên gì? Tên của anh nhà giàu không được nêu trong câu chuyện. Phải chăng người nghèo thì có tên và tên của ông là tài sản duy nhất ông có, còn nhà giàu thì có mọi thứ nhưng thiếu một “tài sản” quan trọng là chính cái tên?

Thánh Augustinô đã tâm tình như sau: “Chúa Giê-su đã gọi tên người nghèo khó, nghĩa là Chúa đã nêu bật tầm quan trọng của anh nghèo này trong đôi mắt của Thiên Chúa, và tên của anh đã được viết trên trời, trong khi tên của người giàu có không được viết trong Tin Mừng hay trên Trời”.

 

 

Nhìn trở lại anh nghèo trong bức tranh, ta thấy anh đang nằm ở ngoài cửa nhà anh giàu có. Thân mình phía trên không có mảnh vải nào. Mảnh vải che thân màu trắng đã rơi xuống đất. Chỉ còn lại phần vải phía dưới được cột lại để che phần kín đáo. Sự tương phản hoàn toàn giữa nghèo với giàu qua chính quần áo trên thân mình.

 

Tay phải anh Lagiarô chống xuống nền đất như là điểm tựa cuối cùng của đời anh. Cái nghèo luôn bắt thân mình ngồi trên nền đất thấp. Cái nghèo không có ghế để thân tựa ngồi trên đó.

 

Anh nửa ngồi nửa nằm với thân mình nửa trần truồng diễn tả phận người hèn hạ. Tại mảnh đất thấp đó, anh nghèo chờ và đợi với niềm hy vọng có chút mẩu bánh vụn rơi xuống.

 

Có mảnh vụn nào của bánh rơi từ bàn cao xuống đất thấp không? Có thể anh nghèo Lagiarô tìm được chút gì đó, nhưng cũng có thể anh phải dành dựt với mấy con chó, khi mảnh bánh vụn từ bàn rơi xuống.

 

Như thế hai chú chó trên hình có thể vừa là “hai kẻ cạnh tranh” vừa là hai kẻ “ủi an” anh nghèo Lagiarô. Nhưng ủi an ở chỗ nào?

 

Đôi chân anh nghèo Lagiarô với “mụn nhọn” bám đầy đang duỗi ra hai bên. Mỗi bên chân là một chú chó đang toàn tâm “liếm ghẻ chốc anh ta”. Một chút chú tâm của loài thú dành cho phận người nghèo, trong khí người nhèo lại chẳng được người người quan tâm.

 

Cyril of Alexandria đã nhìn một cách rất thú vị: “Thật vậy, mấy con chó liếm ghẻ chốc của anh nhà nghèo, nhưng không làm cho vết thương ra đau đớn. Điều đó diễn tả rằng, mấy con chó cũng có lòng thương cảm và chăm sóc anh nhà nghèo. Loài thú còn quan tâm đến và làm cho những đau khổ được dịu bớt với những cái lưỡi của chúng, như là chúng đang cố làm dịu và chữa lành các vết thương (của anh nhà nghèo – Lagiarô). Còn người giàu có thì tàn nhẫn hơn mấy con chó, bởi vì anh ta đã không có lòng thương cảm và lòng trắc ẩn đối với anh nhà nghèo. Ngược lại anh ta hoàn toàn vô cảm”.

 

Câu chuyện kể tiếp như thế nào?

Có lẽ chú bé đứng ở giữa bức tranh mặc bộ quần áo màu xanh dương đậm với khuôn mặt hơi nhìn xuống, đang suy tư về cảnh đời tiếp theo của hai nhân vật.

Cảnh đất thấp khép lại để cảnh trời cao mở ra. Một biến cố xảy ra. Giàu và nghèo đều chết.

Nhưng sau cái chết thì người nghèo là Lagiarô và anh nhà giàu sẽ đón nhận điều gì? Có giống nhau không?

“Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham”.

Điều này tương hợp với tên của ôngLagiarô có nghĩa là Thiên Chúa giúp đỡ.  Chúng ta nhận ra được cái phong phú và sự sung túc của người nghèo sau khi chết là được chính Thiên Thần của Chúa đoái nhìn, chăm sóc và đồng hành cùng đem đi.

Đem đi đâu? Đem vào lòng ông Ápraham, nghĩa là đem vào lòng của tổ phụ, của người cha dân tộc Ítraen. Đó là một niềm hạnh phúc lớn lao. Ngoài ra, “lòng” ở đây diễn tả sự gần kề, dịu dàng, ấp ủ và thân thiết. Thánh Augustine nói rằng: “người nghèo của niềm tin đã được đón nhận bởi Ápraham, người giàu của niềm tin”.

Còn người giàu sau khi chết thì thế nào? “Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn”. Sự tương phản rõ rệt được diễn tả. Người giàu không có tên trong dụ ngôn, sau khi chết không được Thiên Thần của Chúa đoái nhìn, mà người đem chôn ông là “người ta”, nghĩa là loài người thuộc dương thế này.

Hơn nữa, cũng nên chú ý đến cách diễn tả: người giàu sau khi chết người ta “đem chôn” dưới lòng đất. Đọc câu tiếp theo (câu 23), Luca nêu lên nơi chốn “âm phủ” là nơi chỉ dành cho người chết mà thôi, và người giàu có trong dụ ngôn ở trong đó.

Câu chuyện được kể tiếp với khunh cảnh là âm phủ. Đây là nơi dành cho những người đã chết. Khi anh ta đang chịu cực hình, thì ngước mắt lên và thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa. Chúng ta thấy Luca diễn tả khoảng cách thật lớn giữa âm phủ và thiên quốc qua các cụm từ “dưới âm phủ”, “tận đàng xa” và trong câu 26 có cụm từ “một vực thẳm lớn”.

Trở về với bài Tin Mừng, anh nhà giàu không chỉ thấy là Ápraham, mà còn thấy anh Lagiarô đang nằm trong lòng tổ phụ. Đó là một hình ảnh rất tương phản. Về hình ảnh này, Prudentius đã diễn tả: “Anh nhà giàu đã tiệc tùng trên trái đất, còn Lagiarô được đãi tiệc trên trời như hình ảnh linh hồn anh được nghỉ ngơi trong lòng của Ápraham”.

Trong hoàn cảnh đau khổ ở dưới âm phủ, anh nhà giàu đã kêu xin Ápraham: “Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con, và sai anh Lagiarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!”

Lời kêu cầu rất chân thành của anh diễn tả tình trạng đau khổ, cùng cực và tự mình không thể tìm lối thoát được. Đó không phải là ngõ cụt trên dương thế, mà ngõ cụt dưới âm phủ. Thật thê thảm thay!!!

Anh đã cầu xin Ápraham là tổ phụ của mọi người Ítraen. Anh đã xin tổ phụ sai anh Lagiarô đến giúp. Nghĩa là khi còn sống trên dương thế, anh nhà giàu không chỉ nhìn thấy một người nghèo nàn nằm ở ngoài cổng của anh ta, mà còn biết tên của người nghèo là Lagiarô.

Trở về với bài Tin Mừng, tình trạng đau khổ của anh nhà giàu ở dưới âm phủ được diễn tả qua hình ảnh “bị lửa thiêu đốt khổ lắm”. Trong hoàn cảnh đó anh chỉ mong có được một giọt nước được nhỏ trên lưỡi anh ta cho mát một chút. Hình ảnh này tương phản hoàn toàn với đời sống trên dương thế trước đó, mà anh có đủ mọi thứ, tiệc tùng linh đình thì không kể siết. Anh muốn gì được đó.

Ngoài ra, khát mong của anh nhà giàu dưới âm phủ được đặt song đối với khát mong của người nghèo trên dương thế:  Dưới âm phủ người giàu mong ước chút nước trên lưỡi cho mát – trên dương thế người nghèo Lagiarô ao ước những thứ trên bàn ăn của anh nhà giàu rớt xuống mà ăn cho no.

Đọc tiếp bài Tin Mừng, chúng ta coi xem tổ phủ Ápraham phản ứng thế nào trước lời kêu xin của anh nhà giàu: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Lagiarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Lagiarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được”.

Trong câu nói của tổ phụ Ápraham vẫn mang tính cách dịu dàng “con ơi”. Như thế, tổ phụ Ápraham vẫn đóng vai trò là cha. Ngoài ra, trong câu nói ở trên chúng ta thấy có ba phần.

– Phần đầu tiên: tổ phụ nhắc đến thời gian trên dương thế của cả hai người: Anh nhà giàu cả đời đã được phước, được ăn uống no say và ăn mặc sang trọng với toàn gấm góc lụa là. Anh Lagiarô thì suốt đời chịu cảnh lầm than, thiếu thốn và bất hạnh. Đó là hai số phận tương phản hoàn toàn được đặt đối diện với nhau.

– Phần thứ hai: tổ phụ Ápraham nhắc đến là thời gian hiện tại của hai người: anh Lagiarô được an ủi nơi đây, nghĩa là trong lòng tổ phủ Ápraham ở trên thiên quốc. Còn anh nhà giàu thì ở dưới âm phủ và chịu mọi khốn khổ của thế giới “ở dưới”. Số phận của hai người giờ đây vẫn tương phản hoàn toàn, vẫn được đặt đối diện với nhau, nhưng khác là đã thay đổi “nội dung” của từng số phận.

Như thế, người đọc sẽ nhận ra rằng, giữa hai số phận trên, họ cần phải chọn lựa cho đúng đắn: Số phận người giàu sung sướng trên trần gian nhưng lại khổ đau mãi mãi dưới âm phủ, hay số phận nghèo nàn và đau khổ của anh Lagiarô trên dương thế, được Chúa đoái nhìn tới và được hưởng hạnh phúc trên thiên quốc – nằm trong lòng tổ phụ Ápraham.

Nói khác đi, người đọc cần phải sáng suốt trong phân định, chọn lựa để đi đến một quyết định cho lối sống của mình ở trần gian, để khi nằm xuống được chính Thiên Thần của Thiên Chúa đón rước và đặt vào lòng Ápraham. Như vậy, bài Tin Mừng mang sứ điệp mạnh mẽ và có lời nhắc nhở rất rõ rệt.

Ngoài ra, chúng ta không được phép hiểu lầm rằng, mọi người nghèo đều được Chúa cho về thiên đàng. Cái nghèo là điều tiêu cực không ai chọn cả.

Nhưng ai rơi vào hoàn cảnh nghèo, thì cần được chú ý và giúp đỡ. Hơn nữa, nếu ai nghèo mà cố gắng vẫn sống tinh thần tốt lành, tinh thần Tin Mừng, thì thật là có phúc. Và chắc chắn, người nghèo mà sống trong tình trạng tiêu cực: ăn trộm, lừa đảo, tham lam và cướp của giết người… thì khó mà nhận được phúc của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót nhưng cũng thật công bằng.

– Phần thứ ba: tổ phụ nêu lên một ngăn cách giữa “âm phủ” và “thiên quốc”. “Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được”.

Vực thẳm lớn và sâu là biểu tượng mạnh mẽ nói lên sự ngăn cách giữa hai thế giới xấu và tốt. Vực thẳm “ngăn chặn” mọi tương quan giữa người bên này với người bên kia. Sự thông tri, thông thương và liên lạc bị ngăn trở hoàn toàn. Giữa hai bờ vực không có chiếc cầu được xây và bắc qua. Vực thẳm quá lớn, đến nỗi không ai có thể tự mình từ bên này để qua bên kia được. Vực thẳm lớn này được quy định rõ rệt và không ai có thể thay đổi. Như thế, không còn sự thông thương giữa hai bên và anh Lagiarô không thể giúp đỡ người giàu có kia được. Điều này là một sự nghiệt ngã đối với anh nhà giàu. Không biết, đến ngày cánh chung, anh nhà giàu sẽ như thế nào? Anh ta có được cứu, như người trộm lành (ss.Lc 23,43) đã được Chúa cứu không? Đó là điều của Chúa. Chúng ta chỉ biết hy vọng cho anh ta mà thôi. Đọc tiếp đoạn Tin Mừng, anh nhà giàu tiếp tục lên tiếng xin: Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Lagiarô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!”

Với câu này, một cách gián tiếp anh nhà giàu đã công nhận ra rằng, lối sống sung túc, xa hoa và sung sướng của anh trên dương thế đã đẩy anh xuống âm phủ “nóng nực” và đau khổ. Nên anh ta không muốn “năm người anh em” của anh ta rơi vào hoàn cảnh giống như vậy. Có lẽ anh nhà giàu biết năm người anh em kia cũng đang có lối sống phóng túng và xa hoa như anh ta ngày xưa, nên anh ta mở lời xin cho họ tránh được hậu quả không hay sẽ xảy đến. Hơn nữa, theo Bovon, năm người anh em này nhỏ tuổi hơn anh nhà giàu, và khi còn sống anh nhà giàu đã có trách nhiệm chăm sóc các em của mình. Còn người cha thì có lẽ đã qua đời. Trong lời cầu xin của anh ta, anh vẫn xin tổ phụ cho phép Lagiarô làm một hành động để giúp đỡ. Cụ thể Lagiarô về với năm người còn đang sống kia (theo kiểu hồn ma hiện về), và cảnh cáo họ để họ thay đổi cuộc sống hầu không phải rơi vào thế giới “âm phủ ở dưới nóng nực và khổ đau”.

 

Chúng ta xem Ápraham trả lời thế nào? Ápraham đáp: Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó”. Lời đáp trả của Ápraham mang dáng vẻ của người Do-thái rõ rệt. Như bình thường, người ta phải luôn lắng nghe Môsê và các ngôn sứ, như là lắng nghe Lời của Chúa được viết trong Thánh Kinh. Những gì được Môsê và các ngôn sứ ghi chép được coi như là những sứ điệp được truyền miệng để dạy dỗ dân chúng. Chúng ta đọc trong sách Đệ nhị luật: “Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em. Mệnh lệnh đó không ở trên trời… Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển… Thật vậy, lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành” (Đnl 30,11-14).

 

Theo Bovon, sự lắng nghe Môsê và các ngôn sứ ở đây luôn đi đôi với sự vâng lời. Nghĩa là nếu năm anh em kia lắng nghe Mô-sê và các ngôn sứ thật sự, thì sẽ vâng lời các lời đó mà thay đổi cuộc sống. Đó cũng là cách nhìn của người Do-thái. Vâng lời sẽ đem lại ơn cứu độ.

Đọc tiếp phần cuối của dụ ngôn, chúng ta thấy: Ông nhà giàu nói: Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối”.

Sau khi nghe Ápraham nói như vậy, ông nhà giàu vẫn nài xin với lý do, năm anh em của ông không chịu lắng nghe những gì Môsê và các ngôn sứ dạy dỗ, để thay đổi cuộc sống. Có lẽ chính ông cũng đã từng cứng đầu và không chịu lắng nghe các lời giảng dạy tốt lành.

 

Tiếp đến, chúng ta thấy anh nhà giàu chỉ mong muốn một “phép lạ” xảy ra, hoặc một “chứng minh hùng hồn có sức thuyết phục” và giúp cho năm anh em của mình được thay đổi. Cụ thể là có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối. 

 

Ápraham phản ứng thế nào trước sự chờ đợi này? Ông Ápraham đáp: Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin”.

 

Như thế, chúng ta thấy rằng, Lagiarô có hiện về thì cũng chẳng có gì hay hơn Môsê và các ngôn sứ để mà nói. Điều anh Lagiarô làm là có thể chỉ cho năm người kia thế giới của âm phủ đau đớn thế nào. Hơn nữa, chiều sâu của hoán cải không phải là ngồi đó chờ đợi “phép lạ”, mà là tích cực và ý thức “hồi tâm tự nhủ” và mở lòng để thống hối ăn năn. Cuối cùng là quyết định “đứng dậy trở về”.

 

Nhưng nếu đọc kỹ lời của Ápraham, chúng ta nhận ra hướng sống của năm người kia, là bám chặt vào đời sống sung túc, bám chặt vào của cải vật chất – tôn thờ thần Mammon là chủ của đời họ. Họ đã từ chối Thiên Chúa và chọn cuộc sống tôn thờ tiền bạc và vật chất. Họ chọn lối sống hưởng thụ, ăn chơi trụy lạc và xa hoa trên trần gian mà không màng tới cuộc sống mai hậu sau cái chết.

 

Trái tim của họ đã đặt ở tiền bạc và của cải vật chất, thì suy nghĩ, cách sống của họ sẽ theo chiều hướng đó. Những người có trái tim “bám chặt” vào thần Mammon thì thật là khó ăn năn sám hối. Thật vậy, cần phải khôn ngoan để chọn lựa như Lời Chúa đã dạy: Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được” (Lc 16,13).

 

Để kết thúc bài chia sẻ Tin Mừng về dụ ngôn người giàu có và anh Lagiarô dựa trên bức tranh của danh họa Jacopo Bassano, xin có một số câu hỏi gợi ý sau:

 

 

  • Câu hỏi gợi ý.

 

  1. Dành thời gian ngắm nhìn bức tranh, bạn nhận ra sứ điệp nào bức tranh muốn gởi đến bạn?
  2. Giàu sang và hưởng thụ cuộc sống xa hoa và sung túc có phải là một tội ác không? Tại sao người giàu có trong dụ ngôn lại bị “rơi vào trong âm phủ” để nhận một hình phạt như thế?
  3. Nghèo khó và sống đau khổ vì cảnh nghèo khó có phải là điều Chúa muốn không? Đó có phải là điều kiện để vào Nước Trời không? Tại sao anh La-da-rô, người nghèo trong bài Tin Mừng này lại được các thiên thần đưa vào lòng Áp-ra-ham, để hưởng hạnh phúc trên thiên quốc?
  4. Mẹ Têrêsa Cancutta nói: Tôi không bao giờ nhìn những đám đông như là trách nhiệm của tôi. Tôi chỉ nhìn đến từng cá nhân, bởi vì mỗi lần tôi chỉ yêu thương được một người, mỗi lần tôi chỉ nuôi được một người. Tôi đã đưa một người về nhà, nhưng nếu tôi không đưa một người ấy về nhà thì tôi đã không đưa 42.000 người về nhà. Công việc của tôi chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng nếu tôi không góp một giọt nước ấy thì đại dương sẽ thiếu nhiều giọt nước khácBạn có đồng ý với suy nghĩ của Mẹ Tê-rê-sa không? Tại sao?
  1. Lòng Ápraham hay Lửa âm phủ ? Bạn chọn gì? Tại sao?

 

 

  • Tham khảo

 

  • Francois Bovon, Das Evangelium nach Lukas, Teil III (Lk 15,1-19,27), Benziger Verlag, Duesseldorf 2001.
  • Arthur A. Just Jr. (Edited), Ancient Christian commentary on scripture, Luke, Inter Varsity Press 2003.
  • Cha Vũ Phan Long OFM., Cuộc sống trên trần thế không phải là tất cả.

 

Lm. Phạm Trung, S.J (Seattle University)

 

WHĐ (25.8.2022) - Linh mục Phạm Hoàng Trung là một tu sĩ Dòng Tên (tỉnh dòng Miền Tây, California và Oregon, Hoa Kỳ), đồng thời là họa sĩ, thạc sĩ mỹ thuật (MFA) - giảng viên Khoa nghệ thuật Trường Đại học Seattle University, Tiểu bang Washington, Hoa Kỳ.

Bài viết “tính lai ghép - một cách nhận thức và mô tả hội họa Việt Nam” được linh mục Phạm Hoàng Trung soạn bằng tiếng Anh, nhân chuyến về thăm, triển lãm một số tranh- tượng, và gặp gỡ giới họa sĩ Công giáo Việt Nam tại hai cuộc triển lãm diễn ra trên địa bàn TGP. Tp.HCM: Triển lãm tranh “Loan báo Tin mừng yêu thương” tại Tu viện Đa Minh Mai Khôi (5-12.8.2014) và triển lãm chum chóe cổ & triển lãm mỹ thuật “lời ru” tại Nhà truyền thống TGP. Tp.HCM (từ ngày 16/8 đến 15.10.2014).

Bản tiếng Việt dưới đây do Thành Thi chuyển ngữ. (Ban biên tập Hiệp Thông)

 

DẪN NHẬP

1. NGHỆ THUẬT HỘI HỌA VIỆT NAM

2. TÔN GIÁO TẠI VIỆT NAM

      Tục thờ thần Nữ

      Kitô giáo

      Đức Mẹ Việt Nam

3. KHÁI NIỆM TÍNH LAI GHÉP, MỘT CÁCH NHẬN THỨC VÀ MÔ TẢ HỘI HỌA VIỆT NAM

KẾT LUẬN

 

DẪN NHẬP

 

Mục đích của bài nghiên cứu này là giới thiệu mảng sáng tác về đề tài tôn giáo của các nghệ sĩ Việt Nam trong thế kỷ XX và từ những tác phẩm hội họa này, lý giải cách thức Kitô giáo đưa giáo huấn thần học đi vào và hội nhập văn hóa Việt Nam.

Bài viết này gồm ba phần, trình bày sự phong phú và những ý nghĩa thần học của nghệ thuật Việt Nam về đề tài Đức Mẹ. Phần thứ nhất, điểm qua một cách ngắn gọn tình hình lịch sử nghệ thuật Việt Nam đã được Nora Taylor mô tả về phương diện dân tộc học. Nỗ lực này nhằm khơi lên ý thức về nghệ thuật Việt Nam và đặt nó vào bản đồ mỹ học Đông Nam Á. Phần thứ hai cố gắng đưa ra câu trả lời vì sao phần lớn các tranh trong bộ sưu tập đều vẽ Đức Mẹ và Chúa Hài Nhi. Sự phát hiện này đặt người nghiên cứu phải tiếp cận tìm hiểu về đạo Mẫu trong tín ngưỡng dân gian. Phần thứ ba, từ bối cảnh đa dạng và phức tạp của văn hóa Việt Nam, thử đưa ra khái niệm lai ghép (hybridity) như một cách nhận thức và mô tả đối với hội họa Việt Nam.

 

1. NGHỆ THUẬT HỘI HỌA VIỆT NAM

 

Sự quan tâm đến hội họa Việt Nam trên thị trường tranh tại châu Á bắt đầu từ năm 1990 và hiện vẫn đang tăng lên. Sự bùng nổ này là kết quả của cuộc cải cách kinh tế vào năm 1986, được gọi là cuộc “đổi mới”, được dịch sang tiếng Anh là “new change”. Đảng Cộng sản, sau 15 năm nắm quyền lãnh đạo trên toàn lãnh thổ Việt Nam, đã chấp nhận nền kinh tế thị trường mở cửa, chào đón sự đầu tư của nước ngoài và thành lập các doanh nghiệp tư nhân, trái với tập thể hóa và sở hữu nhà nước trong các ngành công nghiệp và sản xuất hàng hóa[1]. Cuộc cải cách kinh tế đã thu hút ngành du lịch và đầu tư nước ngoài, nhờ đó, đã thúc đẩy tăng trưởng thị trường tranh Việt Nam. Quốc tế đã đầu tư ồ ạt vào nền nghệ thuật hội họa Việt Nam.

Sự bùng nổ của thị trường tranh Việt Nam cũng đã lôi cuốn giới học giả viết về mỹ thuật Việt Nam. Nora Taylor là người đi đầu trong công việc này, tuy nhiên, việc nghiên cứu cũng đã diễn ra hết sức khó khăn vì thiếu tài liệu, không nhận được sự quan tâm từ cộng đồng các nghệ sĩ Việt Nam cũng như giới học giả nước ngoài và không có ngân sách hỗ trợ. Với nỗ lực đưa nền nghệ thuật Việt Nam vượt khỏi phạm vi quốc gia, được biết đến và lưu tâm về phương diện học thuật, Taylor sử dụng cách tiếp cận theo phương pháp mô tả dân tộc học để theo đuổi việc nghiên cứu của mình, bằng cách trao đổi với các họa sĩ, xem tranh và chụp hình các họa phẩm tại xưởng vẽ của các họa sĩ, tại các viện bảo tàng và tại tư gia của các nhà sưu tập tranh. Nỗ lực của bà nhằm hai điều: đặt hội họa Việt Nam vào bản đồ Đông Nam Á, nhằm xóa bỏ tình trạng Việt Nam bị gạt ra ngoài lề lịch sử nghệ thuật châu Á; thứ hai, khắc phục tình trạng khái quát hóa chung chung về khung cảnh nghệ thuật, coi đây là vấn đề “toàn cầu hóa” hoặc “hậu dân tộc chủ nghĩa” và khuyến khích loại nghệ thuật hậu thuộc địa vốn xu thế chung không còn ủng hộ.

Nhằm mang lại sự chú ý đối với nghệ thuật tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh hình thành nền nghệ thuật đương đại Việt Nam, tôi muốn tập trung vào mảng sáng tác chưa được phương Tây lưu tâm và đề cập. Việc sưu tập tranh này là một cố gắng của cha Trần Thái Hiệp, người đã có dự định sưu tập tranh tôn giáo cho Giáo Hội. Những tác phẩm hội họa này được sáng tác trong giai đoạn 1970-1990. Chúng gồm nhiều khổ khác nhau và được vẽ bằng màu nước thực hiện trên lụa, sơn mài, do các họa sĩ nổi tiếng, trong số đó có các họa sĩ bậc thầy như Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Đệ... Hiện những họa phẩm này được lưu giữ tại Nhà Truyền thống TGP. TPHCM.

Điều đáng nói là những bức tranh này chủ yếu thể hiện đề tài về Mẹ và Con. Đồng thời phần nhiều gần như được bố cục để diễn tả mối tương tác giữa Mẹ và Con. Đặc điểm hội họa trong nghệ thuật thánh của Việt Nam là chọn Đức Mẹ Việt Nam làm chủ đề chính và ít vẽ về Chúa đã phản ánh sâu sắc một đặc điểm văn hóa tinh thần của người Việt Nam. Để hiểu đặc điểm này, cần phải tiếp cận nền tảng văn hóa, tôn giáo của người Việt Nam.

 

2. TÔN GIÁO TẠI VIỆT NAM

 

Tục thờ thần Nữ

 

Văn hóa Việt Nam là văn hóa đa tôn giáo. Ba tôn giáo chính là Phật, Nho, Lão, gọi là Tam Giáo. Phật giáo là tôn giáo chính thời Lý-Trần, nhưng chỉ kéo dài trong bốn trăm năm[2]. Dưới thời Lê, Nho giáo là quốc giáo. Thiên Chúa giáo cũng đã là một hiện tượng vào thế kỷ XVI với việc sáng tạo chữ quốc ngữ. Tóm lại, tại Việt Nam, tôn giáo có nhiều ảnh hưởng và các tôn giáo đều được du nhập từ nước ngoài như Trung Hoa, Ấn Độ và châu Âu. Vậy trong văn hóa Việt Nam, tôn giáo nào là tôn giáo bản địa?

Người Việt có truyền thống thờ thần Nữ. Sự thực hành tôn giáo này là kết quả của lối sống nông nghiệp, động cơ chính của các hoạt động kinh tế. Việc thờ 75 nữ thần cùng các tín ngưỡng dân gian và truyền thuyết về nguồn gốc dân tộc Việt Nam đã tạo ra một hệ thống tôn giáo được gọi là tục thờ thần Mẫu tại Việt Nam[3]. Tục thờ này bắt nguồn từ tín ngưỡng cổ xưa đặt niềm tin vào các thần linh[4]. Tín ngưỡng đa thần duy linh này thờ các thần như mặt trời, mặt trăng, các hiện tượng thiên nhiên và nhiều thần khác được tôn thờ vì được coi là nguồn sống của trái đất. Các nữ thần này lấy sức nóng của mình sưởi ấm mặt đất ẩm ướt, chiếu sáng và mang lại sự sống cho Trái Đất. Hoạt động sản xuất nông nghiệp khiến người Việt đến với tục thờ cúng đất, nước, núi non, lúa gạo vốn mang tính nữ. Người mẹ vốn có thuộc tính che chở, sinh sôi, sáng tạo[5].

Các nữ thần này có đền thờ ở nhiều nơi và được vua ban sắc phong làm thần hoàng của nhiều làng; ví dụ bà liễu Hạnh là thành hoàng làng Phố Cát, Thanh Hóa, Hai Bà Trưng ở Mê Linh, Bà Đanh ở Nghệ An, Bà Đá ở Hải Hưng, Linh Sơn Mị Nương ở Bắc Ninh...[6]. Các nữ thần cũng là những vị tổ của các hoạt động thuộc nghề nông cổ truyền như gieo hạt, trồng tỉa, làm bánh.

Một trong những gương mặt quan trọng nhất là Mẹ Âu Cơ. Theo truyền thuyết, Âu Cơ sinh ra dân tộc Việt Nam. Người Việt hãnh diện nhận mình là con Rồng cháu Tiên - hậu duệ của rồng và nữ thần/bà chúa. Họ tin mình được sinh ra từ bào thai trong lòng Âu Cơ. Dù chỉ là một truyền thuyết, nhưng Âu Cơ là trở thành biểu tượng vị Thần Mẫu linh thiêng trong tâm khảm người Việt. Trong truyền thuyết này, bà là một người mẹ tuyệt vời không chỉ thể hiện một tình yêu vô bờ đối với con cái, mà còn dạy họ biết khai phá đất đai, phát triển các nghề, may quần áo che thân[7]. Người Việt đã nói lên niềm tin của mình qua việc dựng ngôi đền đầu tiên thở Mẹ Âu Cơ gần Sông Thao, một thành phố nhỏ ở miền Bắc Việt Nam[8].

 

Kitô giáo

 

Kitô giáo đến Việt Nam vào đầu thế kỷ XVI. Việc du nhập muộn này đã gặp mảnh đất tâm linh đã thấm sâu triết lý của các tôn giáo truyền thống bao gồm Phật, Lão Khổng đã có hằng ngàn năm. Việt thiết lập Kitô giáo tại Việt Nam đồng nghĩa với Giáo Hội cần đưa giáo thuyết và tư tưởng thích nghi với những tập quán bản địa. Tiến trình dưa sứ điệp Kitô giáo vào văn hóa Việt Nam phải đối mặt với nhiều cuộc xung đột về tư tưởng với ba tôn giáo lớn cũng như tập quán văn hóa của việc thờ cúng tổ tiên. Thách đố chủ yếu là sự khác biệt trong việc nhận biết Thiên Chúa. Đối với người Việt Nam, quan niệm về Thiên Chúa (Ông Trời) khá mơ hồ, khó xác định[9]. Thiên Chúa Ba Ngôi của Kitô giáo thì cụ thể và rõ ràng. Thiên Chúa của Kitô giáo là Đấng toàn năng, toàn trí, toàn ái và toàn mỹ, còn Đức Kitô là bằng chứng cho một Thiên Chúa đầy lòng từ bi nhân hậu. Trái lại, Thiên Chúa (Ông Trời) trong tín ngưỡng truyền thống Việt Nam thì thánh thiêng và quyền năng nhưng lại không bao giờ xác định được. Thần thánh hiện diện trong cõi linh thiêng, vô hình. Ngoài ra, tập quán văn hóa thờ cúng tổ tiên có lẽ đã khiến người Việt Nam ngoảnh quay đi trước điều răn trong Giáo Hội là chỉ tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất. Các vị thừa sai phải tìm cách giữ đúng giáo thuyết của Hội Thánh vốn chưa uyển chuyển với thực tế văn hóa. Giải quyết thách đố này, các vị thừa sai chọn phương pháp bán linh hoạt. Một ví dụ cụ thể là Cha Đắc Lộ, một tu sĩ Dòng Tên người Pháp, người đã được ghi nhận là người đầu tiên soạn ra chữ quốc ngữ. Đôi khi cha cũng đã thích nghi giáo thuyết Kitô giáo với tập quán văn hóa nhưng cũng đã từng từ chối những phong tục tùy theo những thực hành thuận hay nghịch lại giáo huấn của Giáo Hội. Mục đích của cha là nhằm giải thích rõ Kitô giáo, tôn giáo mới, trong bối cảnh có những tôn giáo khác. Cha không muốn pha trộn đức Tin Kitô giáo với niềm tin trong các tôn giáo khác.

