TGPSG -- Một buổi chiều bầu trời mát mẻ thoáng đãng, như thường lệ tôi đang chuẩn bị đi lễ thì nhận được điện thoại của em Hường, người coi sóc Mái ấm Hà Đông:

  • Chị ơi, chút chị có bận gì không? - Hường hỏi.
  • Không, Hường, mình chỉ đi nhà thờ thôi. - Tôi trả lời.
  • Vậy tốt quá, lát khoảng 7 giờ có Sơ đến gửi một bé gái bị tiểu đường bẩm sinh đang biến chứng, có hoàn cảnh rất khó khăn, mà em lại đang đi công việc về không kịp. Chị qua mái ấm tiếp nhận giúp em với, chị nhé!
  • Ok, Hường! Lát 7 giờ mình qua.

Tôi nghĩ những công tác như mọi lần, mái ấm là nơi các bệnh nhân cơ nhỡ, có hoàn cảnh đặc biệt và khó khăn, được các Cha, các Sơ ở các nơi đón nhận, xác minh và gửi gắm về đây để được đưa đi bệnh viện, hỗ trợ nơi ăn chốn ở trong thời gian điều trị bệnh.

Có những ca ra về trong ngày, những ca ngắn ngày và cả những ca dài hạn như ung thư, mãn tính như thận, gút, biến chứng tiểu đường, hay đại phẫu phục hồi như tim, não, tai nạn tổn thương thân thể… đều được đón tiếp với sự yêu thương và chăm sóc hết lòng của em Hường và các cô chú anh chị đồng hành trong ban Caritas Tổng Giáo Phận, cùng sự hướng dẫn từ các Sơ quản lý mái ấm. Tôi nghĩ lần này cũng là một trường hợp rất điển hình như mọi khi.

Tan lễ, tôi chạy xe xuống mái ấm. Nhà tôi cách mái ấm chưa tới cây số, rất thuận tiện chạy qua chạy lại đồng hành cùng em Hường hỗ trợ các bệnh nhân đến đây.

Mái ấm nằm cuối con đường ôm sát bờ kênh, yên tĩnh giữa một khu dân cư giàu có và mát mẻ vì đón được những cơn gió từ kênh đưa vào lúc chiều tà thế này.

Sắp xếp bàn ghế xong, tôi chờ 5-7 phút thì có ba xe máy chạy đến. Ra cửa đón, tôi chào hai  Sơ, một Thầy và hai chị em em Nguyệt - tên cô bé được gửi đến đây. Sơ chia sẻ riêng với tôi:            

- Nguyệt phát hiện bị bệnh tiểu đường khi 12 tuổi, đến nay đã hơn 10 năm rồi, giờ mắt đã bắt đầu mờ do biến chứng. Gia cảnh rất khó khăn, Nguyệt là con riêng của mẹ với một người đàn ông đã có gia đình. Cha không nhận, mẹ thì đi bước nữa và lo cho gia đình riêng. Nguyệt lớn lên trong tình thương của Ngoại. Nhưng giờ Ngoại bệnh già không thể tiếp tục lo cho em được. Đi cùng với Nguyệt là người chị cùng mẹ khác cha với em. Chị ấy cũng khó khăn và có gia đình riêng phải lo toan, nên thi thoảng chỉ có thể cho em chút ít tiền tiêu vặt và đến chăm sóc em khi em bệnh. 

Tôi tiếp nhận thông tin, và làm quen với em, giới thiệu với em về cách sinh hoạt tại mái ấm… Em còn chút e dè và chưa dám mở lòng. Sơ, Thầy và chị gái cố gắng động viên em…

Tôi nói với em: Có tivi kết nối mạng để em xem, có đàn piano em có thể tập chơi, phía sau nhà có vườn rau gần bờ sông và ít cây trái em có thể thong dong chăm sóc nếu thích…

Em nghe hào hứng hơn và em cười… Trong đôi mắt em, có thoáng chút buồn, chút chơi vơi, xen lẫn… Có lẽ, không còn người thân bên cạnh, em hiểu mình phải lựa chọn cách sống vui tươi cho chính mình trong những ngày tháng sắp tới.

