Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

Cùng chia sẻ của chị Bảo Trâm và chị Quế Anh cùng một chị khác.

 

 

 

LÀ KITÔ HỮU, với Bạn LẼ SỐNG là gì ?

 

 

Thuở ấu thơ, cùng các bạn ta thường tụ tập trước sân thánh đường hay trước sân nhà để cùng chơi trò “Thiên đàng hỏa ngục”: Thiên đàng hỏa ngục hai bên, ai khéo thì về, ai vụng thì sa…

 

Khi em nào lọt vào “lồng” ở giữa, nếu em trả lời được một số câu hỏi thì được vào Thiên Ðàng, trả lời không được thì bị chận lại ngoài cửa. Trò chơi đơn sơ nhưng cũng có tác dụng gieo vào đầu chúng ta một hình ảnh về đời người.

 

Ðời người là một hành trình. Trên hành trình này, ta cần đi tìm cho mình một hướng đi khôn ngoan, một lẽ sống nền tảng, để dựa vào đó ta xây dựng đời mình và cuối đời ta có thể về lại thiên đàng, nơi là quê hương đích thật của ta.

 

 

  1. Lẽ sống là gì và đời người có cần lẽ sống hay không?

 

“Tôi là ai?”

“Tôi sống ở đời này để làm gì?”

“Làm sao để cuộc sống tôi có ý nghĩa?”

 

Những câu hỏi hiện sinh đã đến với tuổi dậy thì và tuổi trẻ làm cho đời người băn khoăn và mày mò đi tìm câu trả lời.

Các câu hỏi này gián tiếp trực tiếp bắt đời người đi tìm cho mình một lẽ sống, vì chỉ khi có lẽ sống thì câu trả lời cho các câu hỏi trên mới tìm được ánh sáng.

 

Chính vì thế, lẽ sống luôn là điều cần thiết cho đời người. Ai biết mình sống để làm gì, ai có lý tưởng và lẽ sống cho đời sống của mình, người đó sẽ vững vàng trong cuộc sống và dễ dàng vượt qua mọi thách đố và thử thách.

 

Lẽ sống là gì? Trong một cái nhìn đơn sơ có thể nói rằng, lẽ sống là NỀN TẢNG VỮNG CHẮC, trên đó ta xây dựng ngôi nhà đời mình. Mọi suy tư, cảm xúc, lời nói, chọn lựa và quyết định cùng hành động đều được “xây” trên NỀN TẢNG đó.

 

Như khi ta có LẼ SỐNG là gia đình, thì gia đình là lý do, là chuẩn mực và là giá trị chính yếu ta dựa vào và “soi vào” để sống, để suy nghĩ, để nói năng, để chọn lựa, để quyết định và hành động.

 

Cũng có người chọn lẽ sống là tiền bạc và quyền lực, thì mọi suy nghĩ, lời nói, chọn lựa, quyết định và hành động đều xoay quanh cái trục tiền bạc và quyền lực.

 

Như vậy, xác định lẽ sống cũng chính là việc chọn cho mình lý do để sống, để đi tìm ý nghĩa cuộc sống. Lẽ sống trong ý nghĩa này có thể được coi là “đích đến”, “bánh lái”, là “kim chỉ nam” cho hành trình đời người. Đó là cái nhìn chung chung về lẽ sống. Còn người Kitô hữu thì lẽ sống là gì vậy và lẽ sống quan trọng như thế nào trong đời sống Đức Tin?

 

 

  1. Là Kitô hữu, lẽ sống của bạn là gì vậy?

 

Để trả lời câu hỏi ở trên, một số chị quảng đại chia sẻ tâm tình sâu lắng dựa trên chính kinh nghiệm sống đời thường và thiêng liêng của bản thân.

 

Trước hết là chia sẻ của chị Ngô Hà Bảo Trâm  từ Đức Quốc:

 

“Nếu như cách đây mười mấy năm ai hỏi con “lẽ sống của bạn là gì?”, chắc có lẽ câu trả lời của con sẽ là “mục đích sống của tôi là tôi phải có nhà cao cửa rộng, xe đẹp, kinh tế vững chắc, nói chung là có một cuộc sống thoải mái”. Chúng ta vẫn thường nghe câu “nhân định không bằng trời định”, thật vậy ngoài Thiên Chúa ra thì không ai trong chúng ta có thể lèo lái cuộc đời của chính mình được.

 

Và rồi một biến cố đã xảy đến với con, khi mà ranh giới giữa sự sống và sự chết chỉ còn bằng một sợi tóc, nằm trên giường bệnh con nhìn lại “khối tài sản” mà con đã tích trữ được trong thời gian qua. Tìm mãi nhưng con chẳng tìm được món gì quý giá, tự hỏi lòng trong suốt mấy mươi năm qua con đã làm được những gì, đã “gom góp” được những thứ gì, câu trả lời là con số 0. Cuộc sống chạy theo vật chất đã đưa con xa Chúa và không còn thì giờ cho đời sống tâm linh nữa.

 

Biến cố thứ hai là hồi tháng ba vừa qua, bố con mất và thể theo ý nguyện cuối cùng của bố con là được đưa tro cốt về để gần với tro cốt của bà nội con. Con cứ nghĩ chắc bố con qua đây lâu rồi, sẽ không còn nhiều người nhớ đến và sẽ không có nhiều người đến viếng, nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại với những điều con suy nghĩ. Khi tro cốt của bố con được đưa về đến Việt Nam thì ôi thôi người đến viếng quá nhiều. Họ không những đến viếng mà còn ôn lại những kỷ niệm ngày xưa với bố con. Những lúc bần cùng khốn khổ bố con đã giúp họ như thế nào… nghe họ kể mà nước mắt con trào ra vì hạnh phúc và hãnh diện về bố con. “Cọp chết để da, người chết để tiếng” bố con ra đi không để lại cho chúng con của cải vật chất gì nhưng tài sản to lớn mà chúng con nhận được đó là đức tính bác ái, luôn sống vì tha nhân, lúc nào cũng nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình.

 

Qua hai biến cố trên con như người vừa bước ra khỏi cơn mộng du. Con chợt nhận ra rằng mình đã đánh mất quá nhiều thời gian cho những việc vô bổ. Đối với con giờ đây lẽ sống của con không còn là niềm hạnh phúc khi tậu được một món đồ đắt tiền nữa mà là niềm hạnh phúc khi con biết san sẻ những gì Chúa ban cho với những người xung quanh kém may mắn hơn mình. Điều mà con mong muốn được thực hiện đó là làm một người phục vu. Phục vụ cho Chúa qua tha nhân”.

 

Chia sẻ kế tiếp của chị Quế Anh từ Hoa Kỳ:

 

“Kitô hữu là con có Chúa Kitô trong  tâm hồn mình, là  con thuộc về Chúa Kitô.

Là Kitô hữu, con xác tín lẽ sống của đời mình là Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người và đang ở với con (x.Ga 1, 14).

Nhiều lần con tự hỏi: “Đứng trước hoàn cảnh sự việc này, Chúa Giêsu sẽ làm gì? “.

Xin cho tâm tình, cảm xúc, hành động và cách ứng xử của Chúa là chuẩn mực cho ngày sống của con trong đời thường cũng như trong đời sống tâm linh.

Ở cùng với Chúa Giêsu, Ngài tỏ cho con biết căn bản của đời sống Kitô hữu là cầu nguyện. Trong cầu nguyện, con được nói chuyện với Chúa Giêsu và học cách lắng nghe Ngài. Ngài chỉ cho con Đường đi tới Thiên Chúa Cha. (x.Ga 14,6).

Kinh nghiệm cho con thấy rằng, những lúc căng thẳng, nhiều việc, cố gắng bình tâm tìm ra vài phút thôi, thinh lặng, hướng lòng tới Chúa. Ngài nhìn thấy hết mọi tình huống của con lúc đó… Rồi những gì cần thiết sẽ được hoàn thành (dù không phải xảy ra như con tưởng, hay muốn) cách tốt đẹp nhờ sự cầu nguyện.

 

Thảo nào, Chúa Giêsu luôn dành giờ, dù Ngài rất bận rộn với công việc lên đường đi giảng dạy dân chúng và chữa lành các bệnh nhân (x.Mt 4,23). Thường sáng sớm Ngài ra nơi thanh vắng cầu nguyện (x.Mc 1,35). Trước những quyết định nghiêm trọng, như khi chọn 12 tông đồ, Ngài lên núi cầu nguyện lâu giờ hơn (x.Lc 6,12). Đến khi ở trong vườn Cây dầu, sự cầu nguyện đã lên cao tột đỉnh đến nỗi mồ hôi và máu đổ ra. (x.Lc 22,44). Con như nghe Chúa Giêsu đang nói: “con ơi, con lo lắng chi nhiều chuyện, Maria đã chọn phần nhất.” (x.Lc 10,42).