Đến nay việc bàn thảo vẫn chỉ tập trung vào vấn đề đưa sứ điệp Kitô giáo đi vào văn hóa Việt Nam, trong khi đó, tiến trình Phúc âm hóa đòi hỏi hai khía cạnh: thích nghi và tiếp nhận. Người Công giáo Việt Nam lãnh nhận sứ điệp Kitô giáo với sự tự do như thế nào? Họ đã đáp lại như thế nào khi đã lãnh nhận đức Tin Kitô giáo? Trả lời những câu hỏi này sẽ góp phần làm rõ vì sao đa số họa phẩm được lưu trữ tại Nhà Truyền thống TGP.TPHCM lại vẽ về Đức Maria.

 

Đức Mẹ Việt Nam

 

Một trong những lý do có thể nêu lên liên quan đến nhãn quan triết lý văn hóa Việt Nam. Người Việt Nam thường tư duy theo lối nhị nguyên, đối lập giữa thiêng và phàm. Cái bên ngoài hoặc ở ngoài là cái thánh thiêng, còn cái bên trong hoặc bản địa thì phàm tục. Thanh khiết là sự đòi hỏi cần phải có đối với thánh thiêng. Thánh thiêng nghĩa là thanh khiết. Thiên Chúa vượt trên hết thảy. Để có một Thiên Chúa siêu việt, thánh thiện và toàn năng, thì Ngài cần phải ở ngoài bước vào, là người từ ngoài mà đến. Đối với người Việt Nam, những đường nét nơi khuôn mặt Thiên Chúa phải có dáng dấp nước ngoài, bởi đường nét Việt Nam sẽ làm giảm đi tính chất thánh thiêng[10]. Hơn nữa, về mặt lịch sử, Chúa Giêsu không phải là người Việt Nam. Mô tả một Thiên Chúa không có dáng dấp người bản địa là một cách giữ sự trung thành với truyền thống lịch sử vốn là một nét tính cách chủ yếu của người Công giáo Việt Nam.

Còn với Đức Mẹ lại là một chuyện khác. Mẹ là người có phúc vì được chọn để cưu mang Con Thiên Chúa. Việc Đức Maria được nâng lên làm Mẹ của Con Thiên Chúa cho thấy đó là ân phúc từ trời cao. Miêu tả Đức Mẹ mang tính cách Việt Nam sẽ không làm giảm quyền thế của Mẹ nhưng thêm sức cho con người vươn đến sự linh thánh. Khắc họa hình ảnh Đức Mẹ mang tính cách Việt Nam sẽ đưa hình ảnh của Người đến gần với dân chúng và khơi niềm ước ao nên thánh. Ánh mắt mang sắc thái dân tộc Việt Nam của Mẹ giúp con người thấy con đường nên thánh gần gũi dễ dàng hơn vì nhận ra Mẹ cũng mang bản tính nhân loại. Hơn nữa, cảm nhận Mẹ là Đấng thánh thiện cũng nằm trong mạch truyền thống thờ nữ thần của người Việt Nam. Tục thờ thần nữ dễ dàng tiếp nhận việc tôn sùng Đức Mẹ. Sở dĩ có hiện tượng sùng mộ Đức Mẹ La Vang, theo linh mục Phan Đình Cho, vì Mẹ là biểu tượng của lòng từ bi[11]. Thể hiện Đức Mẹ với những đường nét Việt Nam không những không gặp phải sự chống đối mà còn nhận được sự ủng hộ, tôn kính, tôn sùng.

Ngoài những ý nghĩa về phương diện tâm linh, có thể nghiên cứu đề tài Mẹ và Con nơi những bức tranh trong bộ sưu tập này dưới lăng kính xã hội và tâm lý học.

Trong bối cảnh một đất nước chịu đau khổ vì chiến tranh và ách thống trị của ngoại bang, vai trò của người mẹ quan trọng hơn bao giờ hết. Các bà mẹ ở lại nhà và nuôi dạy con cái. Họ là chỗ dựa cho gia đình và thông truyền các giá trị văn hóa và lẽ khôn ngoan cho thế hệ sau khi đàn ông ra trận chiến đấu bảo vệ đất nước.

Bối cảnh xã hội và tôn giáo giải thích được vì sao Đức Mẹ Việt Nam đã trở thành đề tài được giới sáng tác nghệ thuật tôn giáo tại Việt Nam ưa thích. Nền hội họa này khác biệt ra sao về phương diện nghệ thuật với những nền hội họa khác ở phương Đông cũng như phương Tây?

 

3. KHÁI NIỆM TÍNH LAI GHÉP, MỘT CÁCH NHẬN THỨC VÀ MÔ TẢ HỘI HỌA VIỆT NAM

 

Người Việt Nam vốn luôn làm nghệ thuật nhưng nghệ thuật của họ đã từng bị coi chỉ là thứ nghề thủ công của người bản xứ. Nhờ nỗ lực của họa sĩ người Pháp Victor Tardieu, trường Mỹ thuật đầu tiên được thành lập tại Hà Nội vào năm 1925, dưới thời Pháp thuộc. Nhiệm vụ của trường Mỹ nghệ Đông Dương là “biến những người thợ thủ công bản xứ thành các nghệ sĩ chuyên nghiệp”[12]. Các nghệ sĩ Việt Nam bắt đầu được học và tin rằng nền hội họa Pháp cao cấp hơn hội họa Đông Dương. Học và làm chủ kỹ thuật hội họa phương Tây, trước hết là tranh sơn dầu, giúp họ đạt được trình độ học vấn cao và thấy mình bớt tự ti hơn. Việc thành lập trường đánh dấu một bước quan trọng đối với người họa sĩ trong việc phát triển phong cách sáng tác của mình. Thậm chí sự phát triển còn trở nên rõ rệt hơn khi chế độ thực dân Pháp kết thúc vào năm 1945. Ở miền Bắc, trường Mỹ nghệ Đông Dương trở thành trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, và hiện nay là trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ở miền Nam, trường Mỹ thuật Gia Định được thành lập. Trường phối hợp hội họa tranh lụa Trung Hoa và kỹ thuật vẽ chân dung và khái niệm về bố cục của phương Tây. Kết quả là tạo ra được vẻ mềm mại và trong trẻo của mực nước vẽ trên lụa. Sự độc đáo là đã kết hợp được hai phương pháp hội họa. Đó là sự độc đáo của pha trộn. Sự độc đáo của việc không cần viền mép và phát sinh một đường hướng và thể loại mới.

Bây giờ xin nói về sự cách tân và ý nghĩa đích thực của tính lai ghép. Tính lai ghép hay không gian thứ ba là sự hợp nhất giữa các yếu tố khác biệt và đối chọi nhau. Như vậy, không gian thứ ba khu trú ở một vị trí không dành cho những đối chọi mang tính cực đoan, không mưu tìm bất kỳ sự chắc chắn hoặc ổn định nào. Mô hình này khước từ việc trở thành môn đệ của yếu tính luận (essentialist) và chấp nhận sự tồn tại giữa các đối cực. Do đó cần phải có ngay một không gian mới, đó là một không gian “khác biệt trong tương đồng” (sự dị biệt của cái tương đồng)[13]. Người nào nhìn nhận tính mơ hồ của thực trạng, người ấy không tìm cách phủ định mà chọn sự thương thảo. Nhà thờ chính tòa Phát Diệm tiêu biểu cho một dự phóng về văn hóa. Nhà thờ chính tòa Phát Diệm là một không gian khác biệt trong tương đồng.

Sự tồn tại đồng thời của cả hai mặt đối lập trong Không gian thứ ba, giữa cái tương đồng và cái khác biệt, hoặc cái mới, cái không chịu đóng khung cách này cách khác, đang vận hành như một hành động đối lập với chính mình. Tiến trình thương thảo và sản phẩm của sự lai ghép (hybridity) đặt ra thách thức đối với những cố gắng mang tính thực dân nhằm chia cắt giữa “trung tâm” và “ngoại vi”, hoặc nỗ lực của chủ nghĩa bản địa nhằm xây dựng một quá khứ thuần túy bản địa. Sự pha trộn trong Không gian thứ ba gây thất vọng cho mọi thẩm quyền, cho kẻ bảo vệ tính chính thống và những người nồng nhiệt chạy theo chủ nghĩa bản địa. Không gian thứ ba phá vỡ kiểu thống trị tuyến tính thuần túy và kiểu dùng thủ đoạn, vì nó bẻ cho gãy loại chính trị đơn cực giả tạo mà nhà cầm quyền thực dân và nhà cầm quyền bản địa chủ nghĩa cố gắng duy trì[14]. Nói cách khác, sự thương thảo và sự pha trộn chính là những hạt mầm gieo sự hủy diệt đối với những diễn ngôn độc quyền của thực dân, bởi sản phẩm của sự pha trộn không phải là một bắt chước hoặc một bản sao mờ nhạt do “trung tâm” kiểm soát, mà sự bắt chước này “chẳng hề xa sự nhạo báng bao giờ”[15].

