Cha Don Carlo Carlevaris là một trong những linh mục đầu tiên và năng động nhất trong số những linh mục thợ của Giáo hội Ý, người có nhiều ảnh hưởng trên xã hội. Ngày nay tên của cha gợi lên những giai đoạn với dấu ấn trong ký ức của Giáo hội Torino về lịch sử mối quan hệ công đoàn ở Torino.
Don Carlo sinh ngày 12 tháng 4 năm 1926 tại Cardé, giáo phận Saluzzo và được đào tạo tại Chủng viện Tommasini. Ngày 29 tháng 6 năm 1950, cha trở thành linh mục thuộc giáo phận Torino.
Đây là giai đoạn trong xã hội có nhiều xáo trộn do việc người nhập cư đến thành phố, vấn đề đời sống của những công nhân làm việc trong các nhà máy thật khó khăn. Cha Don Carlo, trong sứ vụ là cha phó, nhận thấy tình hình người dân ở đây, nhất là đời sống cơ cực của giới công nhân, cha không đành lòng. Cha quan sát và nhận ra rằng mối quan hệ giữa các linh mục và công nhân không thể bị giới hạn trong "sự trợ giúp tinh thần" nơi nhà máy mà phải trở thành sự chia sẻ toàn diện cuộc sống và các vấn đề trong thế giới lao động.
Chính vì thế với kinh nghiệm về hoạt động mục vụ cho giới lao động mà cha đã hấp thụ được trước đó ở Pháp của các linh mục thợ, được gọi là "Các cha tuyên úy cho giới công nhân", cha quyết định trở thành linh mục thợ trong nhà máy, quyết định chia sẻ hoàn toàn điều kiện làm việc của giới lao động. Trong suốt thời gian thi hành sứ vụ cha luôn kết hợp giữa vấn đề điều kiện làm việc của giới công nhân trong một xã hội thay đổi nhanh chóng và tầm nhìn về chiều hướng mục vụ công việc cha đang thi hành. Do đó, cha dấn thân trực tiếp trong công đoàn.
Trong những năm sau Công đồng Vatican II, với sự xuất hiện của Đức hồng y Michele Pellegrino ở Torino trong sứ vụ là Tổng giám mục, chủ đề của thế giới người lao động trở thành trung tâm cho toàn bộ hoạt động mục vụ của giáo phận, cha Don Carlo là một trong những cộng tác viên chính của Đức Tổng giám mục. Đây là một công việc phức tạp. Thực vậy, theo cha, trong cuộc lữ hành trần thế, Giáo hội phải thật sự tự do lựa chọn và đặt ra các ưu tiên mục vụ riêng của mình, trong khi vẫn ở vị trí đối thoại và hợp tác cởi mở và chân thành với tất cả các thực tế xã hội hiện diện trong lãnh thổ.
"Lựa chọn ưu tiên cho người nghèo" là mục tiêu mà Đức Hồng y Pellegrino quan tâm hàng đầu và đây cũng là nội dung chính của Thư mục vụ với tựa đề "Cùng nhau bước đi", được công bố vào ngày 08 tháng 12 năm 1971. Chính cha Don Carlevaris là cộng tác viên tích cực trong việc soạn thảo bức thư mục vụ nổi tiếng này. Nghèo đói, tự do và tình huynh đệ là ba từ cơ bản của Thư mục vụ “cùng nhau bước đi”. Thư mục vụ là những gì cô đọng lại từ sự trưởng thành của một chặng đường dài, kết nối và phổ biến rộng rãi của cơ sở Công giáo ở Torino, trong các giáo xứ và các hiệp hội, trong thực tế của lãnh thổ.
Cha Don Carlo cũng rất tích cực hoạt động trong các cơ quan tư vấn của giáo phận, các Hội đồng Mục vụ và Linh mục mà ĐHY Pellegrino khởi xướng, thực hiện các chỉ dẫn và tinh thần của Vatican II. Ngoài ra cha Don Carlo còn là một người hướng dẫn và là một nhà sư phạm cho giáo dân và linh mục, cho các hoạt động Công giáo.
Cha Don Carlo thực sự là một linh mục của nhà máy và linh mục đường phố, một linh mục của Tin Mừng và của Chúa Kitô. Nơi cha người ta thấy một dòng sông của các mối quan hệ từ nhà thờ đến nhà máy, từ các khu phố đến các hiệp hội luôn luôn tràn đầy tình yêu và lòng tốt. Don Carlo là người đi đầu mơ ước của một Giáo hội khác, ít hình thức nhưng nhập thể nhiều hơn.
Ngay cả sau khi qua đời, cha Don Carlo vẫn còn hiện diện trong đời sống tôn giáo ở Torino, là mẫu gương trung tín với những lý tưởng về Giáo hội, chú ý đến người nghèo nhất. Chắc chắn gương mặt tỏa sáng của cha sẽ tiếp tục đi cùng với người dân ở đây, như một ngôi sao dẫn đường cho những công việc tốt lành, một mẫu gương cho những ai cảm thấy gần gũi với người khốn cùng, đến người nghèo nhất, với những người bị thiệt thòi.
Nhân dịp sinh nhật lần thứ 80, có một số người xin cha lời khuyên trong công việc tông đồ. Cha cho họ những lời mà đối với mọi người đây có thể được coi là một bản tóm tắt gương mẫu về cuộc đời của cha và như một di chúc tinh thần khó quên. Cha nói: “Tôi không có lời khuyên nào để đưa ra. Tôi vẫn cố gắng học cách sống trong giai đoạn này, giai đoạn cuối cùng, trung thành với lựa chọn ban đầu: là một trong những người, đấu tranh với những người đấu tranh, bảo vệ và phục vụ người nghèo. Thành thật mà nói, tôi rất vui khi được sống trong những năm cuối cùng trên gác xép với những người da đen, những người Hồi giáo và gái mại dâm ở góc phố, những người chào tôi với một nụ cười. Tôi vẫn còn một việc phải làm. Tôi chúc mọi người khám phá ra người nghèo, kẻ yếu, người cuối cùng". (Avvenire 02/7/2018)
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican