Đáng lý là sếp băng đảng nhưng lại làm linh mục.

Chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả Linh mục René-Luc, một nhân vật ngoại hạng mà cuộc đời của cha như quyển tiểu thuyết. 

 

2. Cha vô danh

 

 Tôi còn nhớ rõ ngày em gái tôi sinh ra, tháng 2 năm 1970. Em là đứa con thứ năm và em út của chúng tôi. Tôi sắp được bốn tuổi. Vào thời đó chúng tôi sống tại nông trại của ông ngoại tôi ở Camargue. Nhà chúng tôi rất rộng, một dãy nhà dài một tầng hình chữ nhật. Nông trại phân chia bằng nhiều nhà ở. Bên cạnh là nhà của các nông dân. Hơi xa một chút là nhà của các anh em họ. Họ chỉ đến chơi vào dịp hè.

Chúng tôi tất cả họp nhau ở phòng ăn lớn, ngay trước lò sưởi. Đang giữa mùa đông và trời thì rất lạnh. Mẹ tôi vừa ở nhà hộ sinh Nîmes về. Bà ôm trong tay một món quà vô giá bọc trong chăn trắng:

– Các con, Mẹ giới thiệu với các con em gái của các con! Em mới sinh hôm qua, ngày 11 tháng 2! Sau này tôi mới biết đó là ngày kỷ niệm lần hiện ra đầu tiên của Đức Mẹ Lộ Đức, ngày 11 tháng 2 – 1858. Nhưng lúc đó, trong gia đình tôi chỉ nói đến ngựa, đến bò chứ không nói về tôn giáo.

– Các con đến xem, em đẹp chưa này, mẹ tôi nhắc lại.

Chúng tôi chạy đến xem. Đúng là một em bé đẹp. Chúng tôi đặt cho em tên ở nhà là “Galinette”. Vì nhà chúng tôi ai cũng có tên riêng ở nhà. Anh đầu của chúng tôi tên Babou, vài ngày nữa là anh được 7 tuổi. Tóc của anh màu hạt dẻ, anh không cao to nhưng khá rắn rỏi, mắt của anh thay màu như con cắc kè, đổi từ màu xanh lá cây qua vàng tùy theo ngày. Anh rụt rè, đúng hơn là anh sống cô độc nhưng anh cũng rất quyết tâm: anh biết anh muốn gì. Sau đó là anh Cacou. Anh 6 tuổi và anh giống anh đầu, nhưng khuôn mặt của anh tròn hơn. Anh cao gần bằng anh Babou, anh không ngần ngại gây gổ đánh đấm dù chỉ là để đùa. Đó là người tưởng là dữ nhưng lại có tâm hồn dịu hiền. Rồi đến tôi, Lulu, thằng tóc vàng. Sau tôi là em gái Cricri, mới 2 tuổi, tóc của em màu hạt dẻ giống hai anh lớn. Em có hàng lông mi rất dài, chúng tôi là những người mê em đầu tiên. Em rất vui có em gái, như thế em sẽ có bạn ngoài ba anh em chúng tôi.

  *  *   *

Năm đứa con trong vòng bảy năm, hoan hô bà mẹ can đảm! Ít nhất chúng tôi không bao giờ thiếu bạn để chơi. Chúng tôi không cần máy truyền hình, không cần đồ chơi, lúc nào cũng có một anh, một em gái để chia sẻ thế giới tưởng tượng của mỗi đứa. Đôi khi hai cô em gái phải đóng vai thua thiệt, nhất là khi chúng tôi chơi cao-bồi hay mọi da đỏ. Có một lần chúng tôi cột hai em vào thân cây, sau đó chúng tôi chơi qua trò chơi khác, để hai em bị cột đến chiều… Cũng khôi hài, chỉ có con gái là còn nhớ, còn con trai chúng tôi không lấy đó làm điều…

*  *   *

Mẹ tôi người vóc dáng trung bình. Thường thường mẹ tôi để buông mái tóc đen dài. Nhưng thỉnh thoảng bà búi si-nhông như các bà vùng Arlésie. Mẹ tôi đẹp, nét đẹp của những phụ nữ có một lòng tự tin nào đó. Nơi bà có một pha trộn đặc biệt giữa người phụ nữ trưởng giả và người du mục. Bà xuất thân từ một gia đình trưởng giả ở Nîmes. Từ đầu thế kỷ 20, ông cố của mẹ tôi đã giàu. Ông có nhiều tòa nhà ở Nîmes và hai nông trại ở Camargue với rất nhiều đất đai. Qua nhiều lần thừa kế, tài sản của ông cố vơi dần.

Năm 1962, mẹ tôi lập gia đình. Bà mới 19 tuổi và hai anh tôi sinh ra ngay sau đó. Vì nhiều lý do, hôn nhân của mẹ tôi không thành công. Chỉ hai năm sau mẹ tôi bỏ chồng và lập gia đình lại ngay. Vì thế chúng tôi sinh ra đời, tôi và hai em gái tôi.

Trước ngày sinh em Galinette, cha chúng tôi ra đi. Chúng tôi không bao giờ gặp lại ông. Tôi không còn giữ một kỷ niệm nào về ông: hoặc hồi đó ông không hiện diện, hoặc do ký ức tuổi thơ của tôi không giữ lại gì. Ngay cả chúng tôi cũng không biết tên ông, bởi vì khi chúng tôi sinh ra, ông không công nhận. Phải nói là lúc đó mẹ tôi đang còn làm thủ tục ly dị với người chồng đầu, và luật nước Pháp thời đó rắc rối hơn bây giờ để cho người con “sinh ngoài giá thú” có một cái tên. Vắn tắt, hai em gái tôi và tôi mang họ mẹ.

Galinette thích ứng với đời sống mới. Em chuyển từ tay mẹ tôi qua xe đẩy, rồi lại qua tám vòng tay của bốn anh chị nếu ai muốn bồng, tất cả đều vuốt ve em cùng một lúc.

Cuối tuần sắp đến, Galinette thiếu bốn cánh tay: hai anh đầu về nhà cha mình. Tôi và hai em gái ở nhà với mẹ. Tôi không có nơi nào để đi: cha đi mất, cha vô danh.

Và đó là chuyện tôi phải viết ở trường mỗi khi điền giấy tờ. Ở ô “tên cha”, tôi viết “vô danh”. Mỗi lần như vậy quả tim tôi nhéo lại. Khi tôi muốn biết cha tôi là ai và vì sao ông ra đi, mẹ tôi chỉ trả lời cụt ngủn: “Ông đi là đi!”

Tôi hiểu là không được nằn nì hỏi. Tôi tiếp tục điền giấy tờ “cha vô danh”, những chữ vang lên như tiếng chiêng cồng trong đầu tôi. Tôi không hình dung được làm sao các sự kiện lại có thể xảy ra một cách kỳ lạ cho cái ô trống này…

 

3. Thức ăn của chó

 

Hai mươi bảy tuổi, một mình nuôi năm con trong khu nông trại Camargue. Không lợi tức. Vì mẹ tôi tự hào có chút dòng dõi trưởng giả nên bà không làm thủ tục cần thiết để hưởng trợ cấp xã hội và cũng không nhận một trợ cấp an sinh gia đình nào. Bà làm việc đây một chút, kia một chút. Thỉnh thoảng gia đình có giúp mẹ tôi. Thường thường là bà đi mượn bạn bè. Và bà cũng hay đi mượn người này để trả cho người kia: cái vòng luẩn quẩn quen thuộc của những gia đình gặp khó khăn.

Rất hiếm khi mẹ tôi về nhà với cốp xe đầy thức ăn. Những ngày đó là ngày đại lễ! Chúng tôi nhanh chân giúp mẹ chuyển đồ trên xe xuống. Có cả đồ ăn của con chó Takirou: một xắc lớn bột nhão Canigou. Chúng tôi rất thương Takirou! Đời của nó cũng chẳng được may mắn gì. Khi mẹ tôi đi dạo, bà tìm thấy nó. Bà nghe tiếng rên gừ gừ từ ống thoát cống. Khi bà xuống xem, bà thấy có một xắc đựng mấy con chó con bị chết đuối. Một trong các con này còn sống, loại chó bẹc-giê Đức. Một con chó con bị bỏ rơi trở thành bạn trung thành của chúng tôi. Còn nó, chắc chắn nó sẽ chẳng bao giờ bỏ chúng tôi.

 

Trút đồ xong, chiếc xe nhẹ tưng. Nhưng trong lòng chúng tôi, chúng tôi biết niềm vui này chẳng kéo dài bao lâu. Thường trong các gia đình nghèo, khi người ta chẳng có gì thì người ta lại mua nhiều. Như một cú bực tức cuối cùng để chống cảnh khốn cùng.

Đúng vậy, tuần sau chúng tôi chẳng có gì để ăn và tủ đựng thức ăn gần như trống. Trẻ con chạy lui chạy tới hộp đựng đường, kiếm đây một chút, kia một chút. Mẹ tôi nấu cho chúng tôi ăn tất cả những gì còn sót lại, nghĩa là chẳng có gì nhiều! Mẹ vét cả bột nhão của chó. Bột Canigou đồng nghĩa với mùi vị lạ kỳ! Nhưng phải nói là ăn được. Dù sao khi đói thì người ta không khó tính.

Sau đó thì cũng chẳng còn bột nhão. Tôi còn nhớ rõ cái ngày chúng tôi có bữa ăn duy nhất, chai si-rô bạc hà để trên bàn. Thật quái dị, si-rô có một mùi vị đặc biệt.

* * *

Chúng tôi đi học ở trường tiểu học trong một ngôi làng nhỏ ở Camargue, cách khu nông trại mười mấy cây số. Trạm xe buýt ngừng cách nhà tôi 4 cây số. Khi có xăng thì mẹ chở chúng tôi đi học bằng xe. Nhưng thường thường mẹ không đủ tiền đổ xăng cho chiếc Simca màu trắng cũ kỹ. Nó đậu trước khu nông trại như một chậu hoa xấu. Mẹ tôi dắt chúng tôi đi bộ.

Đường đi học giống như đường xe đua Formule 1: khúc này thẳng, khúc kia gập ghềnh. Bên này bên kia đường là các cây sậy, cây ru-bin mọc từ các kênh thoát nước nhỏ. Ngoài một vài con hải lý nhảy xuống nước trên đường đi, còn thì chẳng có gì, đường đi xa và đơn điệu. Khi gió thổi, người chúng tôi gập lại dưới sức gió.

Để khuyến khích chúng tôi, mẹ tôi cho mỗi đứa một miếng đường. Một miếng một cây số để đi tới đàng trước! Rồi bà hát “Kinh Kính Mừng” theo điệu nhạc bà học ở hướng đạo. Theo bà, bài hát này cho chúng ta sức mạnh để bước đi tới. Tôi không hiểu nghĩa Kinh Kính Mừng, tôi cũng không biết đó là kinh dâng lên một Bà Mẹ khác trên trời. Tôi chỉ biết, nếu tôi hát kinh này thì sẽ dễ đi bốn cây số đường dài sáng chiều!

Mẹ tôi được nuôi dạy trong đạo công giáo. Bà có một đức tin “bình thường” vào thời đó, thời Chúa Nhân lành vẫn còn ở trong đời sống hàng ngày của nước Pháp. Bà làm phép cưới ở nhà thờ. Sau khi ly dị, bà cảm thấy không xứng đáng, cũng có thể bà cảm thấy mình bị gạt ra bên lề, bị bỏ rơi. Bà rửa tội cho tất cả chúng tôi nhưng bà không đưa chúng tôi đi học giáo lý.

Những lần tôi nghe nói sơ sơ về Chúa Nhân Lành là khi tôi đi nghỉ hè ở nhà mẹ đỡ đầu của tôi ở Cévennes, bà đưa tôi đi lễ mỗi chúa nhật. Dần dần tôi có được một vài khái niệm mơ hồ về tôn giáo. Với mẹ tôi, tôi chỉ có kỷ niệm về đạo qua bài hát Kinh Kính Mừng trên đường đi ở Camargue để đỡ nản. Có một nhà nguyện hư nát trong khu nông trại của chúng tôi nhưng các nông dân dùng làm chuồng gà. Tôi không chống Chúa, nhưng tôi không biết gì về Ngài.

Một ngày nọ, mẹ kêu tất cả chúng tôi đến phòng ăn trước lò sưởi.

– Các con, cô nhân viên xã hội sẽ đến nhà sáng nay. Đừng để cô thấy chúng con. Tụi con núp cho đến khi cô ấy đi.

Nói là làm. Anh em tôi leo lên “nệm trấu” ngay trên nhà để xe. Từ trên cao, chúng tôi thấy cả sân trại. Chúng tôi biết chiếc xe của cô nhân viên xã hội. Chúng tôi cũng biết cả cô. Cô mang đôi mắt kiếng thật to. Cô không dữ nhưng đúng là cô hỏi chúng tôi thật nhiều câu hỏi và làm chúng tôi bối rối. Vì để tránh trả lời cô mà mẹ kêu chúng tôi đi núp.

– Các em bé đâu rồi?

– Chúng nó ra ngoài chơi.

– Chúng như thế nào rồi?

– Chúng rất khỏe!

– Mmm… Thưa bà, chúng tôi mang đến thức ăn cho gia đình bà.

Cô nhân viên xã hội mở cốp xe và lấy ra ba xắc. Chúng tôi quá mừng, từ trên nệm trấu, chúng tôi không kềm được niềm vui. Từ đàng lưng, cô nhân viên xã hội tiếp tục nói vài câu với mẹ tôi. Chúng tôi chỉ mong cô đi cho lẹ. Khi cô đi, chúng tôi chạy nhanh xuống bếp để mở mấy xắc thức ăn và cất vào tủ. Thêm một lần nữa, mẹ không cần nhắc chúng tôi phụ: chúng tôi dành nhau phụ.

Vài tuần sau, một thảm kịch mà mẹ tôi rất lo đã xảy ra. Một cô nhân viên xã hội bắt cả năm chúng tôi phải vào Trung tâm Bảo vệ Trẻ em.

– Như thế tốt hơn cho trẻ con: ít nhất chúng có gì để ăn đỡ đói!

* * *

Đúng vậy thưa bà, bụng chúng tôi không đói cồn cào nữa, nhưng tim chúng tôi bắt đầu đói. Khi chúng ta chỉ có bà mẹ để để đỡ khát tình dịu dàng thì tại sao lại để chúng tôi khát tình yêu? Cái gì quan trọng hơn? Một số nhân viên xã hội hiểu điều này, nhưng cô này hẳn có bao tử ở chỗ quả tim!

 

Còn tiếp ... Chúa ở trọn tâm hồn tập 03