“Thánh Lễ là cao điểm nhất của sự cầu nguyện” (ĐHV, cg 15: Thánh Lễ). Bữa họp nhóm vừa rồi, Cô Tú ở Pháp đã chia sẻ rằng, Cô cố gắng giữ tham dự Thánh Lễ mỗi ngày ở nhà thờ Tây, gần nơi Cô sống. Mọi người có vẻ trầm trồ, nhưng Cô Tú nói: “có gì đâu, đời sống mà”.  Hôm nay ngồi nhớ lại, con tạ ơn Chúa, qua Cô Tú, đã cho con hiểu: Đời sống trong Chúa Kitô chính là cầu nguyện và cố gắng tham dự Thánh Lễ  mỗi ngày. Con cảm ơn Cô Tú.

 

Một lần con cảm nghiệm khi đọc Kinh Lạy Cha trong Thánh Lễ. Sau lời truyền phép, Chúa Giêsu hiện diện sống động trên bàn thờ. Chúa dạy và cùng với chúng ta dâng lời nguyện lên Thiên Chúa trong Kinh Lạy Cha. Nhờ hy tế Thánh giá trên đồi Golgotha của Chúa, là Đấng như Chúa Cha đã phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha.” (Mt 3, 17), mà lời cầu nguyện của chúng ta được Chúa Cha thương vui lòng chuẩn nhận”.

 

Qua hai tâm tình trên, ta nhận ra “dấu ấn” Chúa để lại trên hành trình đời người rất khác nhau, nhưng tựu chung Chúa đều muốn “gõ cửa” tâm hồn của mỗi người, để nhắc nhớ trái tim ta, những người con của Chúa, là dù thế nào đi nữa, Chúa Giêsu Kitô chính là lẽ sống của con cái Chúa, đặc biệt khi họ rơi vào trong hoàn cảnh tế nhị đầy thử thách và khó khăn.

 

 

  1. Là Kitô hữu, lẽ sống của tôi là Chúa Kitô.

 

Một chị em khác đã chia sẻ trải nghiệm Đức Tin sâu xa, khi chị đứng trước cám dỗ tự kết liễu đời mình, vì cuộc đời quá khắc nghiệt đối với chị.

 

Chị viết: “Tôi quyền rủa cả thế giới xung quanh tôi và tôi hận thù … căm phẫn … giận ghét hết thảy xung quanh tôi…

Chỉ có cặp mắt thần mới thấy được và đọc được ý nghĩ và hành động của tôi đang chuẩn bị tiến hành một việc điên rồ và chỉ có sức mạnh vô biên này mới có thể kéo tôi ra khỏi tích tắc tôi đang đi vào cái chết trong đường tơ kẽ tóc với sự suy nghĩ nông cạn của tôi.

Chỉ trước đó vài phút tôi muốn kết liễu cuộc đời mình nhưng chỉ vài phút sau đó là tôi yêu bản thân mình và yêu tất cả.

 

Lạy Chúa, cảm tạ chúa Ngài gia ân cứu con. Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc tri ân cho con.

 

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời.

Cảm tạ Ngài vì ngay trong một giây con nhắm mắt buông tay lái và chuẩn bị đạp ga thì Ngài đã mở mắt mở lòng mở trí và cho con nhìn thấy Ngài, nhìn thấy THÁNH GIÁ.

Chính Ngài đã cứu con.

Đã tái sinh ra thân con một lần nữa …

THÁNH GIÁ là MÔI GIỚI cho con đến gặp Ngài

THÁNH GIÁ là MÁNG SỐI tuôn đổ ân sủng xuống đời con

THÁNH GIÁ THANH NAM CHÂM cuốn hút con dính chặt vào CHÚA, để con vẫn còn tồn tại cho đến ngày HÔM NAY”.

 

Kinh nghiệm của người chị em cho ta nhận ra Chúa Kitô chịu đóng đinh trên Thánh Giá đã cứu sống chị, đã trở nên lẽ sống đời chị. Từ đó, chị đã quyết tâm “Mặc lấy Chúa Kitô, vì chính Ngài biến đổi cuộc đời chị, vì chính Ngài ban ơn tái sinh cho chị”.