Em đã đến mái ấm Hà Đông như thế. Và sau đó, bất cứ ai đến mái ấm cũng nghe thấy lời chào lảnh lót, lễ phép, đầy năng lượng của em. Sự yêu đời luôn thể hiện trên môi, dù đôi mắt em tắt dần ánh sáng mỗi ngày.

Em học thêm tiếng Anh trên chiếc điện thoại chị em mua cho. Em phụ giúp làm bánh, nấu ăn, chia sẻ, giúp đỡ các bệnh nhân mới tới, và làm bất cứ công việc nào cần ở mái ấm.

Thời gian trôi qua, một năm rồi hai năm, ba năm… mắt Nguyệt đã không còn thấy nữa. Em cũng ở đã đủ lâu để quen hết mọi ngóc ngách tại mái ấm, nên vẫn có thể tự lo lấy cho mình mà không phiền đến bất cứ ai.

Mắt không còn ánh sáng, nhưng em vẫn lạc quan, luôn tích cực và vui tươi. Em vẫn là em, không than vãn, không oán trách, luôn biết ơn mỗi ngày sống, mỗi người gặp, và mọi điều đến với em.

Rồi một hôm, tôi nhận điện thoại của Hường:

  • Chị ơi, chị có bận gì không? Giúp em đưa Nguyệt qua bệnh viện 175 khám, do đường em ấy lên cao quá. Cả đêm qua trong người Nguyệt nóng như đốt, nhức nhối không ngủ được.

Tôi chạy qua chở Nguyệt đi. Đôi mắt long lanh, nụ cười trên môi, em lễ phép chào tôi.

Vào bệnh viện, tôi dắt em đi khám. Mọi người nhìn em thương cảm và ái ngại. Chúng tôi cũng phải chờ đợi. May mắn bác sĩ khám cho em rất ân cần và cho kiểm tra rất kỹ lưỡng, quyết định cho em nhập viện vì chưa kiểm soát được đường huyết.

Trên đoạn đường dẫn em qua khu nội trú, tôi hỏi thăm em:

  • Đường vẫn lên cao, em cảm giác khó chịu như thế nào vậy em?
  • Dạ, mỗi lần đường lên cao quá, người nóng như lửa đốt chị ạ. Có lúc muốn sảng luôn.
  • Ở mái ấm, em ăn chế độ riêng phải không?
  • Dạ, em không ăn tinh bột nhiều. Đồ hấp luộc, rau củ là chính.
  • Giờ em có thèm ăn món gì không?
  • Cũng may là mắt em không thấy đường lâu rồi, nên em biết ít món, cũng đỡ thấy thèm thuồng, chị ạ. 

Tôi cảm thấy cay khóe mắt, một cảm giác vừa xót xa vừa khâm phục em.

Em đã dạy cho tôi thấy bàn tay Chúa quan phòng yêu thương em dường bao. Em không buồn đau vì mất đi ánh sáng mà đó lại trở thành điều may lành cho em để em không phải thèm những của ăn rất đa dạng ngoài kia.

Thực sự tôi nào giúp được gì cho em ấy. Tôi còn mù hơn sự không nhìn thấy của em. Em giúp tôi thấy những hồng ân bao la tôi nhận được trong từng giây phút, vậy mà tôi vẫn cứ coi đó như là điều tất yếu tự nhiên, như không có gì đáng kể vậy! 

Sự sống là vô giá Chúa đã ban cho tôi, rồi sức khỏe với đầy đủ ngũ quan, tôi cứ nghĩ là bình thường, nhưng thật ra rất nhiều người mong ước có mà không được.

Nguyệt đã dạy cho tôi: dù bất cứ điều gì xảy đến, cũng hãy luôn cảm tạ Chúa vì chương trình tuyệt vời nhất Chúa luôn dành cho mỗi người chúng ta…

Nguyệt đã chuyển đến một nơi khác để được các Sơ chăm sóc trong những ngày cuối cuộc đời. Hai mươi mấy năm có mặt trên cuộc đời này, Nguyệt luôn yêu đời, lạc quan, sống tích cực với những ai từng tiếp xúc với em… Em đã sống cuộc đời lung linh, tỏa sáng dịu dàng như ánh trăng, như chính tên của em: Nguyệt…

 

Nguyễn Thị Phương Thảo (TGPSG)