Đáng lý là sếp băng đảng nhưng lại làm linh mục.

Chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả Linh mục René-Luc, một nhân vật ngoại hạng mà cuộc đời của cha như quyển tiểu thuyết.

 

22. GIỚI TÍNH HAY KHÔNG GIỚI TÍNH

Vừa đúng hai mươi tuổi, tháng 10 năm 1986, tôi vào năm triết đầu tiên của chủng viện Rennes. Tiến trình bình thường của một chủng sinh chia thành hai chu kỳ: chu kỳ đầu học triết hai năm, chu kỳ thứ nhì học thần học ba năm.

Tôi vừa học một năm làm kỹ thuật viên trong công ty sản xuất băng cát-xét của nhóm chúng tôi. Sau khi đậu tú tài, cha thiêng liêng khuyên tôi nên đi làm một năm để ơn gọi trong tôi được chín mùi. Một năm trôi qua và ơn gọi vẫn còn vang lên trong tâm hồn tôi.

Khi vào chủng viện, tôi có cảm tưởng như đang ở nhà mình. Tôi hợp với tất cả các bạn chủng sinh, đặc biệt với anh Gwen. Anh cùng tạng với tôi và rất thích thể thao. Anh luôn mặc áo da. Tôi thích phong cách không trọng hình thức của anh.

Tôi rất ngạc nhiên khi biết từ vài năm nay chủng viện Rennes không còn sân banh, cha quản lý đã biến sân banh thành bãi đậu xe. Phải nói là từ lâu không còn ai chơi đá banh. Cùng với anh bạn Gwen, chúng tôi rủ một vài bạn chủng sinh lập một đội bóng. Nhưng làm sao để có sân bóng? Chúng tôi xin phép chơi ở công viên chủng viện, trên cỏ. Được phép với điều kiện phải khéo léo tránh cây cối, tránh các bụi hoa khổng lồ. Đúng hơn, sự chú ý của chúng tôi là làm sao “giả vờ” để banh rơi trúng bụi hoa, và thế là chỉ vài tuần người làm vườn thay các bụi hoa này bằng cỏ…

Chúng tôi có sân bóng, có sân cỏ, chỉ còn dựng gôn. Chúng tôi nhờ một xưởng ở tuốt bên kia thành phố làm. Đến ngày J. giao hàng, chúng tôi mười mấy chủng sinh đi bộ đến vác về vì chúng tôi không có xe để chở một món hàng đặc biệt như vậy. Bạn hình dung xem món hàng, thành gôn dài bảy mét, cao hai mét, một hình chữ nhật mở! Chúng tôi khó khăn len lỏi giữa xe cộ và bộ hành. Thành phố Rennes không biết là năm 1986 họ có một đám rước đặc biệt kiểu này của các chủng sinh. Bây giờ sân banh của chúng tôi đã sẵn sàng, mới toanh. Với cỏ êm chân, xin mời đá!

Tôi hạnh phúc thực hiện được các bước đầu tiên trên đường đến chức thánh và tôi không bỏ qua một dịp nào để làm chứng. Tôi còn nhớ đặc biệt một cuộc gặp. Trong kỳ hè các chủng sinh thường về nhà. Vì thế tôi đi xe lửa xuôi Nam để thăm mẹ tôi. Tôi ngồi ở một toa trống, với một cô sinh viên…

Cô duyên dáng. Cô ngồi trước mặt tôi. Mỉm miệng cười. Xe lửa chạy. Không có ai khác trên toa. Cô thoải mái, cô muốn bắt chuyện. Tôi nói đủ chuyện trên trời dưới đất với cô Sophie. Chúng tôi cười đùa. Cô không thể nào đoán tôi là chủng sinh vì ở Pháp, chúng tôi chỉ mang cổ côn la-mã khi đã chịu chức, và cũng tùy ý mỗi người. Trong lòng tôi nghĩ như thế thì tốt hơn để tôi có thể nói về Chúa Giêsu. Với cách này, tôi có một kỹ thuật khi nào cũng chạy. Tôi hỏi cô:

– Bạn học gì?

– Tôi học luật.

Và thế là chúng tôi nói về chuyện này khoảng mười lăm phút. Rồi thì câu hỏi không thể tránh được, cô hỏi tôi:

– Còn anh, anh cũng là sinh viên chứ?

– Đúng, bạn đoán xem tôi học gì nào?

– Thương mại!

– Không!

– Kinh tế? Tôi lắc đầu.

– Vậy thì bạn đừng nói là bạn cũng học luật chứ?

– Cũng không!

Tất cả mọi ngành nghề đều lần lượt được điểm danh, cả nghề chữa lửa. Tôi cố gắng mớm cho cô nhưng cô cũng không đoán ra.

– Chịu, vậy thì anh nói đi!

– Chủng sinh.

– Xin bạn lặp lại giùm?

– Tôi là chủng sinh. Tôi chuẩn bị làm linh mục.

– Khôôôôôôôôôôông!

