Đáng lý là sếp băng đảng nhưng lại làm linh mục.

Chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả Linh mục René-Luc, một nhân vật ngoại hạng mà cuộc đời của cha như quyển tiểu thuyết.

 

30. TÙ CHUNG THÂN

Khi chúng tôi đi truyền giáo, chúng tôi thường trải nghiệm câu: chính khi cho đi là khi nhận lãnh! Có một nơi khi nào tôi cũng nhận được nhiều, đó là nhà tù mỗi khi tôi được mời đến nói chuyện. Tôi không kiềm chế được “cám dỗ” nên phải kể cho quý độc giả nghe câu chuyện tôi đã sống vào tháng 5 năm 2007 khi tôi sắp viết xong quyển sách này. Cho đến bây giờ, đó là một trong các sứ mạng đặc biệt nhất của đời tôi.

Một năm trước đó tôi gặp cô Martina trong một lần đi truyền giáo ở thành phố Florence, nước Ý. Cô xúc động khi nghe chứng từ của tôi. Cô là giáo sư trong một trường hơi đặc biệt, trường San Giacomo. Một nhà tù ở đảo Elbe, nhà tù này làm sao sánh được với nhà tù vương giả Napoléon. Đa số 140 tù nhân ở đây bị tù chung thân vì can tội giết người. Nhà tù Elbe khét tiếng ở Ý vì cuộc nổi loạn năm 1985. Ba ông trùm mafia đã bắt một nữ bác sĩ, hai nữ y tá làm con tin, họ cột các con tin vào cửa sổ nhà tù và tẩm xăng. Với chiếc bật lửa, họ đe dọa thiêu sống nếu không đem đến cho họ một trực thăng. Phải nhờ sự can thiệp của Lực lượng cảnh sát đặc biệt mới vãn hồi được trật tự. Từ đó, ban giám đốc nhà tù luôn tìm mọi cách để làm dịu căng thẳng. Một trường học đã được mở ra để các tù nhân có được học vấn và văn hóa căn bản, trường có năm lớp. Có hai mươi tù nhân ghi tên học. Cô Martina dạy môn tôn giáo. Trong tất cả các trường học ở Ý, kể cả trường công, mỗi tuần đều có một giờ học tôn giáo. Môn này ở trong chương trình bình thường dù giờ học này thì tùy ý. Và thế là cô Martina nhờ tôi đến làm chứng trong nhà tù, dĩ nhiên là tôi nhận lời.

Ngày thứ sáu 18 tháng 5, năm 2007 tôi đến đảo Elbe. Cô Martina đón tôi ở cảng. Hòn đảo xinh đẹp: bầu trời nước Ý, nước biển xanh ngắt, đẹp như trên tấm bưu thiếp. Trên xe đưa chúng tôi về nhà tù, cô Martina giải thích, cô muốn nhân tôi đến đây cô sẽ làm một cái gì chưa từng có ở nhà tù: đi đàng thánh giá do chính các học sinh tù nhân đóng. Còn tôi là người xướng từng chặng. Đến chặng Chúa Giêsu chết và sống lại tôi sẽ làm chứng.

Để vào nhà tù chúng tôi phải nói mật hiệu. Một người bảo vệ đi với chúng tôi đến lớp. Chúng tôi lần lượt đi qua các phòng có hệ thống cửa đóng lại sau khi chúng tôi đi qua. Chúng tôi chờ vài phút trước khi có người mở từ bên trong. Không một người canh tù nào có tất cả chìa khóa. Chúng tôi đi lần tới, cuối cùng chúng tôi đến sân chơi nhỏ của trường học. Ngoài sân thể thao mà các tù nhân chỉ được đến đó hai giờ một tuần, còn thì tù nhân chỉ được ra sân nhỏ này. Đây là nơi duy nhất họ thấy được bầu trời mà không có lưới hoặc thanh chắn đàng trước. Bầu trời tự do, nhưng họ không nhìn được gì nhiều. Sân chỉ rộng bốn mét dài ba mươi mét, đóng khung giữa các bức tường cao đến nỗi cái bóng của nó che khuất mặt trời.

Chúng tôi vào một lớp học. Cô Martina đã cẩn thận phân chia các trang phục để trên các bàn nhỏ. Mỗi người có áo riêng của mình. Tất cả mọi thứ đều ở đó: mũ kết, xăng-đan, áo giáp, váy đỏ cho binh lính La Mã. Áo chùng đẹp với mũ là của các thầy thượng tế. Áo trắng cho Phi-la-tô). Áo dài cho các tông đồ và voan cho phụ nữ… Cô đã phải điền cả chục mẫu đơn để đem các thứ này vào nhà tù.