Hội họa Việt Nam, đặc biệt nghệ thuật tranh lụa và sơn mài, chưa bao giờ mang nhãn hiệu là nghệ thuật khởi thủy, nhưng đã được nhìn nhận là nguyên tuyền, thuần khiết, không bị hư hoại[16]. Hội họa Việt Nam là một nền nghệ thuật “chính danh”, không lai căng, tái chế, không phải là bản sao mệt mỏi của hội họa châu Âu và Mỹ[17]. Tính chính danh của nền hội họa mang lại cho các họa sĩ một chỗ đứng vinh dự để đổi mới phương pháp sáng tạo nghệ thuật. Sự phối hợp hai luồng ảnh hưởng sẽ tạo ra một vị thế mới và xóa đi cái gọi là trên và dưới, trong và ngoài, ngoại vi và trung tâm. Quả thật đó là một vị thế dám đưa ra thách thức.

 

KẾT LUẬN

 

Bài viết này giới thiệu mảng tranh được sưu tập và lưu trữ tại Nhà truyền thống TGP. TP.HCM vốn chưa được các nhà nghiên cứu đề cập và thảo luận. Bài viết cũng đã tìm hiểu căn nguyên và cảm hứng của những hình ảnh sáng tạo này cũng như khám phá cách giải thích mới về phong cách của những họa phẩm này. Đặt trong bối cảnh xã hội hậu thực dân, những họa phẩm này cho thấy một cái nhìn tươi mới về cách làm thế nào đánh giá và điều chỉnh câu chuyện về lịch sử hội họa, ít nhất tại vùng Đông Nam Á. Nghệ thuật là đời sống. Khám phá nghệ thuật sẽ luôn gợi ra con đường “hội nhập”.

 

Thành Thi chuyển ngữ

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 84 (Tháng 9 & 10 năm 2014)

 

 

[1] Nora A. Taylor, Painters in Hanoi : an ethnography of Vietnamese art, Honolulu: University of Hawaii Press, 2004, 109.

[2] Đặng Việt Bích, Tìm hiểu Văn hóa Dân tộc, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2006, 265.

[3] Đỗ Thị Hảo-Mai Thị Ngọc Chúc, Các nữ thần Việt Nam, Nxb Phụ nữ (Hà Nội, 1984).

[4] Nguyễn Minh San, Những thần nữ danh tiếng trong văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1996, 18.

[5] Đinh Gia Khánh, Tục thờ Mẫu và những truyền thống văn hóa dân gian ở Việt Nam, Tạp chí Văn học, số 5-1992.

[6] Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu ở Việt Nam, Nxb Thông tin, Hà Nội 1996, 10.

[7] Nguyễn Minh San, Những thần nữ danh tiếng trong văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1996, 18.

[8] Nguyễn Minh San, Tiếp cận tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội 1994, 103.

[9] Đặng Việt Bích, Tìm hiểu Văn hóa Dân tộc, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2006, 284.

[10] Vấn đề này cần được nghiên cứu thêm dưới khía cạnh tâm lý học.

[11] Peter C. Phan, Vietnamese-American Catholics, New York: Paulist Press, 2005, 113.

[12] Nora A. Taylor, Painters in Hanoi : an ethnography of Vietnamese art, Honolulu: University of Hawaii Press, 2004, 13.

[13] Homi K. Bhabha, The Location of Culture, New York: Routledge, 1994, 32.

[14] Homi K. Bhabha, The Location of Culture, New York: Routledge, 1994, 56.

[15] Bill Ashcroft, Grareth Griffiths and Helen Tiffin, Post-Colonial Studies: The Key Concepts, New York: Routledge, 2004, 139-142.

[16] Nora A. Taylor, Painters in Hanoi : an ethnography of Vietnamese art, Honolulu: University of Hawaii Press, 2004, 7.

[17] Nora A. Taylor, Painters in Hanoi : an ethnography of Vietnamese art, Honolulu: University of Hawaii Press, 2004, 7.

Bức tranh sơn dầu do nhà hoạ sĩ người Hòa Lan, tên là Vincent Van Gogh sanh năm 1853 và mất năm 1890 thuộc phái ấn tượng. Ông đã hoàn thành bức hoạ năm 1889 tả cảnh người Sa-ma-ri nhân hậu đang nâng một người bị thương lên ngựa, để đưa đến quán trọ chữa trị.

 

Những đường nét vẽ của ông thật điêu luyện cùng các màu sắc, được hoà quyện với màu vàng óng ả, làm sáng rực và rõ nét con đường dốc, quanh co, hiu quạnh, có vẻ như không có nhiều người qua lại là vùng đất cỏ khô cằn nắng cháy, những ngọn núi xen kẻ qua hàng cây cổ thụ rất lâu đời, như câu chuyện của thánh Luca viết lại:

 

Và có người thông luật kia, đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?”. Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”. Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”.  Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” 

Đức Giê-su đáp:

Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người này đánh nhừ tử, rồi bỏ đi để mặc người ấy nửa sống nửa chết.

Chúng ta cùng chiêm ngắm, trên bức tranh có một người đang đi phía trước là thầy tư tế và một người nữa cũng trên đường này, nhưng không quá xa nơi người bị nạn, là thầy Lê-vi, đã trông thấy nhưng cả hai đều tránh sang bên kia mà đi, để mặc cho người gặp nạn thoi thóp trong cơn đau đớn.

Nhưng có một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương xót, anh ta ngừng lại không một chút sợ hãi, tiến đến gần lấy dầu và rượu rửa sạch băng bó các vết thương, lấy tấm khăn trắng băng quanh đầu, lấy áo choàng màu xanh của mình bọc thân người bị nạn.

Chúng ta hãy nhìn xem người bị nạn hai tay co gấp lại, run rẩy và chân anh ta hình như không còn cử động được, đôi mắt anh hé mở trong cơn hoảng sợ, nổi đau đớn tột cùng của anh ta được thương xót cứu giúp, miệng anh ta thì thào như muốn nói lời cám ơn  và ôm thật chặt người Sa-ma-ri nhân từ, quảng đại giúp anh được sống sót.

Người Sa-ma-ri dùng hết sức mạnh của mình, của đôi chân để nâng người ấy lên lưng lừa  đưa về quán trọ để săn sóc, cùng với sự cộng tác ngoan ngoãn của con lừa  luôn vâng theo ý của chủ mình.

Hôm sau, người Sa-ma-ri lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại cho bác”.

Lòng quảng đại chân tình của người Sa-ma-ri khiến tâm tư con dừng lại, chiêm ngắm dung mạo của Đức Kitô  là Vị Mục Tử nhân hậu đã cùng đi trong cuộc đời con qua bao chặng đường đời khó nguy, đau khổ, bệnh tật cũng như tội lỗi của chính con. Ngài rất nhân từ hay thương xót, luôn che chở, đỡ nâng, tha tha và mang con về trong mái ấm tình yêu của Thiên Chúa cùng cộng đoàn của dân Ngài.

Qua bức tranh này con cảm nhận rất sâu đậm về Bí Tích Giãi tội, khi con lạc bước lỗi lầm đã làm con chạy trốn ánh sáng của Thiên Chúa, thì Vị Mục Tử nhân hậu xuất hiện dẫn con đến Hoà Giải cùng với Chúa Cha mang con về nhà Chúa, để cho con được sống an bình qua Thánh Lễ là cội nguồn của đời sống người Ki-tô hữu, và Mình Máu Chúa là của ăn nuôi sống chữa lành cho linh hồn con và mãi mãi ban cho con niềm tin cậy mến trong tình yêu của Ngài.

 

Con xin dâng lời nguyện:

 

Lạy Chúa, xin giúp con càng ngày càng biết sống tin tưởng phó thác tất cả trong bàn tay nhân hậu và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Bởi vì con nhận ra những dấu chỉ trong cuộc đời con không phải là những sự tình cờ, không phải là khôn ngoan, là ý chí của con, mà chính Chúa kêu mời gọi con, ban cho con những năng lượng tốt lành / và mở cho con một lối đi, theo hành trình của Ngài.

 

Con xin cảm tạ và tri ân lòng thương xót nhẫn nại của Chúa đã giúp con vượt qua bao cơn giông bảo của nguy khốn, cơ cực, bóng tối của tội lỗi, mang con về bên Ngài như “dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân lành.”

 

Xin Ngài giúp chúng con biết sống noi gương Ngài để phục vụ tha nhân với một trái tim thịt mền, nhân từ, thông cảm và xót thương nhau trong cùng một tình yêu hiệp nhất nơi Thầy.

 

 

Maria Nguyễn Thị Thương

Ottawa ngày 03-07-2022

Chúa Giê-su ghé nhà Marta và Maria

(Lc 10,38-42)

Tintorreto (1518-1594)

 

 

Bức tranh “Chúa Giê-su ghé nhà Marta và Maria” theo Tin Mừng thánh Luca đã được vẽ khoảng năm 1560 bởi nhà họa sĩ Ý Tintoretto.

 

Ông được sinh ra tại thành phố Venetie  thuộc miền Bắc nước Ý, lập nghiệp và chết ở thành phố này. Kỹ thuật vẽ của ông chịu ảnh hưởng ít nhiều của Michel Angelo.  Ông nổi tiếng với cách dùng màu và những hiệu ứng của ánh sáng. Ông là người đã để lại một tài sản lớn khoảng hơn 200 bức tranh cho nghệ thuật hội họa của Ý.

 

Bức tranh minh họa cảnh hai chị em Marta và Maria đón Chúa Giêsu tại nhà như trong Tin Mừng thánh Luca.

 

Nhìn từ trái qua phải, chúng ta thấy Chúa Giêsu, với hào quang trên đầu, mặc áo đỏ, trong một dáng ngồi khoan thai nhưng vẻ mặt nghiêm trang, đang giảng dạy cho Maria với một cung cách của một người thầy, vừa nói vừa ra dấu với đôi tay của mình.

 

Ngồi dưới chân Chúa là Maria, cô hướng mắt nhìn Chúa và chăm chú nghe Người giảng dạy như không muốn đánh mất một lời nào.

Cô như chỉ muốn nghe Lời Chúa nói và không màng đến những gì đang xảy ra   chung quanh mình, gương mặt rất bình an.

 

Trái với Maria, Marta, gương mặt thật nghiêm nghị, đang nghiên người xuống và nhìn vào mắt của Maria.  Tư thế đứng của Marta với ngón tay trỏ chỉ vào Maria nói lên sự bất bình của cô khi thấy Maria chỉ ngồi nghe Chúa mà không đứng lên để phụ làm tiệc đón khách.

