la-croix.com, Christopher Henning, 

Một cuộc khủng hoảng không bao giờ kết thúc. Sau những tiết lộ gần đây ảnh hưởng đến Giáo hội Pháp, làm thế nào để không rời bỏ con thuyền. Dù vậy giáo dân đã làm chứng cho ý chí bám trụ của họ.

Báo cáo của ủy ban Sauvé đã tiết lộ mức độ thảm kịch, nhưng thêm một lần nữa “các vụ việc” được đưa ra ánh sáng trong vài tuần qua đã làm cho giáo dân công giáo Pháp rụng rời.

Cựu giám mục Santier của giáo phận Créteil bị kết án vì tội “lạm dụng thiêng liêng vì mục đích tình dục” và án phạt chỉ được công bố một năm sau. Những lời thú tội của hồng y Ricard, người thừa nhận những sự thật “đáng trách” liên quan đến một thiếu niên, sau đó là lời thú tội tương tự của cựu giám mục Strasbourg với một phụ nữ trẻ tuổi. Làm thế nào các điều này lại có thể xảy ra? Làm thế nào để còn tin vào Giáo hội khi những người phục vụ Giáo hội lại bệnh hoạn như thế. Tóm tắt,  làm thế nào để “đứng vững”.

Theo các chứng từ báo La Croix thu thập, dám tin vào Giáo Hội không phải là thoái thác hay phủ nhận nhưng ngược lại. Các tín hữu cho biết, để giữ vững đức tin, trước tiên họ phải chấp nhận tức giận, một số còn nhấn mạnh, họ “rất tức giận”. Một số bị cám dỗ rời bỏ Giáo hội. Nhưng một số khác, các linh mục, giáo dân, đàn ông và phụ nữ xác nhận “chúng tôi là Giáo hội”.

Và từ đó, việc bám trụ đã thành lý do để họ ở lại với Giáo hội,  để sống đức tin của mình. Trước hết, đức tin vào Chúa Kitô. Niềm tin vào Giáo hội, trong đó Giáo hội mang Tin Mừng bất chấp mọi thứ. Chúng tôi đã hỏi hàng chục nhân chứng để xác định điều gì giúp họ đứng vững: cầu nguyện, không mệt mỏi nói những gì mình tin, hành động với những người nghèo nhất, lắng nghe các nạn nhân, đọc Kinh thánh, không ở một mình, tham gia sinh hoạt giáo xứ và các phong trào… Đứng vững Đối diện với khủng hoảng, các tín hữu còn làm nhiều hơn là đứng vững, họ dấn thân. Vì đó cũng là Giáo Hội của họ, vì Giáo Hội vẫn là một lời hứa. Vì đức tin không bao giờ chận được bão tố. Nhưng điều cần giữ vững trong đức tin là tiếng gọi khẩn cấp phát sinh trong đêm Mùa Vọng.

Cô Isabelle de la Garanderie: “Đừng đổi hướng trong cơn bão”. Là trinh nữ thánh hiến của giáo phận Nanterre, giáo sư văn chương và là nghiên cứu sinh tiến sĩ thần học, cô giữ vững hướng, tiếp tục hành trình với lời cầu nguyện hàng ngày, nghiên cứu về các Giáo phụ, những người đã tái tập trung Giáo hội vào Chúa Kitô.

Ông Nicolas Truelle: “Ở gần những người dễ bị tổn thương nhất”. Ông là giám đốc của Tổ chức Học việc ở Auteuil, thành viên của phong trào “Lời hứa của Giáo hội”, kitô hữu phải bám lấy và ở lại với những người nghèo nhất và nhỏ bé nhất.

Bà Béatrix Bréauté: “Học hỏi trong một thế giới mới”. Bà là huấn luyện viên, người sáng lập Viện Talenthéo, bà cho rằng, Giáo hội có thể học hỏi từ cuộc khủng hoảng và tìm ra phương thức quản trị tập thể hơn.

Linh mục Erwan Barraud: “Khuyến khích những ai đang cố gắng sống trung thành”. Linh mục là phó giám đốc chủng viện Saint-Yves và tuyên úy giới trẻ ở Rennes, cha làm chứng cho vẻ đẹp của các mối liên kết giữa con người với nhau, vốn tạo nên “thực tại của Giáo hội”.

Bà Bérangère Blondeau: “Khơi dậy niềm hy vọng của các tình huynh đệ nhỏ bé”. Là bà mẹ, là huấn luyện viên của các huấn luyện viên, trưởng nhóm dự tòng, bà là người đồng sáng lập nhóm “Với phụ nữ”, các thành viên nhóm chia sẻ cầu nguyện,  suy tư và đọc sách.

Giám mục Jean-Marc Eychenne: “Đi xuống vùng tối”. Theo giám mục giáo phận Grenoble, chúng ta không thể tìm thấy ánh sáng nếu không chấp nhận vượt qua những giờ phút đen tối, những tiết lộ, những kinh hoàng. Nghệ thuật, cầu nguyện với thánh vịnh và đức tin của dự tòng là nguồn trợ sức rất lớn.

Ông Thomas Laborde: “Gắn bó với Chúa Kitô và Thánh Thể”. Ông là nhà sư phạm trong các nghề của tình liên đới, ông nhắc lại, Đấng thực sự lãnh đạo Giáo hội là Chúa Kitô.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch