Đáng lý là sếp băng đảng nhưng lại làm linh mục.

Chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả Linh mục René-Luc, một nhân vật ngoại hạng mà cuộc đời của cha như quyển tiểu thuyết.

 

21. Totus tuus trên nền nhạc Rock

 

Mùa hè năm 1984, một năm trước khi tôi gặp cha tôi, cùng với vài người bạn, chúng tôi quyết định thành lập nhóm nhạc rock công giáo. Sáng kiến do anh Gégé khởi đầu. Người đặt lời, người có tâm hồn thi sĩ, anh muốn dùng lời của mình cho loại nhạc hiện đại, chính xác là nhạc rock. Trong những năm 1980, ít có người công giáo nào dám làm chuyện này. Nhưng lại có một vài dòng suy nghĩ hơi đồng hóa các loại nhạc có nhịp điệu rock là nhạc có hơi hướm satan!

Gégé 16 tuổi, tôi 17 tuổi. Tôi thích sáng kiến của anh và tôi đề nghị giúp anh thành lập nhóm. Tôi tiếp xúc với Vincent, một người bạn rất tốt mà tôi quen trong các buổi họp nhóm kitô. Anh đánh đàn ghi-ta rất hay. Tôi cũng đánh đàn ghi-ta, anh chỉ cho tôi các bí quyết nên tôi tiến bộ rất nhanh. Buổi tập này nối tiếp buổi tập khác. Tôi nói với anh dự tính của chúng tôi. Anh tiến hành liền. Ngoài đàn ghi-ta, anh trở thành ca sĩ của chúng tôi với một giọng rất đặc biệt, uyển chuyển, có cùng âm điệu với nhạc sĩ nổi tiếng nước Pháp Jean-Jacques Goldman. Tôi cũng liên lạc với Yves-Armel. Anh có dáng người giống Elton John, một vẻ gàn gàn như thế và chơi đàn phím rất đặc biệt so với tuổi của anh. Thêm nữa anh lại còn biết sáng tác và hòa âm. Còn Gégé thì anh kéo được Jean-Christophe, một tay trống vào nhóm. Một con gấu thực sự, anh luôn mặc quần loại yếm. Người cuối cùng vào nhóm là François. Anh nghe đến dự tính của chúng tôi và đem cây ghi-ta của anh vào nhóm. Anh có dáng đi ngộ nghĩnh, tóc dài, mắt tròn nhỏ như John Lennon che đàng sau đôi mắt kiếng tròn nhỏ. Anh là tay đại hồ cầm nhà nghề. Nhưng anh không chơi đại hồ cầm trong nhóm, anh có ngón đàn ghi-ta độc tấu “ma quái”, có nghĩa là “ma quái” nhất trong tất cả các màn độc tấu ghi-ta mà quý vị từng nghe.

Chúng tôi có người đặt lời, có ca sĩ ghi-ta, có đàn phím, có tay trống và có ghi-ta độc tấu. Còn tôi? Tôi chỉ đóng vai điều hành: tổ chức các buổi tập, các buổi thu thanh, các buổi hòa nhạc… Mọi người giao cho tôi nhiệm vụ này, họ cũng bầu tôi là tay bass của nhóm.

Chơi bass trong nhóm nhạc rock là nền, là tất cả của tất cả. Người ta thường nói bassvà trống là bánh ga-tô, phần còn lại chỉ là kem. Nếu nền nhịp điệu không vững thì tất cả bị lao chao. Có những tay bass giỏi, những tay bass tồi. Và cũng có những tay bassgiỏi nhưng hơi tồi, tôi thuộc loại này. Để tôi giải thích: những tay bass giỏi là những người biết đúng nhịp, có thính giác hoàn hảo, có khả năng đánh dấu các nhịp điệu, tô điểm cho dòng nhạc du dương các hạt ngọc đây đó, một niềm vui thực sự. Những tay bass tồi là những người làm quá đáng. Họ nghĩ là họ biết nhịp điệu, nhưng họ thêm thắt quá nhiều, người nghe không còn phân biệt được nhịp điệu. Những tay bass giỏi nhưng hơi tồi là những người như tôi, biết rất rõ nhịp điệu, không có tài năng ứng tấu. Khi nào cũng sợ ra ngoài gam nhạc. Không dám liều. Cho chắc ăn. Chơi đúng nốt nhạc, thế thôi!

May là chúng tôi có một hai bài sáng giá với âm điệu du dương đập mắt, loại slap, loại đập mạnh vào giây đàn! Phần còn lại chúng tôi chơi như máy gõ nhịp. Nhưng các bạn không thể tưởng tượng các nhạc sĩ khác yêu thích như thế nào, nhất là anh trưởng nhóm ghi-ta François của chúng tôi, sau mỗi buổi hòa nhạc khi nào anh cũng đến cám ơn tôi. Chơi bass cũng là một bài học của cuộc đời: cố gắng làm điều đúng và làm điều đó đúng lúc.