 

Ngồi đối diện với Chúa Giêsu, Ladarô, người em trai của Maria và Marta cũng đang chú tâm theo dõi những gì đang xảy ra với hai người chị của mình. Đứng kế bên Ladarô và đứng ngoài sân là những người môn đệ đang cùng đi với Chúa Giêsu.

 

Đứng sau Marta, bên góc phải, chúng ta thấy có một người đang làm việc trong bếp để chuẩn bị buổi cơm cho tất cả mọi người.

Tintoretto, người họa sĩ tài ba qua bức tranh này đã làm nổi bật sự tương phản trong nét mặt và tư thế của Maria và Marta trước mặt Chúa Giêsu. Maria ngồi bình thản trong khi Marta lo lắng và bất bình.

 

Ngoài ra chúng ta cũng thấy được nét bình an tỏ lộ trên gương mặt của Chúa Giêsu và Maria bên cạnh sự lo âu và căng thẳng của Marta.

 

Một điểm thu hút của bức tranh là hai gương mặt rất sáng của Maria và Marta khi đối diện với Chúa Giêsu.

 

Hai người đều yêu mến và kính trọng Chúa Giêsu nhưng biểu lộ tình thương của mình một cách khác nhau. Là người họat bác, luôn hoạt động, chính Marta là người chạy ra đón Chúa vào nhà, và cũng là người đầu tiên liền ra đón Chúa Giêsu khi vừa được tin Người đến nhà sau khi người em trai Ladarô đã chết bốn ngày. (x.Ga 11, 17-18).

 

Vì yêu mến, tin tưởng và quý trọng Chúa Giêsu mà Marta muốn đón rước và phục vụ Người cùng các môn đệ một cách thật chu đáo. Bà cũng muốn em mình đứng lên giúp một tay để mọi chuyện được tốt đẹp. Trong khi đó Maria đã chọn ngồi nghe Lời giảng dạy của Chúa Giêsu thay vì đi làm việc để phục vụ Người.

 

Maria đã lựa chọn việc ưu tiên nên làm, khi Chúa Giêsu đến nhà, đó là ngồi dưới chân Chúa và không để ý gì đến những việc khác nữa. Như Chúa đã nói trong Tin Mừng Matthêu: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4,4).

 

Ngồi dưới chân Chúa, Maria đã hạ mình trước mặt Chúa, để quý trọng và nghe lời giảng dạy của Người mà mình kính trọng và yêu mến.

 

Chiêm ngắm bức tranh minh họa cho đoạn Tin Mừng rất quen thuộc này, con có một cái nhìn sâu xa hơn so với trước kia về cách biểu hiện tình thương của Maria và của Marta đối với Chúa Giêsu.

 

Nhìn lại hành trình đức tin và cùng đích sống đời mình, con ý thức rằng bền bỉ học Lời Chúa và trung thành cầu nguyện sâu lắng, đặt mình trước mặt Chúa với thái độ kính yêu và vâng phục, giúp con nhìn lại mình và rèn luyện mình để buông bỏ những gì mình còn nô lệ. Điều này giúp con tự do và nhẹ nhàng hơn, có một trái tim mềm mại hơn, để Lời Chúa được thấm nhuần nhiều hơn và được sự bình an trong Chúa.

 

Con cũng sẽ có một cái nhìn yêu thương, rộng lượng và cởi mở hơn đối với mọi người. Đây cũng là nền tảng để dấn thân thực hành Lời Chúa và phục vụ, chia sẻ với tha nhân một cách quãng đại mà không ngại khó khăn thử thách.

 

Nếu chỉ nghe Lời Chúa mà không đem ra thực hành thì cũng chẵng được ơn ích gì.

Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Thật vậy, ai lắng nghe Lời Chúa mà không thực hành, thì giống như người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình (Gc 1, 22-23).

 

Tuy nhiên, hơn lúc nào hết con ý thức rằng dấn thân phục vụ đến mệt mỏi không còn thời giờ để nghỉ ngơi, để cầu nguyện thì có nguy cơ bị cảm xúc lôi cuốn, đưa đến những sự bất bình và không hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Vì phục vụ như thế thì không còn là phục vụ Chúa và tha nhân nữa mà phục vụ để thỏa mãn cái tôi của mình.

 

Như thánh Têrêsa Calcuta, một mẫu gương cho đời sống lao động và đời sống cầu nguyện đã cho chúng ta biết bí quyết thành công của thánh nữ là cầu nguyện,

thánh I-nhã cũng nhắc nhớ rằng  làm việc thiện có giá trị khi gắn bó với Chúa: “Thiên Chúa luôn đặt để nhiều giá trị vào bất cứ điều gì vốn liên kết với Ngài như một công cu để làm việc thiện.”

 

Quả thật, con chỉ là phàm nhân yếu đuối, là công cụ của Chúa, con cần ơn Chúa để dấn thân phục vụ và giúp đỡ tha nhân.

 

Vì thế con cảm nhận mình cần được tỉnh thức,  cần được thần khí Chúa soi sáng để  biết quân bình đời sống gia đình, đời sống cầu nguyện và đời sống phục vụ sao cho đẹp lòng Chúa hơn .

 

 

 

Agnes Kim Liên

Vương Quốc Bỉ.

 

 

Giới thiệu tới mọi người những bức tranh về Công giáo được đánh giá và bình chọn

 

Là người Công giáo không có nghĩa là cả ngày tôi phải cầu nguyện, nghe nhạc đạo, và xem các kênh TV Công giáo. Khi tôi đi du lịch, tôi thăm quan các bảo tàng như một phần trong danh mục phải đi thăm. Trong các chuyến đi trước, tôi không hề có ý định đi tìm xem các bức tranh tôn giáo, nhưng thật bất ngờ, chính những bức tranh lại là những điều cuốn hút tôi nhất khi đi thăm các bảo tang.

Một số bảo tàng tôi yêu thích là Bảo tàng Louvre và Musée d’Orsay. Nhưng nếu bạn muốn chiêm ngưỡng nghệ thuật Công giáo, thì theo tôi địa chỉ tốt nhất chính là Bảo tàng Prado bởi tôi đã tìm thấy một bộ sưu tập tranh tuyệt vời, trong số đó có nhiều tranh tôi biết (và hơn nữa ở đó họ có nói tiếng Tây Ban Nha nên càng là điểm cộng đối với tôi).

Louvre 2

Louvre là một bảo tàng được nhiều người thăm quan nhất trên thế giới.

Nghệ thuật tôn giáo dạy chúng ta về Đức Tin

Thật thú vị khi thấy cuộc đời của Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria và các thánh đã truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ qua nhiều thế kỷ. Chính nghệ thuật đó cũng đã truyền cảm hứng cho tín hữu nam nữ thêm trung thành với những lời giảng dạy của Chúa.

Thật đáng kinh ngạc khi ta có thể hình dung ra những chân lý Đức Giêsu đã giảng dạy xuyên qua những bức tranh mà các nghệ sĩ tài năng đã vẽ; thậm chí khi bạn trực tiếp chiêm ngắm các hình ảnh nguyên gốc, bạn có thể tìm ra được ý nghĩa đằng sau mỗi tuyệt phẩm.

Nếu bạn đã từng đến các bảo tàng có trưng bày nghệ thuật thánh, bạn sẽ đồng tình với tôi về sự phấn khích khi đứng trước tác phẩm nghệ thuật tôn giáo, trong khi thông thường mình chỉ được xem qua các bức hình, thiệp cầu nguyện, các tác phẩm sao chép, sách vở hay các phương tiện truyền thông. Bạn có thể nhìn ngắm những bức tranh này hàng giờ mà không thấy chán.

Tài năng gần như siêu nhiên của các nghệ sĩ thật tuyệt vời. Những nghệ sĩ yêu thích của tôi gồm có Murillo, Velázquez, Rubens, El Grec, và Goya. Nhiều trong số các bức tranh này có kích thước khổng lồ.

Tôi không có ý làm một bài lên lớp về nghệ thuật tôn giáo, mà chỉ đơn thuần chia sẻ với các bạn những ấn tượng và kinh nghiệm của tôi về những tuyệt tác nghệ thuật, cùng một số diễn giải cơ bản về 12 bức tranh tôi yêu thích.

Louvre

Bức tranh này không phải tranh tôn giáo, nhưng tôi dùng minh họa để bạn dễ hình dung kích thước của các bức tranh. Tôi đang đứng trước tác phẩm “Chiếc bè của Chiến thuyền Medusa của Théodero Géricault, trưng bày ở Bảo tàng Louvre, kích thước 4.9×7,3m

Nếu bạn đang tìm kiếm một số cảm hứng linh thánh trong thế giới không hoàn toàn Công giáo cho lắm, tôi có thể chia sẻ với các bạn một số tuyệt phẩm tôn giáo tôi yêu thích, được vẽ trong khoảng từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 18. Thật khó để chọn ra 12 tác phẩm bởi tôi còn yêu thích vô số tác phẩm tuyệt vời khác, nhưng cuối cùng tôi cũng đã chọn ra như sau:

 

1. Bữa tiệc ly của Leonard da Vinci

bua tiec ly Da Vinci

Bữa tiệc ly của Leonard da Vinci – tranh tường

The Last Supper by Leonardo da Vinci – Mural / La Ultima Cena de Leonardo da Vinci

Trước tiên, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy đây không phải bức tranh đóng khung, mà là bức tranh tường kích thước 4.5×8.8m. Tác phẩm không có những màu sắc rực rỡ và độ phân giải cao như chúng ta thường thấy ở các bản in sao chép.

Bữa tiệc ly của Da Vinci được lưu giữ ở Tu viện Đa Minh Santa Maria Della Grazie tại Milan. Để có thể bảo quản tác phẩm này, nhiệt độ phòng luôn được kiểm soát, mỗi 15’ chỉ cho phép tối đa 25 người vào trong phòng ăn. Họ không cho phép chụp hình, bạn chỉ có thể chụp hình bản tranh sao chép đóng khung treo bên ngoài phòng chính.

Bức tranh có nội dung về sự phản bội Chúa Giêsu và việc lập Bí tích Thánh Thể. Trong tranh là lúc Chúa Giêsu mới nói cho các môn đệ biết có một người trong nhóm 12 sẽ nộp Ngài. Da Vinci mô tả phản ứng của mỗi tông đồ trước tin đó. Các tông đồ được sắp thành bốn nhóm ba và Chúa Giêsu ở trung tâm như điểm chính, với dáng người theo hình tam giác biểu trưng cho Chúa Ba Ngôi. Ngài thể hiện sự bình tâm tĩnh tại, tương phản với những biểu cảm kinh ngạc của các tông đồ.