Các cô thầy giáo đều tham dự kể cả những người không tin. Các tù nhân đến. Tôi chào họ từng người một. Điều làm cho tôi ấn tượng ngay lập tức là họ tươi cười, dễ mến. Không có gì dính với hình ảnh của những người giết người. Thêm nữa việc họ chịu khó học trong nhà tù chứng tỏ họ khao khát thăng tiến, quyết tâm có hạnh kiểm tốt.

Tất cả chúng tôi ngồi trên bàn. Cô Martina đứng trước bảng đối diện với chúng tôi. Cô chỉ mới ba mươi hai tuổi nhưng rất tự tin. Phải như thế mới dạy ở đây được. Nhưng nhất là cô toát ra một cái gì rất dịu hiền. Cô đã làm việc ở nhà tù này tám năm. Cô thương học trò của mình như người trong gia đình cô: người cha, người anh, người con. Tôi nhận ra ngay lập tức các tù nhân này rất mến cô. Họ im lặng nghe cô và cô bắt đầu dặn dò. Trong một túi nhựa có các sợi dây mà mỗi diễn viên sẽ buộc vào thắt lưng. Cô lấy một sợi dây và giăng ra:

– Ragazzi! Có hai mươi bốn sợi dây để hóa trang. Tất cả đã được ghi sổ. Mi racommando! Cuối buổi, tôi buộc phải thâu lại đủ hai mươi bốn sợi.

Lệnh đã được đưa ra. Sợi dây nhỏ này thì cuốn quanh cổ dễ dàng. Cuốn vào cổ mình hoặc cổ người bên cạnh… Các tù nhân đồng ý.

Martina vẽ trên bảng mô hình buổi đi đàng thánh giá. Tôi phải đi đầu, mặc áo các phép và mang giây stô-la. Sau tôi, đi giữa là tù nhân đóng vai Chúa Giêsu. Hai bên là lính la-mã. Rồi đến các tông đồ Phêrô và Gioan và Giuđa. Rồi đến Barabbas và người trộm lành, ba vị thượng tế, Philatô và sau cùng là các phụ nữ thánh thiện. Các chỉ dẫn nghiêm ngặt, mỗi người phải ở đúng vị trí của mình.

Rồi Martina nhắc lại vai trò mỗi người trong mỗi chặng. Cô bắt đầu bằng chặng đầu tiên với cảnh Giuđa phản bội hôn Chúa Giêsu. Không tù nhân nào muốn đóng vai kẻ phản bội, rốt cuộc thầy giáo Paolo nhận làm. Các tù nhân quay lại ông và chế giễu ông. Có một chút khôi hài pha lẫn hung hăng. Paolo ngượng ngùng. Nếu tất cả những người đàn ông này có mặt ở đây là vì họ đã bị một Giuđa nào đó tố. Martina đi nhanh qua các cảnh khác.

Trong vài câu, Martina kín đáo kể cho tôi nghe quá trình của mỗi tù nhân. Cô chọn vai cho mỗi diễn viên trong buổi đi đàng thánh giá này theo câu chuyện đời họ. Tôi thấy cách làm này khéo léo. Sau đó cô xin tôi đọc một lời cầu nguyện cho từng người. Tôi lấy nước hoa tinh khiết mà Martina đem từ Giêrusalem về cho Chiara, một trong các cô giáo bạn của cô sẽ đóng vai Maria-Mađalêna. Tôi giải thích với các tù nhân, tôi sẽ ban phép cho họ bằng cách làm dấu thánh giá trên trán họ với dầu này. Tôi đến gần tù nhân đầu tiên, người đóng vai Chúa Giêsu:

– Anh tên?

– David.

David là người công giáo Ai Len. Anh 33 tuổi, tuổi Chúa Giêsu khi bị đóng đinh. Anh cao to và có bộ râu tỉa cẩn thận. Như Chúa Giêsu. Anh bị lên án tù ba mươi năm vì dưới tác động của cô-kên anh đã giết ba người. Không như Chúa Giêsu. Anh bị Interpol bắt, báo chí Ý đăng tin anh lên trang đầu cũng một thời gian. Anh “chỉ còn” ở tù mười bảy năm. Khi ra tù anh sẽ năm mươi tuổi. David đi đàng thánh giá khá kỳ lạ. Cuối cùng anh xưng tội. Lần đầu sau hai mươi năm!

– David, tôi ban phép lành cho anh, Nhân danh Cha, và Con và Thánh thần.