– Đúúúúúúúúng!

– Tôi không tiiiin!

– Đúng vậy, bây giờ tụi mình nói với nhau chuyện này! Này Sophie, bạn không tin ở Chúa sao?

Chúng tôi nói về tôn giáo. Tôi kể cho cô nghe câu chuyện của tôi, tôi đã gặp Chúa như thế nào với mục sư Nicky Cruz. Cô chăm chú nghe, tò mò tìm hiểu. Khi tôi nói xong thì cô nói:

– Tôi, tôi nghĩ khi bạn sống tuổi thơ khó khăn thì bạn cần bám vào một cái gì.

– Vậy ư? Bạn nghĩ những người tin ở Chúa là để quên vấn đề của họ sao?

– Đúng. Tại sao không?

– Như thế thì làm sao bạn giải thích những người tin nhưng họ không bao giờ gặp vấn đề? Rất nhiều gia đình tín hữu Pháp có cuộc sống là một ‘dòng sông êm đềm’. Họ đặt Chúa ở trọng tâm đời sống của mình, nhưng tuyệt đối không phải để chạy trốn đau khổ.

– Tôi không biết, họ tin theo truyền thống.

– Có thể, nhưng không nên đơn giản đặt phương trình “có đức tin” và “có vấn đề” chung với nhau. Tôi đồng ý với bạn, đau khổ có thể giúp chúng ta mở lòng ra với chiều kích thiêng liêng, và tôi nghĩ đó là trường hợp của tôi. Khi Chúa gõ cửa, mình có thể mở cho Ngài dễ hơn nếu các vùi dập của cuộc sống đã làm vỡ tung một số ổ khóa. Nhưng cũng có thể có chuyện ngược lại: đau khổ làm nhiều tâm hồn khép kín cửa lại. Vì thế có nhiều người nói: “Nếu Chúa hiện hữu, vì sao Chúa lại để cho những chuyện đó xảy ra? Tôi không muốn nghe đến chuyện này nữa…” Và cũng có một hình ảnh khác: có những người quá hài lòng ở quả đất này nên họ thấy Chúa không dính dáng gì đến họ. Vậy Sophie, bạn thấy đó, tốt hơn là đừng rút gọn các chuyện về tâm linh.

– Đồng ý, nhưng bạn giải thích cho tôi nghe một chuyện. Tại sao, nếu bạn muốn làm linh mục thì bạn không được lập gia đình, chuyện này tôi thật sự không hiểu!

– Bạn đừng làm thành vấn đề, đó là chuyện hoàn toàn bình thường! Chính Chúa Giêsu cũng nói, đây là chuyện bình thường mà bạn không hiểu đó thôi!

– Anh đùa à, cô ngạc nhiên hỏi tôi.

– Không, đúng vậy. Nhìn này!

Tôi rút quyển Tân Ước ra và đến ngồi bên cạnh cô. Tôi tìm chương 19 của Phúc Âm Thánh Mát-thêu và tôi đưa tay chỉ vào câu 12.

– Bạn thấy đây, câu này thật rõ ràng. Chúa Giêsu nói: Có những người tự ý không kết hôn vì nước Trời. Nhưng điều đặc biệt là trước đó Ngài đã nói trước: “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu” và sau câu này Ngài còn nói thêm: “Ai hiểu được thì hiểu!” Như thế đừng ngạc nhiên ngay cả các tín hữu kitô tốt cũng không hiểu bậc sống độc thân của các linh mục. Vậy bạn đừng khổ trí vì mình không hiểu.

Cô trầm ngâm:

– Một khía cạnh nào đó thì tôi yên tâm, nhưng một khía cạnh nào đó tôi cũng muốn tìm hiểu. Các mục sư tin lành họ cũng lập gia đình đó sao?

– Đúng vậy, và không phải chỉ có các mục sư tin lành. Ở Giáo hội Đông phương, các linh mục công giáo cũng lập gia đình. Chẳng hạn các linh mục hy lạp-công giáo hay các người marônít. Tôi đã gặp các linh mục này trong chuyến đi Liban. Họ trung thành với Rôma và họ lập gia đình.

– Vậy thì bạn cũng làm như vậy đi!

– Không, trong Giáo hội công giáo la-mã thì không được. Chỉ có trong Giáo hội Đông phương các linh mục mới được lập gia đình.

– Nhưng tại sao Giáo hội công giáo la-mã lại không được.