Rõ ràng, bức tranh tường của Leonardo da Vinci đã truyền cảm hứng tới rất nhiều thế hệ tín hữu Công giáo, bởi tôi đã nhìn thấy các bức tranh sao chép ở hầu hết các phòng ăn Công giáo. Tôi nghĩ đây là bức tranh nổi tiếng đầu tiên mà tôi nhớ đã từng nhìn thấy từ hồi thơ ấu.

Ngoài ý nghĩa nội dung, thì chiều sâu của bức tranh là một trong những chi tiết mà tôi ngưỡng mộ ở tuyệt phẩm này. Tôi cũng nghe biết rằng Leonardo không có tên họ, và đó là lý do ông được gọi là “da Vinci”, có nghĩa là của “Vinci”.

 

2. Đức Kitô bị đóng đinh của Velázquez

chua chiu dong dinh velazquez

Đức Kitô bị đóng đinh của Velázquez – Tranh vải bạt sơn dầu

Christ Crucified by Velázquez – Oil on Canvas / Cristo Crucificado de Velázquez

Tác phẩm là hình ảnh tĩnh lặng của Đức Kitô sau khi chết, do nghệ sĩ người Sevilla Tây Ban Nha có tên là Diego Velázquez thực hiện. Tác phẩm có kích thước 98 x 67 inches.

Đức Kitô bị đóng đinh của Velázquez mô tả Đức Kitô với thân hình được vẽ theo tỉ lệ cổ điển, thể hiện dáng vóc một người đàn ông hoàn hảo. Những giọt máu chảy chậm từ những vết thương của Ngài, dọc theo cơ thể và gỗ thập giá, truyền tải cảm giác cô đơn, tĩnh lặng và nghỉ ngơi hơn là thể hiện sự đau đớn của cuộc thương khó Chúa đã trải qua.

Tác phẩm thực sự là bức tranh cầu nguyện mời gọi sự tĩnh lặng và suy niệm.

3. “Các mục đồng thờ lậy” của El Greco

1 36500159955 f73b03c7f3 b

“Các mục đồng thờ lậy” của El Greco – Tranh vải bạt sơn dầu

The Adoration of the Shepherds by El Greco – Oil on Canvas / La Adoración de los Pastores de El Greco

Tên thật của tác giả là Doménikos Theotokópoulos, nhưng ông chọn nghệ danh là “El Greco.” (Ông là công dân Tây Ban Nha gốc Hy Lạp). Ông sinh ra tại Crete nhưng hầu như sống cả đời ở Tây Ban Nha. Người ta nói rằng hơn các họa sĩ khác, ông là người có thể nắm bắt được lòng sùng đạo của người dân Tây Ban Nha.

Bức tranh Các Mục đồng Thờ lậy được lưu giữ tại Bảo tàng Prado, có kích thước 126 × 71 inches. Hướng dẫn viên du lịch cho biết đây là một trong những bức tranh được nhiều người tới xem nhất.

Bức tranh cho chúng ta thấy sự kinh ngạc trên khuôn mặt các mục đồng khi họ chiêm ngắm hình ảnh sáng ngời của Hài Nhi Giêsu mà Đức Nữ Trinh đang biểu lộ sự âu yếm vô cùng. Hình ảnh vị mục đồng đang quỳ gối tôn thờ với cánh tay chắp lại cung kính, có lẽ là bức chân dung tự họa lòng thành kính đang dâng trào của El Greco.

Nếu bạn trực tiếp nhìn thấy bức tranh, bạn sẽ đồng ý với tôi rằng những màu sắc rực rỡ trong trang phục của các nhân vật là một trong những điểm lôi cuốn nhất, cũng như cách dùng ánh sáng tỏa ra từ Hài Nhi Giêsu tạo cho cảnh vật trở nên rất thật.

 

4. Kinh Truyền Tin của Millet

2 35691409523 ee776fe201 b

Kinh Truyền Tin của Millet – Tranh vải bạt sơn dầu / El Angelus de Millet

Bức tranh “Kinh Truyền Tin” của Jean-François Millet được trưng bày tại Bảo tàng Musée d’Orsay tại Paris, kích thước 21,9 × 26 inches.

Chủ thể trong bức tranh thật đẹp: một người đàn ông và một người phụ nữ đang đọc Kinh Truyền Tin trên một cánh đồng yên tĩnh. Do họ tạm ngưng giữa giờ làm việc, nên mọi công cụ lao động như chĩa đào khoai tây, giỏ, bao bố và xe cút kít đều ở ngay bên cạnh họ.

Millet cho biết: “Ý tưởng về bức tranh Kinh Truyền Tin đến với tôi khi tôi nhớ về người bà của tôi. Mỗi khi nghe thấy chuông nhà thờ rung lên trong khi đang làm việc ngoài đồng, bà luôn bảo chúng tôi ngừng tay và cùng đọc Kinh Truyền Tin để cầu nguyện cho những người đáng thương đã qua đời.”

Trừ phi là một tu sĩ, việc dừng lại giữa giờ làm để cầu nguyện và tạ ơn Chúa thật không thực tiễn chút nào, đặc biệt khi bạn làm ở văn phòng. Tôi làm việc cho một công ty Công giáo, nên một trong những lợi ích ở đó chính là việc các nhân viên có thể tự nguyện quây quần bên nhau vào buổi trưa để đọc Kinh Truyền Tin.

 

5. “Những giọt nước mắt của Thánh Phêrô” của El Greco

3 36500161445 e2d1a848eb b

“Những giọt nước mắt của Thánh Phêrô” của El Greco – Tranh vải bạt sơn dầu

Las Lágrimas de San Pedro de El Greco

Bản tính con người nơi Thánh Phêrô thực sự được lột tả nơi bức tranh này. Họa phẩm được trưng bày tại Bảo tàng El Greco ở Toledo, Tây Ban Nha.

Trong tác phẩm tuyệt đẹp này, đôi mắt của thánh Phêrô long lanh với những giọt nước mắt sau khi chối Chúa. Với sự hối hận và đau buồn tột cùng vì tội lỗi, Ngài ngước mắt lên trời và tìm kiếm sự tha thứ.

4 lagrimas san pedro detalle 300x166

5 detalle manos lagrimas pedro 300x166

Ở phần nền của bức họa, bên trái, xuất hiện hai hình vẽ nhỏ của niềm hy vọng: một người phụ nữ, và một thiên thần. Mary Magdalene đại diện cho người tội lỗi ăn năn, và bà cũng chính là người sẽ báo cho Thánh Phêrô biết về ngôi mộ trống. Thiên Thần có trọng trách loan tin về sự Phục Sinh của Chúa Giêsu.

Bức tranh với những ý nghĩa biểu tượng đó đã lay động lòng tôi; đó chính là bức tranh tôi ghi nhớ cách đặc biệt ở Bảo tàng El Greco.

 

6. “Tháo xác khỏi Thánh Giá” của Van der Weyden

6 35665209924 2dfa0afe56 b

“Tháo xác khỏi Thánh Giá” của Van der Weyden – Tranh Sơn dầu trên gỗ Sồi

El Descendimiento de la Cruz de Van der Weyden

Bức tranh được vẽ bởi nghệ sĩ người Bỉ Roger van der Weyden.  “Tháo xác khỏi Thánh Giá” là một bức tranh thời kỳ đầu của trường phái Flemish, với các nhân vật theo kích thước người thật, và bức tranh bộ ba khổ 86.5× 103 inch được trưng bày tại Bảo tàng Prado, Madrid.

Tác phẩm nghệ thuật này họa lại nỗi đau khổ mà Đức Trinh nữ đã trải qua trước cuộc thương khó và cái chết của Con Mẹ. Giuse Arimathea, Nicodemo và một người nữa đỡ xác Chúa Giêsu; Đức Mẹ ngã xỉu và được Thánh Gioan nâng dìu, quanh đó là một số phụ nữ thánh thiện đã chứng kiến việc đóng đanh Chúa.

Gương mặt của Đức Trinh nữ Maria tái nhợt, màu áo xanh của Đức Maria tạo nên một sự tương phản rõ rệt với màu da của Mẹ.

Chúng ta có thể để ý thấy Mẹ và xác Chúa song song, ngụ ý về “cuộc thương khó nhân đôi”. Những biểu cảm của tất cả các nhân vật khác trong hình cũng đầy xúc động.

Tác động cảm xúc của những người thương khóc bên xác Chúa thật đặc biệt.  Nếu phải mô tả tác phẩm này trong 1 từ, thì tôi phải nói là “ngoạn mục”.

7. “Vô nhiễm nguyên tội” của họa sỹ Murillo

vo nhiem nguyen toi cua Murillo

Vô nhiễm nguyên tội của Murillo – Tranh vải bạt sơn dầu / La Immaculada Concepción de Murillo

Bức tranh Vô nhiễm nguyên tội là tác phẩm của họa sĩ người Tây Ban Nha Bartolomé Esteban Murillo. Tại bảo tàng El Prado có một số tác phẩm cùng tên; bức tranh này dài 108 x 75 inches (2,75 x 1,9 m).

Học thuyết Vô nhiễm nguyên tội chính là Đức Trinh nữ Maria, một cung lòng tinh sạch để cưu mang Chúa Giêsu Kitô, đã đầu thai không mắc tội nguyên tổ. Giáo hội Công giáo Roma giảng dạy rằng, ngay từ lúc đầu thai, Đức Maria đã được hưởng ân sủng mà thông thường người ta nhận được qua bí tích rửa tội sau khi sinh.

Cách vẽ Đức Trinh Nữ Maria trong bức tranh này xuất phát từ sách Khải Huyền, mô tả “một người phụ nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng”.

 

8. “Cuộc bàn luận về Bí tích Cực thánh” của Raphael

ban ve bi tich cu thanh cua Raphael

“Cuộc bàn luận về Bí tích Cực thánh” của Raphael – Tranh bích họa / La Disputa del Sacramentode Rafael

“Cuộc bàn luận về Bí tích Cực thánh” của Raphael mô tả cảnh có sự chứng kiến của cả trên trời và dưới thế. Tranh có kích thước 200 × 300 inches (5 x 7,6 m) và được đặt ở Bảo tàng Vatican. Cái đẹp của tranh tường thường là dễ bị bỏ sót nếu như bạn không hiểu được ý nghĩa đằng sau bức tranh đó.