Tôi chầm chậm làm dấu thánh giá trên trán anh. Anh nhắm mắt. Mọi người thinh lặng. Ai cũng xúc động. Tôi làm như vậy với mỗi người. Khi đến trước mặt Raffaele, một trong hai người đóng vai lính la-mã, anh nói với tôi giọng miền napôlitanô đặc sệt:

– Xin cha làm dấu cho con ba lần, con cần ba lần!

Vậy thì ba lần…

Chúng tôi vào trong il braccio, một hành lang rộng mênh mông cả trăm mét. Từ bên này qua bên kia và trên bốn tầng. Các ban-công chồng lên nhau. Các lưới được giăng ra để tránh tự tử. Các tù nhân mỗi người một căn phòng nhỏ. Họ ăn một mình ở đó. Vì vấn đề an ninh, không ai được phép ra ngoài để dự đàng thánh giá. Những ai được phép thì người đó nghiêng mình qua ban-công để nhìn. Những người khác thì nhìn một chút rồi họ quay về phòng. Dĩ nhiên với hai mươi học sinh đóng trong chặng đàng thánh giá thì đây là một kỷ niệm không thể quên của họ. Mikele ở bên cạnh tôi, anh là người duy nhất không hóa trang. Anh giữ nhiệm vụ cầm máy vi âm. Mikele đến từ đảo Sicile. Anh là một nông dân đơn sơ, anh không phải là mafia. Ở đảo Corse, mafia kiểm soát nước. Họ bắt người dân trả rất đắt và nếu ai làm họ bất bình, họ thẳng tay cúp nước. Súc vật chết khát. Đời sống khốn khổ. Người dân trong làng anh Mikele muốn phản ứng. Họ bắt một em bé đem bom đến gài trong xe của một người mafia. Họ nghĩ người mafia không bao giờ báo thù trên trẻ con. Họ lầm. Để trả thù, họ lựa đại một em bé trong làng, tay sai của họ bẻ gãy tay chân em bé. Em bé bị lựa đại này là em của Mikele. Mikele đã giết người mafia và tự nộp mình cho cảnh sát. Ở vào địa vị của anh, chúng ta sẽ làm gì?

Chặng thứ nhất. Tất cả các diễn viên vào vị trí của mình. Mikele đưa máy vi âm cho tôi. Tôi xướng:

– Chặng thứ nhất: Chúa Giêsu bị phản bội và bị bắt ở vườn Giêtsêmani.

Giọng của tôi vang cả hành lang. Ngay cả những người ở trong hành lang cũng nghe rõ ràng.

Gianni, một chủng sinh ở Florence đọc đoạn Tin Mừng tương ứng. Rồi anh Alberto đọc đoạn Tin Mừng “tên trộm Barrabas”. Các đoạn suy niệm được các tù nhân chuẩn bị cho mỗi chặng và chính Alberto viết chặng này. Anh khoảng bốn mươi lăm tuổi. Bị kết án ba mươi năm tù vì tội giết người, anh luôn nói mình vô tội. Anh đọc đoạn suy niệm của mình:

– Lạy Chúa Giêsu, con biết Chúa cảm nhận gì khi Chúa bị phản bội vì bây giờ vẫn còn nhiều Giuđa. Và ngay cả nếu con bị đóng đinh như Chúa, con hiểu vác thập giá là gì. Con cũng hiểu những người thương Chúa họ đau khổ như thế nào khi thấy Chúa bị xỉ nhục phỉ báng. Họ đã đội mũ gai cho Chúa, họ đã viết những lời xúc phạm trên thập giá. Ngày nay, đó là báo chí, đó là truyền hình làm những điều như vậy với chúng con. Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hy sinh trên thập giá để cứu con, con và toàn nhân loại khỏi tội lỗi và khỏi hư mất. Còn con thì ngược lại, con bị kết án mà không thể tự bảo vệ mình, dù con đã cố gắng làm. Nhưng lúc đó con không cảm thấy mình anh hùng, con chỉ thấy mình ích kỷ cho cuộc sống của con trên quả đất này. Hôm nay con chứng kiến Chúa bị hành hình.

Lời của anh Alberto nói lên tự đáy lòng anh và chạm đến lòng chúng tôi. Có một khoảnh khắc im lặng xúc động.

Rồi các diễn viên khác đóng vai trò của mình. Giuđa hôn Chúa Giêsu. Và đoàn rước bắt đầu đi đến trạm tiếp đó cách đó chỉ vài mét.

Tôi cấm máy vi âm và loan báo chặng kế:

– Chặng thứ nhì, Chúa Giêsu bị xử án!

