Đáng lý là sếp băng đảng nhưng lại làm linh mục.

Chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả Linh mục René-Luc, một nhân vật ngoại hạng mà cuộc đời của cha như quyển tiểu thuyết.

 

27 Trên con đường.

 

Sau khi tôi chịu chức, với sự đồng ý của cộng đoàn của tôi và Đức Giám mục Jean Cadilhac giáo phận Albi, ngài bổ nhiệm tôi vào nhóm các linh mục ở Bagnols-sur-Cèze. Chủ yếu tôi làm việc ở ban tuyên úy quần chúng. Cặp vợ chồng trẻ Anne và Denis ở trong ban tổ chức. Chúng tôi thành lập một nhóm các bạn phụ trách sinh hoạt. Sinh hoạt cuối tuần luân phiên khi thì đi bộ, leo vách khi thì trượt tuyết, đạp xe đạp, chèo thuyền… Tất cả ở trong thiên nhiên theo nhịp với các thánh lễ, các buổi suy gẫm Lời Chúa, vừa đi bộ vừa lần chuỗi…

Sau năm năm làm linh mục, mùa hè năm 1999, tôi quyết định làm một chuyến hành hương đến trung tâm hành hương Saint-Jacques-de-Compostelle ở Tây Ban Nha. Đây là năm thánh Compostelle: năm được Giáo hội ban tự sắc mỗi khi ngày 25 tháng 7 nhằm vào ngày chúa nhật. Các ơn đặc biệt được ban cho khách hành hương trong năm này. Tôi dự trù khởi hành từ Lộ Đức, qua dãy núi Pyrénées bằng đường đèo Somport cho đến con đường truyền thống của người hành hương đến từ Arles, quê hương Camargue thân yêu của tôi. Tôi hy vọng sẽ đến trung tâm hành hương Saint-Jacques ngày 13 tháng 9, một hôm trước ngày lễ Suy tôn Thánh giá. Tôi phải đi 919 cây số trong 28 ngày, trung bình mỗi ngày 33 cây số. Tôi là người thể thao nhưng không phải là người đi bộ giỏi. Một trung bình như thế là bạo gan lắm. Khi chỉ có một tháng đi bộ như thế thì tốt hơn nên theo đa số người hành hương: họ đi từ Saint-Jean-Pied-de-Port, qua dãy Pyrénées bằng đèo Roncevaux.

15 thánh 8, 1999. Tôi đến Lộ Đức và tôi muốn xưng tội trước khi lên đường. Hôm đó có rất nhiều linh mục giải tội, Tôi khó để chọn. Và thế là tôi “rơi” vào linh mục Daniel-Ange. Chúng tôi không gặp nhau từ nhiều năm nay vì thế việc xưng tội rất vui. Lúc đó chúng tôi không ngờ, hai năm sau chúng tôi lại gặp nhau lại trên cùng một con đường. Tôi lên đường lòng thanh thản.

Bước chân bước đều để theo kịp mức trung bình đã vạch. Tôi không tìm con đường dành cho người đi bộ theo tuyến chính thức, tôi đi trên đường rải hắc ín hoặc đi dọc theo đường rầy xe lửa. Không thú vị cho mấy.

Trời rất nóng và tôi bắt đầu bị bong chân. Tôi không biết làm sao chữa. Sau này các người đi hành hương bày cho tôi kỹ thuật cơ bản, để đầu sợi chỉ dưới da để hút dịch phỏng.

Mỗi ngày tôi đi với một ý chỉ trong đầu, cầu nguyện cho một người trong gia đình, cho một người bạn hay cho một ý chỉ đặc biệt. Tôi có một cây gậy lớn, loại gậy truyền thống ngày xưa dùng để chống kẻ cướp hay để đuổi chó. Mỗi ngày tôi khắc lên đó tên của người tôi dâng ngày này và lời cầu nguyện của tôi.

