Đáng lý là sếp băng đảng nhưng lại làm linh mục.

Chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả Linh mục René-Luc, một nhân vật ngoại hạng mà cuộc đời của cha như quyển tiểu thuyết.

28. GIẢI LAO GIỮA CHỪNG LẦN THỨ BA

 

Mùa hè năm 2001 khi có bằng cao học trong tay, tôi trở về Tarn. Tôi buồn khi rời gốc rễ miền quê của tôi. Nhưng tôi thấy bàn tay của Chúa trong tiến trình này.

Khi đến trường Tuổi trẻ Ánh sáng, tôi được linh mục Daniel-Ange kể cho tôi nghe nguồn gốc phát sinh ra ngôi trường của cha, một trong các lý do là nhờ kinh nghiệm truyền giáo đầu tiên của chúng tôi:

– Ý tưởng mở trường đến trong đầu tôi khi tôi ở Megève tháng 2 năm 1981. Tôi đưa một em vị thành niên mười bốn tuổi lên làm chứng và các học sinh say sưa nghe em ấy nói. Tôi nghĩ: “Đúng vậy! Phải có tông đồ trẻ giảng phúc âm cho người trẻ! Muốn được vậy phải đào tạo họ!” Từ đó nảy sinh ý tưởng xây ngôi trường Tuổi trẻ Ánh sáng!

Tôi rất xúc động khi biết tôi là khí cụ nhỏ trong các khí cụ khác nhau mà Chúa Giêsu dùng để cảm hứng cho linh mục Daniel-Ange xây ngôi trường này, trước đây tôi không biết. Từ năm 1984, cha đã đưa hàng trăm tông đồ trẻ – được đào tạo kỹ hơn tôi hồi đó – lên đường đi truyền giáo. Tôi cảm thấy mình gắn kết với từng người qua mối dây liên hệ gốc đặc biệt này.

Ngoài sứ vụ của tôi ở trường học và giáo phận, tôi đi giảng khắp nơi trên nước Pháp và thỉnh thoảng ở nước ngoài, đặc biệt là giảng cho người trẻ. Tôi ý thức, việc rao giảng này không được ích gì nếu không có công việc thầm lặng và kiên nhẫn của các bạn linh mục của tôi tại chỗ. Họ nhọc công hơn tôi, tôi chỉ là người qua đường. Nhưng mỗi ngày tôi cố gắng đáp ứng tốt nhất cho lời kêu gọi của Giáo hội: tất cả chúng ta đều gieo và chúng ta gặt nơi mình không gieo.

* * *

Từ ngày đội bóng đầu tiên của tôi do người thợ chụp ảnh trong xóm tôi thành lập ở Nîmes và từ ngày mấy quả banh đầu tiên dội trên tường nhà láng giềng trong thời gian Martial ở tù, thì lúc nào trong chân tôi cũng có quả banh. Đa số thời gian tôi ở trong đội bóng, cả khi tôi đã làm linh mục. Tôi không làm con tính được, nhưng tôi không thể sống mà không có thể thao. Thể thao giúp cho tôi được quân bình. Dĩ nhiên khi làm linh mục thì thể thao lại càng có các cú nẩy bật siêu thể thao như khi cử hành hôn lễ hay lễ rửa tội của các bạn trong nhóm của tôi, tôi rất hạnh phúc. Tất cả các bạn trong đội bóng đều biết, tôi đến với họ trước hết vì tôi là một “thể thao gia!”

Khi tôi đến trường Tuổi trẻ Ánh sáng, việc đầu tiên là tôi xuống làng Vabre để gặp ủy viên hội đồng thành phố phụ trách thể dục thể thao:

– Xin chào ông. Tôi là linh mục, tôi vừa về Pratlong. Tôi muốn biết làng này có đội bóng không.

Ông ủy viên gần như không ngạc nhiên về câu hỏi này. Sau này tôi biết, trước đây vài năm, cha xứ ở đây cũng là người rất mê thể thao. Cha đóng góp rất nhiều để phát triển  thể dục thể thao cho cộng đồng. Ông ủy viên nhìn tôi từ đầu đến chân rồi nói:

– Ưu tiên hạng hai!

– Dạ xin lỗi?

– Không có đội bóng ở đây, ở đây chỉ có đội bóng bầu dục. Và cha có tạng người chơi bóng bầu dục được.

– Tôi chưa bao giờ chơi bóng bầu dục!

– Thưa cha, vậy thì đây là dịp để cha học. Tại sao không…

– Vậy tôi phải liên lạc với ai?

– Mọi liên lạc đã làm xong, tôi là chủ tịch đội bóng!

