Đáng lý là sếp băng đảng nhưng lại làm linh mục.

Chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả Linh mục René-Luc, một nhân vật ngoại hạng mà cuộc đời của cha như quyển tiểu thuyết.

 

20. NGƯỜI QUÂN NHÂN LÊ DƯƠNG CỦA TÔI

 

Thành phố Bretagne, 24 tháng 5, 1985. Chuông điện thoại reo, người ta chuyển điện thoại cho tôi:

– René-Luc, điện thoại của bạn! Tôi không biết ông này là ai… ông nói cái giọng lạ…

– Allô?

– Xin chào, tôi muốn nói chuyện với René-Luc.

Tôi không nhận ra giọng nói này. Người đàn ông nói giọng Đức.

– Dạ chính tôi.

– …

– Allô? tôi lặp lại.

– Xin lỗi, xin lỗi con… Cha là cha của con, cha có thể nói chuyện với con được không?

Cha của tôi? Ngay lập tức, toàn thân tôi rúng động: quả tim, cái đầu, đôi chân… Giây phút kinh hoảng.

Không! Không thể được. Đây là câu nói đùa không hay tí nào. Tôi thật sự không thích. Giọng nói đó lặp lại:

– Allô?

Tôi suy nghĩ. Nếu thật sự đó là cha tôi? Làm sao biết được? Sau vài giây im lặng nặng nề, tôi hỏi:

– Ông tên là gì?

– Günter… Günter Buschkiewitz.

Đúng, đúng là ông, Günter! Như thế là không phải lời nói đùa, vì không ai trong chỗ quen biết của tôi biết ông. Đó là bí mật gia đình. Mọi người nghĩ tôi có cùng cha với các em gái tôi.

Không nghi ngờ gì, đây chỉ có thể là ông.

– Khi nào ông có thể đến?

– Khi nào con sẵn sàng gặp cha.

– Sáng mai thì không được vì con phải thi vấn đáp tiếng Đức, bài thi cuối của kỳ thi tú tài. Vậy chiều mai được không?

– Gut! Vậy thì chiều mai!

Không cần phải nói, tối hôm đó tôi không ngủ được.

Ngày mai, đầu óc tôi để chỗ khác khi tôi đứng trước nữ giáo sư hỏi thi vấn đáp ở Saint-Brieuc. Thẳng thắn mà nói, tôi chưa bao giờ thích tiếng Đức. Mẹ tôi bắt tôi phải học: “Mình không biết khi nào, nếu có ngày con gặp cha con…” Đúng, bà đã đoán trước! Và ông đến đúng hôm trước ngày tôi thi vấn đáp tiếng Đức.

Các lớp học tiếng Đức luôn làm tôi nghĩ đến ông và làm cho tôi đau lòng. Tôi luôn có điểm xấu. Nói cho công bằng, mối liên hệ của tôi với giáo sư tiếng Đức và tiếng la-tinh giống nhau, chỉ khác một chuyện: giáo sư tiếng Đức không gởi tôi lên gặp ông hiệu trưởng.

Đứng trước giáo sư hỏi thi, tôi hoàn toàn mất phương hướng. Tôi chỉ muốn nói với bà: “Bà biết không, tôi cóc cần kỳ thi của bà! Trong vài giờ nữa, tôi sẽ gặp cha tôi!”

Điểm của tôi thật tệ nhưng đủ để đậu.

Hai giờ chiều ngày 25 tháng 5, 1985. Tôi còn nhớ như câu chuyện mới xảy ra hôm qua. “Người đàn ông” gõ cửa. Tôi đi về phía ông. Ông cao, tuổi ngoài năm mươi và trông khá lớn tuổi, mạnh khỏe, tóc vàng ngả qua trắng. Bây giờ tôi hiểu vì sao tôi tóc vàng. Ông có cái mũi của người đánh bốc-xơ và hàm răng trắng thẳng tắp như hàm răng của tài tử Jean-Paul Belmondo. Ông cũng phải lớn hơn mẹ tôi gần mười tuổi.

Tim tôi đập thình thịch. Đến gần ông, tôi không biết phải làm gì. Tôi đưa tay ra cho ông. Ông cầm tay tôi, cùng lúc ông đưa má ra cho tôi hôn.

– Chào René-Luc.

– Chào cha.

– Con cao thật. Con giống cha khi cha bằng tuổi con.

Tôi không trả lời. Tôi hơi bị khựng. Ông cũng cảm thấy bối rối.

– Mình có thể đi đâu đó để nói chuyện được không? tôi hỏi ông và cố gắng nở một nụ cười.

– Được con.

Tôi đưa ông đến phòng tập của nhóm mà tôi vừa mới thành lập. Chúng tôi ngồi giữa tiếng đàn ghi-ta và tiếng trống. Ông bắt đầu kể chuyện.

– Con biết đó, trước hết cha xin con tha thứ cho cha. Vì rượu mà cha đã không tìm gặp con trong bao nhiêu năm nay. Cha bị bệnh, thật sự bệnh. Chính vì thế mà cha không chăm sóc con.

Rượu? Đúng, mẹ tôi đã nói cho tôi biết, cha tôi nghiện rượu. Nhưng tôi không cắt lời ông. Tôi nghe, tôi không cảm thấy mình có thể nói gì.

– Khi cha gặp mẹ con ở trang trại, cha vừa kết thúc thời gian bảy năm trong Binh đoàn Hải ngoại, bảy năm chiến tranh khủng khiếp ở Marốc rồi ở Algeria.

Cha tôi kể ông đến Algeria năm 1955. Ông tham dự vào các chiến dịch ở Marốc năm 1956, rồi đến Algeria và ở lại đó đến năm 1962.

– Cha được lên chức đại đội trưởng và được huy chương. Khi đó chiến tranh sắp chấm dứt, trong một buổi liên hoan quá chén, cha gây gổ với một sĩ quan trung úy và cha đánh ông ta! Họ phạt cha và gởi cha đi trại kỷ luật ở Djemien Bou Regz, đập đá trong sa mạc Sahara.

Tôi sững sờ nghe.

– Chiến tranh đã là gay go, nhưng trại này thì thật khủng khiếp. Cha vào trại kỷ luật từ tháng 8 năm 1961 đến tháng 8 năm 1962. Nhiều người đến trại này đã chết, hoặc còn sống thì cũng thành điên. Cha không biết làm sao cha lại sống sót được qua tất cả những chuyện này.

Cha tôi ngừng nói. Tôi nhìn ông. Tôi không nói gì. Tôi cũng nhìn lại tôi. Ông hiểu là ông phải phá tan sự im lặng này.

– Khi ra khỏi Binh đoàn, cha về lại Đức và cha gặp rất nhiều khó khăn để trở lại đời sống bình thường. Cha bắt đầu uống càng ngày càng nhiều. Nghề của cha là thợ hàn. Nhưng cha hay bị sa thải. Cha hay quay trở lại Marseille, tìm lại hải cảng của Binh đoàn. Chính một trong các lần nghỉ việc này cha về miền nam nước Pháp và cha gặp mẹ con. Bà dễ thương, bà cho cha ở trọ một đêm. Bà nói với cha bà muốn mở một quán rượu. Cha đề nghị ở lại một ít thời gian để giúp bà. Bà đồng ý. Và rồi… mẹ con đẹp. Con biết, với phụ nữ, cha luôn biết cách chinh phục… Và như thế là hai người gặp nhau, con hiểu không?

– Dạ, con hiểu.

– Nhưng cha luôn có vấn đề với rượu. Ở trang trại có những thùng phi đựng rượu thật lớn và cha đến đó, uống và uống…

Cha tôi bật cười. Tôi cười theo không nổi.

– Nhưng mẹ của con, bà rất dễ thương, bà luôn tha thứ cho cha. Và rồi bà có đủ thứ vấn đề gia đình. Cha nghĩ khi đó bà đang ly dị với người cha của hai đứa con trai. Bà quá chán với các câu chuyện này. Bà muốn làm lại cuộc đời. Khi đó, bà bỏ chương trình mở quán rượu, bà đề nghị đi theo cha về Đức với hai anh Babou và Cacou của con. Chúng còn nhỏ và rất dễ thương, cha rất yêu chúng. Cả nhà đi Đức. Cha tìm được việc làm ngay và gia đình bắt đầu cuộc sống bình thường cho đến ngày cha nghiện rượu lại. Khi cha say, cả một quá khứ ở Binh đoàn trồi lên. Khi nào cha cũng gây gổ. Đôi khi cả với cảnh sát. Nhưng cha không bao giờ đánh mẹ con, không bao giờ đánh phụ nữ! Với mẹ con, thật khó cho bà để chịu đựng tất cả những chuyện về rượu của cha, bà quyết định rời đi. Bà đi xe lửa về lại Pháp. Còn cha, cha không giữ bà lại, cha thấy cha không thể nào đảm đương trách nhiệm đối với bà và hai anh của con. Cha rất khổ và cha yêu mẹ con nhiều, nhưng lúc đó rượu mạnh hơn.

Mẹ tôi không nói cho tôi biết tất cả, chắc chắn bà muốn giữ hình ảnh tôi có về cha tôi.

– Vài tháng sau khi mẹ con ra đi, cha nhận một bức thơ. Mẹ con nói bà mang thai trong thời gian ở Đức. Như thế cha biết cha có một đứa con. Nhưng lúc đó cha không thể đảm đương nổi… Cũng vì rượu! Cha xin lỗi con, cha không làm con bị sốc vì từ vựng của cha chứ? Con biết đó, cha học tiếng Pháp ở Binh đoàn, vậy thì…

– Không, không sao, cha cứ tiếp tục…

– Con có thể xưng hô thân mật với cha, cha là cha của con..

– Dạ, để từ từ, con chưa xưng như vậy được ngay, con cố gắng.

– Có một lần cha đi xe gắn máy qua Pháp. Mẹ con có một tiệm ăn ở vùng Cévennes. Khi đó mẹ con đã lập gia đình lại… Con có thêm hai em gái đúng không?

– Đúng, con có hai em gái.

– Mẹ con cho phép cha gặp con. Khi đó con bốn hay năm tuổi, cha không còn nhớ. Con rất xinh, con có các lọn tóc vàng. Hai cha con chơi với nhau một giờ, rồi cha ra đi. Đó là chuyện bình thường, cha như người vô gia cư… A! nếu cha không có vấn đề rượu!

Cha tôi chân thành tiếc mình đã đi bên cạnh chính đời mình, hay đời của tôi, hay đời của chúng tôi. Tôi thanh thản hơn. Tôi thấy đủ tự tin để hỏi ông:

– Nhưng vậy thì làm sao cha biết con… Làm sao cha tìm con được?

– Nhờ bà Siegrid, vợ của cha. Bà giúp cha thoát cảnh nghiện rượu. Khi bà biết cha có một đứa con, bà khuyến khích cha đi tìm. Khi đó là tháng 6 năm 1980, cha lên xe đến trang trại ở Camargue. Nhưng những người ở đây không có tin tức mẹ con từ nhiều năm nay. Cha cũng đến tiệm ăn ở vùng Cévennes nơi cha thấy con khi con còn nhỏ. Nhưng họ cho cha biết có một vụ hỏa hoạn ở đó. Và ở đó đã thay đổi hoàn toàn, không ai biết mẹ con đâu. Cha đến tòa thị chính Nîmes, nhưng cha không nhớ tên họ của con, vì thế cha không thể tìm con được. Cha thật sự đã thất vọng! Khi đó cha đến Lộ Đức thắp nến để xin cho cha tìm ra con.

– Lộ Đức?

– Đúng, Lộ Đức. Tuy cha theo đạo tin lành nhưng cha rất tin. Dù khi nghiện rượu, cha đã để mình trong bàn tay của quỷ, cha luôn nghĩ Chúa không bỏ cha. Con có thể thấy kỳ cục, một người tin lành mà đi cầu nguyện ở Lộ Đức, nhưng vì cha biết ở đó có nhiều phép lạ, cha đến để xin Chúa giúp cha tìm ra con! Và cha đã thắp một ngọn nến với Bernadette.

– Cha đi vào lúc nào?

– Tháng 6 năm 1980.

– Cha còn nhớ ngày không? tôi không còn dè dặt, tôi hỏi ông.

– Không.

– Thật là lạ!

– Vì sao?

– Vì cuối tháng 6 năm 1980 con cũng ở Lộ Đức. Chính ở đó, trước hang đá Đức Mẹ Lộ Đức con đã hiến đời mình cho Chúa. Năm năm đã trôi qua… và cũng có thể hai cha con mình ở bên cạnh nhau trước hang đá.

Tôi không tin được. Tiếc là thời đó chưa có webcam quay ngày đêm như bây giờ, nếu không thì tôi đã xin văn phòng xem hình ảnh webcam quay tháng 6 năm 1980. Khi tôi lên trời gặp Chúa Giêsu, tôi sẽ xin Chúa nếu được cho tôi xem khúc phim này. Có nhiều giai đoạn trong đời tôi không hãnh diện mấy về mình, ngay cả sau khi tôi trở lại, nhưng tôi muốn biết hai cha con tôi có ở đó cùng một lúc không!

– Thật không tưởng tượng được! cha tôi trầm ngâm.

