Đáng lý là sếp băng đảng nhưng lại làm linh mục.

Chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả Linh mục René-Luc, một nhân vật ngoại hạng mà cuộc đời của cha như quyển tiểu thuyết.

 

23. Thử thách của quả tim.

Tôi chưa bao giờ gặp lại Sophie. Nhưng nếu cô đọc đoạn này chắc cô sẽ mỉm cười. Tháng 9 năm 1987, khoảng một năm sau ngày tôi gặp cô Sophie trên xe lửa, cộng đoàn gởi tôi đến Toulouse học năm thứ hai chủng viện. Cộng đoàn gom tất cả chủng sinh của chu kỳ một vào một nơi để đào tạo. Tôi sẽ kể một kinh nghiệm rất đặc biệt, đau đớn nhưng cũng rất quan trọng cho tương lai linh mục của tôi.

Từ cuối năm trung học, với một vài bạn trẻ trong làng Bretagne, chúng tôi thành lập một nhóm bạn rất gắn kết với nhau. Tất cả chúng tôi đều sốt sắng và hay tham dự vào các buổi canh thức cầu nguyện, có khi trọn đêm. Nhưng không phải tất cả mọi ngày chúng tôi đều dành cho cầu nguyện! Chúng tôi đi tắm biển, đi chơi tàu ở Saint-Malo, hay chúng tôi đến Mont-Saint-Michel để ăn bánh crêpe… nói tóm lại, một nhóm bạn vui vẻ!

Trong nhóm có một cô rất hợp với tôi. Cô nhỏ hơn tôi một tuổi. Chúng tôi là bạn bè với nhau, nhưng cô biết tôi muốn làm linh mục, còn cô thì có người yêu bên cạnh. Mùa hè trước khi vào chủng viện, cô cắt liên lạc với người yêu. Vì tôi rất thân với cô nên cô tâm sự với tôi, tôi an ủi cô. Chúng tôi càng ngày càng hợp nhau và tôi nhận ra cô đang… yêu tôi hay, để nhắc lại sự phân biệt mà tôi đề cập ở trên, cô bị lôi cuốn. Tuy nhiên cô rất chân thành, tế nhị và tôn trọng chọn lựa của tôi, cô không bao giờ nói với tôi và cô cẩn thận không tỏ ra thương tôi.

Về phần tôi, tôi cũng thấy tôi bị cô lôi cuốn, tôi rất thích có được cô là bạn, được cô xem trọng làm cho tôi cảm thấy mình đáng giá. Dù vậy tôi không tìm cách đặt một khoảng cách giữa chúng tôi vì tôi tin chắc vào ơn gọi của mình. Ngắn gọn, tôi không thấy nhập nhằng trong quan hệ này. Tôi “xử lý” được sự lôi cuốn này. Bạn này bạn kia trong nhóm bắt đầu chế nhạo tôi về tình bạn này, nhưng tôi bảo đảm với họ đây chỉ là một người bạn, một người em và chưa bao giờ tôi xác quyết mình sẽ là linh mục như bây giờ, tôi không lo lắng gì về khía cạnh này!

Và bây giờ tôi đến Toulouse để học năm thứ hai ở chủng viện. Ô là là, tai họa. Tôi ngạc nhiên thấy mình nhớ cô quá chừng! Tôi cảm thấy một khoảng trống làm tôi xốn ruột xốn gan. Tôi yêu chăng? Không, không thể được, chỉ là một cô bạn… Dù vậy tôi nhớ giọng nói của cô, muốn nghe giọng nói này lại, muốn nhìn cô cười khi tôi nói đùa, cảm nhận ánh nhìn ngưỡng phục khi cô nhìn tôi… Tôi nhận ra, những gì tôi nghĩ chỉ là tình bạn thì lại ở trong hoàn cảnh bất ngờ, tôi không còn “xử lý” được gì. Tình cảm mạnh hơn là quan hệ trải nghiệm trong sự trong sáng nhất. Tôi biết là nếu tôi đi một bước đến với cô, cô sẽ không ngần ngại mở các cánh cửa đời cô cho tôi. Nhưng như vậy thì ơn gọi chức thánh của tôi sẽ như thế nào đây? Tôi quay về với Chúa Giêsu, tôi thử tìm ánh sáng trong lời cầu nguyện, trong Thánh Kinh…

Nhưng không có gì có thể cất đi cái kềm đang xoáy lòng dạ tôi.

Chuyện này cũng kéo dài vài ngày, tôi hoàn toàn lạc hướng, buồn bã, lo âu. Và một buổi sáng, trong giờ cầu nguyện riêng, tôi tự hỏi:

– René-Luc, bạn muốn bạn ở trong hoàn cảnh nào nhất?

Dĩ nhiên câu trả lời đến ngay lập tức với tôi là:

– Trở thành linh mục là điều tôi mong muốn nhất! Điều này không có nghĩa là những người được gọi có đời sống vợ chồng thì cho ít tình yêu hơn những người được gọi vào đời sống thánh hiến. Nhưng với tôi, René-Luc, tôi biết khi trở thành linh mục, tôi sẽ có thể cho nhiều tình thương hơn! Bài phúc âm Thánh Gioan tiếp tục vang lên trong lòng tôi:

– René-Luc, con có yêu Ta hơn những người này không?

– Lạy Chúa, Chúa biết tất cả, con chỉ là một người khốn khổ, nhưng Chúa biết con thương Chúa biết là dường nào!

Và thế là tôi lặp lại lời nói “vâng” với Chúa Giêsu, với chức thánh! Chỉ trong vài giờ cái kềm được cất đi, niềm vui trở lại lòng tôi.

Vài tháng sau khi gặp lại cô, lòng tôi thanh thản. Thế là chấm dứt, lòng trong sáng, nhẹ nhàng. Tôi không chia sẻ với cô những gì tôi đã trải qua, cô cũng không nói với tôi những gì cô cảm nhận trong lòng. Chúng tôi quá tôn trọng nhau để không nói hết tình cảm của mình, để có thể vì thế mà làm cho cả hai giao động.

Tôi không bao giờ cám ơn cô cho đủ đã tôn trọng tôi, đã không để tình yêu của cô lên hàng đầu, nhưng là chính tôi. Trong lãnh vực tình yêu, thật dễ dàng để có được ở người kia những gì mình muốn cho mình.

Chúng ta thấy, một người thánh hiến hay người muốn được thánh hiến, họ không thoát khỏi được các hoàn cảnh bất ngờ. Lại càng tế nhị hơn và trong vô thức, lại càng lôi cuốn nơi người kia cái gì bị cấm. Và cũng đúng vậy với những người bị lôi cuốn bởi những người đã lập gia đình. Điều này có lẽ còn dữ dội hơn đối với người thánh hiến: họ từ bỏ tình yêu loài người để cho Chúa, còn tôi, họ sẽ yêu tôi! Những người này còn tự cao ở một mức khác, mức “gần như thần thánh”. Vì thế người thánh hiến cần được giúp đỡ, và thường thường phương thuốc hay nhất là áp dụng câu ngạn ngữ xưa: xa mặt, cách lòng!

Trong đời sống chủng sinh của tôi, nhiều lần tôi phải đối diện với các phụ nữ có một thái độ nhập nhằng. Nhưng những chuyện này không thấm gì so với kinh nghiệm tôi có với cô bạn trẻ. Cô, chính xác, cô không bao giờ nhập nhằng. Cô cho thấy cô có tình cảm thật với tôi, nhưng cô vô cùng tôn trọng con đường riêng của tôi.

Từ đó, cô bạn đã gặp chồng của mình và tôi rất quý trọng, họ có những đứa con rất xinh đẹp. Chỉ vài năm sau, cùng với cô và chồng cô, chúng tôi chia sẻ rất chân tình những gì chúng tôi đã sống thời đó. Tôi cám ơn họ đã cho phép tôi nêu thử thách nhỏ này ra, vì tôi nghĩ thử thách này có thể giúp một số người, nhất là những người có ơn gọi sống đời sống thánh hiến và “rơi vào lưới tình”.

Ơn gọi được so sánh như việc sáng tác một bức vẽ trên gỗ. Phải làm nhiều lớp để có được hình dạng của bức ảnh. Tôi nghĩ ‘lớp’ kinh nghiệm tình yêu con người là cần thiết. Tôi không nói ở đây các quan hệ tình dục, nhưng kinh nghiệm sâu đậm cảm nhận mình đáng yêu và có khả năng yêu. Kinh nghiệm này không đặt lại vấn đề ơn gọi thánh hiến, ngược lại nó có thể mang lại cho đời sống thánh hiến một chiều kích cao cả hơn.

24. ĐÁ BANH VỚI NHÓM BỘ TỘC Ở PHI CHÂU

Chu kỳ học triết của tôi chấm dứt, tôi phải thi hành nghĩa vụ quân sự, ngay cả với chủng sinh nghĩa vụ này cũng bắt buộc. Tôi có thể thay thế nghĩa vụ này bằng hai năm làm việc cộng đồng. Và thế là năm 1988 tôi đến Bangui, thủ đô nước Cộng hòa Trung Phi làm thừa tác viên văn hóa xã hội. Tôi lo cho các bạn trẻ ở khu phố đỏ Boy Rabe. Một khu phố khó khăn. Chính ở đó đã nổi lên cuộc lật đổ ông vua nổi tiếng Bokassa. Khi tôi đến đây thì ông đang ở tù ở Bangui. Những người ở đây nói với tôi rất nhiều về ông. Ông lên nắm chính quyền từ năm 1965 đến 1979, năm 1972 ông tự tuyên xưng mình là tổng thống đời đời và tự phong làm ‘hoàng đế’ năm 1977, ông mặc bộ áo giống hoàng đế Napoléon, một chi tiết đáng kể trong đầu của ông… Trong biệt thự của ông có hồ cá sấu. Người ta nói với tôi đó là ‘mồ’ chôn các đối thủ của ông. Rồi họ cũng kể khi bắt ông năm 1979, người ta thấy thịt người trong tủ lạnh của ông. Một vài người còn nói ông ăn thịt người. Huyền thoại chăng? Sự thật chăng? Khó để biết thật hư, nhưng người dân không ngừng nói về ông. Trong phiên tòa xử đầu tiên, ông bị lên án tử hình vì tội phản bội, giết người, ăn thịt người, biển thủ. Trong phiên tòa thứ nhì năm 1987, ông được miễn tội ăn thịt người nhưng vẫn bị án tử hình vì các tội khác. Ông qua đời năm 1996.

Tôi có dự án kết hợp các bạn trẻ qua thể thao. Trong hành lý tôi mang theo lưới bóng rổ và vài quả banh. Ba tháng đầu tôi học tiếng thổ ngữ sango. Trong một thánh lễ ở nhà thờ chính tòa, tôi kết bạn với anh Serge, một thanh niên Trung Phi trong đội bóng rổ quốc gia. Tôi đã từng có nhiều khóa thực tập với nhà huấn luyện đội bóng rổ quốc gia Nga. Tôi nói với Serge dự tính của tôi, anh đề nghị giúp đỡ tôi. Chúng tôi tụ họp dễ dàng khoảng hai mươi thanh niên để thành lập đội bóng lấy tên là câu lạc bộ Don Bosco. Nguyên tắc rất đơn giản: tổ chức vài buổi tập dượt và thi đấu rồi dành ra một ít thời gian để suy nghĩ về một số đề tài.

Rất nhanh chóng, các thanh niên trong khu phố đến xin tôi chơi đá banh với họ. Họ đưa cho tôi một danh sách thật ngầu, có khoảng mười hai đội, mỗi đội có chừng hai mươi thanh niên, như vậy là có gần hai trăm bốn mươi người trẻ! Khi đó câu lạc bộ mang một chiều kích khác. Tôi nhận giúp họ với điều kiện các người trẻ trong khu phố phải dấn thân theo mục đích của câu lạc bộ. Như thế sau khi tôi đi, họ có thể tự tiếp tục. Họ đồng ý.

Vấn đề đầu tiên của chúng tôi là sân vận động, tôi lo vì đã gặp vấn đề này ở chủng viện Rennes. Tôi phải đi gặp ông thị trưởng. Ông chỉ cho thấy trên bản đồ có một miếng đất dành cho sân bóng nhưng không có tiền để thực hiện, thêm nữa lúc đó người dân trong khu phố dùng nơi này để làm sân phơi gạch.

Ông thị trưởng hoàn toàn đồng ý với chương trình của tôi và để tôi làm, tôi có thể nói, tôi hoàn toàn được ông hỗ trợ. Và thế là chúng tôi đi cùng với người trưởng khu phố đến nói chuyện với những người mà tiếng nói của họ còn nặng ký hơn giấy tờ của tòa thị chính. Sau đó, chỉ trong vài giờ, chúng tôi “mượn” một cỗ máy của công trường để xới đất. Một người bạn người Liban cho tôi khung gôn, các ngư dân trong khu phố dệt lưới. Chúng tôi in giấy phép câu lạc bộ Don Bosco và cuối cùng trận đấu khai mạc bắt đầu. Mỗi cuối tuần, người dân trong khu phố đến xem đá banh thay vì vào quán bia. Chúng tôi đã thành công.

Nhưng rồi thì vấn đề đến, ở phía cầu thủ cũng như ở phía khán giả. Đa số các cầu thủ trong các nhóm là thành phần sắc dân các bộ tộc và xung đột giữa các bộ tộc với nhau thì rất hung bạo ở đây… Để chuẩn bị trận đấu, tối hôm trước, các cầu thủ họp lại với nhau như một buổi canh thức. Tôi không bao giờ tham dự các buổi này, nhưng người ta nói với tôi, rượu tuôn như suối và họ cầu khấn thần linh giúp đỡ. Bùa hộ mệnh là đó, ngay tầm tay của họ. Khi có một đội thua, thay vì phải chấp nhận luật chơi, có kẻ thắng người thua, thì họ gán thất bại của mình cho quyền lực của bùa hộ mệnh khác và thế là nổi loạn. Các trận đánh nhau dữ dội không thể tả, có khi họ đánh cả trọng tài.

Một ngày nọ, bạn Jérémie của tôi máu me đầm đìa đến gặp tôi. Anh là một trong các người điều khiển câu lạc bộ. Anh làm trọng tài cho cúp bán kết Zokwezo, luật sư của Bokassa. Bên thua tấn công anh. Tôi biết rõ anh Jérémie, anh rất dễ thương. Không những họ đánh anh mà họ còn phá khung thành gôn, đốn ngã nó và đem về nhà họ. Đầu tiên là phẫn nộ, sau đó là chán nản, tôi quyết định giải tán câu lạc bộ.

– Không René-Luc, không được giải tán, anh Jérémie năn nỉ tôi, nếu mình giải tán là mình thua và họ thắng. Phải giáo dục họ, phải tiếp tục giải thích cho họ, chuyện thường tình trong thể thao là luôn có kẻ thắng, người thua.

Anh Jérémie thật anh hùng, thật can đảm! Trận chung kết sẽ diễn ra ngày hôm sau, chúng tôi phải làm cho sân bóng đàng hoàng lại. Tôi đến gặp người bạn Liban, anh điều khiển một công ty xây cất. Anh cho tôi các ống bằng sắt. Chúng tôi hàn lại và chúng tôi ‘chuyên chở’ (như hồi các chủng sinh chúng tôi đã làm khung thành gôn!). Chúng tôi gắn khung lên bệ xi-măng đường kính hai mét! Nếu họ muốn bứng thêm một lần nữa, họ phải dùng xe ủi đất! Phết một lớp sơn trắng nữa là xong.

Trận chung kết diễn ra trong tinh thần thể thao, mọi người đều tự hào với khung gônmới.

Ngày hôm sau tôi cùng đi với người canh khu phố đến gặp đội trưởng nhóm phá hoại. Các thanh gỗ của khung gôn ở trong sân nhà anh. Tôi nghiêm khắc nói với anh:

– Chúng tôi đến lấy lại các khung gỗ và tôi báo cho anh biết, đội của anh vĩnh viễn không được ở trong câu lạc bộ của chúng tôi.

– Ok sếp. Nhưng anh phải cám ơn chúng tôi.

– Cám ơn bạn…, bạn chế nhạo tôi đó sao?

– Không, tôi nói thật, anh trả lời tôi với một giọng chân thành. Nhờ chúng tôi mà câu lạc bộ Don Bosco có được khung thành gôn bằng sắt, đúng là tốt hơn phải không?

Tôi không biết trả lời như thế nào. Thiếu điều anh trích thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Rôma đọc cho tôi nghe: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài”, ngay cả làm chuyện không tốt!

Chúng tôi lấy lại mấy thanh gỗ và ra về.

Câu lạc bộ Don Bosco tiếp tục. Jérémie có lý: dần dần bạo lực dịu xuống. Tháng 6 năm 1990 tôi về Pháp và sau đó tôi được biết các cầu thủ trong câu lạc bộ được vào đội tuyển quốc gia.

Chúng tôi đã kiên trì bám trụ.

Và tôi hãnh diện về họ.

Còn tiếp ... Chúa ở trọn tâm hồn (22)