Thứ sáu sau đó, tôi đặt túi xắc áo quần vào tủ cất quần áo. Huấn luyện viên và các cầu thủ nồng nhiệt đón tôi. Anh Olive, một trong các cầu thủ được đặc trách lo cho tôi. Không ai để ý đến “nghề” của tôi, nhưng có vẻ ai cũng biết.

Việc huấn luyện xảy ra tốt đẹp. Tôi có tạng người thích hợp. Cũng như đá banh, việc tập luyện giống như chuẩn bị ra trận: hít đất, trườn đất, leo thanh chắn, thở, kéo bắp… Còn chuyện đụng đến bóng thì không phải dễ. Chụp bóng thì may ra có thể chụp, dù không dễ như mình tưởng. Nhưng để ném bóng là cả một… tai họa! Các bạn ném cho tôi đủ kiểu. Quả banh bầu dục bay thẳng đến tôi nhưng trước khi đến thì nó quay vòng vòng chung quanh nó. Còn tôi, khi tôi ném đi, nó không nghe lời tôi, nó làm theo ý nó, nó quay như chong chóng. Thêm nữa, nó bay đến bạn cùng phe với tôi lúc thì quá cao, lúc thì quá thấp. Không phải đơn giản như xem trên truyền hình!

Sau một tiếng rưỡi đồng hồ tập dượt cật lực, anh Miaou người huấn luyện tôi kêu tôi ngừng lại, anh giới thiệu tôi với các bạn, anh chỉ vào tôi và nói:

– Hôm nay chúng ta có một cầu thủ mới. Trước khi nói đến trận đấu mới, tôi xin giới thiệu bạn cầu thủ mới. Anh ở Pratlong, và anh là…?

– Linh mục.

– Linh mục, đúng vậy. Chào anh vào với đội.

– Xin cám ơn. Tôi xin nói lại, tôi là cầu thủ đá banh, tôi chưa bao giờ chơi bóng bầu dục.

– Không sao, bạn sẽ học rất nhanh. Bây giờ chúng ta kết thúc bằng một trận đấu nhỏ. Chúng tôi dàn hàng. Olive kéo tôi đứng bên cạnh để chỉ cho tôi phải làm gì.

– Rất dễ. Mỗi người lo một đối thủ của mình. Nếu họ có banh, mình phải tìm cách chận họ lại. Phải dí sát họ, tốt nhất là ôm chân.

Đó là lý thuyết. Tôi quan sát bạn đối thủ của tôi. Anh ấy rất vững nhưng anh nhỏ con. Tôi nghĩ mình may mắn không đứng trước một cái tủ khổng lồ. Tôi chưa biết những cầu thủ đá gót bóng lúc nào cũng hơi nhỏ con hơn các người khác…

Trậu đấu bắt đầu. Bóng được ném đi.

Tôi nhìn họ chơi, tôi hơi bị lạc hướng. Họ ném bóng, họ bám bóng, họ chèn bóng, họ té, họ đứng dậy, họ chạy như những thằng điên…

Bỗng quả bóng bay đến phía tôi. Anh bạn đối thủ “nhỏ con” của tôi đón bóng, tôi ở trước mặt anh. Khi đá banh, đối thủ làm tất cả để tránh bạn, còn đối thủ của tôi, anh xông vào tôi như con bò rừng xông vào người đấu bò trong các trận đấu bò ở Nîmes. Tôi kinh sợ nhìn anh. Đầu cúi xuống, hai tay khoanh lại trên quả bóng, anh dùng tôi như “cái đệm” hất tôi ra đàng sau nhiều mét. Anh tiếp tục chạy và thắng điểm. Tôi nằm sát đất, kể như thua. Olive đến gần tôi, anh đưa tay nâng tôi dậy.

– René-Luc, chào mừng bạn đến với thế giới bóng bầu dục! Anh đá gót bóng cũng đến. Nhỏ con nhưng mạnh.

– Bạn ổn chứ? anh vừa cười vừa hỏi tôi.

– Hoàn toàn ổn, tôi trả lời nhưng vẫn còn thấy lảo đảo. Tôi nghĩ bạn vừa khai tâm cho tôi.

Chúng tôi cười. Dần dần tôi làm bàn. Đó là cách duy nhất để không bị đau, không bị thua. Phải làm phần nặng nhất của công việc. Như ngày xưa một linh mục chơi bóng giỏi nhất ở Tarn nói: “Ở thời điểm tác động, phải cho nhiều hơn nhận. Đúng là theo tinh thần Tin Mừng phải không?”