Chúa Cha đứng phía sau, Chúa Giêsu ngồi trên ngai vàng và tỏ cho thấy các dấu đanh trên tay Ngài; phía dưới Ngài là Chúa Thánh Thần. Chúa Giê-su ngồi giữa Đức Maria, Mẹ của Người và Thánh Gioan Tẩy Giả, anh họ và cũng là vị Tiền hô của Người. Ba ngôi Thiên Chúa và Đức Maria cùng thánh Gioan tạo thành hình Thánh Giá.

Hai bên phải trái của Chúa Ba Ngôi là Hội thánh Chiến thắng, đại diện bởi các trưởng lão và các tiên tri trong Cựu ước, cũng như các Thánh Tử đạo và Tông đồ trong Tân Ước; Họ là “đoàn người đông đảo”. Các nhân vật từ trái qua phải” Thánh Phêrô, Adam, Thánh Gioan Tông đồ, Vua Đavid, Thánh Laurenso, Judas Maccabê, Thánh Stephano, ông Mose, Thánh Giacobe Tiền, Abraham và Thánh Phaolô.

Chúng ta có thể thấy phía dưới cảnh thiên quốc là Bí tích cực thánh, cột trụ của Hội thánh Tại thế, là những Kitô hữu đang lữ hành dưới thế. Bức tranh tả cảnh các thành viên của Hội Thánh đang bàn luận về Sự biến thể và sự hiện diện thật sự của Chúa Kitô trong Thánh Thể.

Bức tranh thể hiện sự hợp thành của Ba ngôi Thiên Chúa, Thánh Thể và dân Chúa trên trời dưới thế tạo nên Hội Thánh.

Tôi thích bức tranh này bởi nó cho chúng ta hình dung về vinh quang thiên quốc và con đường các tín hữu Công giáo theo đuổi trên trần gian này.

9. “Trao triều thiên cho Đức Trinh nữ Maria” của Velázquez

trao trieu thien cho duc me của Velázquez

“Trao triều thiên cho Đức Trinh nữ Maria” của Velázquez – Tranh vải bạt sơn dầu

The Coronation of the Virgin by Velázquez – Oil on Canvas / La Coronación de la Virgen de Velázquez

Trong bức tranh này, Đức Maria ở vị trí trung tâm, Chúa Giêsu ở bên trái và Chúa Cha bên phải, Chúa Thánh Thần ở giữa tạo thành Ba Ngôi. Tranh có kích thước 70 x 52 inches (1,8 x 1,3 m) và tác phẩm gốc hiện lưu giữ tại Bảo tàng Prado.

Bố cục tác phẩm tạo thành hình tam giác ngược, nhưng cũng có dáng hình trái tim. Đức Maria là nhân vật trung tâm với thái độ khiêm nhường, tôn kính và xúc động; tay phải của Mẹ đặt lên trái tim càng củng cố thêm ý tưởng này.

Chúa Cha được họa như một cụ già, tượng trưng cho sự khôn ngoan; cả Cha và Con đều trong tư thế trao vương miện là vòng hoa hồng cho Đức Nữ Trinh. Chúa Thánh Thần được thể hiện theo cách thức truyền thống là hình chim câu. Ba Ngôi vị được trình bày ở cùng một chiều cao, gợi nhắc cho chúng ta về sự bình đẳng hoàn hảo của Ba Ngôi. Các thiên thần được thể hiện phía dưới chân bức tranh.

Việc sử dụng màu thiên thanh và tía trong trang phục, thay vì màu đỏ truyền thống là một chi tiết gây sự chú ý cho chúng ta. Màu thiên thanh tượng trưng cho thiên ân. Đức Trinh nữ Maria thường được mô tả trong trang phục màu thiên thanh. Đó cũng là màu của hy vọng, sức khỏe và sự vâng phục. Sắc màu tía luôn liên kết với hoàng tộc vương giả.

Đối với tôi, đây là một bức tranh gợi sự hứng khởi kinh ngạc, và khiến tôi đặt câu hỏi: tại sao không còn ai vẽ như vậy nữa?

10. “Trinh nữ của chùm nho” của Mignard

Pierre Mignard The Virgin of the Grapes WGA15663

“Trinh nữ của chùm nho” của Mignard – Tranh vải bạt sơn dầu

The Virgin of the Grapes by Mignard – Oil on Canvas / La Virgen de las Uvas de Mignard

“Trinh nữ của chùm nho” là bức tranh do nghệ sĩ người Pháp Pierre Mignard vẽ năm 1640, hiện được trưng bày tại bảo tàng Louvre. Tranh có kích thước 47.6 x 37 inches (1,2 x 0,9 m).

Cảnh trời tối ở nền bị che phủ một phần bởi tấm màn phía trước biểu trưng cho sự yên tĩnh và hài hòa. Trẻ Giêsu âu yếm nhìn chúng ta từ dưới tấm khăn voan mỏng của Mẹ Người, tấm khăn voan biểu trưng cho sự trong trắng. Tấm áo choàng thiên thanh của Đức Trinh nữ ẩn ý trời xanh, màu đỏ tượng trưng cho tình yêu của Mẹ. Các trái táo có thể là dấu chỉ cho tội Nguyên tổ, và chùm nho mà Đức Trinh nữ Maria và Trẻ Giêsu cầm trên tay tượng trưng cho Thánh Thể và cuộc hy sinh của Đức Kitô Cứu Thế.

Là một người mẹ, ngay lập tức tôi thấy có sự nối kết với bức chân dung này. Có thể thấy ở đây có một sự biểu cảm vô cùng âu yếm dịu dàng. Tôi cũng có con nhỏ, và bé cũng thích nho! Tôi có thể nói gì khác được đây? Bức tranh thực sự truyền cảm hứng mời gọi tôi trở thành một người mẹ kiên nhẫn và yêu thương, trong khi tôi đang cùng con trải qua giai đoạn mà mọi người vẫn thường nói là thời kỳ khủng hoảng tuổi lên hai.

 

11. “Đức Trinh nữ hang đá” của Leonardo Da Vinci

Leonardo Da Vinci Vergine delle Rocce Louvre

“Đức Trinh nữ hang đá” của Leonardo Da Vinci – Tranh sơn dầu trên bảng

The Virgin of the Rocks by Leonardo Da Vinci – Oil on Panel / La Virgen de las Rocas Leonardo de Da Vinci

Bức tranh sơn dầu này của Leonardo da Vinci được trưng bày tại Bảo tàng Louvre, kích thước gần 78.3 x 48 inches (2 x 1,2 m).

Và đây là một cách chú giải tuyệt vời cho tác phẩm:

“Đúng như tên gọi, bức tranh thể hiện hình ảnh một hang đá với bốn nhân vật cùng ngồi trên sàn đá tạo thành hình chóp.

Ở phía bên phải, Tổng lãnh thiên thần Gabriel chào đón chúng ta tới với bức tranh bằng một ánh nhìn bí ẩn, chỉ tay vào nhân vật trẻ nhỏ là Thánh Gioan, trong khi tay kia đỡ Trẻ Giêsu đang ngồi cạnh mình. Ở đỉnh của chop, Đức Trinh nữ ngồi với tay nâng lên, hướng lòng bàn tay xuống phía đầu của trẻ Giêsu như thể đang chúc lành cho Ngài.

Bàn tay của Thiên thần Gabriel chỉ về phía Trẻ Gioan tạo thành đường kẻ ngang giữa tay của Đức Trinh nữ và đầu của Trẻ Giêsu, như thể nói với chúng ta hãy bắt chước ngài và cũng như thể hoàn thiện một dấu thánh giá vô hình. Trong khi đó, bàn tay phải bé nhỏ của Trẻ Giêsu nâng lên ở dáng bộ ban phúc lành hướng về Trẻ Gioan lúc này đang đan tay cầu nguyện. Vòng tròn được hoàn tất bởi Đức Mẹ với cánh tay vươn tới ôm đầu Trẻ Gioan
Ngoài ý nghĩa nội dung, ấn tượng về chiều sâu của cảnh nền và kỹ thuật Sfumato sử dụng màu sắc vẽ hòa mờ vào nhau cũng là những đặc điểm lôi cuốn sự chú ý của tôi.

12. Bức tranh “Sự trong sáng” của Bougeureau (L’Innocence by Bouguereau)

Bouguereau Linnocence

Bức tranh “Sự trong sáng” của Bougeureau L’Innocence by Bouguereau / La Inocencia de Bouguereau

Tuyệt tác “Sự trong sáng” này được vẽ bởi họa sĩ người Pháp William-Adolphe Bouguereau vào năm 1893. Trong số 12 bức tranh mà tôi nêu ra ở bài viết này, đây là bức tranh duy nhất mà tôi chưa có dịp được xem trực tiếp vì bức tranh thuộc bộ sưu tập cá nhân. Khi tôi nhìn vào hình ảnh, tôi thấy sự tinh khiết và sự dịu dàng âu yếm thể hiện tình cảm giữa một người mẹ và con mình.

Tôi nghĩ mỗi người đều có một cách riêng trong việc tiếp nhận nguồn thiên hứng. Chẳng hạn, chồng tôi tìm kiếm cảm hứng bằng việc nghe các bài thánh ca Gregorian trong khi anh ấy đi tắm (thật là ngại). Tôi không có ý định xét đoán; mỗi người trong chúng ta được mời gọi nên thánh theo một cách khác nhau.

Thật là tuyệt khi sử dụng nghệ thuật tôn giáo để truyền cảm hứng cho một ước muốn nên thánh. Điều đó giúp tôi tìm được cảm hứng thánh thiện, không những chỉ vì các bức tranh quá đẹp, nhưng còn bởi ý nghĩa thiêng liêng của chúng. Các bức tranh có yếu tố cốt lõi vô giá, khó tìm được trong thế giới hiện đại.

Tôi được truyền cảm hứng bởi nội dung và lịch sử của nghệ thuật Kitô giáo. Tôi đã chọn đặt tên con trai tôi theo tên một trong các tổng lãnh thiên thần, và được gợi hứng bởi tính biểu tượng đó. Tôi đã mua một bản sao chép của bức “Sự trong sáng” và treo trong phòng của bé. Tôi thậm chí đã chụp một tấm hình của con và mình theo tư thế giống trong bức tranh (Tôi không kiếm được một chú cừu thật, nhưng tôi nghĩ tôi đã bắt chước khá giống, đúng không nào?).

veronica mela

Truyền cảm hứng bởi nghệ thuật tôn giáo

Veronica Mena

BBT tgphanoi.org chuyển ngữ