Chúng tôi ở rải rác khắp nước Pháp, nhưng chúng tôi gặp nhau mỗi kỳ hè. Chúng tôi đặt tên nhóm là Totus Tuus, có nghĩa là “tất cả cho Chúa” để vinh danh Đức Gioan-Phaolô II vì đó là câu châm ngôn của ngài. Đó là phương châm của thánh Louis Marie Grignon de Montfort, nước Pháp được Đức Gioan-Phaolô II lặp lại. Câu đó có nghĩa: “Tận hiến tất cả cho Chúa Giêsu qua bàn tay Mẹ Maria”.

Cộng đoàn giúp chúng tôi phần dữ liệu. Ngay từ mùa hè 1985, chúng tôi lên đường lưu diễn. Trong nhóm có hai người có bằng lái xe, phần còn lại quá trẻ. Chúng tôi bắt đầu bằng buổi trình diễn với khoảng bốn trăm bạn trẻ gần Lộ Đức. Sau đó chúng tôi diễn vài buổi ở Bretagne và cuối cùng là buổi tập họp hơn hai ngàn người ở Ars. Lời bài hát có nội dung dấn thân, mang sứ điệp rõ ràng và tác động của chúng tôi. Cuối buổi hòa nhạc, tôi lên nói chứng từ của mình và mời các bạn trẻ nếu ai muốn thì lên bục chia sẻ cuộc gặp gỡ riêng của họ với Chúa Kitô, giống như kinh nghiệm của tôi với mục sư Nicky Cruz. Thật cảm động khi thấy tất cả các bạn trẻ này tiến lên khi chúng tôi hát bài hát cuối cùng: “Tôi tin”.

Trong các buổi tập họp này, các bạn trẻ đón nhận chúng tôi nồng hậu hơn cả nồng hậu. Rõ ràng họ vui khi thấy trên sân khấu là người trẻ ca hát có cùng văn hóa, cùng sống các giá trị kitô giống họ.

Các buổi hòa nhạc ở Bretagne là một loại khác: đó là phúc âm hóa “lớp đầu tiên”: chúng tôi làm ngoài trời và miễn phí. Những người đến xem là những người tò mò hay những người qua đường. Phải nói là không đông dù chúng tôi đã cố gắng dán các bích chương, chúng tôi còn non trong việc truyền thông. Dù sao sau mỗi buổi trình diễn, trong lời cầu nguyện cuối cùng khi nào cũng có vài người lên bục chia sẻ, và như thế là đã thắng. Cho Chúa.

Sau chuyến lưu diễn, chúng tôi làm album đầu tiên. Chúng tôi thâu cát-xét vì khi đó đĩa nhựa CD đang ở giai đoạn trứng nước. Trong một năm, chúng tôi bán được tám ngàn băng! Thời đó như thế là rất nhiều, vì nhạc rock kitô phổ biến ở các nước nói tiếng Anh và đa số ở trong giới tin lành, còn ở đây, trong môi trường công giáo thì ít ai biết. tiền lời chúng tôi đầu tư tất cả vào dụng cụ âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ hay chuẩn bị cho các chuyến lưu diễn sắp tới, in bích chương v.v.

Chuyến lưu diễn thứ nhì là mùa hè năm 1986 ở Côte d’Azur, đây là một kinh nghiệm không thể nào quên được. Ban tuyên úy nhà tù Nice xin chúng tôi hai buổi hòa nhạc: một cho nam tù nhân, một cho nữ tù nhân. Chúng tôi chuẩn bị nhạc cụ ở sân nhà tù. Các tù nhân đến. Họ ngồi tựa lưng vào sân tường. Chúng tôi bắt đầu đàn hát. Chúng tôi không biết họ cảm nhận như thế nào vì không thấy họ biểu lộ gì. Một vài người vỗ tay, một số khác dè chừng. Khi tôi nói chứng từ của mình, tôi thấy họ lắng nghe. Vào cuối buổi, tất cả đến cám ơn chúng tôi. Một trong số các tù nhân cho chúng tôi cái bật lửa. Ông vừa nhặt được ở sân. Một mẫu giấy quấn quanh. Một tù nhân ở trong phòng của mình gởi cho chúng tôi qua cửa sổ: Các bạn thân mến, tôi không được tham dự buổi hòa nhạc của các bạn vì tôi bị phạt. Nhưng tôi nghe hết, chỉ là tôi không thấy các bạn thôi. Tận đáy lòng, tôi xin cám ơn các bạn, câu chuyện của các bạn mang hy vọng đến cho tôi.

Một tù nhân khác đến gần chúng tôi và xin chúng tôi:

– Ngày mai, tôi biết các bạn sẽ trình diễn cho các nữ tù nhân. Có mẹ tôi ở bên kia và ngày mai là sinh nhật của bà. Mỗi năm tôi đều hát khúc nhạc chiều để tặng sinh nhật bà. Các ông có thể hát giùm tôi được không?

Ngày hôm sau, nghe chúng tôi hát, các bà biểu lộ tình cảm nhiều hơn, họ đập tay, họ vỗ tay. Họ thưởng thức từng lời bài hát. Và cuối cùng chúng tôi hát bài nhạc chiều để mừng sinh nhật bà mẹ, đó là quà tặng tuyệt vời. Tất cả các bà đều khóc… và cả chúng tôi!

Buổi trình diễn cuối cùng của tôi là tột đỉnh! Chúng tôi trình diễn trước sáu mươi ngàn bạn trẻ ở sân vận động Gerland, Lyon tháng 10 năm 1986! Buổi trình diễn được phát hình trên đài TF1. Nhưng phải nói ngay là các bạn trẻ không đến vì chúng tôi. Tất cả các bạn đến đây để đón Đức Gioan-Phaolô II! Và cũng phải thú nhận là chúng tôi chỉ trình diễn một bài! Trước khi chúng tôi lên sân khấu, tất cả khán giả ở sân vận động chật ních này hò hét ola, ola… Họ ít chú ý đến nhóm trình diễn trước chúng tôi. Chúng tôi lo ngại chờ đến lượt mình. Nhưng khi người giới thiệu chương trình loan tên nhóm chúng tôi, mọi người vỗ tay tiếp đón không thể tưởng tượng.

Ola, ola ngừng và chúng tôi hát bài hát “Cantique”, phiên bản mới của một bài hát của Thánh Phanxicô Axixi. Các bạn trẻ thật sự cùng hòa với chúng tôi. Khi chúng tôi mời mọi người hát điệp khúc được đệm bằng trống mà thôi, cả sân vận động cùng hát theo. Một kỷ niệm không thể nào quên được!

Đối với tôi, Gerland là buổi hòa nhạc cuối cùng. Nhưng nếu tôi ngừng thì nhóm sẽ tiếp tục trong nhiều năm nữa. Các buổi trình diễn sẽ nối tiếp, các album cũng vậy. Anh Vincent tiếp tục cuộc phiêu lưu với Totus một cách đặc biệt. Anh mong đến với khán giả ngoài kitô giáo, có thể bị cho là “khác lạ” (đó là tựa đề của album cuối cùng) đối với một vài môi trường công giáo.

Đúng là cả một thế hệ trong Giáo hội công giáo sợ loại âm nhạc này, họ có lý khi phải cẩn thận. Nhưng cũng không nên cho là ‘ma quái’ những gì dính đến nhạc rock. Chúng ta nên có mặt trên tất cả các mặt trận, cần phải nói lên, cần phải kitô hóa từ bên trong, cũng như trên Internet. Đó là dụng cụ thê thảm trong bàn tay của những người đồi trụy, nhưng là câu trả lời cho tín hữu kitô, họ phải từ chối tất cả máy vi tính, hay ngược lại, họ phải phát triển sự hiện diện kitô giáo trên các trang Web?

Đức Gioan-Phaolô II đã hiểu rất rõ điều này, ngài khuyến khích chúng tôi ngày nay phải có mặt trên các nơi khác nhau, như trong thông điệp Sứ mạng của Đấng Cứu Thế (Redemptoris Missio).

Chúng tôi là một trong các nhóm rock công giáo đầu tiên ở Pháp, có thể là nhóm đầu tiên.

Chúng tôi đã mở một cánh cửa. Từ đó có nhiều nhóm ra đời, điều này làm chúng tôi rất vui mừng vì chúng tôi đã thuyết phục được sự có mặt quan trọng của kitô giáo trong âm nhạc tuổi trẻ. Ngày nay, các nhà tổ chức sự kiện cho các bạn trẻ trong Giáo hội có rất nhiều chọn lựa để chọn nhóm nào hay nhất! Các nhóm mới này nghe nhạc chúng tôi khi họ còn tuổi vị thành niên, bây giờ họ xem chúng tôi như “ông cụ” của họ. Tôi liên lạc với nhiều người trong số họ.

Ngày hôm sau buổi hòa nhạc ở Gerland, tôi từ giã nhóm, tôi đến với các chủng sinh tụ họp chung quanh giáo hoàng ở làng của cha xứ Ars.

Một giai đoạn mới bắt đầu, tôi rời tay bass để vào chủng viện.

Còn tiếp ... Chúa ở trọn tâm hồn (20)