Anh Antonio người vùng Calabre đóng vai Philatô. Anh ba mươi tuổi và cũng can tội giết người. Anh cao to, khuôn mặt tròn tuổi dậy thì. Anh mất một tai và hai ngón tay do thanh toán với mafia. Anh lên án Chúa Giêsu và ra dấu để Barrabas được tha.

Mikaele mới hai mươi tuổi, anh đóng vai Barrabas. Tất cả đều muốn đóng vai này. Vì dù sao ông là người được Chúa Giêsu cứu mà không ăn năn như người kẻ trộm lành!

Các chặng sau kế tiếp như trong phim của đạo diễn Mel Gibson:

– Chặng thứ sáu bà Vêrônica lấy khăn lau mặt Chúa!

Elena đóng vai bà Vêrônica. Cô là kỹ sư ngoài ba mươi tuổi, cô không đi dạy học ở ngoài mà vào đây dạy toán và vật lý. Cô đến gần Chúa Giêsu và nhẹ nhàng lau mặt Ngài. David nhắm mắt lại. Cảnh này thật cảm động.

Chúng tôi đến cuối hành lang nơi Chúa Giêsu sẽ bị đóng đinh. Các tù nhân đã dựng lên ba cây thập giá ở bức tường.

– Chặng thứ bảy: Chúa Giêsu và người kẻ trộm lành.

David bỏ áo choàng. Anh chỉ còn mặc một loại như cái khố trắng. Với thân hình lực sĩ, với các vết xâm trên ngực, trên vai, trông anh thật đồ sộ. Giuseppe, một người du mục đóng vai kẻ trộm lành. Anh bị tù vì tội ăn cắp. Anh nói với tôi, việc đầu tiên khi anh ra khỏi tù là đến Saintes-Maries-de-la-Mer để thắp đèn cầy kính Thánh Sara.

Giuseppe kêu lên thật to:

– Giêsu! Xin Ngài nhớ đến con khi Ngài về trời.

David nhìn anh và đóng đúng vai của mình. Anh trả lời cũng với giọng rất mạnh và long trọng:

– Ngay hôm nay, con sẽ ở với Ta trên thiên đàng!

– Chặng thứ tám: Mẹ Maria ở dưới chân thập giá, Chúa Giêsu ở trên thập giá, Ngài giao phó Thánh Gioan cho Đức Mẹ. Elisabetta, một cô giáo khác đóng vai Đức Mẹ. Cô là mẹ của hai em bé sinh đôi. Trước mặt cô là Filippo, người Sicili, hai mươi ba tuổi đóng vai Thánh Gioan. Vừa mới mười chín tuổi, anh bắn một phát vào đầu mẹ mình khi thấy bà trên giường với tình nhân. Vấn đề danh dự. Filippo đến gần Elisabetta, anh cầm hai tay cô. Lúc đó anh Gianni đọc đoạn Tin Mừng. Chúa Giêsu nói với Thánh Gioan: “Này là mẹ anh!” Rồi Ngài nói tiếp: “Và đây là con của bà.” Các tù nhân khác biết câu chuyện bi thảm của anh Filippo. Tất cả đều hướng về anh. Còn anh thì nhìn vào mắt của cô Elisabetta, ngày hôm đó cô đóng vai vượt quá mình.

– Chặng thứ chín: Chúa Giêsu chết trên thập giá.

David đóng vai Chúa Giêsu thật hoàn hảo. Anh lên bậc của một cánh cửa sổ ở cuối hành lang, như thế anh ở trước mặt tất cả mọi người tham dự, người canh ngục, tất cả phòng giam. Anh nói trước với cô Martina, anh muốn đọc tên Chúa Cha trong mọi ngôn ngữ vì Chúa là Cha cho tất cả, cho bất cứ người ở sắc tộc nào, tôn giáo nào. Anh giang hai tay ra và kêu lên:

– Dio! Padre! Abba! Father! Vati! Cha!… Chúng tôi tất cả quỳ gối xuống, lòng bồi hồi. Cả hành lang im lặng. David từ từ xuống bậc thang, anh nằm dài trên tấm lát ở hành lang, mặt úp xuống đất, hai tay giang ra hình chữ thập. Anh không nói với cô Martina là anh sẽ làm như vậy, nhưng anh đã nghĩ trong đầu mình sẽ làm. Anh muốn hạ mình và muốn đóng đúng vai Chúa Giêsu. Anh có biết là anh đã làm y hệt các linh mục ngày họ chịu chức không?

Tôi nghĩ lại, trong ngày chịu chức tôi cũng đã nằm xuống đất, chặng đàng thánh giá này thật sự có một cái gì đặc biệt.