 

Kinh nghiệm gặp Chúa Kitô của chị cũng là kinh nghiệm của rất nhiều người.

Charles de Foucauld, một thánh nhân người Pháp, đã gặp Chúa qua một câu hỏi anh đặt ra, khi bước vào ngôi thánh đường Augustin ở Paris: “Nếu có Chúa, xin cho con biết”. Từng bước Chúa đã dùng cách thức của Ngài để biến đổi anh Charles và cuối cùng anh đã từ bỏ mọi sự, từ tiền bạc đến danh vọng và cả đời sống hưởng thụ, để chọn Chúa Giêsu là lẽ sống đời anh.

 

Anh Charles đã nói:

“Mỗi ngày, hãy học cho biết Chúa Giêsu nhiều hơn, yêu mến Người hơn”.

“Hãy nhìn thấy Chúa Giêsu trong mọi người, và sau đó hãy có những hành vi tương ứng: xuất phát từ lòng tốt, sự kính trọng, tình yêu thương, sự khiêm tốn, tính dịu hiền, hãy thi hành mọi sự cho Người hơn là cho ta”.

Khi Chúa Giêsu trở nên lẽ sống cuộc đời, ta sẽ xây dựng đường đời và cuộc sống của mình theo tinh thần của Chúa. Đó cũng là lời Chúa mời gọi chúng ta:

 

 

  1. Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

 

Lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng Gioan (Ga 14,6) mở ra cho ta ba hình ảnh.

Trước hết là hình ảnh CHÚA GIÊSU LÀ ĐƯỜNG.

Sinh vào đời, mỗi người đều được cha mẹ tập từng bước nhỏ để đi vào đời. Đường đời mở ra không chỉ có vui tươi, an bình và hạnh phúc, mà còn biết bao khó khăn, chông gai, thử thách và cám dỗ nữa. Chọn đi đường nào đây, để đời mình tìm thấy ý nghĩa, để đời mình tràn đầy niềm vui, bình an đích thật và chọn đường nào đây để ta được về với thiên đàng, về với Chúa khi đường đời ta khép lại?

 

Đó là câu hỏi rất hiện sinh mà mỗi người chúng ta ít nhiều đều băn khoăn trằn trọc tìm cho được câu trả lời.

 

Dù đường đời ta chọn là gì, ta đừng bao giờ quên Lời Chúa Giêsu gởi đến: Chính Thầy là con đường.

 

Thánh John Henry Newman, một học giả Anh Giáo và sau đó đã trở lại Công Giáo, ngài đã chân nhận con đường bước theo sự hướng dẫn của Chúa là con đường đưa lại hạnh phúc, và Chúa không bao giờ làm cho chúng ta thất vọng. Vì ai tín thác vào Chúa hoàn toàn, người đó sẽ được Chúa thực hiện và hoàn tất những điều tốt lành mà người đó tìm kiếm.

Thánh nhân nói: “Tôi bước đi theo sự hướng dẫn của Chúa, và Ngài đã không để tôi thất vọng. Tôi đã tín thác mình vào đôi tay Chúa và Chúa đã ban cho tôi những gì tôi tìm kiếm. Đến nay Chúa đã ở bên tôi thế nào, xin Chúa cùng Mẹ Maria và các thiên thần cùng các thánh ở với tôi cho đến ngày cuối cùng của đời tôi”.

 

Bạn và tôi đang đi trên con đường nào? Chúa Giêsu có là con đường cho bạn và tôi bước đi không? Chúa Giêsu hiện diện sống động trên đường đời chúng ta ra sao? Chúa Giêsu có là sự thật ta hướng về để định hình đời ta không?

 

Hình ảnh thứ hai:  CHÚA GIÊSU LÀ SỰ THẬT.