Như thế từ nhiều tháng nay tôi chơi trong đội bóng. Vì là năm đầu tiên của tôi ở Tuổi trẻ Ánh sáng nên tôi chưa có nhiều nhiệm vụ ở bên ngoài, tôi có thì giờ để chơi nhiều trận bóng ở nhà.

Thế giới bóng bầu dục nổi tiếng với giờ giải lao giữa chừng lần thứ ba. Giây phút thân thiện, các đối thủ gặp gỡ và nói về trận đấu. Vài phút trước họ không nương tay nhau, bây giờ họ cười nói như đã quen biết nhau từ lâu.

Ngày hôm đó hai cầu thủ của đội đối thủ đến với tôi, họ cầm ly rượu pastis trong tay. Một trong những người này là cột trụ, dễ cũng chừng trăm kílô. Một anh chơi hậu vệ. Anh lớn nhất mở đầu:

– Vậy anh có vẻ là cha xứ à?

– Ừ, có vẻ vậy.

– Không phải ngày nào mình cũng nói chuyện với cha xứ. Giữa chúng mình với nhau, chắc là chuyện này không xảy ra với bạn… bạn hiểu tôi muốn nói gì chứ…

– Bạn muốn biết tôi có bạn gái không à?

– Tại sao không? Thành thật mà nói, bạn cũng có thể làm linh mục và có bạn gái vậy. Tôi biết một trong các linh mục giáo xứ tôi, ông có vợ.

– Và ông vẫn tiếp tục làm linh mục à?

– Không, giám mục đã cho linh mục ấy nghỉ. Thật ghê tởm! Tôi, tôi không hiểu. Bạn nghĩ gì về chuyện này?

– Bạn đã lập gia đình chưa?

– Có.

– Tôi nghĩ là bạn đã nói với vợ bạn rằng bạn sẽ ở bên cô ấy suốt đời.

– Dĩ nhiên.

– Vậy, giả thử bây giờ bạn yêu cô thư ký, bạn có đem cô ấy về ở với vợ bạn không?

– Bạn điên hay sao vậy!

– Thì cũng giống như ông cha xứ. Khi ông làm linh mục, ông đã cam kết, không ai bắt ông. Ông cam kết sống độc thân cũng như bạn cam kết sống suốt đời với vợ bạn. Rồi các sự kiện làm ông thay đổi hướng đi, ông đi sống với một người khác. Tôi không phán xét, nhưng nếu ông muốn sống với người phụ nữ này thì ông không thể ở trong Giáo hội, như bạn, bạn không thể đem cô thư ký về nhà. Hợp lý phải không?

– Hợp lý. Tôi đã thấy nhiều chuyện như vậy, anh vừa nói vừa lắc mấy cục đá trong ly pastis.

Anh bạn kia chăm chú nghe chúng tôi nói. Bây giờ anh lên tiếng:

– Thành thật mà nói, bạn không bị bệnh khi không làm tình với một phụ nữ sao?

– Câu hỏi này thật buồn cười. Nhưng anh không phải là người đầu tiên đặt câu hỏi này. Có những người nghĩ rất nghiêm túc, họ cho rằng nếu không làm tình thì sẽ thành bệnh. Sẵn tôi cho bạn biết, thường đàn ông hay có suy nghĩ này. Dù sao, tôi, tôi không nghĩ mình mắc phải căn bệnh “những-người-không-làm-tình”. Mặt khác tôi có thể nói cho bạn biết, trái lại tôi gặp nhiều người không cảm thấy khỏe, vì họ bị kẹt trong các nỗi ám ảnh mà họ không thoát ra được, giống như dùng các sản phẩm khiêu dâm chẳng hạn… Như thế “căn bệnh”, tôi dùng chữ của bạn dùng, có thể tìm thấy nhiều hơn ở một loại tình dục bị kiềm chế và ám ảnh hơn là ngược lại.

– Có thể.

– Bạn biết đó, không phải chỉ có các cha xứ mới sống độc thân. Nhiều người sống độc thân vì nhiều lý do khiến họ không thể nào lập gia đình hoặc họ muốn vậy. Và cũng có các đàn ông góa vợ. Tất cả những người này có thể có một cuộc sống triển nở dù không bắt buộc phải có đời sống tình dục như bạn nghĩ. Vì thế, bạn thấy đó. Bạn đừng bi quan hóa lối sống của linh mục.

– Bạn bảo vệ mình rất giỏi, cha xứ à! Anh vừa nói vừa nâng cốc.

Tôi cũng nâng cốc của tôi và cả ba chúng tôi cụng ly nhau.

Tôi cố gắng. Ngay cả khi trong môn bóng bầu dục, không phải lúc nào người ta cũng biến đổi.

Còn tiếp ... Chúa ở trọn tâm hồn (26)