Tôi lên dãy núi Pyrénées ngày 18 tháng 8: đường lên dốc thật khó đi. Trên đỉnh đèo là tấm biển: Saint-Jacques-de-Compostelle, 858 cây số! Và ở đây tôi phát hiện các mũi tên màu vàng danh tiếng đánh dấu con đường đến Saint-Jacques. Nhìn thấy tấm biển lòng tôi vui không tả. Tôi cảm thấy mình đi đúng đường. Tôi lên tinh thần, tôi vui vẻ đi xuống đèo theo triền núi Pyrénées phía Tây Ban Nha, vui vì tìm được các bạn đồng hành đầu tiên, các mũi tên vàng. Thêm nữa tôi không còn đi trên đường rải hắc ín, bây giờ tôi đi trên con đường dành cho người đi bộ rất êm chân.

Sau một hoặc hai giờ đi xuống đèo, tôi đi đến một khu rừng nhỏ nơi những người đi bộ đã đến trước tôi: hai người đàn ông và hai phụ nữ. Khi đến gần tôi mới thấy hai cô đang cởi áo t-shirt, chắc họ muốn thay đồ. Họ không để ý gì đến tôi, tôi thì thấy có vẻ như sự xuất hiện của mình không làm cho họ phiền hà gì, nhưng tôi lại xấu hổ, tôi nhìn chỗ khác. Tôi cắm đầu vào mũ và nhìn xuống đất, tôi vượt qua họ một bước theo nhịp đi của chiếc gậy. Tôi nói “holà” chào họ nhưng không nhìn họ. Vừa đi vài bước thì tôi nghe họ cười sau lưng tôi. Họ biết tôi là người đi hành hương với mũ, với gậy, với huy hiệu Saint-Jacques được gắn vào ba-lô. Có lẽ họ cười vì tôi ngượng. Tôi nhún vai và tiếp tục đi.

Đi được mười lăm phút, tôi ngạc nhiên vì không còn thấy mũi tên vàng. Kỳ cục vậy. Đến ngã tư tiếp cũng không thấy, không một mũi tên nào! Không nghi ngờ gì, tôi đã lạc đường. Tôi sắp quay lui thì một ý tưởng đến trong đầu tôi. Nếu nhóm đi bộ kia…

Đúng, chính đó! Khi tôi quay lại khu rừng nhỏ thì nhóm đi bộ đã đi. Nhưng tôi nhớ một trong hai cô ngồi trên hòn đá to, trên hòn đá này vẽ mũi tên vàng to tướng phải rẽ tay mặt và cô kia thì đứng nên che tấm biển ghi: Compostelle đi đường này!

Đạo đức của câu chuyện này thật buồn cười. Đây là lần duy nhất trong đời linh mục, tránh không nhìn phụ nữ làm tôi đi sai đường!

Bắt đầu từ Puente de la Reina, con đường Arles nối với người hành hương đi qua ngã Saint-Jean-Pied-de-Port. Khách hành hương đông như kiến. Như thể cả một thành phố nhỏ lên đường. Tôi đã có những cuộc gặp rất tốt đẹp. Tôi dâng thánh lễ buổi chiều và khi nào cũng có nhiều người xin tham dự. Tôi thường không đi cùng với những người mình đã đi hôm nay dù tôi rất mến họ. Tôi muốn dành nhiều thì giờ để đi một mình, để tĩnh tâm. Tôi đi hoặc rất sớm, hoặc rất trễ so với người khác vì tôi thích giây phút một mình với Chúa, Đấng nâng đỡ tâm hồn tôi. Tôi thích cảm thấy mình một mình với Chúa để cảm nhận sự Hiện diện của Chúa nhiều hơn, như thể trong thinh lặng mình học để mở rộng các giác quan để nghe Ngài hơn…