Càng lúc tôi càng thấy thoải mái, tôi nhận ra cha tôi là người có đức tin. Thật hạnh phúc khi có thể chia sẻ với ông những điều thiết yếu trong đời sống của tôi.

– Nhưng cha chưa nói làm sao cha tìm ra được con?

– Đúng vậy. Từ năm 1980 cha không còn về Pháp. Nhưng bây giờ cha không biết tại sao, tuần vừa rồi cha quyết định thử đi tìm con một lần cuối. Cha về lại trang trại ở Camargue, không có ai. Sau đó cha đến Nîmes, cha vào một nhà thờ. Cha cầu nguyện thêm một lần nữa: “Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con tìm được con của con.” Rồi cha đi bộ lang thang ngoài đường thì bỗng cha nhận ra một căn nhà: đó là căn nhà mà cha đi với mẹ con đến thăm ông ngoại Françis của con, khi đó mọi người gọi ông là “ông chủ”. Lần đầu tiên khi ông gặp cha, ông nói: con là người Đức, vậy con là người tin lành! Khi cha nói đúng, cha theo đạo tin lành, ông rất vui. Còn ông cố của con là người theo đạo tin lành giáo phái Can-vanh! Cha nhận ra cánh cửa căn nhà, cha bấm chuông. Một bà ra mở cửa. Bà nói ‘ông chủ’ đã qua đời. Bà cho biết từ rất lâu bà không có tin của mẹ con. Nhưng bà cho số điện thoại chú của con. Cha gọi và cha gặp một bà, bà cho cha số điện thoại và địa chỉ của con! Và bây giờ cha đã tìm được con! Sáng nay con đi thi vấn đáp tiếng Đức có trôi chảy không?

– Đúng, tất cả thật kỳ lạ, tôi trả lời ra dáng suy nghĩ.

Không bao giờ có chuyện tình cờ…

Cha tôi muốn tôi nói một chút về tôi, nhưng tôi còn quá giao động. Tôi thích nói về nhóm nhạc của tôi. Cha hỏi tin tức mẹ và hai anh. Ông còn nhớ hai anh tôi, tôi cảm nhận ông giữ họ trong quả tim ông.

Khi đó anh Babou đang ở cùng làng với tôi. Anh đã bắt đầu làm việc cho Vòng đua France, anh là thợ trát thạch cao. Anh chưa có lòng tin, anh nhận đến làm việc trong cộng đoàn dĩ nhiên là có lương. Vài tuần sau, một chiều thứ bảy anh vào nhà nguyện dự giờ kinh và anh cũng có kinh nghiệm một cuộc gặp gỡ riêng với Chúa. Một ít thời gian sau, anh gặp một cô người Breton trong làng, cô ở trong một gia đình mộ đạo và anh đã lập gia đình với cô này.

Khi Günter biết Babou cũng đang ở đây, ông rất vui và muốn gặp anh. Vào cuối buổi chiều, chúng tôi cùng đi ăn bánh crêpe với nhau ở Saint-Malo, cha tôi, vợ chồng anh Babou và tôi. Tiệm bánh vắng người nhưng có một gia đình khá ồn ào. Người đàn ông có giọng nói sang sảng. Còn cha tôi thì không phải là người rụt rè. Ông bắt đầu nói chuyện với người đàn ông này, ông giải thích mình nói tiếng Pháp không giỏi vì không được học ở trường, nhưng ở trong Binh đoàn Lê dương. Và người đàn ông kia cũng là một cựu quân nhân Lê dương. Họ khám phá ra họ phục vụ dưới quyền cùng các sĩ quan nhưng ở thời gian khác nhau.

Còn tôi, tôi nói chuyện với một thanh niên trẻ trong gia đình đó, anh lớn tuổi hơn tôi một chút. Anh để tóc dài và chơi đàn ghi-ta nhạc rock.

– Cha của bạn là quân nhân lê dương?

– Đúng, anh trả lời tôi. Còn người kia, tôi nghĩ đó là cha của bạn.

– Đúng, đó là cha tôi. Thật buồn cười khi nói như vậy, tôi chưa quen.

– Anh nói vậy là gì? anh bạn tò mò hỏi tôi.

– Tôi chỉ mới biết cha tôi cách đây vài giờ. Tôi 19 tuổi và đây là lần đầu tiên tôi gặp ông. Chúng tôi đến đây để mừng ngày gặp nhau.

– Thật không tưởng tượng được!

– Nhưng lại đúng như vậy.

– Chờ chờ, bạn không phải là người duy nhất… Điều không thể tưởng tượng là tôi, đã hai mươi lăm năm rồi tôi chưa bao giờ biết cha tôi, hôm nay là ngày đầu tiên! Và chúng tôi đến đây để mừng ngày gặp nhau!

