Ngày càng có nhiều phụ huynh cam kết không cho con mình sử dụng điện thoại thông minh để tránh những tác động tiêu cực đến sức khỏe, tình trạng bắt nạt trực tuyến và cả những áp lực trên mạng xã hội.

 

Hai bà mẹ Công giáo ở bang Arkansas (Hoa Kỳ) đang kêu gọi các bậc phụ huynh “hãy để trẻ em được là trẻ em lâu hơn một chút” bằng cách không cho chúng sử dụng điện thoại thông minh cho đến khi chúng chuẩn bị bước vào trung học. Chương trình này được gọi là “Đợi đến lớp tám”, xuất hiện ở thành phố Kansas và bắt đầu lan rộng khi nhiều phụ huynh ngày càng thận trọng hơn trong việc cho phép trẻ ở giai đoạn đầu và giữa tuổi thiếu niên quá nhiều thời gian với màn hình điện thoại. Theo tin tức từ Tuần báo Arkansas Catholic, chi hội mới nhất của phong trào “Đợi đến lớp tám” được thành lập ở trường Our Lady of the Holy Souls, thành phố Little Rock [thuộc tiểu bang Arkansas] phần lớn nhờ vào công của hai người mẹ ba con là Tricia Wilson và Grace Squires. Hai người mẹ cho biết tất cả bắt đầu từ một cuộc trò chuyện mà trong đó họ nhớ lại những điều đơn giản họ đã từng trải qua khi còn nhỏ – đó là dành cả ngày ở bên ngoài để chơi cùng những đứa trẻ trong xóm mà không có sự xuất hiện của bất cứ thiết bị điện tử nào.

 

 

Giờ đây, phong trào của họ ngày càng phát triển và đã thu hút 250 phụ huynh cam kết không cho con mình sử dụng điện thoại thông minh cho đến khi chúng vào lớp tám; ngoài ra còn có sự tham gia của một số trường học Công giáo ở Arkansas, và ở các trường này, điện thoại thông minh bị cấm triệt để. Bà Squires cũng cho biết thêm rằng phong trào này không chỉ để nhìn thấy bọn trẻ tương tác với nhau thay vì điện thoại mà còn bảo vệ chúng khỏi tình huống phải đối phó với nạn bắt nạt trực tuyến và những áp lực của mạng xã hội. Squires nói: “Tôi muốn những điều tốt đẹp hơn cho các con tôi, đặc biệt là con gái tôi. Tôi biết một đứa con gái nhỏ phải chịu bao nhiêu áp lực để thích nghi và hòa hợp với nó, còn có thể bị cuốn vào nạn bắt nạt, hay thậm chí là việc thiếu khả năng giao tiếp cũng có thể theo đứa trẻ đến tận khi lớn lên. Khi còn học ở trường cấp ba, tôi từng là nạn nhân của việc bắt nạt, và tôi vẫn còn nhớ ở thời điểm đó tôi đã suy sụp như thế nào.”

 

Thị phi trong thế giới ảo

 

Báo cáo của dữ liệu từ Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia ước tính rằng có 20% ​​học sinh cấp hai đã từng bị bắt nạt trên mạng, điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Dữ liệu khác từ cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew năm 2018 cho thấy 45% thanh thiếu niên cảm thấy choáng ngợp trước những thị phi xảy ra trên mạng xã hội.

 

Một nghiên cứu năm 2018 của Common Sense Media có thể giải thích lý do tại sao rất nhiều trẻ em dường như dán mắt vào điện thoại, vì có 47% trẻ từ độ tuổi 8 đến 12 cảm thấy rằng khi có tin nhắn đến, chúng phải phản hồi ngay lập tức. Tuy nhiên, chính những đứa trẻ cũng nhận ra được vấn đề, vì có 54% em cho biết tình bạn của mình bị ảnh hưởng bởi sự có mặt của điện thoại. Cùng với việc gây bất lợi cho đời sống xã hội và sự phát triển của thanh thiếu niên, người ta cũng nhận thấy một số ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe liên quan đến việc sử dụng điện thoại thông minh trong thời gian dài.

 

Trẻ em sử dụng thiết bị điện tử mỗi ngày từ hai tiếng trở lên được cho là có nguy cơ mắc hội chứng mỏi mắt kỹ thuật số cao hơn, với các triệu chứng như đau đầu, mờ mắt và khô mắt. Ngoài ra, việc sử dụng điện thoại thông minh ngay trước giờ đi ngủ có thể làm cho trẻ mất nhiều thời gian hơn để chìm vào giấc ngủ, khiến chúng mất đi trung bình một giờ ngủ mỗi đêm.

 

Các nhà giáo dục cũng đã nhận thấy sự khác biệt khi học sinh của họ không sử dụng điện thoại thông minh. Phần lớn giáo viên (72%) cho biết khả năng tập trung và ghi nhớ bài học của học sinh giảm khi sử dụng điện thoại thông minh trong lớp. Điều này có thể thấy rõ qua điểm số các bài kiểm tra, khi học sinh sử dụng điện thoại thông minh có điểm trung bình thấp hơn 6 điểm so với những học sinh không sử dụng điện thoại thông minh. Steve Straessle, hiệu trưởng trường Trung học Công giáo ở Little Rock, bày tỏ quan điểm với tuần báo Arkansas Catholic rằng ban đầu, điện thoại thông minh có vẻ là một ý tưởng tuyệt vời đối với trẻ em vì nó mang lại cho chúng nguồn kiến ​​thức vô tận ngay trong tầm tay mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, trên thực tế, học sinh thích sử dụng điện thoại để giải trí hơn là học tập.

 

Straessle cũng cho biết thêm: “Bây giờ chúng ta đã thấy hậu quả của việc sử dụng điện thoại thông minh quá mức ở giới trẻ: thiếu ngủ, thiếu tương tác xã hội, bị phân tán sự tập trung và cả gây nghiện. Sự điều độ là chìa khóa trong hầu hết mọi việc. Đồng thời, việc nói với một đứa trẻ rằng chúng phải đợi cho đến khi chúng trưởng thành hơn mới được dùng điện thoại thông minh chỉ đơn giản là cách nuôi dạy con tốt”.

 

Nguồn: Aleteia 

Tác giả: J-P Mauro 

Chuyển ngữ: Thy Quyên | CTV Jescom – Truyền Thông Dòng Tên