– Để hiểu chuyện này phải đi ngược lại thời Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu cũng sống độc thân. Và Ngài chọn mười hai thánh tông đồ cũng độc thân như Ngài. Đó là một cách mạng ở thời của Ngài. Và như tôi vừa nói, trong Phúc Âm Thánh Mát-thêu, chính Chúa Giêsu mang lại ý nghĩa cho bậc sống độc thân: Một dấu hiệu của Nước Trời. Như thế, ngay từ buổi đầu của Giáo hội luôn có các tông đồ độc thân. Thánh Phaolô đã ca ngợi bậc sống này trong thư gởi tín hữu Côrintô chương 7. Ngài giải thích bậc sống độc thân cho chúng ta các điều kiện tốt nhất để “làm vui lòng Chúa”, có nghĩa là hoàn toàn dâng hiến để phục vụ Chúa Kitô và Nước Trời.  Nhưng đúng ra từ thời đầu Giáo hội, đã có các linh mục độc thân cũng như các linh mục lập gia đình. Chúng ta thấy rõ điều này trong các thư của Thánh Phaolô. Truyền thống độc thân là điều khả thể, được khuyến khích nhưng không bắt buộc.  Ngày nay khả thể chọn lựa này được tiếp tục ở Giáo hội Đông phương. Trong khi ở Giáo hội Tây phương, dần dần bậc sống độc thân của linh mục được áp đặt cho đến lúc trở thành một tiêu chuẩn. Giáo hội la-mã không xem luật độc thân như một điều bức bách, nhưng ngược lại là một kho tàng vì Giáo hội xác tín, bậc sống độc thân là lối sống tốt nhất để sống chức thánh.

– Tôi tin chắc nếu các linh mục được chọn lựa, tất cả sẽ chọn lập gia đình!

– Bạn đừng lầm Sophie. Chắc chắn sẽ có một số người chọn lập gia đình nhưng sẽ có rất nhiều người chọn sống độc thân, bạn không tưởng tượng được đâu! Bằng chứng là trong một cuộc gặp gần đây với một linh mục Ucraina hy-lạp công giáo. Chính ông là con của một linh mục. Rồi đến lượt ông, ông cũng là linh mục nhưng ông muốn sống độc thân. Ông nói với tôi, thân phụ của ông khi phải chọn một bên là giáo xứ của mình, một bên là vợ con thì ông luôn chọn ưu tiên cho giáo xứ. Khi còn nhỏ, người con quá đau khổ về chuyện này. Tôi nghĩ, không phải dễ để hóa giải đời sống mục vụ và đời sống gia đình. Chắc chắn có nhiều thánh linh mục hy-lạp công giáo lập gia đình, nhưng ngược lại với bề ngoài, không chắc là họ đã chọn cách đơn giản nhất để thực hành chức thánh của mình.

– Nếu phải chọn thì anh sẽ chọn như thế nào?

– Tôi chọn độc thân.

Sophie không nhìn tôi. Cô suy nghĩ, cô nhìn qua cửa sổ. Rồi cô quay về tôi, mắt nhíu lại:

– Và ai nói với anh là anh sẽ không rơi vào lưới tình?

– Chuyện này là chuyện tôi chờ. Tôi sẽ cho bạn một phân biệt để làm sáng tỏ chuyện này. Phải phân biệt giữa lôi cuốn và tình yêu. Bạn đã yêu rồi phải không?

– Đó là anh nói!

– Được, tất cả các mối tình đều bắt đầu bằng lôi cuốn. Kế đó mình quyết định đi theo lôi cuốn này và khi đó nó trở thành một cảm nhận yêu thương. Vậy nếu câu hỏi của bạn là: làm thế nào bạn biết nếu bạn không bị cô gái này lôi cuốn, tôi sẽ không ngần ngại trả lời: đúng, tôi có thể bị lôi cuốn bởi týp cô gái này hay cô gái kia. Và tôi nghĩ đó là chuyện hoàn toàn bình thường! Và cũng đúng như vậy với các linh mục hay các ông lập gia đình.

– Một người rất yêu vợ mình, chỉ vài ngày sau đám cưới, đang đi hưởng tuần trăng mật, ông bị cuốn hút trước nét duyên dáng của nữ tiếp viên chẳng hạn. Có phải vì vậy mà hôn nhân của họ bị đặt vấn đề không? Nhưng nếu ông quyết định tiếp xúc với người phụ nữ này, điện thoại cho bà, gặp lại bà… sự lôi cuốn này có thể biến thành cảm nhận yêu thương. Hôn nhân của ông có thể nguy hiểm và đi đến chỗ tan vỡ! Và nếu vậy thì tôi lấy làm tiếc, người đàn ông này bị sự lôi cuốn thống trị! Lập gia đình hay linh mục, tất cả chúng ta đều phải xử lý các lôi cuốn của mình, trước hết phải tôn trọng sự cam kết đầu tiên của mình, cam kết mà chúng ta đã làm thành thỏa ước tình yêu trọn cả cuộc đời! Đơn giản là như vậy.

– Với anh, tất cả đều có vẻ đơn giản.

Cười, cười và cười. Xe lửa đến nhà ga. Sophie phải xuống. Tôi giúp cô lấy hành lý. Tôi bắt tay cô để chào từ giã. Cô bắt tay lại, cô ngần ngừ một chút rồi kín đáo hôn nhẹ lên má tôi.

– Chào!

– Chào Sophie. Xin Chúa giữ gìn bạn!

Còn tiếp ... Chúa ở trọn tâm hồn (21)