– Đúng là lạ! Cả hai đều là quân nhân lê dương.

Khi đó hai bên biết chuyện của nhau. Chúng tôi nâng ly mừng sức khỏe hai ông cha, các người con và… Binh đoàn lê dương!

Khi tôi nghĩ đến giây phút này, tôi nhủ thầm: may mà có Günter, Babou và chị dâu tôi ở đó, nếu không thì tôi nghĩ mình đã nằm mơ. Tôi chỉ tiếc là không dám xin anh số điện thoại vì sự trùng hợp này thật hiếm hoi. Tôi không thấy ý nghĩa thiêng liêng ở đây, đây không phải là sự khẳng định cho câu chuyện đời chúng tôi, dù nó có các khía cạnh đặc biệt, nhưng nó cũng là câu chuyện như bao câu chuyện khác!

* * *

Chiều hôm đó cha tôi về lại Berlin. Còn tôi, tôi đi lễ ở giáo xứ. Khi tôi nghĩ cách đây năm năm, cha tôi đến cầu nguyện ở Lộ Đức trùng với thời gian tôi ở đó… Chúa là chủ đời chúng ta khi chúng ta giao phó đời mình cho Ngài.

Trong suốt thánh lễ, nước mắt tôi chầm chậm chảy dài trên má. Đó không phải là nước mắt đau khổ, cũng không phải là nước mắt sung sướng, lại không phải là “nước mắt thiêng liêng”. Tôi không biết tả sao. Nhưng chắc chắn nó đến từ cái đập đang vỡ tung trong tận đáy lòng tôi.

Khi tôi kể chuyện này cho mẹ tôi nghe, bà không nói gì. Như thử cũng trong chính đáy lòng bà, bà luôn nghĩ có ngày tôi gặp lại cha tôi. Tôi cám ơn mẹ tôi đã giấu chuyện nghiện rượu của cha tôi. Tôi nghĩ khi một đứa bé không biết cha hoặc mẹ mình, thì đứa bé dễ chịu đựng thử thách này nếu nó có hình ảnh đẹp về người cha, người mẹ vô danh. Khi đứa con đã là người lớn thì sẽ khác, nó cần biết sự thật dù sự thật này khó chịu đựng.

Từ đó tôi gặp cha tôi mỗi năm một lần. Thường thường ông đến thăm tôi, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng qua Berlin thăm ông. Tôi biết được gia đình tôi ở Đức, các cô chú dì, các anh chị em họ của tôi. Tất cả đều nồng hậu đón nhận tôi. Cha tôi cho tôi biết nguồn gốc của ông. Ông nội Johanes Buschkiewitz là người Ucraina. Có vẻ như tôi giống ông rất nhiều. Ông làm giám sát trong một công ty lớn của người Nga da trắng. Trong cuộc cách mạng bôn-sê-vích năm 1917, ông trốn và tị nạn sang Pomerania, ở Stettin. Thành phố này trước Thế Chiến Thứ Hai thuộc Đức, nhưng sau hiệp ước Yalta, bây giờ thành phố này thuộc Ba Lan.

Ông nội Johanes yêu bà nội tôi, một phụ nữ Đức. Vấn đề là bà theo đạo tin lành, ông tôi người Ucraina thuộc giáo phái công giáo-hy lạp. Hồi đó hôn nhân giữa người tin lành và công giáo chưa được phép. Để lấy bà tôi, ông tôi phải bỏ đức tin công giáo. Vì thế cha tôi được nuôi dạy trong đức tin tin lành, thường thường thời đó con cái được nuôi dạy theo đạo của mẹ.

Về phía mẹ tôi thì ngược lại, ông ngoại Francis của tôi là người thành phố Nîmes, theo đạo tin lành giáo phái Can-vanh. Bà ngoại tôi là người công giáo mộ đạo, ông phải bỏ đạo tin lành để theo đạo công giáo. Nên mẹ tôi được nuôi dạy trong đức tin công giáo.

Cha tôi là tin lành mà thân phụ là người công giáo; mẹ tôi là người công giáo mà thân phụ là người tin lành, hai người gặp nhau, sự khác biệt tôn giáo không tạo thành vấn đề, khi đó họ có các ưu tư khác. Và đứa con họ sinh ra được một mục sư tin lành hoán cải, và nó thành linh mục công giáo!

Một phương trình lạ đời…

Còn tiếp ... Chúa ở trọn tâm hồn (19)