Vào một ngày mùa hè năm 1916, có hai cô gái trí thức còn trẻ bước vào vương cung thánh đường ở thành phố Frankfurt để thăm cho biết. Khi đang ngồi trong thinh lặng để ngắm nhìn nhà thờ, bỗng chợt một phụ nữ chất phát đạo đức cầm cái rổ đi chợ bước vào thánh đường, bà sốt sắng cầu nguyện trước tôn nhan Chúa. Một trong hai cô gái tên là Edith Stein, cô là một nữ triết gia vô thần gốc Do Thái, cô nhìn thấy cảnh tượng này và rất ngạc nhiên. Trong khoảnh khắc đó, tại sâu thẳm của tâm hồn, cô bị thuyết phục bởi đức tin đơn sơ và thái độ sốt sắng cầu nguyện của người phụ nữ nhà quê. Từ đó, Edith Stein bắt đầu từng bước được Chúa mở mắt cho nhận ra Thiên Chúa chính là chân lý, là sự thật mà cô, một triết gia vô thần, đang tìm kiếm.

 

Sau khi đã trở lại công giáo, trở thành một nữ tu Dòng Kín, Edith Stein đã chia sẻ về chính kinh nghiệm đi tìm sự thật và gặp Chúa của cô: “Thiên Chúa là sự thật. Ai tìm kiếm sự thật, thì tìm kiếm Thiên Chúa, dù người đó có ý thức về điều đó hay không”.

 

Chúa Giêsu là sự thật, là chân lý. Điều này có ý nghĩa gì trong đời sống Đức Tin của bạn và tôi? Trong đời sống thường ngày, ta quy chiếu và dựa vào lẽ sống nào, dựa vào chân lý nào, để mọi suy nghĩ, cảm xúc, lời nói và hành động của ta có thể toát ra hương thơm của chân lý và lẽ sống đó?

 

Hình ảnh thứ ba:  CHÚA GIÊSU LÀ SỰ SỐNG.

SỐNG, một động từ gắn liền với đời người. Động từ này cũng đã làm cho rất nhiều triết gia phải nặn óc để trả lời cho câu hỏi hiện sinh: “Tôi sống ở đời này để làm gì?” “Sống làm sao để đời có ý nghĩa?” “Sống làm sao để tìm được hạnh phúc”. Trước những câu hỏi đó, các triết gia và rồi các tâm lý gia và những nhà xã hội học và các học giả đã cố gắng đưa ra nhiều câu trả lời khác nhau.

 

Hôm nay, chúng ta được lắng nghe một câu trả lời rất ngắn gọn nhưng lại rất nền tảng của Chúa: Chính Thầy là sự sống.

 

Để có được hạnh phúc, để tìm được ý nghĩa cho cuộc đời, ta được mời gọi sống với Chúa, sống nhờ Chúa, sống trong Chúa và sống theo Chúa. Theo dòng thời gian, nhiều vị thánh đã khám phá được điều nền tảng “Chúa Giêsu là sự sống”, nên các ngài đã đưa toàn bộ cuộc sống của họ vào trong “vũ trụ của Chúa Giêsu”. Thánh Phaolô, sau khi được Chúa Giêsu chạm đến và hoán cải, đã từ bỏ tất cả để chỉ sống cho Chúa. Ngài đã nói: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Pl 1,21), còn thánh Phêrô thì thốt lên: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời (Ga 6,68). Thánh Têrêsa Avila thì nói rằng: “Được sống với Chúa Giêsu là một hồng phúc”. Thánh Edith Stein, hậu duệ của thánh Têrêsa Avila, từ một triết gia và người vô thần, đã tìm được Chúa Giêsu là chân lý và sự sống, thánh nữ bước theo Chúa và có lần ngài nói: Ai hoàn toàn để cho Chúa Giê-su nắm lấy đôi tay của mình, người đó có thể tin tưởng rằng, mình chắc chắn được Chúa dẫn dắt”.

 

Chúa là Sự Sống của chúng ta. Lời Chúa mời gọi ta cùng phản tỉnh: Bạn và tôi sống trên đời để làm gì? Là người Kitô hữu, làm sao ta sống cho ý nghĩa và hạnh phúc đây? Chúa Giêsu có là sự sống của ta không? Ta có kín múc nhựa sống từ chính Chúa không?

Lẽ sống là Chúa Kitô và khi kiến tạo cùng định hình đời mình theo tinh thần của Chúa, là ta bước đi trên Đường là chính Chúa, ta luôn soi vào Chân Lý là chính Chúa và sự sống của ta gắn kết với sự sống của Chúa.

Đó là tinh thần của người môn đệ luôn có đôi tai lắng nghe lời Chúa dạy dỗ, đón nhận cùng sống huấn luyện Chúa truyền.