Chúng tôi đang ở vào những ngày 2 hoặc 3 tháng 9. Từ hai tuần nay tôi đi liên tục. Tôi đã thấm mệt. Có hai con đường để chọn: một đi qua núi thì phong cảnh rất đẹp, một đi theo quốc lộ. Dĩ nhiên tất cả khách hành hương đều chọn con đường thứ nhất, tôi cũng sẽ chọn con đường này nếu tôi không mệt. Ngược với lòng mình, tôi đi đường quốc lộ thỉnh thoảng tôi ngừng lại ở quán trọ để nghỉ. Tôi đến đó gần trưa, không có ai. Thật sung sướng! Sau khi tắm mát, tôi nằm dài trên giường để lấy sức. Bỗng tôi nghe tiếng cười, tiếng la hét ầm ĩ. Đây là một nhóm người Ý đi hành hương bằng xe đạp! Tôi bực mình! Đi hành hương mà đi xe đạp là coi như không hành hương. Họ không hiểu thế nào là hành hương, họ không đi chậm được, một tiến trình chậm cần thiết cho tâm tình hành hương. Lại thêm họ ăn mặc hoa hòe hoa sói, áo phông lân tinh, kính râm khổng lồ, kem chống nắng xức hàng tấn…  Đúng là tôi không may gặp họ!

Tôi đang còn nhai đi nhai lại các suy nghĩ thánh thiện này thì một người trong nhóm mời tôi ăn món mì sợi buona pasta! Tôi nhận lời vì dù sao cũng chẳng được nghỉ ngơi gì thêm với họ. Khi tôi đến bàn ăn, họ để ý đến cổ côn rô-ma của tôi. Trước đó họ không biết tôi là linh mục vì tôi đã giặt và đang phơi chiếc áo sơ-mi linh mục. Họ rất vui lại thêm tôi nói được tiếng Ý. Một người trong nhóm bắt chuyện với tôi:

– Bạn biết không, chúng tôi cũng như bạn.

– Sao?

– Chúng tôi thuộc về một cộng đoàn do một linh mục thành lập.

– Hả?

– Đúng, chúng tôi tất cả là những người đã từng nghiện ngập, cách đây vài tuần đa số chúng tôi còn hít xì-ke. Linh mục thành lập trung tâm cai nghiện đề nghị chúng tôi đi hành hương Compostelle để củng cố quyết tâm muốn chữa lành của chúng tôi. Cha không thể hiểu đạp 50 cây số mỗi ngày đối với chúng tôi nó như thế nào đâu. Thật là khó! Ma túy kéo chúng tôi đi mọi chỗ nhưng rồi chúng tôi cũng sẽ đến đích!

Tôi sững sờ. Tôi thực sự không mong chờ để gặp những chuyện như thế này. Vậy mà tôi xem họ là những người đi hành hương… hạng nhì! Tôi hỏi họ:

– Linh mục có đi theo các bạn không?

– Không, nhưng có một người chịu trách nhiệm đi theo chúng tôi. Chúng tôi muốn hỏi cha, cha dâng thánh lễ mỗi ngày phải không?

– Tất nhiên rồi.

– Ngày mai khi nào cha dâng thánh lễ?

– Cũng còn tùy: Hoặc tôi dâng rất sớm trước khi lên đường, hoặc buổi trưa, hoặc buổi chiều.

– Cha có thể dâng cho chúng tôi sáng mai được không?

– Được chứ, tôi rất vui.

Tôi cảm thấy mình thê thảm. Chính họ mới đúng là những người đi hành hương.

Sáng hôm sau 6 giờ sáng họ đã có mặt: Castori, Marco, Sergio, Tony, Gabriele, Enrico, Denis, Davide, Giovanni, Armando, Vincenzo và Marco. Mười hai tông đồ của Tin Mừng những người nghiện ngập đang trên đường được chữa lành. Tôi nói họ ghi tên trên mẫu giấy để tôi để trên bàn thờ. Mẫu giấy này tôi cất giữ như một kho tàng. Mỗi ngày đi đường, tôi dâng thánh lễ với chiếc hộp va-li đồ lễ nhỏ của tôi, tôi lấy mẫu giấy ra và cầu nguyện cho họ. Họ đã dạy cho tôi một chuyện mà tôi mong mình sẽ không bao giờ quên: đừng xét đoán ai qua bề ngoài của họ. Chỉ có Chúa mới biết được bí mật của quả tim.

* * *

Sau chuyến hành hương ở Compostelle, tôi xin tạm ngưng mục vụ một thời gian. Tôi mới làm linh mục được năm năm, tôi cảm thấy cần đào sâu con đường tâm linh.

Mùa hè năm 1999 lần đầu tiên tôi nghe nói đến Viện Notre-Dame-de-Vie ở Venasque, gần Carpentras. Viện này chuyên về linh đạo và kết nối với Viện Teresianum ở Rôma nơi tôi xém kéo dài việc học của tôi. Tôi xin các bề trên và giám mục của tôi cho tôi có thì giờ để học cao học về linh đạo. Tôi được phép. Giám mục chỉ xin tôi tiếp tục lo cho ban tuyên úy các trường công vào những ngày cuối tuần. Hai năm này sẽ là bước ngoặt trong cuộc đời linh mục của tôi.

Viện Notre-Dame-de-Vie do linh mục Marie-Eugène dòng Camêlô thành lập. Linh mục chỉ viết một quyển sách, quyển Tôi muốn thấy Chúa (Je veux voir Dieu), một quyển đáng công! Có lẽ đây là một trong những quyển sách hay nhất về đời sống nội tâm. Linh mục Marie-Eugène tổng hợp các bài viết của ba vị thầy lớn dòng Camêlô: Thánh Gioan Thánh giá, Thánh Têrêxa Avila và Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, quyển sách mang nét thiên tài riêng của cha. Tôi chìm sâu trong tác phẩm này với một niềm vui hiếm có. Chủ đề luận án cao học của tôi là “Tác động của Chúa Thánh Thần ngay từ đầu đời sống thần nghiệm của linh mục Marie-Eugène”. Đó là toàn bộ chủ đề sự ngoan ngùy theo Chúa Thánh Thần, chủ đề trọng tâm trong đời sống và tác phẩm của linh mục dòng Camêlô cao cả này.

Ở Viện dòng Camêlô này, chúng tôi được khuyến khích phải nguyện gẫm rất nhiều, mỗi ngày để ra một giờ cầu nguyện cá nhân và thinh lặng. Thậm chí cả hai nếu có thể. Việc đọc các tác giả tâm linh củng cố cho tôi trên tiến trình đào sâu nguyện gẫm này. Đó là lời cầu nguyện mà tôi đã biết rõ, vì tôi đã bắt đầu nguyện gẫm ở tuổi mười lăm. Đây là nguyện gẫm từ quả tim với Chúa Giêsu. Chúng ta nói chuyện với Ngài trong thinh lặng. Mới đầu chúng ta có thể đọc một đoạn Tin Mừng ngắn và nguyện gẫm. Nhưng với thời gian, các bài đọc ít dần và lời cầu nguyện được đơn giản hóa, nó trở thành đơn thuần hiện diện trước mặt Chúa. Thinh lặng nhưng có Chúa ở đó. Tôi thích bỏ thì giờ ra để cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa được trưng trên bàn thờ. Nếu vì lý do nào đó trong ngày mà tôi không nguyện gẫm được, tôi cảm thấy như thiếu một cái gì, một thiếu thốn về mặt thể lý.

Mùa hè năm 2000, cuối năm đầu tiên ở Viện, tôi tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ ở Rôma. Tại đây giữa hàng triệu người hành hương, tôi lại “tình cờ” gặp linh mục Daniel-Ange như lần xưng tội năm ngoái ở Lộ Đức. Cha đồng hành với các bạn trẻ của trường Tuổi trẻ Ánh sáng. Vài tháng sau khi tôi đang viết luận án, ngài liên lạc với tôi và đề nghị tôi đến giúp ngài ở trường Tuổi trẻ Ánh sáng ở Tarn của ngài. Cha thiêng liêng của tôi nghĩ đây là tiếng gọi của Chúa. Đức Giám mục Pierre-Marie Carré vừa được đề cử làm giám mục giáo phận Albi. Về mặt giáo luật tôi tùy thuộc vào ngài và trường Tuổi trẻ Ánh sáng cũng thuộc về ngài. Tôi đến gặp ngài, ngài đồng ý và các bề trên cộng đoàn của tôi cũng đồng ý. Và thế là tôi đi một giai đoạn khác trong sứ vụ của tôi.

Còn tiếp ... Chúa ở trọn tâm hồn (25)