David đứng dậy. Martina ra dấu cho tôi. Bây giờ đến lượt tôi. Tôi cầm máy vi âm và đối diện với họ. Từ trên các ban công, tù nhân đứng nghe. Tôi cảm thấy hơi kỳ kỳ khi kể những cảnh khổ cực nho nhỏ của tôi so với quá khứ khủng khiếp của họ, một cảm nhận mà tôi đã thấy khi tôi chia sẻ trước các bạn trẻ ở Liban, những người sống trong hoàn cảnh chiến tranh. Nhưng tôi đến đây để chia sẻ, vậy tôi phải tin tưởng những người đã mời tôi đến đây và tôi bắt đầu kể câu chuyện đời mình.

Khi tôi kể đến đoạn Martial và giải thích tôi không biết rõ ông đã làm gì trong đời, tôi thấy các tù nhân nhìn nhau cười ra vẻ đồng tình. Đó là lần đầu tiên tôi thấy như vậy! Tất cả họ đều hiểu Martial là một người trong số họ. Người canh tù tò mò nhìn tôi, anh rất dễ thương. Tôi nói mạnh hết sức mình về cuộc gặp của tôi với Chúa Giêsu. Họ chăm chỉ lắng nghe. Sau đó nhiều người tham dự nói với tôi, có nhiều người khóc nhất là các thầy cô: chặng đàng thánh giá, vai diễn của các tù nhân, chứng từ… Tôi, tôi không thấy họ. Cái nhìn của tôi nhìn về nơi xa hơn, đàng sau các cánh cửa khép kín này, tôi hy vọng các lời của tôi được mở ra.

Khi tôi nói chứng từ xong, chúng tôi kết thúc Cuộc Thương Khó Chúa Kitô bằng cảnh cuối cùng, Chúa Giêsu sống lại.

– Chặng thứ mười một: con đường sáng Phục Sinh.

Cô Chiara đóng cảnh cuối cùng: Sống lại. Cô Chiara hai mươi sáu tuổi, cô chuẩn bị vào Dòng Clara. Cô có mái tóc quăn dài rất hợp với vai Maria-Mađalêna, bà Maria-Mađalêna cũng giống như thế mà thôi. Cô lấy chai dầu thơm đến gần cây thánh giá trống và rưới dầu thơm lên. Chúa Kitô sống lại, hương thơm của sứ điệp này lan ra giữa chúng tôi.

Chúng tôi trở lại phòng học để thay y phục. Các tù nhân trả lại áo và mặc áo của họ. Trong thời gian này, tôi đứng chờ ở ngoài sân lòng đăm chiêu. Anh David đến gần tôi. Tôi nói với anh:

– Thật cảm động, tôi rất xúc động. Tôi cảm động nhất là khi anh kêu chữ “Cha”, rồi khi anh nằm dài xuống đất.

– Còn tôi, giây phút cảm động nhất là khi Vêrônica lau mặt cho tôi. Tôi cũng rất xúc động khi nghe chứng từ của cha, cám ơn cha.

David bắt đầu nói với tôi một chút về anh, về những gì đã xảy ra với anh. Lorenzo đến với chúng tôi. Ông khoảng ngoài sáu mươi. Ông bị kết án vì đã hiếp và đã giết một cô gái mười lăm tuổi. Ông nói với tôi:

– Thật không thể tưởng tượng được những gì cha đã sống. Như trong một cuốn phim!

Tôi ngạc nhiên khi nghe ông suy nghĩ như vậy. Tôi ấp úng:

– Vậy hả. Cũng có thể… Nhưng dù sao so với các bạn ở đây… Một chuyện chắc chắn, nếu tôi không gặp Chúa Giêsu thì tôi không biết tôi sẽ ra người như thế nào.

David đập vai tôi một cái và nói:

– Tôi biết! Cha sẽ ở đây với chúng tôi!

Cả ba chúng tôi bật cười. Tôi quay về David và ôm anh một phát thật chặt.

Tháng sau tôi nhận thư của David, anh hãnh diện báo cho tôi biết, anh đã đậu tú tài và muốn lên đại học. Anh còn viết cho tôi: “Tôi muốn học thần học. Cha giải thích cho tôi biết môn học này như thế nào được không?”

David sẽ muốn làm gì? Các tù nhân tham dự chặng đàng thánh giá họ sẽ trở thành những người như thế nào? Nếu họ chân thành mở lòng ra với Chúa, thì ngục tù này có thể là nơi Sống Lại của họ. Tiếng kêu của David bay vượt lên hàng rào chắn: “Abba, Cha!” Chúa sẽ giúp họ, Chúa sẽ không bao giờ bỏ mặc họ cho số phận.

 

Còn tiếp ... Chúa ở trọn tâm hồn (28)