 

 

  1. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người.

 

Lời Chúa dạy dỗ ở trên được trích từ Bài Giảng Trên Núi (Mt 6,33). Lời này vang lên trong bối cảnh Chúa nhắc nhở mọi người không được làm tôi tớ và nô lệ cho tiền của. Vì khi con người đặt tiền của là ông chủ và là lẽ sống cuộc đời, nó có thể làm cho lòng người méo mó, đánh mất lẽ sống là chính Chúa, để rồi cả đời chỉ lo sao cho có nhiều tiền, nhiều của, không chỉ để “hằng ngày dùng đủ”, mà lòng người chộn rộn bận bịu bất an luôn mãi, chỉ để “hằng ngày không chỉ đủ, mà phải dư và dư càng nhiều càng tốt”.

Lo tiền lo bạc, lo cái ăn lo cái mặc làm cho đời người luôn ở trong trạng thái mệt mỏi, say sẩm mặt mày, đầu tắt mặt tối, mà lòng vẫn không yên. Yên sao được khi lòng được gắn với chữ tham. Yên sao được khi lòng không bao giờ tìm thấy “chữ đủ”. Chìm trong cái lo cơm áo gạo tiền, đời người có thể đánh mất hướng đi tìm về thiên đàng.

 

“Thiên đàng hỏa ngục hai bên, ai khéo thì về, ai vụng thì sa”.

 

Ai khéo léo biết sống đúng tinh thần công chính, tinh thần của Nước Trời, người đó trở nên công dân của Nước Trời, người đó không bao giờ để đồng tiền làm mù đôi mắt tâm hồn, mà biết dùng tiền của là phương tiện để sống trọn vẹn lẽ sống là chính Chúa, sống giống như Chúa, luôn mở lòng thương xót và chia sẻ của cải tiền bạc cho anh chị em bất hạnh. Tất cả những gì tốt lành người đó làm cho anh em bất hạnh, là họ làm cho chính Chúa: Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc (Mt 25,35-36). Đích đến là “họ được về thiên đàng”, họ được đón nhận lời thật đẹp của Chúa nói: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa (Mt 25,34).

 

Ai khéo léo biết ưu tiên chọn lựa Nước Trời và sự Công Chính trên hết mọi sự, cũng như luôn xây dựng đời mình trên lẽ sống là Chúa Giêsu, là Nước Trời và sự Công Chính, cụ thể trong mọi suy tư, đắn đo, phân định, chọn lựa và quyết định cùng hành động, thì người đó đang sống đúng tinh thần của người thuộc về Chúa Giêsu, của công dân Nước Trời.

 

Người đó có Chúa là lẽ sống, nên dù sống trong thế gian, nhưng không bao giờ thuộc về thế gian (x.Ga 17,14-17).

Người đó có Chúa là lẽ sống, nên cuộc sống của họ được Chúa làm cho nên dồi dào và dồi dào hơn nữa.

 

 

  1. Ở đâu có bầu trời, ở đó có Chúa Giêsu!

 

Có điều gì giúp tôi ý thức luôn mãi Chúa Giêsu chính là lẽ sống đời tôi?

Bầu trời chính là biểu tượng giúp gìn giữ lẽ sống của chúng ta, các Kitô hữu.

 

Hai chân vẫn rảo bước trên mặt đất thấp, cuộc sống bon chen vẫn phải lo toan biết bao điều của hạ giới: Cơm áo gạo tiền; đời người dù muốn hay không vẫn luôn phải đối diện với biết bao cám dỗ, bao khuynh hướng tiêu cực chào mời.

Giữa dòng chảy cuộc đời này, mời bạn luôn giữ đôi mắt hướng về bầu trời cao.

Bầu trời cao giúp ta vươn lên khỏi cái tầm thường của hạ giới, để giúp ta ý thức rằng, dù ta vẫn sống ở hạ giới, nhưng không thuộc về hạ giới, vì quê hương vĩnh cửu của ta ở trời cao, bên Đấng Tạo Dựng nên ta và luôn yêu thương ta.

 

Và mỗi lần nhìn lên bầu trời cao, bạn và tôi nhớ rằng:

 

“Ở đâu có bầu trời, ở đó có Chúa Giêsu!”  

“Lẽ sống của tôi là Chúa Giêsu”.